Lễ hội Oc-om-bok sẽ dời ngày?
Mỗi năm, người Khmer ở Ðồng bằng sông Cửu Long có hàng chục lễ nghi. Trong đó, có 3 lễ truyền thống lớn nhất của dân tộc: Lễ mừng năm mới, mừng tuổi (chol chnam thmay) lễ cúng ông bà (đon ta), lễ cúng trăng Oc-om-bok.
Lễ hội Oc-om-bok có ý nghĩa tạ ơn Thần Mặt Trăng và cầu mong điều lành, may mắn, cầu mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, nhà nhà ấm no hạnh phúc. Nghi lễ được thực hiện tại sân nhà hoặc sân chùa cùng với các hoạt động văn hoá dân gian khác như Lễ cúng trăng, thả đèn nước, đua ghe ngo... Năm 2001, lễ hội Oc-om-bok và đua ghe ngo của tỉnh Sóc Trăng đã được Tổng cục Du lịch công nhận là 1 trong 15 lễ hội cấp quốc gia.
Theo phong tục của người Khơmer, tiếp theo đêm lễ cúng trăng là hội đua ghe Ngo diễn ra vào sáng hôm sau. Đây là một hội tưng bừng náo nhiệt nhất, được chuẩn bị khá công phu, một sinh hoạt văn hóa, thể thao có sức thu hút hàng chục vạn người tham gia. Không chỉ có đồng bào Khơmer, đông đảo người Việt, người Hoa cũng hưởng ứng nồng nhiệt. Ghe ngo, tiếng Khơmer là "Tuk Ngo", một loại thuyền độc mộc khoét bằng thân cây gỗ tốt, ra đời từ nhiều thế kỷ trước và là loại ghe đua đặc trưng của người Khmer.
Hiện nay, Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng đã chuẩn bị chu tất để lễ hội Oc-om-bok có thể bắt đầu từ ngày mai, 25/11/2004. Một số ghe đã tập trung để chuẩn bị cuộc tranh tài vào lúc 12h trưa ngày 26/11/2004 (15/10 âm lịch). BTC cho biết: Số ghe đăng ký đua năm nay lên đến 8 ghe nữ và 34 ghe nam, mỗi ghe có từ 80 đến 100 vận động viên. Tại Sở TDTT tỉnh Sóc Trăng, các môn thi bóng đá, bóng chuyền, bi sắt... đang diễn ra náo nhiệt.
Do ảnh hưởng của cơn bão số 4 đang di chuyển về hướng Nam bộ và có nhiều biểu hiện phức tạp, Ban chỉ đạo phòng chống lũ lụt đã làm việc với BTC lễ hội Oc-om-bok và dự đoán tối nay có khả năng bão sẽ quét qua Sóc Trăng. Chiều nay, BTC vẫn tiến hành bốc thăm cho cuộc đua ghe ngo diễn ra vào sáng mai và chuẩn bị phương án dời ngày nếu có bão.
-
Thanh Chung