,
221
961
Đời sống VHNT
vandekhac
/vanhoa/vandekhac/
503408
Một ý tưởng cho phục dựng Hoàng thành Thăng Long
1
Article
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
,

Một ý tưởng cho phục dựng Hoàng thành Thăng Long

Cập nhật lúc 08:53, Thứ Ba, 24/08/2004 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - "Trên các hố khai quật đã đóng, cỏ được trồng thành thảm tương ứng với các mặt bằng kiến trúc tiêu biểu và các hàng cây hình trụ án ngữ ở vị trí tương ứng các móng trụ bên dưới. Con đường, các dòng sông cổ cũng sẽ hiện ra..." - Đi xa hơn nhiều nhà nghiên cứu khác, GS.TS.KTS Nguyễn Việt Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kiến trúc (Bộ Xây dựng) đã vẽ ra một viễn cảnh trước mắt về phương án phục dựng di tích Hoàng thành Thăng Long. Ông đã trò chuyện với VietNamNet về ý tưởng này.

Sơ đồ các hố khai quật nên giữ (màu đen). Theo TS Châu, các hố đó có thể xem xét lựa chọn trong: A1, A1MR; A20, A20 MR; A4, A16; B3, B16, B17.

- Phương án trùng tu khảo cổ học khu di tích Hoàng thành Thăng Long theo quan điểm của chúng tôi là: Giữ lại một hoặc một vài hố khai quật tiêu biểu có nhiều tầng văn hóa chồng lên nhau, xuất lộ dày đặc các vết tích kiến trúc sau khi được gia cố,xử lý kỹ thuật, che phủ. Toàn bộ diện tích còn lại được đóng lại (bằng cách lấp cát hay cách nào đó), tất nhiên, trước khi lấp cũng cần đo đạc, ghi chép, chụp ảnh, dựng hồ sơ đầy đủ. 

Trong gần 200 nhà khoa học góp công sức và tiếng nói trong Hội thảo Toàn quốc về Hoàng thành Thăng Long diễn ra trong hai ngày 19,20/8 vừa qua tại Hà Nội, ông là vị kiến trúc sư duy nhất đọc tham luận. Đó là trường hợp đặc biệt: tên ông không có trong danh sách đại biểu đọc tham luận từ đầu. Nhưng vừa do chỗ là đại diện duy nhất cho một ngành mà chính ông khiêm tốn tự nhận là "vai phụ" trong công cuộc bảo tồn di tích Ba Đình, có lẽ lại vừa do đặc thù của dân kiến trúc, bản tham luận ngắn gọn, sắc sảo đã đưa ra một giải pháp cụ thể hơn bất cứ một ý tưởng nào từ trước đến giờ và khiến không khí hội thảo nóng lên trong nửa ngày cuối cùng. Chưa biết có được chấp nhận hay không, nhưng đây cũng là một ý tưởng tham khảo cho số phận của di tích Ba Đình.

Trên các phần đã đóng, sẽ tái hiện hình ảnh khu di tích bên dưới, nhưng bằng ngôn ngữ nghệ thuật, chứ không phải bằng một cách máy móc thô thiển là "bệ" nguyên xi một cái nền y như cái nền gốc ở dưới đất đem lên! Làm công viên là một cách rất hay để giúp cho người dân đến có thể tham quan và hiểu được về di tích dưới lòng đất. Tương ứng với các mặt bằng kiến trúc tiêu biểu ở dưới, ở trên ta trồng thảm cỏ có diện tích và kích thước như vậy. Trồng cây vào vị trí tương ứng với các hố trụ, chân tảng bên dưới. Người ta nhìn cây trên thảm cỏ và hình dung được dưới đó có một nền nhà như thế, những cái cột ở các vị trí như thế... Các con đường được tạo dựng theo dấu vết xưa, bao quanh và nối kết các công trình kiến trúc. Các dòng sông cổ sẽ hiện lên, chẳng hạn, dưới dạng một thảm cỏ màu xanh. Tóm lại, sự tái hiện mang tính nghệ thuật và tượng trưng cao.

- Giới khoa học VN nhìn trên những gì đã phát lộ hiện nay để suy đoán (có thể gọi như vậy) giá trị của toàn bộ khu di tích trong diện tích 5,7 ha. Như thế chưa đủ "dữ kiện" với giới kiến trúc để đưa ra một giải pháp phục dựng tích cực hơn là trùng tu khảo cổ học và làm công viên sao?

- Thông tin lòng đất mang lại từ các hố khai quật ở 18 Hoàng Diệu chưa đủ để căn cứ vào đó mà phục dựng được công trình. Chúng tôi đã làm một bảng phân tích, so sánh (với các nội dung như chức năng, niên đại, phân bổ không gian mặt bằng, khung nhà, dàn mái, sân vườn...) thì thấy 3/4 dữ liệu ở dạng "chưa rõ ràng" hay "không có thông tin". Tuy các thành phần kiến trúc còn sót lại cũng cho ta nhận biết một phần về kích thước, hình dạng, vật liệu, kỹ thuật nhưng chưa đủ để hình dung ra toàn thể diện mạo của nó. Cũng chưa thể xác định được hệ thống khung, cột, kèo, mái - vốn là những bộ phận cốt lõi trong kiến trúc cổ truyền VN. Việc nội suy từ các công trình tương tự cũng không có. Các dữ liệu về cảnh quan khu vực còn tương đối mờ nhạt. Ngoài ra, chưa ai chắc chắn rằng ngoài 7 mặt bằng kiến trúc được tìm thấy, Hoàng thành Thăng Long còn có những công trình nào nữa. 

Trong bốn phương pháp trùng tu trên thế giới hiện dùng, gồm trùng tu phục dựng/phong cách/khảo cổ học/tổng hợp, thì hiện tại chỉ có thể áp dụng phương pháp thứ ba vì thiếu dữ liệu. Tạm thời chúng ta  phục dựng di tích dựa trên việc xử lý chính các hiện vật thu được từ việc khai quật, và làm công viên để giới thiệu trưng bày như trên vừa nói. Sau này khi nghiên cứu rõ ràng hơn, sẽ tiến tới phục dựng chân xác hơn.

- Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng lấp cát hay đóng lại hố khai quật là giải pháp "bần cùng bất đắc dĩ". Nhưng trong phương án ông đưa ra, phần lớn di tích cần được "đóng lại"?

Thiếu trình độ thì đã rõ ràng. Nhưng còn nói về sự suy tàn quá mức của di tích, nhiều người nghĩ đến chuyện, giới khảo cổ, có công khai quật, nhưng quá cẩu thả ở giai đoạn khai quật đầu tiên (có thể có lý do là bị thúc bách về thời gian!), nên đã phơi bày cho chúng ta một di tích "nát bươm"(?!). Xin bấm vào đây để hiểu rõ hơn.

- Theo Hiến chương về trùng tu di tích lịch sử (Athens-1931), nếu thiếu trình độ kỹ thuật hay do mức độ suy tàn quá mức của di tích mà không thể tiến hành việc bảo tồn đối với di tích đã lộ thiên, thì khuyến nghị là phế tích phải được lấp lại, tất nhiên là sau khi đã lên đầy đủ các bản ảnh, bản vẽ chính xác. 

Trong điều kiện kỹ thuật của nước ta hiện nay, bảo tồn tất cả các hố đã mở theo tôi là vô cùng khó khăn. Đơn cử một ví dụ: Trong các hố khai quật thám sát Đoan Môn, Bắc Môn, Hậu Lâu mở vào năm 1998-2000, có một hố diện tích 85,2 m2, sâu 1,9 m hiện vẫn còn được giữ nguyên, che phủ mái kính, để phục vụ tham quan, nghiên cứu. Chính nơi đây đã phát hiện con đường lát gạch hoa chanh thời Trần chạy từ Đoan Môn vào điện Kính Thiên. Một di tích quan trọng như thế, nhưng đang bị biến dạng và xuống cấp ghê gớm. Tôi đã đến đây và chụp ảnh, so sánh thời điểm năm 2000 và thời điểm tháng 4 năm 2004 thấy thật khó có thể nhận ra được di tích cũ. Sợ rằng, nếu không dùng cách đóng lại bớt, khu khảo cổ Ba Đình cũng sẽ rơi vào tình trạng "bảo tồn" như thế!

- Vậy dưới góc nhìn kiến trúc của ông, nên giữ lại toàn bộ khu di tích không xâm phạm gì, và do đó mà sẽ khó xây Nhà Quốc hội mới? Ông đồng ý với phương hướng cơ bản mà giới Khoa học VN sẽ trình lên Thủ tướng vào cuối tháng 9?

- Đúng vậy. Thực tế, chúng tôi làm nghề kiến trúc, phải căn cứ trên kết luận của các nhà khảo cổ học và lịch sử . Có thể nói, chúng tôi là những người đi sau cùng, nên thái độ bao giờ cũng hết sức cẩn trọng. Tôi không nghi ngờ giá trị của khu di tích Ba Đình. Khi đã có một căn cứ mà các nhà khảo cổ và lịch sử có thể đưa ra để xác định là trên khu đất này có những công trình hết sức có giá trị như thế, thì thái độ của tôi là không được phép xây dựng bất cứ cái gì. Tất nhiên, kể cả Nhà Quốc hội mới! Nói cách khác, nếu chúng ta thậm chí chỉ còn nghi ngờ không biết cụ thể bên dưới có cái gì, thì thái độ cẩn trọng vẫn phải là chúng ta đã không được phép xây dựng gì.

- Xin cảm ơn ông.

  • M.M.B (thực hiện)

 

 

 

,
,