Ai chuyển Bà Đen từ Tây Ninh về sài Gòn?
(VietNamNet) - "Đi vía Bà quá xa (Tây Ninh), bà con có thể đi viếng ngay tại Sài Gòn, cũng linh thiêng như 'Bà' trên núi"- đây là lời đồn và quảng cáo cho Bà Đen ở... Sài Gòn.
Trước nhu cầu của khách thập phương muốn Lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu để xả sui nhưng không có điều kiện lên tận Bà trên núi Bà Đen (Tây Ninh) nên một số đình, chùa và miếu tại TPHCM đã mang Bà về thờ cúng cho tiện lợi!. Cách đây 2 năm, trong một chuyến kẹt xe nóng bức giữa mùa lễ hội vía Bà, chúng tôi được anh lơ xe tiếp thị về "văn phòng" của Bà Đen ở Sài Gòn. Vốn lơ là với chuyện tâm linh, không ít người như chúng tôi bỏ ngoài tai về cái "văn phòng" này. Gần đây, đột nhiên một người bạn rủ đi... chùa Bà Đen để xả xui, tôi chợt giật mình phát hiện rằng Bà cũng... hiển linh ngay giữa Sài Gòn.
Bà Việt Đoàn - Phó giám đốc Bảo tàng Phụ Nữ Nam Bộ:
Bà Đen chỉ thờ ở núi Bà Đen thôi!
Có rất nhiều nơi thờ Bà nhưng thờ Bà Đen ở TPHCM này thì chưa nghe tới, có lẽ là thờ Bà Thiên Hậu. Bà Thiên Hậu có thể thờ nhiều nơi nhưng Bà Đen thì chỉ có thờ chính ở núi Bà Đen thôi". |
Đi với chúng tôi trong chuyến viếng Bà là bầu sô Quang Cường, anh đi để cầu cho em trai mình - ca sĩ Quang Hà - tai qua nạn khỏi vụ bài hát Hào hoa. Qua chân cầu Sài Gòn, rẽ vào đường Trần Não -Quận 2, chúng tôi đến một ngôi đình nhỏ nằm trong hẻm.
Bà Chúa Xứ chốn đô thị |
Ngoài những tượng thờ Phật Bà Quan Âm, Phật Tổ, Quan Công, Ông Địa..., đình này dành riêng một phòng nhỏ để thờ nhiều tượng Bà. Sau khi thắp nhang khấn vái xong, trong cuộc trò chuyện ngắn với người canh giữ ngôi đình này, chúng tôi được biết thêm các tượng này do người dân thờ ở nhà "thấy khổ" nên mang vào đây. Khi hỏi đó là tượng Bà Đen hay Bà Chúa Xứ, chúng tôi đều nhận được những cái gật đầu xác nhận một cách tù mù: Chẳng rõ đích xác là Bà nào!
Ông Lê Trương - Trưởng phòng Văn hoá huyện Nhà Bè (TP. HCM):
Đã có văn bản cấm chuyện này từ lâu rồi! Miếu Ngũ Hành chỉ mới thờ thêm Bà khoảng chục năm gần đây. Miếu Ngũ Hành chưa được công nhận là di tích lịch sử văn hoá nên về quản lý giao lại cho địa phương. Chúng tôi tham gia quản lý về chuyên môn. Khu vực miếu Ngũ hành nằm bên trong, thờ từ xưa đến giờ. Nếu miếu đủ điều kiện công nhận là di tích thì ngành văn hoá mới quản lý. Bên ngoài (những điện thờ lớn) là chùa do bên tôn giáo quản lý, chúng tôi không quản lý. Mấy lần nơi này đề nghị lấy tên là Dinh Bà nhưng chúng tôi không chấp nhận và đã có văn bản cấm chuyện này từ lâu rồi".
|
Thực hư thế nào không rõ, nhưng bầu sô Quang Cường nghe đến đoạn này cứ gật đầu xác nhận, anh cho biết: "Ca sĩ Nguyễn Hồng Nhung nghe ai chỉ bảo đã đến đây đấy! Và hình như hiện nay giá catsê của Nguyễn Hồng Nhung tại TPHCM mỗi đêm đã lên con số 4 triệu đồng/sô, còn đi tỉnh thì liên tục..."
Tuy nhiên, đình ở quận 2 chưa phải là nơi thờ Bà nức tiếng cả Sài Gòn. Chúng tôi lại tiếp tục đi theo lời chỉ dẫn mơ hồ của mọi người "thẳng hướng qua cầu Tân Thuận, đến Nhà Bè hỏi ai cũng biết". Quả thật, đến Nhà Bè hỏi ai cũng biết "chùa Bà Đen"! Đi vào con hẻm nhỏ khoảng 200m chúng tôi gặp một ngôi chùa nhỏ. Nhìn địa thế của chùa, chúng tôi hơi thất vọng vì nó khá nhỏ bé so với lời kể của nhiều người. Trong chùa có đặt gần chục bức tượng Bà Đen. Sư cô trụ trì ngôi chùa này cho biết: "Nơi nào hữu duyên thì được thờ Bà. Ở đâu mà tha thiết và thành kính thì Bà chứng cho chứ không phải cứ lặn lội đường xa mà tốt đâu. Ăn thua còn có duyên và hạp đâu thì đi đó". Sau đó, sư cô còn giới thiệu cho chúng tôi nên đi sâu thêm trăm bước đến miếu Ngũ Hành, cũng có thờ Bà.
Gần đến miếu Ngũ Hành, chúng tôi thật sự bỡ ngỡ trước hàng quán dọc hai bên đường bán dừa nước, bánh tôm-cua chiên. Hôm nay là thứ hai, chưa đến rằm nhưng nhìn mật độ hơn 20 gian hàng bày bán nhang đèn san sát nhau cũng đủ biết vào ngày rằm đông khách như thế nào. Trong khuôn viên khá rộng, điện thờ chính đặt nhiều tượng Bà, còn 4-5 điện thờ khác đặt đủ các tượng. Mỗi điện thờ đều có một hoặc hai người mặc áo cà sa (nhưng có tóc), ai đến thắp nhang khấn lạy thì gõ beng beng. Sức thu hút của miếu Ngũ Hành và sự xa xỉ thể hiện qua cái lò đốt áo Bà khá to đặt ở góc sân và một dãy tủ trưng bày hơn 100 cái áo do khách thập phương dâng lễ. Đi khắp khuôn viên miếu và các điện thờ nhang khói nghi ngút, chúng tôi mới phát hiện ra một cánh cửa bé tí xíu, nằm khuất trong góc có treo tấm bảng Miếu Ngũ hành. Thì ra cái Miếu Ngũ hành chỉ là đây thôi, còn những điện thờ ở ngoài là gì?
-
T.Chung