Hoàng thành: sẽ là di sản văn hoá thế giới?
(VietNamNet) - "Không cần thiết phải khai quật thêm Hoàng thành mà quan trọng là nghiên cứu được những gì đã khai quật được để làm rõ lịch sử Hà Nội, lịch sử Việt Nam và cao hơn nữa là Đông Á". Đó là "lời khuyên" của GS. Kunitazu Ueno, chuyên gia khảo cổ Nhật Bản sau chuyến khảo sát di chỉ Hoàng thành Thăng Long.
Đoàn cán bộ khảo cổ Nhật Bản gồm 7 nhà khoa học, đoàn nước ngoài chính thức đầu tiên đến nghiên cứu Hoàng thành Thăng Long do GS. Kunitazu Ueno dẫn đầu vừa kết thúc chuyến khảo sát tại VN (5-10/6) đã đánh giá khá cao công tác khảo cổ và hiện trạng di tích Hoàng Thành Thăng Long nhưng vấn đề bảo tồn di chỉ này mới là mối quan tâm hàng đầu. Theo PGS Tống Trung Tín, Viện phó Viện Khảo cổ VN thì đoàn các nhà khoa học Nhật Bản có một số gợi ý đáng quan tâm trước khi về nước và gửi văn bản tham mưu cho các cơ quan liên quan Việt Nam. Ưu tiên số 1 là quy hoạch toàn bộ khu vực được coi là Hoàng Thành Thăng Long (khoảng 140ha). Tiếp đến là nghiên cứu kỹ hơn di tích đã xuất lộ, chỉnh lý toàn bộ di vật... tiến đến xây dựng kế hoạch tổng thể cho di chỉ này từ bảo tồn đến trưng bày, phát huy giá trị hiện vật. Việc thành lập một tổ chức riêng cho di chỉ Hoàng thành Thăng Long ở quy mô Nhà nước cũng được đề cập đến.
Trung tuần tháng 6 này, 1000 bản đặc san Xưa và nay do Hội khoa học lịch sử Việt Nam thực hiện có độ dày 158 trang sẽ được phát hành. Hoàng thành Thăng Long có thể coi là ấn phẩm chính thức đầu tiên và được xây dựng khá công phu với sự đóng góp ý kiến, bài vở, nhận định của những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực lịch sử và khảo cổ cũng như một số nhà khoa học uy tín trong nước và nước ngoài như: GS Trần Quốc Vượng (Những vết tích của Hoàng thành Thăng Long trên mặt và dưới lòng đất), Phan Huy Lê (Phát lộ di tích Hoàng thành Thăng Long trong lòng đất Ba Đình - HN), Hà Văn Tấn, Vũ Khiêu, Trần Bạch Đằng, Trần Văn Giàu, Trần Đức Cường, Đặng Văn Bài, Tống Trung Tín, Philippe Papin, Fukoka Wa Yuchi, Shigada Yutaka, Kunitazu Ueno... |
GS. Kunitazu Ueno ĐH Tổng hợp Nara Women đã có trên 30 năm nghiên cứu kinh đô Nara của Nhật Bản, đánh giá rất cao giá trị của Hoàng thành của Thăng Long. "Di chỉ này không chỉ cho chúng ta hiểu biết về lịch sử thành Thăng Long mà còn có ý nghĩa đối với lịch sử VN nói chung. Bình thường người ta hay phá kiến trúc cũ để xây cái mới như ở cố đô Kyodo của Nhật Bản hiện chỉ còn một lớp VH trên cùng, những lớp văn hoá cổ gần như đã bị phá huỷ hoàn toàn. Nhưng ở di chỉ Hoàng thành Thăng Long tôi thấy chồng chất nhiều thời kỳ, địa tầng dày và có lịch sử kéo dài hơn 1000 năm. Vấn đề là ở chỗ chúng ta làm thế nào để bóc tách từng lớp kiến trúc một. Tại đây, chúng tôi thấy rất nhiều di vật thể hiện được trình độ phát triển khá cao của từng giai đoạn lịch sử. Tôi cho đây là di chỉ có tầm quan trọng với lịch sử Đông Nam Á chứ không chỉ riêng ở VN".
Trả lời câu hỏi của phóng viên VietNamNet về biện pháp cần tiến hành ngay với di chỉ Hoàng thành Thăng Long, GS. Kunitazu Ueno cho rằng: "Với Khu khảo cổ Ba Đình, di tích xuất lộ đã quá rõ ràng. Theo tôi không cần thiết phải khai quật nhiều nữa. Điều quan trọng là chúng ta nghiên cứu được những gì đã khai quật được để làm rõ lịch sử Hà Nội, lịch sử Việt Nam và cao hơn nữa là Đông Á. Ở Nhật Bản, người dân hỗ trợ Chính phủ rất nhiều trong việc di cư để bảo tồn kinh đô Nara, hy vọng ở VN cũng vậy. Trên thực tế, tư liệu lịch sử không thể nói rõ về cuộc sống, sinh hoạt của Hoàng gia qua các thời kỳ, điều này chỉ có thể trông cậy vào các nhà khảo cổ. Thêm nữa, các công trình nghiên cứu về đặc trưng kiến trúc các triều Lý - Trần - Lê còn ít nên tôi cho rằng Chính phủ Viẹt Nam cần thành lập các tổ chức, cơ quan chuyên trách về vấn đề này".
Về những công việc cần chuẩn bị để đề nghị công nhận Hoàng thành Thăng Long, GS. Kunitazu Ueno cho rằng: "Tất nhiên là Hoàng thành Thăng Long có thể được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới. Nhưng điều đầu tiên trước khi UNESCO xếp hạng, họ phải khảo sát xem di chỉ này được nghiên cứu và bảo vệ đến đâu. Điều đó phụ thuộc vào các bạn".
PGS. TS. Shigeeda Yutaka, chuyên gia lịch sử kiến trúc châu Á (ĐHTH Nippon), một thành viên trong đoàn cũng đã có nhận xét: "Khu vực hiện đang khai quật trong khu di tích này có một đặc trưng riêng mà không thể có ở các di tích khác đó là nhiều dấu vết kiến trúc và địa tầng thuộc nhiều giai đoạn khác nhau chồng chất lên nhau... Tất cả các nhà nghiên cứu về lịch sử và khảo cổ khi đến thăm hiện trường khai quật, chắc chắn sẽ đề nghị không chỉ bảo vệ toàn khu di tích này mà còn quy hoạch hoá khu vực liên quan xung quanh để giữ gìn hiện trạng và dừng kế hoạch xây dựng mới".
Theo đánh giá của Trung tâm KHXH&NV quốc gia, cung điện và kinh thành của Thăng Long có lịch sử lâu đời hơn, quy mô lớn rộng và đẹp hơn kinh đô Nara, Di sản Thế giới của Nhật Bản (UNESCO công nhận năm 1988). Lịch sử của Thăng Long là 1500 năm, lịch sử Nara chỉ gói gọn trong khoảng 1 thế kỷ... |
Về vấn đề làm mái che như một biện pháp tạm thời tránh cho di chỉ bị biến dạng do thời tiết (khi chưa nghiên cứu để có biện pháp thích hợp) cũng đang bị đình trệ. Đến thời điểm này chỉ có khoảng 600m2 mái tôn ở khu A và B được dựng lên dù diện tích dự kiến phải thực hiện là 12.000m2, một khối lượng công việc quá lớn. Việc bảo vệ các di chỉ xuất lộ đang gặp khá nhiều vấn đề khi mùa mưa đã đến, nguy cơ biến dạng di tích đã xuất hiện và không còn là vấn đề của tương lai nữa.
Dự kiến, một số cuộc hội thảo xung quanh giải pháp bảo tồn di chỉ Hoàng thành Thăng Long sẽ được Viện Khảo cổ phối hợp tổ chức vào cuối tháng 6 và trong tháng 8 tới. Tiếp theo Văn Miếu, Quốc Tử Giám (HN), Bảo tàng Lịch sử (TP.HCM), toàn bộ di vật Hoàng thành Thăng Long đã được trưng bày sẽ được triển lãm tại Huế nhân dịp Festival khai mạc ngày 12/6.
-
Bích Hạnh