Cần có tổ chức chuyên lo về tác quyền
(VietNamNet) - Chẳng biết sau khi Công ước Berne có hiệu lực, tình hình văn học dịch sẽ ra sao nhưng đã có nhiều ý kiến khác nhau của một số dịch giả và đại diện các NXB bày tỏ một cách thẳng thắn quan điểm của mình.
Dịch giả Hoàng Hưng: Đã đến lúc phải có một tổ chức chuyên ngành về dịch thuật
Chưa có chuyện Công ước Berne thì văn học dịch Việt Nam và các dịch giả đã sống lay lắt vì hạn chế trong việc tiếp cận nguồn sách, lượng in nhỏ nhoi, nhuận bút còm cõi, nay lại thêm chuyện mua bản quyền sách gốc nữa thì không biết tương lai văn học dịch sẽ ra sao?
Cách đây 3 năm, tôi và một số nhà thơ liều lĩnh làm một tập thơ Mỹ hiện đại, dự án này đã thuyết phục được các nhà ngoại giao Mỹ, họ chấp nhận tài trợ và chính họ tiến hành thương lượng bản quyền. Kết quả, cách đây 2 tháng chúng tôi mới được trả lời: Cuộc thương lượng đã hoàn thành nhưng 2 trong số các tác giả chúng tôi đề nghị đã không chấp nhận vì giá bản quyền quá đắt: đến 5.000 USD!
Nếu các vị hoạch định tương lai văn hóa nước nhà cho rằng dịch văn học thế giới là thiết yếu đối với sự phát triển văn hoá văn học Việt Nam (tuy rằng tôi nghi ngờ khả năng ấy) thì hãy quy hoạch những tác phẩm cần dịch và tích cực thương lượng bản quyền cho các tác phẩm ấy. Thực ra, các NXB nước ngoài cũng không đến nỗi cái gì cũng tính thành đô-la đâu, họ cũng có những chính sách "ưu tiên" cho các nước đang phát triển như Việt Nam. Vấn đề ở chỗ: cơ quan hay cá nhân đi thương lượng có nhiệt tâm và có khả năng hay không mà thôi.
Theo tôi, khó khăn về bản quyền sách dịch lại càng cho thấy đã đến lúc phải có một tổ chức chuyên ngành để lo các công việc về dịch thuật, đặc biệt là văn học dịch. Một hội nghề nghiệp của các dịch giả chắc chắn sẽ là một tổ chức rất có ích cho việc thương lượng bản quyền.
Nguyễn Phan Hách, giám đốc NXB Hội Nhà Văn: Không khai thác những tác phẩm còn trong thời gian bảo hộ!
Lâu nay, việc thực hiện bảo hộ bản quyền các tác phẩm văn học nước ngoài dịch ở Việt Nam chưa được thực hiện nghiêm túc, điều này phản ánh rõ sự chậm tiến. Trong những năm qua, NXB Hội Nhà Văn chỉ thực hiện bảo hộ bản quyền cho văn học Pháp do có sự giúp đỡ của Trung tâm Ngôn ngữ và Văn minh Pháp.
Bắt đầu từ thời điểm khi công ước Berne có hiệu lực, 100% sách dịch phải mua bản quyền, tôi cho rằng số sách dịch Việt Nam trong thời gian tới sẽ sụt ghê gớm, mà 1/3 lợi nhuận của NXB thu được chính từ nguồn sách này. Nay coi như nguồn thu này bị mất, làm ảnh hưởng đến đầu sách và lợi nhuận của NXB.
Vì lý do đó, NXB đang lên kế hoạch tổng hợp một danh sách các nhà văn lớn trên thế giới mà tác phẩm của họ đã quá hạn thời gian bảo hộ bản quyền để khai thác, cũng như lập một danh sách các tác giả trên thế giới còn trong thời gian bảo hộ (nhưng khi gặp những tác phẩm như thế, NXB sẽ không thực hiện). Hiện nay, chúng tôi đang tích cực liên hệ với một số đầu mối để có được địa chỉ của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm ở nước ngoài để thực hiện giao dịch bản quyền.
Nguyễn Văn Lưu, giám đốc NXB Văn học: Chưa tổ chức được mạng thông tin về tác quyền
Tham gia Công ước Quốc tế về Bản quyền là điều tất yếu, nhưng cũng phải nhìn nhận thực tế ở Việt Nam. Để thực thi đầy đủ Công ước, luật pháp quy định về quyền sở hữu trí tuệ không phải đơn giản, nhất là trong xuất bản sách báo văn học nghệ thuật.
Nhiều năm qua, hoạt động xuất bản, sáng tạo văn học nghệ thuật ở Việt Nam được xem như một hoạt động công ích thông thường, người sáng tạo xem việc được xuất bản, được công bố tác phẩm là một vinh dự mà không đòi hỏi gì nhiều. Điều đó đã thành nếp sâu trong giới sáng tác cũng như trong giới xuất bản. Mặt khác, làm sách, buôn bán sách đang là một nghề phát tài, rất nhiều nhà sách tư nhân của giới kinh doanh sách gọi là các "đại gia", họ đang giàu lên trông thấy. Trong sự giàu lên trông thấy đó, chắc chắn ít nhiều có sự khuất tất về nghĩa vụ tác quyền.
Khó khăn đối với NXB Văn học là chưa tổ chức được mạng thông tin về tác quyền, cả ngoài nước và trong nước. Do đó, việc xuất bản, có thể bị chậm lại một phần. Nhưng tôi nghĩ, khi đã quen, đã nắm được cách thức, thì sẽ trở nên bình thường như khi chúng ta vào siêu thị: Tha hồ tự do lựa chọn nhưng nhớ là phải trả tiền và nếu không trả tiền thì không thể bước ra dù chỉ cầm nhầm một bao diêm!
Ngày 16/7/2004, Bộ VHTT đã có công văn khẩn gửi các Cục, Vụ, Thanh tra thuộc Bộ VHTT, các Sở VHTT và các NXB đề xuất "những việc cần làm ngay" sau khi Việt Nam gia nhập Công ước Berne bảo hộ tác phẩm văn học nghệ thuật. Ngày 7/6/2004, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã ký Quyết định số 332/2004/QĐ-CTN về việc Việt Nam gia nhập Công ước Berne bảo hộ tác phẩm văn học và nghệ thuật. Hiện tại, các cơ quan có trách nhiệm đang chuẩn bị các văn kiện để Bộ Ngoại giao làm thủ tục đối ngoại về việc Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam gia nhập Công ước Berne. Theo thông lệ, thời điểm phát sinh hiệu lực của Công ước Berne có khả năng sẽ vào quý IV năm 2004. Khi chúng ta là thành viên của Công ước này thì Nhà nước phải bảo hộ quyền tác giả cho các tác giả và chủ sở hữu tác phẩm của các quốc gia thành viên của Công ước (hiện có trên 155 nước), đồng thời các quốc gia thành viên cũng có nghĩa vụ bảo hộ cho các tác giả Việt Nam. Từ nay đến khi Công ước có hiệu lực là thời kỳ chuyển tiếp rất nhạy cảm. Để tránh các thiệt hại không đáng có, đồng thời tạo môi trường thuận lợi cho Công ước có hiệu lực, Cục đề nghị: - Các cơ quan văn hóa Trung ương và địa phương cần chủ động xem xét điều chỉnh kế hoạch hoạt động của mình trong việc quản lý việc sử dụng tác phẩm của các tổ chức cá nhân nước ngoài. Đồng thời tổ chức thông báo cho các đơn vị thuộc quyền quản lý biết để có biện pháp thực hiện. - Các đơn vị, cá nhân có nhu cầu sử dụng tác phẩm của các tổ chức và cá nhân nước ngoài phải liên hệ với các đối tác để thỏa thuận việc sử dụng tác phẩm, tránh những tranh chấp không đáng có. - Để tránh tình trạng hẫng hụt các tác phẩm VHNT sau thời điểm Công ước có hiệu lực, nhất là các tác phẩm VH dịch, Cục Bản quyền đề nghị các cơ quan, tổ chức, và doanh nghiệp cần có kế hoạch khai thác triệt để các tác phẩm của thế giới đã kết thúc thời hạn bảo hộ, và các loại hình tác phẩm trong nước để kịp thời "lấp đầy chỗ trống". |
-
Thu Hằng (thực hiện)