,
221
961
Đời sống VHNT
vandekhac
/vanhoa/vandekhac/
538144
Mua bản quyền giá... rẻ ở đâu?
1
Article
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
,
Hội nhập cùng công ước Berne:

Mua bản quyền giá... rẻ ở đâu?

Cập nhật lúc 11:26, Thứ Năm, 28/10/2004 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Gia nhập công ước Berne, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xuất bản đều có cách thức riêng để mua được những đầu sách với giá rẻ nhất có thể.

Soạn: AM 181159 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Sách ngoại văn đang bán chạy của Nhà xuất bản Trẻ.

Những cuộc mua bán sớm nhất

Rất nhiều người nghĩ sẽ có quá nhiều khó khăn, thậm chí lo sợ sẽ "chết ngộp", nhất là đối với những đơn vị nhỏ, khi Việt Nam trở thành thành viên công ước Berne. Tình hình không đến độ "bi đát" như vậy. Ngay đúng thời điểm công ước này có hiệu lực tại nước ta, Công ty văn hóa sáng tạo Trí Việt (First News) đã công bố họ vừa hoàn tất việc ký kết hợp đồng chuyển nhượng bản quyền cuốn cẩm nang luyện thi TOEFL với tập đoàn xuất bản John Wiley & Sons, Inc. của Mỹ. Hẳn nhiên, giá chuyển nhượng không được tiết lộ, song được biết, với thời hạn khai thác 5 năm ở trong nước và cả nước ngoài, Trí Việt không sợ bị lỗ.

Thời hạn khai thác hợp đồng chuyển nhượng chính là một điểm mới khác so với trước đây. Với phí tác quyền cao, các đơn vị không thể chọn mua những đầu sách có giá trị sử dụng ngắn mà phải từ 3 đến 5 năm. Dân trong nghề cho biết nếu mua bản quyền một cuốn sách giá 2.000 USD chẳng hạn, thì phải in 20.000 bản (đồng nghĩa với việc thời hạn khai thác bản quyền kéo dài) mới có thể bán với mức giá chừng 20.000 đồng/cuốn. Còn với tình hình xuất bản trong nước hiện nay chỉ in lèo tèo 1.000 - 2.000 bản/lần thì giá bán ít nhất phải 35.000 đồng/cuốn. Chưa nói chuyện lỗ lãi của nhà xuất bản thế nào, đã thấy người mua bị thiệt.

Tìm sách hay như thế nào? Nhà xuất bản Trẻ: Thường thì chúng tôi lên các trang web, ở đó chỉ chính xác địa điểm, trong khi mình đã có sẵn một danh sách hầu hết các nhà xuất bản trên thế giới, để truy ra cuốn đó của "nhà" nào. Thêm bước thẩm định bởi không phải best seller nào của nước ngoài cũng là sách bán chạy ở Việt Nam, thấy dùng được ở Việt Nam rồi mới đặt vấn đề với họ.

Sau đó xin chuyển ngữ tiếng Việt. Khi đó xảy ra hai trường hợp, thứ nhất người ta đồng ý cho chuyển ngữ mà không đặt vấn đề tài chính, thứ hai là đặt thẳng vấn đề trao đổi các hình thức quyết toán bảo đảm cho việc chuyển ngữ là hợp pháp, đồng thời mình phải bảo đảm số lượng in đúng cam kết. Đối với các cuốn best seller, trong giao dịch, chúng tôi luôn hàm ý là sẵn sàng chuyển nhượng với giá hợp lý.

Nhà xuất bản Trẻ cũng "đón" công ước Berne bằng một một bộ hai tập Eragon cậu bé cưỡi rồng nằm trong danh mục sách thiếu nhi bán chạy nhất tại Mỹ (và hiện cũng đang đắt như tôm tươi tại Việt Nam). Cuộc mua bán tác quyền này được coi là thành công của nhà xuất bản Trẻ với nhà xuất bản Random House (Mỹ), bởi họ đã thương thảo mức chuyển nhượng hợp lý đến độ không ảnh hưởng gì đến giá thành bộ sách.

Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm sách và dịch vụ bản quyền Phương Nam của Công ty văn hóa Phương Nam, ông Trần Thức, vừa có một loạt chuyến đi Thái Lan, Đài Loan, Hàn Quốc trước thềm công ước Berne có hiệu lực để giao dịch mua bán bản quyền, gặp gỡ đối tác. Ông cho biết, mọi giao dịch vẫn chưa ngã ngũ, nhưng chắc chắn Phương Nam sẽ tung ra một loạt sản phẩm trong một thời gian gần.

Thương thảo lẫn "than nghèo kể khổ"

Những người trực tiếp đứng ra giao dịch với các đối tác nước ngoài đều cho rằng, khả năng thương lượng chính là chìa khóa để mua được bản quyền với giá dễ chịu nhất có thể. Một đầu sách in chỉ một hai nghìn bản ở một đất nước có dân số khoảng 80 triệu người, là một điều mà các đối tác nước ngoài khó tưởng tượng nổi. Bởi thế, những người đi giao dịch phải xóa tan sự nghi ngờ kia và thuyết phục được họ.

Đối với các nhà xuất bản lớn của nước ngoài, một hợp đồng vài nghìn USD là quá nhỏ, trong khi đó lại là một khoản tiền không nhỏ của các đơn vị Việt Nam. Ông Phạm Sỹ Sáu, Trưởng ban khai thác đề tài và giao dịch tác quyền, Nhà xuất bản Trẻ, cho biết: "Chúng tôi phải bỏ công nghiên cứu về lịch sử nhà xuất bản, tiểu sử, xuất thân của tác giả như thế nào để xoáy vào đó. Chẳng hạn chúng tôi phát hiện ra tác giả Robert T. Kiyosaki của cuốn Dạy con làm giàu vốn có một thời gian ở Việt Nam. Chúng tôi nói chuyện thiên về tình cảm, về những hiểu biết của ông với đời sống người Việt để từ đó đề nghị ông một mức tiền ứng trước và phí chuyển nhượng hợp lý".

Soạn: AM 181157 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Sách ngoại ngữ đầu tiên của Mỹ được Việt Nam mua bản quyền.

Để có được cuốn Eragon cậu bé cưỡi rồng nói trên, Nhà xuất bản Trẻ phải thương thảo mất 3 tháng ròng, nhưng theo người của nhà xuất bản này, như thế đã là nhanh. Còn Trí Việt cũng phải mất 2 tháng để giành quyền xuất bản cuốn cẩm nang TOEFL ở Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc Công ty Trí Việt, nói: "Phải liên lạc thường xuyên không thì họ nghĩ mình chỉ liên hệ... chơi. Phải khôn khéo trong thương lượng nếu không sẽ bị hét giá rất cao". Từ việc thư tín bình thường lẫn thư điện tử được gửi đi khắp nơi nhưng có khi suốt vài tháng trời không thấy các đối tác hồi âm, các đơn vị trong nước đã rút ra kinh nghiệm là phải làm sao cho họ thấy được mối quan tâm của mình về sản phẩm của họ, không chỉ tỏ rõ nhu cầu mà còn phải biết... khen sản phẩm của họ. "Khó nhất ở chuyện làm thế nào để họ tin mình, trả lời, chấp nhận thương lượng. Không có một chuẩn chung nào cả, mọi việc phụ thuộc vào năng lực đàm phán của mình", ông Trần Thức cho biết.

Có một lối thương lượng mà người ta gọi vui là "than nghèo kể khổ". Đó là đưa ra những dẫn chứng về mức sống, thu nhập nói chung của người dân Việt Nam còn thấp, không thể mua sách với giá quá cao. Đó là một thực tế nhưng không phải đối tác nào cũng hiểu. Bởi thế, "chiêu" này không phải đều có tác dụng với mọi mối quan hệ. Có những nhà xuất bản nước ngoài chỉ quan tâm vấn đề tài chính của đơn vị Việt Nam có đáp ứng được hay không, hoặc tầm của đơn vị cỡ nào thông qua các mối quan hệ làm ăn với những ai ở các nước. Điều này khá quan trọng, theo như ông Phạm Sỹ Sáu: "Thường thì họ để ý kỹ đến quá trình hợp tác của ta với nước ngoài, nếu chưa bao giờ giao dịch bên ngoài là rất bất lợi. Như hội chợ sách Franfurk (Đức) đầu tháng 10 vừa qua, những đơn vị mà Nhà xuất bản Trẻ đã quen lại giới thiệu thêm vài "nhà" khác chào hàng xem mình có khai thác được sách của họ không. Bằng uy tín, mối quan hệ của mình tạo ra một sức lây lan".

Giá thấp nhất bao nhiêu?

Tình hình xuất bản sắp tới ra sao?

Công ty Trí Việt: Chúng tôi cảm thấy mình bị áp lực như một nhà xuất bản thật sự, công ước Berne gây khó khăn cho người làm ăn đàng hoàng chứ không phải với dân làm lậu. Theo chúng tôi, sắp tới, giá sách sẽ tăng, số lượng sẽ giảm.

Công ty Phương Nam: Giá sách như hiện nay đã là quá sức chịu đựng rồi nên không thể tăng hơn nữa, tất nhiên vẫn có loại giá cao nhưng chỉ đáp ứng một số ít bạn đọc. Mặt bằng chung sẽ không có biến động lớn, nếu có thì sẽ là vì ảnh hưởng từ giá cả thị trường chung chứ không phải từ tự thân. Phải chấp nhận có những cái chưa thể có lãi ngay. Đường còn dài.

Phí chuyển nhượng bản quyền hiện nay dao động khoảng từ 6 - 10%, các mức phần trăm này được tính từ giá sách nhân với số lượng in. Đây là khoảng dao động thường gặp, còn trong thực tế, có đơn vị cho biết họ còn có thể thương thảo mức phí xuống đến 5% nhưng rất hiếm vì quá thấp. Trong khi đó, có những đơn vị phải chịu phí lên mức 12% đối với những đầu sách quý hiếm hoặc sách mới xuất bản. Ông Nguyễn Văn Phước nói: "Theo tôi, mức phí chấp nhận được là 8%".

Các đơn vị phải thương thảo tới cùng mức phí này, bởi không chỉ có tiền chuyển nhượng, giá thành cuốn sách còn phải gánh thêm phí dịch thuật chừng 6%, phát hành phí 35 - 40%. Tuy nhiên, thường họ chấp nhận mức phí tác quyền cao hơn một chút để in số lượng ít, không dám chọn phí thấp để phải in đến 10.000 - 20.000 bản, những con số không tưởng ở Việt Nam. Tiền ứng trước coi như mất, đến khi bán hết sách may ra mới hoàn vốn, thế nên không ai dại gì lao vào một cuộc phiêu lưu mà chưa biết trước có thu lại được khoản tiền mình đã đầu tư hay không...

Dù còn khúc mắc ở chuyện Nhà nước vẫn chưa có trung tâm giao dịch tác quyền, chưa có lộ trình và hướng giải pháp trợ giúp cho các đơn vị, song họ vẫn bước tới vì sự sống còn của chính mình. Trước đây, họ làm sách tự do, thấy phù hợp thì làm nhưng giờ đây mọi sự đã khác. Không chỉ vì tuân thủ công ước Berne mà còn vì họ nhận thấy đầu sách đó đứng được trên thị trường và có khả năng bị cạnh tranh, nên mới tiến hành giao dịch để có bản quyền. Và một điều đáng quý là các đơn vị đều cho rằng dù phải chịu phí bản quyền thế nào, họ vẫn không  ham rẻ mà mua những tác phẩm chất lượng kém.

Thế nhưng cũng cần phải nói thêm, trong khi các nhà xuất bản hồ hởi bỏ chi phí cao đi mua tác quyền thì chuyện làm lậu vẫn còn đầy rẫy. Sản phẩm họ mua có nguy cơ bị làm lậu rất cao vì sự khan hiếm sách ngoại văn thời buổi hậu công ước Berne và vì đó là những tác phẩm chọn lọc. Thông tin riêng của VietNamNet: sau khi mua tác quyền cuốn cẩm nang TOEFL, Công ty Trí Việt đang loay hoay không biết phải giải quyết thế nào trước thực tế có tới 4 đơn vị khác cũng đang có trong tay cuốn sách này!

  • Võ Tiến

,
,