Kết luận mới nhất về Hoàng thành Thăng Long
(VietNamNet) - Hội nghị toàn quốc lớn nhất từ trước đến nay về di tích Ba Đình đã khai mạc sáng nay (19/8) tại Hà Nội, nhằm đánh giá giá trị và đề xuất phương án bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích. Đây là Hội thảo có ý nghĩa quyết định đưa đến nội dung của Báo cáo trình Thủ tướng Chính Phủ tầm này tháng sau, từ đó quyết định số phận của Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội.
Phù điêu Rồng men xanh lục thời Lê. |
Di tích Ba Đình: nằm trong Cấm Thành!
Giới khoa học Việt Nam, cho đến giờ phút này, đã thống nhất không nghi ngờ gì nữa giá trị của khu khai quật tại 18 Hoàng Diệu. Nằm trong khu vực gần vuông giữa các phố Hoàng Diệu phía đông, phố Hoàng Văn Thụ phía Bắc, phố Độc Lập phía Tây, phố Bắc Sơn phía Nam, mặt đông cách nền điện Kính Thiên chỉ hơn 100 m. Trước đây, các nhà khảo cổ học và sử học đã xác định: Khu di tích nằm trong khu vực Hoàng Thành và nếu lấy điện Kính Thiên làm tâm điểm thì nó nằm về phía tây. (Trong đó Hoàng Thành là tên gọi chỉ vòng thành giữa trong cấu trúc ba vòng của kinh thành Thăng Long). Tuy nhiên, theo kết quả nghiên cứu, thảo luận và trình bày sáng nay của Tiểu ban 1 (GS Phan Huy Lê làm Trưởng tiểu ban) thì có thể kết luận: Khu di tích Ba Đình nằm trong phạm vi Cấm Thành, tức nằm ở khu vực trung tâm của Hoàng Thành.
Tổng kết của cả 7 tiểu ban đều thống nhất khu 18 Hoàng Diệu (chí ít) nằm ở khu vực trung tâm của Hoàng Thành và là một quần thể di tích chạy dài suốt chiều dài 13 thế kỷ của lịch sử. Tuy nhiên, phương án bảo tồn đưa ra vẫn còn nhiều điểm chưa hoàn toàn thống nhất.
Phương án bảo tồn: Bảo vệ toàn bộ hay một phần?
Đó là câu hỏi đến giờ phút này chưa giải đáp được. Các nhà khoa học chia làm hai nhóm ý kiến. Nhóm ý kiến thứ nhất dứt khoát yêu cầu bảo vệ toàn bộ khu di tích. Theo đó, toàn bộ khu di tích vừa phát lộ, các di tích liên quan đến khu vực Hoàng Thành Thăng Long và các di tích trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Mỹ, xây dựng xã hội chủ nghĩa sau này đều cần bảo tồn toàn bộ. Không nên làm bất cứ công trình gì ở đây. Nên biến khu vực này thành một công viên văn hoá, để dành cho công tác nghiên cứu khảo cổ học.
Cung điện thời Lý - Trần dưới nền tòa nhà Quốc hội mới?
Cũng với ý bảo tồn toàn bộ, nhưng có nhà khoa học nghiêng về hướng lấp cát toàn bộ; một số người lại cho rằng chỉ nên lấp cát một phần để bảo quản, còn lại lựa chọn một số bộ phận tiêu biểu để giới thiệu cho công chúng.
Nhóm ý kiến thứ hai cho rằng chỉ nên chọn một số bộ phận quan trọng để bảo vệ, phần còn lại cho phép xây dựng mới phục vụ cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Nhìn chung, quan điểm về bảo tồn một phần chủ yếu dựa trên phân tích những sự bất cập của VN hiện nay về tài chính, khả năng quả lý, trình độ chuyên môn, kỹ thuật bảo tồn, điều kiện khí hậu thời tiết, đặc trưng nhiều tầng lớp của khu di tích.
Tuy nhiên, cho dù theo nhóm ý kiến nào, các nhà lịch sử, khảo cổ đều thống nhất ở một điểm: Nên sử dụng các hình thức để giới thiệu di tích, như xây nhà trưng bày bổ sung ngay tại di tích, trong đó có sa bàn chung của Hoàng Thành Thăng Long và một số sa bàn cho những bộ phận quan trọng của Hoàng Thành.
Đối với việc phục dựng di tích, các ý kiến cũng chưa thống nhất được là phục dựng ngay một số di tích tiêu biểu hay đợi một thời gian nữa để nghiên cứu kỹ càng hơn và tình trạng bảo quản di tích cũng ổn định hơn.
Hội thảo tiếp tục làm việc trong chiều nay và sáng mai. Mọi mẫu thuẫn còn lại về quan điểm hy vọng sẽ được giải quyết vào ngày mai, khi chúng ta biết được quyết định cuối cùng của giới khoa học VN nhằm đưa lên trình Thủ tướng Chính phủ.
-
MMB
Phóng sự ảnh về công trường khảo cổ tại khu Ba Đình (Nguyên Vũ)
Đầu phượng bằng đất nung |
Đường thoát nước và nền nhà cổ |
Cột nhà bằng gỗ |
Bệ đá hoa sen có dấu vết của một vụ cháy |
Hiện trường nơi khai quật |
Hai bộ cốt táng được tin là để yểm nơi chân cột của cung điện |
Giếng cổ với nhiều lớp gạch của các triều đại |
Giếng cổ có dấu vết từ thời Bắc thuộc |
Gạch cổ có đóng chữ nơi xuất xứ |
Đồ gốm khai quật được |
Gạch cổ có đóng chữ thời Bắc thuộc |
Gốm đất nung trang trí |
Gạch trang trí thời Lê |
Đường rải sỏi thời Trần |
Hố khai quật khảo cổ |
Hố khai quật B16 nơi tìm được nhiều cổ vật có giá trị |
Tay kiệu còn rõ màu sơn son |
Hố đựng vỏ chai rượu Pháp ở tầng trên cùng |
Công nhân xử lý từng gram đất để lấy cổ vật |
Bóp từng nắm đất để không bỏ xót hiện vật |
Bóc lớp đất đá trên cùng |
Khối tiền cổ |
Súng thân công bằng đồng rất cổ được tìm thấy |
Nhà khảo cổ học Bùi Vinh và chiếc vây rồng bằng gốm |
Sống của mai nhà đang dần lộ ra |
Sàn điện và hệ thông thoát nước có thể là đời Trần |
Chân cột hoa sen bằng đá thời Lý |
Các cổ vật sau khi được làm sạch bằng nước |
Đầu mái và các trang trí bằng đất nung thu nhập được |
Rồng bằng đất nung trang tri trên mái |