Khám phá văn hóa Nam Phi huyền bí
(VietNamNet) - Một bữa tiệc đặc biệt giới thiệu các "đặc sản" văn hoá Nam Phi đang diễn ra sôi động tại HN trong khuôn khổ Tuần văn hóa Nam Phi kéo dài đến ngày 27/9.
Năm 1994, Chính phủ Nam Phi quyết định chọn ngày Quốc khánh 24/9 là Ngày Di sản để tôn vinh di sản, văn hóa, ngôn ngữ và truyền thống Nam Phi. Nhân 10 năm Ngày Di sản, chiến dịch Tự hào Nam Phi được tổ chức trên toàn thế giới nhằm quảng bá văn hóa Nam Phi. Tại Hà Nội, một bữa tiệc văn hóa đủ mọi lĩnh vực: Thời trang, âm nhạc, ẩm thực, văn học... được tổ chức với lịch dày đặc. Từ 17-24/9, văn hóa ẩm thực và thưởng thức rượu vang Nam Phi được tổ chức tại Press Club, 56 Lý Thái Tổ. Kết thúc tuần lễ ẩm thực, tối 24/9, nghệ sĩ Jazz,
Ismail Mohamed-Jan, được biết đến dưới cái tên Pops Mohamed sẽ có một buổi diễn tại HN.Pops Mohamed được coi là sứ giả âm nhạc của châu Phi vì những nỗ lực bảo vệ âm nhạc của các bộ tộc bản địa. Tuy nhiên, anh luôn cố gắng kết hợp chúng với những âm thanh hiện đại, một sự hòa trộn giữa truyền thống và hiện đại. Pops Mohamed sẽ mang những điệu Jazz và âm hưởng của nhạc truyền thống Nam Phi đến với khán giả HN tại Press Club Terrace. Anh cũng sẽ cùng diễn với các nghệ sĩ và sinh viên Nhạc viện HN tại Phòng hoà nhạc của Nhạc viện chiều ngày 23/9.
Nhân dịp này, một triển lãm sách văn học dành cho thiếu nhi sẽ được tổ chức tại Cung Thiếu nhi HN (36 Lý Thái Tổ) từ 24-27/92004. Đặc biệt, show thời trang Di sản sẽ được tổ chức tại Khách sạn Melia HN tối 25/9 với những mẫu thiết kế mới nhất của 2 nhà thiết kế nổi tiếng Nam Phi, Tumi Motlhamare và Bongiwe Walaza cùng sự góp mặt của nhà thiết kế VN duy nhất, Minh Hạnh (Viện mẫu Fadin). Tumi Motlhamare sẽ giới thiệu bộ sưu tập mang tên, Sự hợp nhất trong đa dạng còn nhà tạo mẫu Bongiwe Walaza sẽ mang đến bộ sưu tập mang tên Sứ giả châu Phi lấy cảm hứng từ nền văn hóa đa đạng của Nam Phi với ý tưởng Nghệ thuật châu Phi luôn mang đến sự tao nhã.
Tumi Motlhamare nói về ý tưởng thiết kế của mình: "Thời trang Nam Phi luôn bị ảnh hưởng từ thời trang châu Âu. Nạn phân biệt chủng tộc hoành hành đã ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của Nam Phi. Tuy nhiên, dưới nền dân chủ mới, tất cả đã thay đổi. Riêng với giới tạo mẫu, chúng tôi đã học hỏi lẫn nhau rất nhiều và cảm thấy tự hào khi cho cả thế giới biết rằng đó là những thiết kế của Nam Phi. Những trang phục của tôi là sự pha trộn giữa những chuẩn mực châu Âu và văn hoá của các vùng miền với những cảm hứng từ lá cờ tổ quốc".
Còn nhà tạo mẫu Bongiwe Walaza giải thích về cái tên Sứ giả châu Phi: "Những trang phục được giới thiệu trong bộ sưu tập này là câu chuyện về lịch sử châu Phi. Khi các nước châu Phi bị lệ thuộc vào những quốc gia khác, thời trang chưa bao giờ được coi là quan trọng. Tuy nhiên, khi các nước châu Phi giành độc lập, tất cả đã thay đổi. Những giá trị đích thực trở về. Chúng tôi tự hào về nguồn gốc của mình. Bộ sưu tập này giới thiệu những phong cách đang dạng của văn hóa Nam Phi không tách rời xu hướng chung của thế giới".
-
B.H