Người "dám" sửa 687 câu Kiều!
10:50' 13/11/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Ngày thứ nhất Hội thảo quốc tế về chữ Nôm (12/11) sôi nổi hẳn lên với một bản tham luận "sửa Kiều", dẫn ra 21 trường hợp bản Kiều quốc ngữ của học giả Đào Duy Anh là sai. Nhưng không chỉ dừng ở đó, tác giả của những hiệu chỉnh này, ông Nguyễn Khắc Bảo tuyên bố "xanh rờn": Đấy mới chỉ là con số đưa ra để chào thế kỷ 21 thôi(!). Trong thời gian 1 tháng nữa, ông sẽ cho ra mắt một bản Kiều mới, trong đó đính chính lại 687 chỗ mà theo ông là sai trong bản Kiều của Đào Duy Anh.

Ông Nguyễn Khắc Bảo, người hiện sở hữu nhiều bản Kiều Nôm cổ nhất (Ảnh: Đ.D.H)

Nhiều thế hệ đã quen với bản Kiều bằng quốc ngữ do Đào Duy Anh phiên âm hẳn sẽ không dễ tiếp nhận ngay sự thay đổi này. Cái cảm giác bao năm nay đọc một câu nhẹ bẫng về thanh điệu "Lạ gì bỉ sắc tư phong", nay lại phải đổi thành nặng chịch "Lạ gì bỉ sắc thử phong"... ắt sẽ còn khiến nhiều người khó chịu và bực bội muốn mắng cái "tay" nào lại dám phá rối cụ Nguyễn Du! Nhưng thầy lang Nguyễn Khắc Bảo (ông tự nhấn mạnh rằng mình chỉ là một thầy thuốc ở vùng quê Bắc Ninh, chứ chẳng phải giáo sư, tiến sỹ gì cho cam!) khăng khăng đoan chắc với chúng tôi: Ông làm điều đó chỉ vì lòng yêu cụ Nguyễn Du và hành trình tìm nguyên tác cho Truyện Kiều.

Trong cuộc trò chuyện ngắn với VietNamNet, ông đã đưa ra nhiều luận cứ cụ thể nhằm khẳng định quan điểm của mình là hoàn toàn đúng đắn.

Tôi không dám lấy một chữ nào ở trong đầu tôi ra cả!

- Nếu ông cho rằng bản của Đào Duy Anh dùng để phiên âm không phải là bản sát nguyên bản nhất thì cũng khó mà chứng minh được: Bản Kiều mà ông có trong tay có phải là bản sát hơn hay không. Vậy ông có sợ việc "sửa" ấy là cảm tính?

- Tôi không dám lấy một câu nào ở trong đầu tôi ra cả. Tất cả câu chữ đều phải dựa vào 41 bản Kiểu Nôm cổ tôi hiện có. Nghĩa là mỗi khi, bằng kiến thức và cảm nhận của mình, tôi thấy một chữ trong bản nào đó không thích hợp, tôi sẽ lục tìm trong 40 bản còn lại để xem xét và lựa chọn xem có chữ nào hợp lý hơn không để thế vào vị trí đó. Tôi đâu có nghĩ ra chữ đó. Trong cuốn Truyện Kiều phiên âm từ bản Kiều Nôm 1866 mới được tìm thấy (NXB Nghệ An. 2004), tất cả những chữ nào tôi phiên ra mà khác với bản gốc Nôm 1866, tôi đều phải chỉ ra ngay trong chú thích, cụ thể là tôi lấy chữ ấy ở trong bản Nôm nào.

Một phần di cảo của thi hào Nguyễn Du đã lưu lạc, trong đó có Truyện Kiều. Nhưng tác phẩm vẫn tiếp tục sống, bằng truyền miệng, và nhất là nhờ các vị túc nho đã dày công chép ra. Nhưng các vị này lại có cái thông bệnh của nhà văn xưa nay, cậy mình là những nhà học rộng nhớ nhiều, nhân khi viết múa bút trongmột lúc, nhỡ không kịp kiểm lại, nên Truyện Kiều ngày càng sai lạc. Ngay cả số câu Kiều mỗi bản Nôm chép tay cũng khác nhau, thừa hoặc thiếu hàng chục đến cả trăm câu. Theo đánh giá của nhiều học giả, sai lạc nặng nề nhất là ở bản Kiều Oánh Mậu in năm 1902. Bản Truyện Kiều quốc ngữ được truyền bá thông dụng nhất hiện nay do học giả Đào Duy Anh biên soạn năm 1979 hiện cũng bị cho là có nhiều câu thơ bị sửa thành ngôn ngữhiện đại, tuy dễ hiểu và quen tai nhưng lại bỏ đi mất nhiều từ ngữ cổ sâu sắc của ngôn ngữ cuối thế kỷ 18.

Nhiều năm qua, rộ lên cuộc "sửa Kiều" của nhiều nhà nghiên cứu, tiêu biểu có GS. Hoàng Xuân Hãn, GS.TS Nguyễn Tài Cẩn, PGS.TS Đào Thái Tôn, Nguyễn Quảng Tuân, Nguyễn Khắc Bảo... Nguyễn Khắc Bảo vẫn giữ nguyên danh hiệu là người sở hữu nhiều bản Kiều Nôm nhất và đến thời điểm này, ông đã nâng con số bản lên tới 41. 

3 bản Kiều Nôm cổ nhất được tìm thấy tính cho đến thời điểm này là: bản 1866, 1870 và 1871.

- Bây giờ nếu duyên trời cho tìm được nguyên tác chép tay của cụ Nguyễn Du nhưng khi đọc lại thấy nó không hay bằng các "truyện Kiều đương đại", ông sẽ thấy sao?

- Nguyên tác là vàng, những cái sau dù được cho là hay hơn nhưng cũng chỉ là quặng! Vậy quan niệm của tôi là cứ khôi phục những chữ này. Có thể ban đầu nghe chưa xuôi, chưa quen, chưa lọt lỗ tai, nhưng thâm trầm ngẫm nghĩ ra thì thấy rất đúng và phải chấp nhận nó là của cụ Nguyễn Du!

Nguyễn Khắc Bảo đã trả lại cho Nguyễn Du những chữ gì?

"Bản Đào Duy Anh 1979 chép: Quản chi lên thác xuống ghềnh/Cũng toan sống thác với tình cho xong (câu 1951, 52). Nhưng theo ông tôi, câu đó phải là Quản chi trên các dưới duềnh. Theo ông, câu này dựa theo 2 điển tích hai nhà thơ đời Sở, Hán là Dương Hùng đâm đầu từ trên lầu gác xuống mà chết, Khuất Nguyên nhảy xuống sông Mịch La tự vẫn. Các nhà khảo cứu hiện đại có lẽ đã bỏ qua tích này, và đều theo Kiều Oánh Mậu chữa thành lên thác xuống ghềnh. Mới đọc tưởng có vẻ hợp với anh lái buôn Thúc Sinh, nhưng lại không đúng cốt truyện và không thể hiện được vốn kiến thức uyên thâm của tác giả.

Lại có câu lâu nay được quen đọc là Vực ngay lên ngựa tức thì tả cảnh bọn Khuyển Ưng nhận lệnh Hoạn Thư đánh thuốc mê cô Kiều rồi xốc lên ngựa bắt về. Theo tôi phải thay từ vực bằng từ đẩy mới lột tả được bản chất độc ác của bọn Khuyển Ưng chứ. Còn nếu bọn chúng chỉ vực ngay lên ngựa, sau này lại vực xuống dưới thuyền, rồi lại vực xuống môn phòng, thì hoá ra bọn này tử tế quá hay sao?! Chẳng lẽ kho từ ngữ của thi hào hạn hẹp đến nỗi trước sau chỉ dùng mỗi động từ vực vậy?! Lỗi này ở các nhà biên khảo đời sau!

Còn nữa, theo tôi phải chép là Đôi ta chút nghĩa đèo bồng thay cho ...đèo bòng mới đúng. Cái quan hệ tạm bợ, bèo trôi nổi, cỏ bồng bay theo gió mới đúng là quan hệ trăng gió giữa Thúc Sinh và Thuý Kiều. Chính vì thế, Thuý Kiều mới xui anh chàng hèn Thúc Sinh "nói sòng cho minh" để Hoạn Thư bớt ghen, may ra cho mình được an phận chứ... Có hàng trăm trường hợp phải sửa lại như thế này".

Gần 650 câu chỉnh lý lần đầu công bố...

"Tôi đã phiên âm bản Thịnh Mỹ Đường 1879 và có nhặt ở 40 bản Nôm còn lại của tôi các câu chữ mà tôi nhận thấy không chuẩn ở bản 1879 này để thay thế. Mọi công việc chuẩn bị cho in ấn đã hoàn tất và 1 tháng nữa, bản phiên âm Thịnh Mỹ Đường 1879 của tôi có thể ra mắt (NXB Văn hoá Dân tộc).

Lâu nay, tôi mới chỉ công bố rải rác khoảng 40 chỉnh sửa theo chứng lý của tôi. Còn lần này là một tập hợp tôi rất tâm đắc. Ví dụ câu tả cảnh Thuý Kiều xin Sở Khanh cứu nàng ra khỏi lầu xanh của Tú Bà, các bản chép là Lặng(/lắng) nghe (/ngồi) tủm tỉm (/lẩm nhẩm/lẩm ngẩm...) gật đầu với tổng cộng khoảng 11 dị bản. Tôi bắt đầu "đánh tỉa" từng câu một. Thứ nhất, lắng nghe là không ổn.

Thằng Sở Khanh là thằng đểu, nó không bao giờ lắng nghe nàng Kiều cả; theo tôi lặng ngồi là chấp nhận được. Hai chữ cuối, 100% các bản phiên là gật đầu, theo tôi không đúng. Có câu cũng dùng chữ tương tự là câu của Từ Hải khi nghe Thuý Kiều nói: Nghe lời vừa ý gật đầu, cho thấy lòng nhân hậu và yêu thương củaTừ Hải, nhưng Sở Khanh thì khó mà có cử chỉ như thế lắm. Trong các bản Nôm, 2 động từ chỉ động tác của đầu ở hai câu được viết khác nhau. Động từ ấy trong câu tả Sở Khanh gồm chữ sơn ở trên, chữ t ở dưới, chữ t này để tạo thành âm có vần ất, ấc (biểu thanh); còn chữ sơnnúi, nghĩa là cao, thì không hợp với biểu ý là gật đầu.Tôi tìm trong từ điển thấy từ ngấc đầu, là một từ rất cổ, và tôi tự tin là tôi phát hiện ra đúng từ hợp lý nhất ở văn cảnh này. Bây giờ mới nói đến 2 chữ ở giữa. Ông Trương Vĩnh Ký phiên là thấm ngẩm, có người thì phiên là lẩm bẩm, người thì lẩm rẩm. Trong nguyên truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, Sở Khanh đồng ý giúp nàng Kiều đi trốn, nhưng đòi nàng phải mây mưa với hắn.Vậy thì chữ tủm tỉm là phù hợp với tâm trạng của Sở Khanh khi biết mình sắp được sở hữu tấm thân nàng Kiều.

- Những người quan tâm đến Kiều sẽ không để ông yên đâu. Một chữ mà còn cãi nhau mấy năm trời, huống hồ là những 650 chữ! Sẽ lại mở màn cho một cuộc chiến của những nhà nho mắc bệnh "thôi xao"! 

- Đại khái việc này cũng đơn giản như việc làm của người đầu bếp ấy. Tôi dọn lên thế này, các vị cứ ăn đi. Nếu các vị khen món nào được thì khen, còn chê cái gì mà chê dữ dội thì tôi sẽ xin trình bày kiến giải của mình. Cuốn sách sắp ra mới chỉ công bố văn bản thôi, còn sau đó tôi sẽ in một cuốn khác kèm chú giải tại sao tôi chỉnh lý như vậy.

Truyện Kiều ra đời khi nào?

Soạn: AM 194205 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Một trang của bản Kiều Nôm in năm 1866, bản được coi là cổ nhất được tìm thấy đến thời điểm này

- Từ xưa đến nay, hai bậc lão làng trong giới nghiên cứu là ông Hoàng Xuân Hãn và Đào Duy Anh đều cho rằng: Truyện Kiều được Nguyễn Du viết vào thời Gia Long. Cụ Đào Duy Anh bảo truyện Kiều được viết sau khi Nguyễn Du ra làm quan Đông Các, tức là sau năm 1809. Còn cụ Hoàng Xuân Hãn bảo truyện Kiều phải được viết sau khi Nguyễn Du đi sứ Trung Quốc về. Còn kiến giải của ông?

- Các cụ đã nhầm. Tôi khẳng định Nguyễn Du viết Truyện Kiều trước khi Gia Long lên ngôi. Tôi có hai chứng lý. Một là chữ huý. Trong bản Kiều Nôm in năm 1879 chép câu So vào với thiếp Lan Đình nào thua. Lan là tên mẹ cả của vua Gia Long. Bản này cũng dùng chữ chủng để ghi âm Giống là tên hồi nhỏ của nhà vua. Các bản in sau năm 1879 đều ghi là thiếp Hương Đình, chữa chữ Lan đi, nghĩa là vì sợ phạm huý nên mới chữa, do đó bản gốc của những bản này ắt phải sau năm 1802. 

Căn cứ thứ hai là điều 225 Luật Gia Long. Theo đó những ai viết những câu "yêu thơ yêu ngôn" sẽ bị chu di 3 họ. Cụ Nguyễn Du dám viết là Dọc ngang nào biết trên đầu có ai, hoặc Tấn Dương được thấy mây rồng có phen, ca ngợi kẻ cướp ngôi, hoặc Gồm hai văn võ rạch đôi sơn hà, trong hoàn cảnh Gia Long vừa thống nhất đất nước sau mấy trăm năm chia cắt, thì dễ mà bị chu di lắm.

Đến cuối đời, cụ Hoàng Xuân Hãn đã đính chính. Cụ nói: tôi cũng tin là truyện Kiều viết vào thời Tây Sơn", nhưng cụ chỉ nói thế mà không chứng minh. Tôi có thể tự tin mà nói rằng tôi là người đầu tiên tìm ra chứng lý để khẳng định Truyện Kiều phải được viết vào thời Tây Sơn.

- Cảm ơn ông và chúc ông thành công trong hành trình đến với nguyên tác Truyện Kiều!

  • Doãn Diễm 
Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
TIN LIÊN QUAN:
1000 năm di sản chữ Nôm
Đừng bỏ quên 1000 năm Tiếng Việt trong kho chữ Nôm!
Hội thảo quốc tế về chữ Nôm
CÁC TIN KHÁC:
Chùm ảnh đầu tiên về cuộc thi Hoa hậu TG 2004 (12/11/2004)
Khán giả Việt Nam quá dễ cười? (12/11/2004)
Ra mắt cây Lạc cầm độc đáo thứ 16 (11/11/2004)
Đừng bỏ quên 1000 năm Tiếng Việt trong kho chữ Nôm! (11/11/2004)
1000 năm di sản chữ Nôm (11/11/2004)
Thông tin đầu tiên về cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2004 (11/11/2004)
100 triệu USD cho lời đề nghị khiếm nhã? (11/11/2004)
Chiến thắng thuộc về Hồ Trần Dạ Thảo và Hoàng Xuân Sơn (11/11/2004)
Sang năm Nguyễn Thị Huyền mới thi Hoa hậu thế giới (10/11/2004)
Ảnh đẹp nhưng chưa có tính đột phá! (10/11/2004)
Ngọc Yến dự thi Top Model of the World 2004 (10/11/2004)
Hoa hậu của những chàng trai thay đổi giới tính (09/11/2004)
Ai chuyển Bà Đen từ Tây Ninh về sài Gòn? (09/11/2004)
Các hoạt động văn hóa chào mừng ngày Nhà giáo VN (09/11/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang