,
221
961
Đời sống VHNT
vandekhac
/vanhoa/vandekhac/
571534
Vào Công ước Berne: Vẫn được xài "chùa" 10 năm?
1
Article
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
,

Vào Công ước Berne: Vẫn được xài 'chùa' 10 năm?

Cập nhật lúc 11:21, Thứ Sáu, 28/01/2005 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Mới chỉ đặt chân vào Việt Nam 3 tháng, thế nên quanh Công ước Berne vẫn còn nhiều chuyện để bàn...

Công ước Berne đã... lạc hậu

Soạn: AM 257849 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Đại diện Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) tại hội thảo. Ảnh: VT

Dù được sửa đổi liên tục theo sự phát triển chung của đời sống kinh tế xã hội các nước trên thế giới, song công ước quen thuộc nhất trong vấn đề tác quyền cũng đã bị tụt hậu trên một số lĩnh vực. Đó là thông tin được bà Geidy Lung, chuyên gia của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đưa ra tại hội thảo về vai trò quyền tác giả trong ngành công nghiệp xuất bản, diễn ra tại TP.HCM trong hai ngày 27 và 28/1/2005.

Chưa cần đến chuyên gia, ngay cả những ai quan tâm và đọc kỹ Công ước Berne cũng có thể nhận ra trong điều khoản Những tác phẩm được bảo hộ, công ước này đã bỏ sót một vài thể loại tác phẩm. Tiêu biểu nhất trong số này là các chương trình máy tính và các sản phẩm của công nghệ đa phương tiện. Như thế, danh sách liệt kê các loại tác phẩm "thuộc lĩnh vực văn chương, khoa học và nghệ thuật" trong Công ước Berne, đã không hoàn chỉnh.

TS. Vũ Mạnh Chu, Cục trưởng Cục bản quyền tác giả văn học nghệ thuật Việt Nam:

Tác phẩm của tôi cũng bị xâm hại trên internet.

Tình trạng xâm hại tác quyền tại Việt Nam trên lĩnh vực truyền thông đang diễn ra phức tạp. Thơ ca, truyện, nhạc... được đưa lên các website, báo điện tử mà không hỏi ý kiến tác giả và không trả nhuận bút khá nhiều, trong đó có bài... của tôi.

Đây không phải lỗi của những người soạn thảo công ước, mà chủ yếu là do nền công nghệ thông tin thế giới phát triển quá nhanh. Sự phát triển vũ bão này đã làm xuất hiện những hình thức sao chép mới, chính xác và nhanh hơn rất nhiều so với các phương tiện truyền thống. Tình trạng xâm phạm bản quyền trên mạng internet diễn ra ngày càng nhiều trên thế giới, riêng  ở Việt Nam, thậm chí có phần phức tạp hơn.

Bà Geidy Lung cho rằng: "Chúng ta cần có những hiệp định, những thỏa thuận, biện pháp mới để thích nghi với điều kiện hiện nay nhằm bảo hộ quyền tác giả hiệu quả hơn. Công tác này đứng trước thách thức mới thì hệ thống luật pháp cũng cần được cải tiến, phát triển để thích ứng với cái mới phát sinh". Dẫu sao cũng đã có Hiệp định TRIPS ký năm 1996 về các khía cạnh liên quan đến thương mại của Quyền sở hữu trí tuệ, đã bổ sung những khiếm khuyết của Berne.

Xây dựng được một hệ thống sở hữu trí tuệ đáp ứng tiêu chuẩn quy định trong TRIPS cũng là một trong những điều kiện đầu tiên để nước ta gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Tuy nhiên, theo ông Vũ Mạnh Chu, Cục trưởng Cục bản quyền tác giả văn học nghệ thuật, Nhà nước Việt Nam mới chỉ đang tiến hành các thủ tục để gia nhập Công ước Rome về bảo hộ người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm và tổ chức phát sóng.

Việt Nam hưởng ưu đãi đến năm 2014?

Bà Geidy Lung, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới:

Chúng tôi đang tìm cách tháo gỡ.

Tổ chức WIPO chưa bảo hộ quyền tác giả trên internet và chúng tôi vẫn đang tìm những biện pháp để thực thi. Công ước Berne sửa đổi lần gần đây nhất là vào năm 1971 nên chưa cập nhật được công tác bảo hộ trên lĩnh vực này. Lĩnh vực truyền hình cáp cũng không có trong Berne cũng như các công ước, hiệp ước khác. Tuy nhiên, theo tôi được biết, hệ thống luật pháp của các nước có đề cập vấn đề này, trong đó có Việt Nam. Nhưng việc bảo hộ ở nước này không hẳn sẽ được bảo hộ ở nước khác. Có lẽ, chúng ta cần có thêm những hội nghị để tìm ra giải pháp về những lĩnh vực mới này.

Việt Nam được hưởng một số ưu đãi mà Công ước Berne dành cho những nước đang phát triển, như miễn trừ về quyền dịch thuật và quyền làm bản sao đối với một số loại tác phẩm theo điều kiện cụ thể. Được ưu tiên hai quyền ngoại lệ, nhưng đồng thời chúng ta cũng phải chịu những ràng buộc như đơn vị nào xin thì chỉ duy nhất đơn vị đó được nhận ưu đãi, phải sử dụng bản chính thức, số lượng trong khung quy định, chỉ được phục vụ cho mục đích giáo dục đào tạo...

Ưu đãi này có giá trị trong vòng 10 năm tính từ lúc gia nhập Berne. Nhiều đơn vị hồ hởi với chi tiết trên nhưng một điều ngạc nhiên là kể từ lúc Công ước Berne có hiệu lực ở Việt Nam, gần như không có đơn vị nào sử dụng đến quyền ưu tiên này. Họ vẫn giao dịch, thỏa thuận tác quyền với các đối tác gần như là sòng phẳng và bằng vai phải lứa, nên giá bản quyền mua được vẫn cao ở mức từ 8% trở lên. Nếu so với mức giá Philipin đã mua là 3% mà chuyên gia WIPO đưa ra tại hội thảo thì rõ ràng các đơn vị Việt Nam cần phải học tập.

Soạn: AM 257847 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Bà Geidy Lung và chuyên gia Nhật tại hội thảo.

Dĩ nhiên giá mua bản quyền còn tùy theo điều kiện kinh tế xã hội của từng quốc gia. Mua bản quyền giá rẻ là điều ai cũng muốn song có khi lại làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường trên thị trường của tác phẩm đó. Thế nên, việc các nhà xuất bản của ta thường bị đại gia nước ngoài từ chối vì hợp đồng quá "cò con" diễn ra không ít. Đại diện Nhà xuất bản Trẻ, đơn vị sau 3 tháng gia nhập Công ước Berne đã mua được 11 đầu sách nước ngoài, tại hội thảo vẫn bày tỏ sự băn khoăn làm thế nào để có được hợp đồng mua bản quyền với giá ưu đãi.

"Mức phí 3% là rất rẻ nên các đơn vị trong nước cần phải đạt được và tận dụng. Chúng ta cần sử dụng tối đa những ưu đãi mà Công ước Berne dành cho chúng ta", ông Vũ Mạnh Chu khích lệ các đơn vị làm bản quyền. Ông Chu còn dẫn lời một chuyên gia nước ngoài rằng nếu đối tác gây khó dễ, các nhà xuất bản hãy lấy quyền ưu đãi ra... "dọa". Ngay cả bà Triena Noeline Ong, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất bản Singapore cũng đưa ra lời khuyên cho các đồng nghiệp Việt Nam: "Nếu các đối tác đưa ra mức giá cao và những điều kiện khó khăn, các bạn nên yêu cầu Nhà nước cấp cho quyền ưu đãi mà các nước đang phát triển có được".

Trung Quốc mới đây đã tuyên bố họ đã là nước phát triển, hiển nhiên sẽ rút khỏi danh sách những nước được ưu đãi. Nước ta đến 2014 mới hết thời hạn được ưu đãi, thậm chí đến thời điểm trên mà chúng ta vẫn còn trong hàng ngũ những nước đang phát triển, thì vẫn tiếp tục được ưu đãi. Với số lượng xuất phẩm không cao, mức giá 3% rẻ gần như là xài "chùa", tại sao chúng ta không tận dụng để có hàng loạt tác phẩm giá trị trong những 10 năm nữa?

  • Võ Tiến

,
,