'Nên chấm dứt khảo cổ kiểu... ăn theo'
(VietNamNet) - Chưa cần đến phát lộ của khu Hoàng thành, những nhà chuyên môn đều có thể đoán định một di chỉ rộng lớn nằm trong lòng đất Hà Nội, không chỉ trong khu vực Hoàng thành. Nhưng cho đến nay, thành phố Hà Nội chưa bao giờ xây dựng một quy hoạch tổng thể về khảo cổ học để tổ chức chương trình khai quật chủ động theo kế hoạch. Những phát hiện trong vòng vài thập kỷ gần đây chủ yếu là để "chữa cháy" và "ăn theo" các công trình xây dựng...Đây là những ý kiến của nhà sử học Dương Trung Quốc trong bài viết dành riêng cho VietNamNet có nhan đề: Cần sớm quy hoạch khảo cổ học Hà Nội, xin gửi tới bạn đọc...
Việc UBNDTP Hà Nội sau khi bàn thảo với các nhà khảo cổ vừa đưa ra giải pháp cho công trình đào lắp đường ống dưới lòng đường Nguyễn Tri Phương bằng cách nâng bình độ các ống bê tông lên mức không xâm hại vào các tầng văn hóa có dấu tích Hoàng thành xưa là một giải pháp "bất đắc dĩ" với cả cơ quan xây dựng lẫn ngành bảo tồn để kịp thời thi công một công trình hạ tầng của thành phố đã triển khai dở dang.
Dẫu sao thì đó cũng lại là một giải pháp tình thế mà chắc chắn chất lượng công trình sẽ không được như thiết kế ban đầu. Đó là chưa kể sự ồn ào của công luận không thể không làm thương tổn đến các nhà quản lí có liên quan. Hoàn toàn có thể tránh được những sự cố đó nếu ta dần từ bỏ tập tính "tuỳ cơ ứng biến" dẫn đến một thói quen tư duy và giải pháp tình thế.
Chưa cần đến phát lộ của khu Hoàng thành, những nhà chuyên môn đều có thể đoán định một di chỉ rộng lớn nằm trong lòng đất Hà Nội, không chỉ trong khu vực Hoàng thành. Nhưng cho đến nay, thành phố Hà Nội chưa bao giờ xây dựng một quy hoạch tổng thể về khảo cổ học để tổ chức chương trình khai quật chủ động theo kế hoạch. Những phát hiện trong vòng vài thập kỷ gần đây chủ yếu là để "chữa cháy" và "ăn theo" các công trình xây dựng. Phải khai quật khảo cổ là ảnh hưởng đến tiến độ thi công, điều đó khiến các chủ công trình rất ngại và thường tìm cách "ỉm" đi khi có dấu hiệu cổ vật, và nhiều người tìm cách "tư nhân hóa" cổ vật là êm nhất, lợi mọi nhẽ. Thị trường cổ vật có rất nhiều hiện vật tương tự, thâm chí còn đẹp hơn, hiếm hơn các hiện vật trong di tích là thông điệp cho thấy mật độ cao hiện vật trong các di chỉ đã bị phá hoại và thất thoát ghê gớm thế nào trong quá trình đô thị hóa ngoài tầm kiểm soát của nhà nước, cũng là ngoài sự giám sát của khảo cổ học.
(VietNamNet) - "Độ sâu tối đa cho phép đào xới đường Nguyễn Tri Phương (HN) chỉ là 1,1m. Việc khảo cổ sẽ không tiến hành nữa"- Quyết định cuối của UBNDTP.HN
Nay đã có Luật Di sản, lại có tấm gương của các cơ quan lãnh đạo cao nhất nước quan tâm đến việc bảo tồn thể hiện trong ứng xử đối với di chỉ Hoàng thành vừa qua, lại có dư luận rộng rãi của nhân dân hưởng ứng và tham gia giám sát, những việc làm bất chấp luật pháp càng ngày càng khó lọt mắt dân. Do vậy, sự hợp tác giữa các nhà quản lí xây dựng và các nhà khảo cổ học chủ động tiến hành quy hoạch khảo cổ học trên địa bàn Hà Nội là việc cần làm ngay và cũng là giải pháp lâu dài, tối ưu. Sự hợp tác và kết quả quy hoạch ấy sẽ đảm bảo cho Thủ đô chủ động phát triển hài hoà và có hiệu quả. Các nhà quản lí tuy có phải bỏ ra kinh phí nhưng cái lãi thu về đoán chắc là sẽ lớn hơn rất nhiều... Và đương nhiên Thủ đô Hà Nội sẽ đẹp hơn rất nhiều nếu có sự hài hòa giữa những giá trị Xưa và Nay.
Sẽ không khai quật thám sát đường Nguyễn Tri Phương!
Ngay sau khi VietNamNet đăng tải thông tin về việc mở rộng đường Nguyễn Tri Phương làm xâm hại tới di tích Tử Cấm Thành Hà Nội chúng tôi đã nhận được rất nhiều thư của bạn đọc từ khắp nơi gửi về bày tỏ ý kiến cần phải tôn trọng và có ý thức giữ gìn di sản văn hoá cho con cháu muôn đời sau. Có thể những ý kiến này mang đậm tính chủ quan nhưng ý thức bảo tồn giá trị văn hoá dân tộc thì không thể phủ nhận nhất là khi chúng ta đang hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long văn hiến. Để rộng đường dư luận và đảm bảo tính khách quan của thông tin, chúng tôi xin trích đăng một phần ý kiến của bạn đọc...
duongqttb@yahoo.com: Theo tôi, nguyên nhân chính là do cách quản lý chưa thống nhất giữa các bộ ngành có liên quan. Sở Giao thông công chính Hà Nội ( GTCC) khi nhận được kế hoạch thi công thì đương nhiên họ phải tiến hành công việc của mình. Tôi nghĩ Sở GTCC chắc không có bộ phận đào thám sát vì đây là công việc của ngành khảo cổ học. Lỗi không đào thám sát trước khi xây dựng thuộc về Hội khảo cổ học Việt Nam. Tại sao họ không lên tiếng khi kế hoạch mở rộng đường Nguyễn Tri Phương mà phải chờ đến khi Sở GTCC đào được các di vật mới làm to chuyện?
minhcanhvip6k@yahoo.com: Tôi có ý kiến như sau: Về cả hai phía sở GTCC Hà Nội và UBND Hà Nội khi phân tích ra thì thấy rõ: Họ không làm đúng trình tự cần thiết. Cá nhân tôi thấy những vị cán bộ ở 2 cơ quan này thiếu tinh thần yêu nước, bảo vệ tài sản quốc gia...
hoangloidn@dng.vnn.vn: Xin các quý ngài nhớ lại một điều đã cũ: Tất cả những gì thuộc về lịch sử của dân tộc đều phải được trân trọng, gìn giữ. Không nên đào bới di tích nữa...
tuannqhnpc@yahoo.com: Tôi nghĩ với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới việc giữ gìn, kiến tạo lại những di sản văn hoá của ông cha để lại là điều cần thiết. Nó phản ánh về trình độ hiểu biết, dân trí và tình yêu đất nước nữa. Cần phải ngưng ngay việc đào bới Cấm thành lại...
nguyenxuanson@noos.fr: Tôi nghĩ, một đất nước tự hào về văn hoá lâu đời như Việt Nam, do trải qua thăng trầm lịch sử và chiến tranh nên số lượng di tích vật chất còn lại không nhiều và do đó mỗi di tích tìm được đều vô cùng quý giá và cần được đối xử với một sự cẩn trọng. Mong rằng tiếng nói của tập thể bạn đọc cùng với các nhà sử học sẽ có tác động lên những người có trách nhiệm.
Thanhson132003@yahoo,com: Tôi không hiểu các vị của Sở GTCC cũng như các nhà quản lý có phải là những người tôn trọng đạo học, đạo hiếu nữa không? Chúng ta chưa có công nghiệp ô tô, chưa sản xuất được máy bay, chưa làm được tàu vũ trụ nhưng con cháu chúng ta sẽ làm được. Nhưng những di sản, hiện vật của lịch sử mà chúng ta đang đào bới thì không thể nào lấy lại được nữa! Hãy làm một cái gì đó thiết thực để cứu lấy di sản trước khi quá muộn!
hoangbathao@yahoo.com: Tôi thực sự bất bình trước việc đào bới di tích của Sở GTCC Hà Nội, đành rằng việc mở rộng đường Nguyễn Tri Phương này sẽ có ích lợi nào đó nhưng không thể vì lợi ích trước mắt như vậy mà bỏ qua giá trị từ ngàn đời do ông cha để lại.
emwonk@yahoo.com: Đề nghị các nhà sử học vẽ.... lịch sử ra trên giấy để chúng em công nhận và tự hào là được rồi, khỏi đụng chạm đến ai nữa. Xin các nhà thơ làm một bài ai điếu Hoàng Thành nữa là đủ!
caobangvn@yahoo.com: Chả nhẽ không có biên pháp gì để bảo vệ di tích nữa hay sao? Đề nghị mọi người, đặc biệt là các nhà khoa học hãy cùng hiến kế bảo vệ di sản này
trungthanhh@yahoo.com: Những công trình xây dựng trong phạm vi di tích dù đã được cấp phép cũng vẫn phải tuân thủ trình tự đào thám sát để xác định mức độ quan trọng, quý hiếm hoặc thu giữ hiện vật khảo cổ sau đó mới được thi công xây dựng. Tại sao Sở GTCC không hỏi ý kiến các nhà khoa học nhỉ? Về di sản văn hoá làm sao các vị ấy hiểu được bằng các nhà khoa học!!!
thanhtoecdcc@yahoo.com: Luật di sản Văn hoá, điều 32 đã ghi rõ: Việc xây dựng các công trình ở khu vực bảo vệ, đối với di tích quốc gia phải có sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin. Vậy không rõ là dự án cải tạo đường Nguyễn Tri Phương đã được Bộ Văn hoá Thông tin thông qua và xét duyệt chưa?! Nếu chưa được xét duyệt thì việc làm của sở Giao thông Công chính Hà Nội là trái quy định. Tuy nhiên cũng có một khả năng thứ 2 là khu vực bảo vệ bao gồm khu vực bảo vệ I là yếu tố cấu thành di tích và II là vùng bao quanh khu vực bảo vệ I của di tích thành Thăng Long chưa được xác định rõ ràng. Nếu là khả năng này thì có phần trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn đã chậm trễ trong việc tư vấn và xác định rõ ràng các khu vực bảo vệ để trình duyệt Thủ tướng quyết định (vì đây là di tích cấp Quốc gia). Hy vọng là các nhà chuyên môn và quản lý cùng hợp tác để giải quyết vụ việc sớm nhất.
P.Anh - Ba Vì ( Hà Tây): Kính thưa các bậc lãnh đạo, thưa các cơ quan chức năng, vừa rồi tôi có được đọc bài báo nói về việc nhà nước mở rộng đường Nguyễn Tri Phương, con đường có khả năng ẩn chứa nhiều di tích của cha ông, tôi không khỏi tiếc nuối trước những hiện vật có khả năng sẽ bị mất đem theo cả lịch sử của nó. Là một người dân Việt Nam, tôi hết sức tự hào về lịch sử ngàn năm của dân tộc, khi có cơ hội được chứng kiến những di tích còn lại của cha ông. Tôi rất thán phục trước tài nghệ của những người đi trước đã tạo dựng nên những tác phẩm, những công trình độc đáo, mang đậm nét văn hoá của người việt. Mặc dù số hiện vật mà tôi được chiêm ngưỡng chưa phải là nhiều nhưng những nét tinh hoa của nó thể hiện rất nhiều điều mà ai cũng có thể biết. Được biết khu vực khai quật và những hiện vật khai quật được chỉ là một phần trong tổng khu di tích thành cổ, tôi ước gì được chiêm ngưỡng hết thảy những công trình kiến trúc và những hiện vật đó. Tôi thiết nghĩ việc phát lộ khu di tích và tiếp tục khai quật để làm lộ ra quy mô, kiến trúc kinh thành là một chứng tích vô giá trong bài học giáo dục tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho thế hệ mai sau đồng thời cũng là một chứng tích vô giá cho lịch sử Việt Nam và nhân loại. Vì vậy tôi góp ý kiến của mình mong các cơ quan chức năng, các nhà khoa học và nhưng người liên quan làm những việc liên quan để dừng việc đào bới khu vực thành cổ, thay vì đó là việc tiếp tục khai quật để tìm ra nhiều hơn nữa những thông điệp mà người xưa gửi gắm.
thanhdnn@yahoo.com: Tôi phản đối việc xây dựng bất kỳ một công trình mới nào tại khu vực trên khi chưa có ý kiến của các nhà khoa học. Hà Nội của chúng ta với bề dầy 1000 năm văn hiến sẽ ra sao khi để mất đi những di tích có giá trị lịch sử như vậy? Hà Nội đang thiếu những con đường để lưu thông, nhưng không có nghĩa là làm bừa làm ẩu như vậy.
-
VietNamNet