Xem đua voi trên cao nguyên
(VietNamNet) – Hôm nay, 7/11, Hội đua voi lớn nhất từ trước tới này đã diễn ra tại buôn Đôn với sự chứng kiến của hàng ngàn du khách trong và ngoài nước. Hội đua voi biểu thị tinh thần thượng võ của các dân tộc anh em Êđê, M’Nông, Giarai và cũng chính là bản sắc văn hóa vùng Tây nguyên...
Sân đua voi tại buôn Đôn. Ảnh: VT |
Dòng sông Sêrêpôk ngày thường trườn mình qua những cánh rừng nguyên sinh trong lặng lẽ, hôm nay bỗng rộn lên đủ mọi âm thanh. Hai bên bờ, tiếng í ới gọi nhau của khán giả tìm điểm quan sát thuận tiện nhất, tiếng máy ảnh tanh tách của dân cầm máy lẫn của người đi hội. Nhưng chỉ có tiếng khụt khịt, gầm rít của những chú voi là âm thanh gây chú ý nhất cho đám đông.
Có chú đang giữa cuộc đua bỗng rất hồn nhiên dừng lại đầm mình xuống lòng sông, dùng vòi hút nước phun phì phì đùa giỡn như một đứa trẻ nghịch ngợm. Tiếng cười và tiếng vỗ tay của khán giả rộn vang hai bên bờ sông dường như làm chú ta hưng phấn và càng “diễn” nhiều trò hơn. Trong khi đó, các quản tượng lại sốt ruột trước sự giở chứng bất thường của chú ta, đã dùng gậy có móc nhọn thúc vào đầu voi đến tóe máu.
Tham gia cuộc đua vượt sông Sêrêpôk ở đoạn chảy qua vườn quốc gia Yok Đôn có 24 chú voi đến từ các huyện Lăk, Krông Bông, Ea Súp và chủ nhà Buôn Đôn. Các lượt vòng loại của cuộc đua đều có ít nhất một chú voi hoặc vừa nghe tiếng chiêng báo lệnh xuất phát đã rống lên quay ngược vào bờ, hoặc sang bên kia leo luôn lên bờ nhất định không đưa quản tượng trở lại. Rất nhiều chú phản ứng lại nài voi bằng cách ngụp luôn xuống nước chỉ huơ mỗi chiếc vòi lên trên để thở làm các anh nài lóp ngóp ướt nhẹp dưới lòng sông!
Theo một thành viên ban giám khảo cuộc thi, những chú voi qua sông nhanh thường là nhờ quản tượng đã hướng cho voi đi đúng luồng nước và những chỗ lòng sông cạn. Đặc thù của sông nước cao nguyên là lòng sông rất nhiều đá, Sêrêpôk không là ngoại lệ. Thế nhưng chính đặc điểm gây khó khăn cho cả người lẫn voi này mới là cái để thử thách tài khiển voi và khả năng của những chú voi.
Cuối cùng thì cũng đã có người chiến thắng, phần thưởng là một bó mía to cho chú voi nhanh nhất – voi Na Blú của huyện Lăk. Voi huyện Lăk vốn là những chú voi đã quen với việc hàng ngày bơi qua sông suối để thồ hàng, kéo gỗ.
Voi bơi vượt sông Sêrêpôk chính là màn trình diễn sống động, vui nhộn nhất của hội voi Daklak. Trong ngày, còn có các phần thi khác như voi ném vật nặng, kéo co, chạy nhanh, đá bóng tại buôn Trí cũng đã thu hút đông đảo khán giả.
Từ những chú voi ngày thường thực hiện những công việc nặng nhọc, đến ngày hội chúng lại là niềm vui cho rất nhiều người. Không ở đâu có một hội voi độc đáo như Daklak. Những cánh rừng phía nam dãy Trường Sơn vẫn còn nhiều đàn voi rừng. Voi rừng thuần hóa ở vùng đất này chính là biểu tượng của sự ấm no, biểu thị tinh thần thượng võ của các dân tộc anh em Êđê, M’Nông, Giarai… Đó cũng chính là bản sắc văn hóa của một vùng núi rừng bao la phía tây Tổ quốc.
-
Võ Tiến