8 tiểu ban nghiên cứu kiến trúc Hoàng Thành Thăng Long
(VietNamNet) - Viện KHXHVN đã thành lập 8 tiểu ban để nghiên cứu toàn diện Hoàng thành Thăng Long. Sáng qua 5/7, Tiểu ban 2 do PGS.TS Tống Trung Tín đứng đầu đã trình bày những nhận xét bước đầu về mặt bằng kiến trúc tổng thể khu di tích.
TS Tống Trung Tín. (Ảnh A.T). |
Cơ sở để tiểu ban này căn cứ rồi đưa ra những nhận định sơ bộ về mặt bằng kiến trúc tổng thể cả khu vực đã phát lộ trên diện tích gần 20.000m2 tại Khu di tích Ba Đình, là các móng trụ. Theo lý luận của họ, cột nhà, trong kiến trúc cổ truyền ở VN, là nơi chịu lực của cả ngôi nhà và nó được làm chắc chắn bằng chân tảng và móng trụ. Kỹ thuật gia cố móng trụ bằng sỏi, sành, gạch ngói vụn, hay gạch vồ, hay các thứ này kết hợp với nhau... có từ thời Đinh Lê (thế kỉ X), đến khi xây dựng Lam Kinh của thời hậu Lê vẫn được sử dụng, nhưng nói chung kĩ thuật này đạt đến mức hoàn hảo, quy mô nhất là vào thời Lý Trần.
Theo GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội đồng tư vấn khoa học về khu khảo cổ Ba Đình, để tiến tới hoàn thành báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước 30/9 về giá trị và phương hướng bảo tồn lâu dài khu di tích Hoàng thành, 8 tiểu ban đang gấp rút nghiên cứu thảo luận. Kết quả sẽ được tập hợp thảo luận trong một Hội thảo toàn quốc về Hoàng thành Thăng Long diễn ra vào ngày 15/8. Cũng dòng sự kiện liên quan đến di tích Ba Đình, hôm nay, 6/7, Viện Khảo cổ học sẽ trình bày giới thiệu về các di vật của cuộc khai quật, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến các di vật có chữ viết (chữ Hán). |
Theo đó, vào thời Lý - Trần có 6 dãy kiến trúc được bố trí song song theo hướng Bắc - Nam. Giữa các lớp kiến trúc thường xen lẫn sông cổ và hồ cổ để tôn tạo cảnh quan đồng thời làm nơi thoát nước. Trong từng lớp kiến trúc, các kiến trúc được bố trí nối tiếp nhau theo kiểu tòa ngang dãy dọc. Ví dụ, ở khu A, kiến trúc A1 chạy dọc theo hướng bắc - nam, kiến trúc A4 - A16 và A20 chạy ngang theo hướng Đông - Tây.
Sự xuất hiện dày đặc, phong phú của các kiến trúc cao cấp ở đây, với tòa ngang dãy dọc rất công phu, khoa học và trang trí đẹp đẽ, cho thấy khu vực khai quật đã nằm vào khu vực trung tâm của Hoàng thành Thăng Long xưa. Về sự có mặt của một vài hiện vật "bình dân" ở khu vực này, điều đã gây nên những băn khoăn, thậm chí ngờ vực cho nhiều nhà nghiên cứu, tiểu ban của ông Tống Trung Tín lý giải: "Về các đồ gốm bình dân, chúng tôi cho rằng đó là vì Hoàng cung còn có nhiều người phục vụ, nhiều đơn vị binh lính... Các đồ phế thải thì được tận dụng để cho tiện lợi và tạo sự bền vững cho việc gia cố móng trụ, tôn nền ở những công trình lớn. Trong khi tất cả các lí do đó là sự giải thích dễ hiểu cho sự có mặt của đồ "bình dân" ở di tích, thì một loại di vật quý góp phần quyết định cho sự cao cấp của di tích chính là đồ gốm cao cấp".
Trùng ý kiến với GS Trần Quốc Vượng và nhiều nhà nghiên cứu khác, TS Tống Trung Tín bác bỏ ý kiến cho rằng vị trí cuộc khai quật là điểm trung tâm của thành Thăng Long thời Lý - Trần - Lê. Theo họ, nó chỉ nằm trong khu vực trung tâm, nhưng không nằm ở điểm trung tâm. Khẳng định điều này, họ đối chiếu thực tế với thư tịch cổ. Theo sử cũ, với tâm điểm là Điện Thiên An thời Lý - Trần (sau đó là Kính Thiên thời Lê), thì xung quanh tòa điện chính này có hàng loạt các kiến trúc được bố trí đối xứng nhau hai bên và có khi đối xứng hướng tâm từ bốn phía. Trong mặt bằng tổng thể từ A đến D chúng tôi chưa thấy dấu hiệu của các kiến trúc đối xứng. Họ phỏng đoán "sẽ tìm thấy các kiến trúc đối xứng với các kiến trúc ở 18 Hoàng Diệu ở khu phía đông của điện Kính Thiên". Trong điều kiện hiện nay, họ khẳng định rằng khu di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu là một bộ phận thuộc khu vực trung tâm phía tây của điện Kính Thiên, trong đó có một phần ở vào vị trí của Cấm thành, một phần ở vào vị trí của Hoàng thành Thăng Long thời Lý - Trần - Lê theo quan niệm Tam trùng thành quách của kinh thành Thăng Long.
-
D.D