(VietNamNet) - Hôm nay (1/12), hội thảo "80 năm phát hiện và nghiên cứu văn hóa Đông Sơn" tổ chức tại TP Thanh Hóa lại một lần nữa nhấn mạnh vào vấn đề chảy máu cổ vật...
|
Binh khí Đông Sơn - Các hiện vật trong trưng bày do Sở VHTT Thanh Hoá tổ chức nhân dịp Hội thảo. |
Tầm quan trọng của văn hóa Đông Sơn một lần nữa được giới khảo cổ học, những nhà nghiên cứu lịch sử ngồi lại với nhau để nhìn nhận đánh giá trong bối cảnh mới của nền học thuật nước nhà. Hội thảo mở ra một hướng lạc quan cho khảo cổ học Đông Sơn. Theo đó, một khu vực có tên là Hàm Rồng được đặc biệt chú ý: "Chúng tôi nghĩ khu vực Hàm Rồng vẫn còn nhiều ẩn số. Khảo cổ học cần tiến hành sâu hơn về điểm và mở rộng về diện để làm sáng tỏ hai thời kỳ “tiền Đông Sơn” và “hậu Đông Sơn”. Rất có thể hai thời kỳ này cùng diễn tiến trong một quá trình lịch sử lâu dài thông suốt tại khu vực cư trú hết sức lý tưởng này của người Việt cổ” - Ông Ngô Hoài Chung, GĐ Sở VHTT Thanh Hoá nhận định.
Các nhà nghiên cứu về văn hoá Đông Sơn, nhất là "dân" cổ ngoạn - những người trực tiếp tìm hiểu về nền văn hoá rực rỡ này trên các hiện vật - nhấn mạnh vấn đề chảy máu cổ vật. TS. Phạm Minh Huyền đưa ra con số trống đồng bà thống kê được trong suốt 16 năm qua: 151 chiếc, với bản đồ phân bố trải dài từ Bắc Bộ vào miền Trung, lên đến cao nguyên và vào tận Nam Bộ. Quả là con số đáng kinh ngạc! Ấy vậy mà, ông Đoàn Anh Tuấn - một nhà sưu tập cổ vật đang sở hữu rất nhiều hiện vật Đông Sơn - cho rằng: Thật ra, đây chỉ là con số... Nhà nước biết! Còn sự thật những vụ phát hiện trống đồng trong dân gian nhiều hơn gấp cả trăm lần.
Ông Đoàn Anh Tuấn kể, có lần ông biết có người đào được một trống đồng cỡ lớn, đường kính đến 105cm, nhưng “họ đòi giá đến trăm nghìn đô, tôi không mua được”. Những cổ vật như thế lưu lạc về đâu, khó mà biết, có điều chắc chắn là Nhà nước không biết mà mua. Giới thạo tin trong nghề cổ vật đoán chắc chúng đã bị bán ra nước ngoài. Ông Hồ Quang Sơn – phó chủ tịch Hội cổ vật Thanh Hoá - trăn trở: “Có khi Nhà nước ta đến lúc nào đó phải mua lại của nước ngoài những cổ vật Đông Sơn quý hiếm”.
Được biết, tới đây, giới sưu tập tư nhân, chủ trì là GS Hoàng Xuân Chinh và nhà sưu tập Đoàn Anh Tuấn sẽ mở một triển lãm về binh khí thời Đông Sơn.
|