,
221
961
Đời sống VHNT
vandekhac
/vanhoa/vandekhac/
547632
Ngôi sao và Những bản sao kệch cỡm
1
Article
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
,

Ngôi sao và Những bản sao kệch cỡm

Cập nhật lúc 09:39, Thứ Năm, 25/11/2004 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Giới trẻ TP.HCM xem khoảng 300 phim mỗi năm, khả năng họ bị nhiễm những cái dở từ phim ảnh là khó thể tránh khỏi!

1001 kiểu bắt chước!

Lượn một vòng ở những điểm vui chơi mua sắm mà giới trẻ thường lui tới, nhiều người bỗng thấy dường như mình gặp rất nhiều "người quen". Cảm giác đó không có gì là lạ, bởi ở những nơi này, nhiều người như được gặp lại những nhân vật từ trong phim ảnh bước ra đời. Nam thì trang phục hầm hố quần thụng áo bóng rổ, nữ thì váy ngắn cũn cỡn, hầu hết đều hoe hoe tóc vàng kèm với nhiều "phụ tùng" như vòng tay, vòng cổ, khoen tai, khoen mũi... đính khắp người. Họ đang "học hỏi" từ những gì thấy được qua phim ảnh đấy.

Soạn: AM 203437 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Kiểu cõng nhau thường thấy trên phim Hàn này, không chỉ giới trẻ mà các nhà làm phim Việt Nam cũng bắt chước.

Phim ảnh là một trong những lĩnh vực có sức ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến giới trẻ, từ cách ăn mặc đến kiểu đi đứng, từ ngôn ngữ đến lối giao tiếp, ứng xử. Trong tòa nhà Diamond Plaza tại TP.HCM những ngày cuối tuần, người ta có thể thấy ngay từ các cửa thang máy, từng tốp bạn trẻ đứng chờ một cách thiếu trật tự, nói to cười lớn, trên người mặc những bộ trang phục mà người lớn đi qua nhìn thấy phải cau mày. Họ đến đây để mua sắm, ăn uống, xem phim, chơi game... Hình ảnh những đôi bạn trẻ đi xem phim, trên tay cầm lon Pepsi hoặc Coca Cola và hộp bắp chiên bơ thường thấy trong phim Mỹ, cũng chính là cảnh tượng thường xuyên được thấy tại khu chiếu phim của tòa nhà này.

Một dạo giới trẻ TP.HCM lên cơn sốt với hàng loạt phim truyền hình dài tập Hàn Quốc chiếu trên khắp các đài truyền hình lớn nhỏ. Nhưng khác với các bà nội trợ chú tâm đến những mối tình ngang trái nhiều nước mắt, những căn bệnh hiểm nghèo, những cuộc chia ly trên phim, thì giới trẻ chủ yếu để ý xem ngôi sao này mặc gì, diễn viên kia đã đổi kiểu tóc ra sao. Phim mới chỉ chiếu được vài tập, ngoài đường đã thấy đầy những bản sao diễn viên Hàn!

GS. Phan An: Tôi có hai cô con gái, các con của tôi chỉ chú ý hai chương trình trên ti vi: chiếu phim (Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan...) và thời trang. Tôi không làm sao nhớ nổi một cái tên diễn viên Hàn Quốc nào vì nó vừa khó đọc, vừa dễ lẫn lộn. Trái lại, các con tôi rất rành tên tuổi và đời tư các diễn viên Hàn Quốc, Đài Loan... Về sau tôi mới biết các con tôi không chỉ xem ti vi mà còn đọc khá nhiều tạp chí viết về kịch nghệ, phim trường bán đầy các sạp báo. Câu chuyện bàn bạc giữa hai cô con gái tôi trong và sau khi xem phim là về các diễn viên xinh đẹp, về quần áo, mốt tóc, về các mối tình tay ba, tay tư gì đó...

Chuyện bắt chước đáng nhớ nhất của giới trẻ chính là kiểu bỏ áo trong quần chỉ ở phía trước, giống diễn viên Son Ji Chang trong bộ phim Cảm xúc gây xôn xao vài năm trước. Bộ phim này được chiếu tại Việt Nam khoảng năm 1997, thời kỳ bắt đầu đổ bộ của phim Hàn, khi ấy sinh viên nam của nhiều trường đại học tại TP.HCM đã đồng loạt "chơi" luôn mốt này, bất kể ngoại hình, chất liệu quần áo của mình như thế nào.

Thế nhưng, đáng kể nhất là mốt tóc nâu môi trầm mà nhiều người vẫn gọi chệch đi là tóc nâu môi... bầm. Không chỉ sinh viên mà nữ thanh niên, cả phụ nữ nói chung ở mọi miền đều rập khuôn theo mốt được các nữ minh tinh xứ củ sâm lăng xê này. Đến mức có cả một bài hát ăn theo xu thế thời trang đó và ca sĩ thể hiện nó còn được gọi luôn là ca sĩ tóc nâu môi trầm.

Gần đây nhất, sau khi cái bong bóng phim Hàn đã... xẹp dần, giới choai choai lại bắt đầu chuyển sang bắt chước các hình tượng diễn viên ở các dòng phim khác. Nhóm nhạc F4 của Đài Loan nổi tiếng khắp châu Á chính là "mục tiêu" mới của họ. Phim có các thành viên nhóm nhạc này tham gia diễn xuất chỉ vài bộ có mặt trên truyền hình ở Việt Nam nhưng cũng lây lan một cơn sốt không kém phần "khốc liệt". Tại các sạp báo, giới trẻ đổ xô mua các tờ báo có in bài, hình ảnh kèm poster "khổng lồ" của nhóm này. Các kiểu tóc của bốn chàng trai trong nhóm được các ông thợ cắt tóc nhớ như in vì ngày nào cũng có người đến yêu cầu cắt theo. Tuy không ồ ạt nhưng kiểu xe mà nhóm F4 quảng cáo trên truyền hình cũng rất được giới trẻ ưu ái...

Ngốn phim, ngốn cả thời trang!

Theo một đề tài nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu văn hóa & văn học thuộc Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ, khảo sát trên những đối tượng từ 11 đến 25 tuổi, có đến 99,1% tiếp cận với truyền hình hằng ngày. Các chương trình giải trí được giới trẻ đặc biệt quan tâm. Thế nhưng, trong thời buổi khoa học kỹ thuật phát triển, ngoài mặt tích cực, thông tin qua các phương tiện nghe nhìn cũng chính là một nguy cơ đối với giới trẻ. Thiếu sàng lọc, chọn lựa và không được định hướng, những người trẻ sẽ bị ngụp lặn hụt hơi trong bể thông tin nhiều chiều tốt xấu lẫn lộn.

Soạn: AM 203435 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Nhóm F4, "cơn sốt" một thời của giới trẻ.

Giới trẻ ngày nay được hưởng thụ những món giải trí ngon, phong phú hơn thế hệ trước rất nhiều. Chỉ một chiếc tivi, đầu đĩa hoặc máy tính nối mạng, họ có quá nhiều thứ để thưởng thức. Giới trẻ là giới xem phim nhiều nhất, có thông tin cho biết, mỗi năm giới trẻ TP.HCM "ngốn" một lượng phim khoảng 300 cuốn từ nhiều nguồn như ngoài rạp, mua hoặc thuê về nhà, trên truyền hình trong nước và từ các kênh truyền hình nước ngoài... Xem phim nhiều như thế, dù "đầu lọc" tốt đến đâu, chuyện bị nhiễm những cái hay lẫn cái dở từ phim là không tránh khỏi, không nhiều thì ít.

Cũng cần phải nói lại, chính giới trẻ, những người được trang bị khá đầy đủ kiến thức tổng quát, ngoại ngữ, không phải ai cũng bị phim ảnh nước ngoài tác động. Trên các diễn đàn của một số trang web, rất nhiều bạn trẻ đủ bản lĩnh trao đổi, thậm chí phê bình phim trong nước lẫn nước ngoài. Và không phải đến thời điểm này nhiều bạn trẻ mới bắt đầu thấy "ngán" phim Hàn mà họ đã nhận ra sự nhàm chán trong môtíp của dòng phim này từ lâu.

Không chỉ có phim ảnh, tác động xấu còn đến từ các lĩnh vực khác như ca nhạc, thời trang, lối giao tiếp của người nước ngoài. Vấn đề này sẽ được đề cập trong một hội thảo diễn ra hôm nay, 25/11, tại TP.HCM. Những giải pháp để giúp giới trẻ hạn chế mức thấp nhất việc bị phim ảnh (cùng nhiều lĩnh vực khác) tác động, cũng sẽ được đề xuất. Phim ảnh Hàn Quốc ảnh hưởng giới trẻ Việt Nam nhưng ở bản quốc, họ đang có kế hoạch đẩy lùi cuộc xâm lăng của điện ảnh phương Tây, chủ yếu là Hollywood, khỏi màn bạc nước mình. Khi đã có dấu hiệu những ảnh hưởng tiêu cực từ phim ảnh nước ngoài vào lối sống, trang phục, giao tiếp... của giới trẻ Việt Nam, thì một hay nhiều lời cảnh báo không phải là thừa.

  • Võ Tiến

,
,