Chỉ giàu thêm chứ không mất đi bản sắc riêng
(VietNamNet) - Không thể đi ngược lại xu thế giao lưu VH trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay nhưng cũng không thể đánh mất sự đa dạng, bản sắc VH riêng của dân tộc. Đây cũng là lý do Bộ VH-TT phối hợp với Cộng đồng Bỉ nói tiếng Pháp tại HN và Quỹ ASEP đã tổ chức hội thảo quốc tế về Giao lưu văn hoá và đa dạng văn hoá trong bối cảnh toàn cầu hoá tại HN trong 2 ngày 17-18/9 bên lề ASEM 5.
Giao lưu có phá vỡ tính đa dạng?
Hội thảo bàn về lĩnh vực hợp tác quốc tế này có sự góp mặt của nhiều học giả đến từ các quốc gia thuộc ASEM nhằm góp một tiếng nói vào quá trình soạn thảo Công ước về bảo vệ sự đa dạng các nội dung VH và biểu đạt nghệ thuật của UNESCO hiện nay. Không chỉ gắn với quyền con người và quyền tự do ngôn luận của một xã hội dân chủ, đa dạng VH còn gắn với việc bảo hộ quyền của tác giả, các nghệ sĩ và bảo hộ các tác phẩm của họ. Trong khi Công ước Berne bảo hộ tác phẩm văn học và nghệ thuật sắp có hiệu lực tại VN thì những vấn đề các diễn giả đặt ra trong hội thảo tầm cỡ quốc tế này rất đáng được xem xét cẩn thận.
Diễn giả Ariane Joachimowicz (Bỉ) tỏ ra quan ngại về sự đe doạ của toàn cầu hoá có thể dẫn đến việc tập trung hoá công nghiệp VH: "Tự do hoá trao đổi thương mại, sự phát triển của công nghệ mới về thông tin và truyền thông... sẽ đe doạ tính đa dạng và đa nguyên VH". Giao lưu VH với tư cách là nhân tố thúc đẩy sự phát triển VH đang ngày càng thể hiện vai trò quan trọng làm giảm bớt sự căng thẳng trong quan hệ quốc gia và quốc tế như một phương tiện gắn kết nhân loại. Tuy nhiên, mở rộng giao lưu VH cũng đặt ra những thách thức lớn khi phải bảo vệ bản sắc văn hoá của mỗi dân tộc.
Diễn giả Savitri Suwansathit đến từ Thái Lan liên tưởng một cách thú vị và vô cùng logic giữa đa dạng VH và Sinh học: "Mối quan hệ song song giữa đa dạng sinh học và đa dạng VH rất đơn giản và trực tiếp. Tự nhiên phát triển trên hành trăm triệu năm, với những hình thức rất đa dạng và phong phú của cuộc sống đan xen và phụ thuộc lẫn nhau. Cũng như vậy, sự thịnh vượng của các di sản VH khác nhau, sự sáng tạo VH của các nhóm người khác nhau trên thế giới tạo thành hệ sinh thái VH mà sự tồn tại có ý nghĩa quan trọng đối với loài người như là hệ sinh thái tự nhiên đối với tự nhiên".
Giao lưu hay là thương mại hoá văn hoá?
Cách đây hơn 10 năm, tại Trung Quốc, thuật ngữ "công nghiệp VH" vẫn còn khá mới mẻ với phần lớn người dân nước này nhưng bây giờ tất cả đã thay đổi khi nền kinh tế thị trường thay cho nền kinh tế tập trung và ngành công nghiệp VH đã ra đời. Hiện nay nó đã là một trong những ngành công nghiệp xương sống của TQ. Diễn giả Jiang Dong cho biết: "Ngành công nghiệp VH ở TQ là tất yếu như một kết quả tất yếu của cuộc cải cách kinh tế và giao lưu VH quốc tế ngày càng nhiều... Với sự phát triển nhanh của VH, đòi hỏi phải có một cái nhìn mới. Nhiều sản phẩm văn hoá tốt đã được tạo ra và được thị trường chấp nhận nồng nhiệt. Nhà sản xuất biết cách sáng tạo và sản xuất nhiều chương trình mới không dựa trên ý định của Chính phủ như trước họ vẫn làm mà dựa theo nhu cẩu của thị trường. Đây là kinh nghiệm có giá trị nhất chúng tôi có được qua cuộc cái cách này".
Diễn giả Jiang Dong đưa ra một ví dụ rất hấp dẫn được coi là thành tựu của "công nghiệp VH" TQ: "Thập diện mai phục của đạo diễn Trương Nghệ Mưu đã dám đương đầu với thách thức của áp lực quốc tế. Trong khi công nghiệp phim TQ từ nhiều năm nay bị giảm sút do phim ngoại tràn lan thì Thập diện mai phục không chỉ được chấp nhận ở TQ mà còn vươn ra thị trường thế giới. Trương Nghệ Mưu đã chọn Kim Thành Vũ, diễn viên Nhật Bản vào 1 trong 3 vai chính của phim để "câu" khán giả từ "đất nước mặt trời mọc", mời ca sĩ người Mỹ, Catherine Battle để thể hiện bài hát chính chính của Thập diện mai phục để dân Mỹ "tò mò". Chiến dịch tiếp thị khôn ngoan của các nhà làm phim đã thực sự có kết quả với thành công ngoài sức tưởng tượng của Người hùng và chắc chắn tiếp theo sẽ là Thập diện mai phục.
Giao lưu mà vẫn không phương hại?
Một trong những nguyên nhân tạo nên sự đa dạng văn hoá VN là việc tiếp nhận và "Việt hoá" những yếu tố VH ngoại lai chủ yếu từ VH Trung Hoa, Ấn Độ, VH phương Tây (chủ yếu là Pháp)... "Dưới những hình thức biểu hiện khác nhau, đa dạng VH thể hiện bản sắc của những nền VH được tạo nên cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Đây cũng là nhịp cầu bền vững và thuận lợi nhất trong việc nối liền các nền văn hoá. Quá trình toàn cầu hoá đã xoá đi sự ngăn cách không gian giữa các nền VH nhưng cũng làm xuất hiện nguy cơ về sự nhất thế văn hoá toàn cầu đòi hỏi mỗi quốc gia phải có những biện pháp giữ gìn sự đa dạng VH.", GS Tô Ngọc Thanh nói.
Tiến sĩ khoa học Phan Hồng Giang đã nhìn nhận thẳng thắn trách nhiệm của chúng ta trong lĩnh vực giao lưu VH và giữ gìn sự đa dạng VH: "Đối với một số nước đang trong quá trình thương lượng để gia nhập WTO như VN, Nhà nước cần kiên trì nguyên tắc bảo hộ đối với các sản phẩm của nền công nghiệp VH nước mình. Nếu chỉ coi sản phẩm VH là một hàng hoá thuần tuý, bắt nó phải tuân thủ hoàn toàn quy luật thị trường thì điều này vô hình chung sẽ dẫn tới sự độc tôn các sản phẩm VH từ các nước có nền công nghiệp VH hùng mạnh. Điều này gần như đồng nghĩa với sự triệt tiêu đáng kể sự đa dạng VH các dân tộc. Đây không phải là trách nhiệm cụ thể của ngành VH-TT mà còn là trách nhiệm của các ngành ngoại giao, thương mại và cần phải nhận thức thấu đáo tầm quan trọng sống còn của nguyên tắc này trước khi đặt bút ký gia nhập WTO. Nhà nước cần đóng vai trò xác lập và định hướng phát triển cho các giá trị VH truyền thống của dân tộc mình Điều cần thiết là phải phân biệt được những gì cần gìn giữ để phát huy và những gì đã lạc hậu lỗi thời cần loại bỏ dần khởi đời sống".
Tuy nhiên, TS Phan Hồng Giang vẫn khẳng định cơ hội và con đường hội nhập duy nhất của VN: "Giao lưu VH là tất yếu, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hoá diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Điều cần lưu ý là làm sao cho giao lưu VH diễn ra mà không phương hại đến bản sắc VH của mỗi dân tộc. Mỗi nền VH dân tộc chỉ giàu thêm và phong phú hơn trong khi không đánh mất đi bản sắc VH độc đáo của mình. Nếu tiến trình giao lưu VH đem đến kết quả ngược lại thì sẽ là thảm hoạ với nền VH chung của thế giới vì vẻ đẹp của sự khác biệt trong VH mỗi dân tộc sẽ không còn".
-
B.H