,
221
961
Đời sống VHNT
vandekhac
/vanhoa/vandekhac/
459560
Marelli: Thú chơi sang của dân "nghiền" quạt cổ
1
Article
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
,

Marelli: Thú chơi sang của dân 'nghiền' quạt cổ

Cập nhật lúc 14:30, Thứ Tư, 14/07/2004 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Quạt Marelli, giống quạt cổ của Ý vào VN đã được hơn 1 thế kỷ và làm thay đổi cuộc sống của nhiều người với những kỷ niệm không thể quên. Bây giờ Marelli không chỉ là vật dụng mà còn là vật trang trí của những chủ nhà "sành điệu".

Marelli của kỷ niệm

Marelli," Vua" của các loại quạt.

Lại nhớ những năm 1980, Hà Nội còn nghèo và "chân chất" lắm, đó là Hà Nội của thời bao cấp, của chế độ tem phiếu. Mùa hè mà điện mất luôn, nếu có điện đi nữa cũng tù mù vì điện chỉ có 110V và nhiều khi cũng chẳng đủ điện áp. Tối nào tôi cũng nằm ngủ ở phản của ông nội trước khi lên gác với bố mẹ vì chỉ mỗi ông là có chiếc quạt cổ 4 cánh màu, lồng uốn hoa. Khi nào mất điện, tôi đưa tay qua lồng quạt và đẩy cánh chạy cho mát. Khí đó ông tôi mở một cửa hàng sơn xe đạp ở phố Khâm Thiên nên cũng có "của ăn của để", cả dãy phố khoảng chục nhà không ai tậu được cái quạt nào như vậy. Mãi sau này, khi lớn lên tôi mới biết tên nó là Marelli được sản xuất tại Italia. 

Theo ông Lê Tấn, một trong những người đầu tiên ở Hà Nội "buôn" quạt Marelli nhớ lại: "Mặc dù có rất nhiều hãng sản xuất quạt có tiếng như Éon, Calor của Pháp, Émi của Hà Lan, General và America của Mỹ nhưng Marelli của Ý vẫn được ưa chuộng nhất. Cũng dễ hiểu khi Marelli được coi là Vua của các loại quạt vì xét về độ bền thì ngay đến thời điểm này chưa hãng nào có thể vượt qua được nó, quạt trần được đúc bằng đồng, tai sắt, cánh gỗ, thân gang...  Marelli vào VN từ cuối thể kỷ 19 (1892-93), lúc đó trên tàu điện đã có vài ba chiếc sử dụng điện 1 chiều (chạy bằng chổi than)". Nhưng phải chờ đến năm 1920, khi Nhà máy điện Yên Phụ được người Pháp xâu dựng thì quạt Marelli mới vào VN ồ ạt và trở thành đồ vật "văn minh" không thể thiếu trong đời sống thị thành. Khoảng từ những năm 1920-1940, Marelli có 4 cánh, những năm 1940-1950, chỉ còn 3 cánh và xuất hiện cánh nhôm, thậm chí còn có quạt 2 cánh được làm bằng gỗ.

Quạt Mariot của Pháp được chế tạo có hình dáng giống Marelli.

Marelli cũng chiếm ưu thế vì tính thẩm mỹ cao, không chỉ bền mà còn đẹp. Ông Tấn lý giải: "Các chi tiết quạt Marelli đã đạt đến độ tinh xảo, mỗi chiếc quạt là một tác phẩm nghệ thuật không hề lẫn lộn, trùng lắp. Quạt được làm chính xác, chau chuốt, công phu đến từng con ốc, trục, bạc, bánh răng, cánh, lồng, chân đế... Sở dĩ quạt điện được ưa chuộng vì VN là nước nhiệt đới, tuy nhiên chỉ những gia đình có của ăn của để mới có tiền mua quạt Marelli, một khái niệm xa lạ với người dân bình thường".

Quạt xuất hiện trong công sở, những điểm công cộng rất nhiều như các rạp chiếu bóng (Dân chủ, Tháng 8, Bách hóa Tổng hợp Tràng Tiền, Viện Vễn Đông bác cổ, Phủ toàn quyền Đông Dương...  Thời bao cấp chấm dứt (khoảng những năm 1986-87) cũng là lúc điện 220 thay thế cho điện 110, những chiếc quạt Marelli dùng điện 110 bị "tẩy chay", người ta bán đổ bán tháo quạt Marelli vì ngại quấn lại điện 220V và dùng quạt Sài Gòn thay thế cho tiện, con các cơ quan Nhà nước thì đổ xô đi lắp điều hòa nhiệt độ. Chủ nhân của những công trình xây dựng mới không còn cần một chiếc quạt cũ kỹ điểm xuyết cho căn nhà của mình nữa nên không chần chừ "giao" cho một tay thu mua quạt với cái giá vài trăm nghìn đồng. Cần gì giữ lại một thứ không hợp mắt và là hiện thân của một giai đoạn đã xa? Bây giờ những chiếc quạt Marelli 2 cánh (sải cánh 1,3m) ở HN chỉ có thể tìm thấy ở Phủ Chủ tịch, Ngân hàng Nhà nước...

Tem nhôm trên quạt của nhà sản xuất.

Marelli không chỉ là một vật dụng, một đồ dùng trong gia đình mà trong tâm thức của nhiều người Hà Nội, Marelli là một hình ảnh không thể quên, gắn liền với những kỷ niệm, những bước thăng trầm của Hà Nội. Ông Lê Tấn nhớ lại: "Khi còn đi học, chúng tôi không dám nghĩ tới Marelli, trong đầu chỉ phân biệt những người nghèo và khá giả thôi. Ấn tượng ban đầu về Marelli là nó quá đẹp, sang và rất bền. Vào những năm 1986-1987, khi thời bao cấp với chế độ tem phiếu chấm dứt, người ta mới được phép bán tài sản cơ quan một phần vì có cơ chế thanh lý và chuyển điện áp. Cứ có cơ quan nào thanh lý tôi đều mua về để dùng, chỉ khi có quá nhiều người hỏi tôi mới nghĩ đến chuyện bán lại. Những năm tiếp theo của thời mở cửa, hãng Peugeot và Phillips vào tìm hiểu thị trường cũng chính là những cái tên khởi xướng mua lại quạt Marelli. Cũng từ đó mà xuất hiện những nơi thu gom và phục chế quạt Marelli, thời đó thì chỉ có tôi, ông Phúc ở Tạ Hiện và ở 38 Đường Thành. Rất may là Marelli mất mát không nhiều, người ta vẫn nhận thấy giá trị của nó và hiếm khi mang bán đồng nát lắm...". 

Với những cụ ông, cụ bà đã đến tuổi xưa nay hiếm thì bóng dáng chiếc quạt Marelli đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện tại của họ như một hình ảnh nhắc nhớ quá khứ. Đối với bà Lâm ở Phúc Xá thì chiếc quạt Marelli còn là kỷ vật của gia đình. Năm 1960 khi lấy chồng, của hồi môn của vợ chồng bà là một chiếc quạt Marelli mà mẹ chồng bà mua từ năm 1934. Đến giờ, đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, chiếc quạt đó vẫn là đồ vật được bà Lâm trân trọng. Khi Mỹ ném bom miền Bắc, mỗi lần đi sơ tán, đằng sau xe đạp của bà luôn dành chỗ cho chiếc Marelli thân thuộc. Sơ tán đến những nơi cách Hà Nội hàng trăm, cây số, lấy đâu ra điện mà chạy nhưng bà Lâm vẫn chở quạt đi cho yên tâm. Đến giờ, mặc dù cuộc sống đã khá giả, chiếc điều hòa nhiệt độ rồi đến quạt điều khiển từ xa được thay thế cho những cây quạt cũ kỹ nhưng bà Lâm chỉ "đồng ý sống chung" với chiếc quạt Marelli xưa cũ vì “Nghe tiếng gió của nó quen rồi. Nằm điều hòa êm quá không ngủ được”.

"Mua một lãi mười"

Phiếu bảo hành và hướng dẫn sử dụng của quạt Marelli.

Việc bán ồ ạt là tiền đề xuất hiện những người chuyên thu gom, sưu tầm và buôn quạt Marelli. Mở đầu là những nhà tư sản người Hoa trên phố Hàng Bồ. Đến nay, gần 20 năm qua, có một địa chỉ quen thuộc với những người sưu tầm quạt Marelli là cửa hàng của ông Dương Trung Tấn (tên thường gọi là Lê Tấn), một trong những người đầu tiên trên đất Hà Thành phục chế và mua gom quạt Marelli cổ. Cửa hàng sửa quạt nhỏ xíu và có vẻ cổ lỗ này lại là điểm hay lui tới của những người am hiểu quạt Marelli. Ngay ở cửa ra vào, ông Tấn đặt một chiếc Marelli 4 cánh bằng đồng cũ kỹ. Nhìn bề ngoài không phải ai cũng biết ông Tấn đang sở hữu hàng trăm chiếc quạt Marelli cực kỳ giá trị và là một trong những người đầu tiên ở Hà Nội (có thể cả nước) phục chế và buôn bán thứ quạt No.1 này. 

Chơi quạt ở Mỹ:

Tổ chức lớn nhất của những nhà sưu tầm quạt cổ là Hiệp hội những người sưu tập quạt Mỹ với trên 400 thành viên. Trung bình mỗi thành viên đều đã sưu tập quạt 12 năm và có khoảng 70 mẫu quạt trong bộ sưu tập của mình. Họ nắm trong tay hàng trăm mẫu quạt khác nhau, cổ nhất là quạt chạy ắc qui điện một chiều của Edison năm 1892, quạt chạy bằng sức nước sản xuất năm 1910, quạt chạy bằng hơi nước sản xuất năm 1910 của Đức với ngọn lửa đặt bên dưới và đun sôi nước trong bầu làm chuyển động piton chuyền lực dẫn đến quay cánh quạt. Lại có quạt cánh làm bằng vải bạt.

Vì Marelli cũng khá được ưa chuộng nên những năm 1960, trong SG cũng có một hãng sản xuẩt quạt Marelli mua công nghệ và bản quyền của Ý, nhưng quạt Marelli SG vẫn không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Dân chơi quạt Marelli "xịn" luôn tìm những chiếc quạt có tính đồng bộ (cánh gỗ Tùng của Ý) hàng trăm năm có vân đẹp, hộp số có tem bằng đồng bên trong có sợi đốt bằng mai-so, móc treo, phễu, màu sơn xịn...), phục chế đúng nguyên bản. Mặc dù rất tốn kém nhưng dân sưu tầm quạt chuyên nghiệp vẫn "cắn răng" chấp nhận. Hiện tại ở Hà Nội có nhiều người quấn lại quạt Marelli nhưng việc phục chế phải phụ thuộc vào tính thẩm mỹ và độ chuyên nghiệp của từng thợ, không thể "cải tiến" những chi tiết vốn được coi là "đỉnh cao". Cách đây khoảng vài ba năm, những năm thịnh hành và thu mua quạt rẻ, mỗi năm ông Tấn phục chế khoảng 50 chiếc quạt trần, riêng 18B Lê Thánh Tông có khoảng 30 chiếc Marelli đã qua tay ông. Còn rất nhiều địa chỉ nữa mà ông Tấn không thể nhớ hết.

"Nghệ nhân" chuyên phục chế Marelli Trần Công Phúc.

Tìm đến một bậc "lão làng" khác, ông trùm quạt Marelli Trần Công Phúc. Bước vào cửa hàng sửa quạt của ông trên phố Tạ Hiện (HN), tôi chỉ thấy toàn quạt Marelli đủ loại có đến 100 chiếc. Từ quạt bàn, quạt cây đến quạt trần; từ quạt 2 cánh, 3 cánh đến 4 cánh, từ những chiếc quạt cũ rích đen xì đến những chiếc quạt vừa được ông đánh bóng lại với lớp đồng vàng chói và mới như thật. Theo ông Phúc, một chiếc như vậy cũng phải bán được đến 4-5 triệu, một chiếc quạt cây 3 cánh ông mua vào cũng đến 1,5 cây vàng (10 triệu). Thắng lớn!

Bên cạnh giới sưu tầm quạt thì lực lượng “hoa tiêu” tìm nguồn hàng từ các tỉnh, bán thông tin cho các chủ lò quạt ăn phần trăm cũng hoạt động hết tốc lực. Giá quạt bán cho người Việt ở các lò không chênh nhau nhiều nhưng bán cho “tây” thì muôn hình muôn vẻ. Nhiều khi chủ lò mua được quạt rẻ là đồ đồng nát nhưng qua "tân trang" và gặp “khách tây” có thể bán lên tới hàng trăm lần. Cách đây hơn chục năm, khi quạt Marelli được bán đổ bán tháo ra thị trường, có những chiếc quạt rất quý ông mua lại được của những cô đồng nát chỉ với giá chừng 300.000 đồng, ông Phúc mừng hú vì vớ bở, cho thêm người bán vài trăm đồng vì biết thế nào mình cũng thu về vài triệu, có những chiếc ông bán được 300 USD (khoảng 4,7 triệu đồng) chứ chẳng ít. Còn ông Thuần, chủ một lò quạt cỡ “công nghiệp” ở phố hàng Điếu cho biết: "Chủ yếu lò của ông bán cho khách nước ngoài. Thích mua loại gì cũng có. Marelli của lò có tới hai mươi loại khác nhau, nếu mua nhiều mỗi loại từ ba chiếc trở lên tính đồng loạt 130 USD (khoảng 2 triệu đồng) cho quạt bàn và 170 USD (khoảng 2,7 triệu đồng) cho quạt trần".

Sưu tầm, phục chế và buôn bán quạt Marelli không còn là hiện tượng mới mẻ ở Hà Nội trong 1, 2 năm trở lại đây, Marelli không chỉ được người nước ngoài tìm mua mà còn là đồ vật được những gia đình khá giả VN tìm mua như một thú chơi sang và một nét đẹp văn hóa.

VietNamNet xin giới thiệu một chùm ảnh về quạt Marelli  

 

Tem bằng đồng của quạt Marelli sản xuất tại Paris (Pháp).

 

Quạt cây Marelli.

 

Bầu quạt trần Marelli.

 

Marelli 3 cánh.

 

Tem đồng sản xuất tại Ý.

 

...thời 4 cánh.

 
 
 
 
  • Bích Hạnh
    Ảnh: Nguyên Vũ
,
,