,
221
961
Đời sống VHNT
vandekhac
/vanhoa/vandekhac/
436280
Phát hiện mới tại di chỉ Thành Điện Hải
1
Article
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
,

Phát hiện mới tại di chỉ Thành Điện Hải

Cập nhật lúc 16:13, Thứ Năm, 10/06/2004 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Đó là thành hào ngoài cùng phía Tây của Di tích quốc gia Thành Điện Hải, vừa được phát hiện trong khi san ủi mặt bằng khu tái định cư 55 Nguyễn Chí Thanh (Đà Nẵng)!

Một đoạn tường thành phía Tây di tích Thành Điện Hải vừa được phát hiện

Những phát hiện mới

Sáng 9/6, trong khi san ủi mặt bằng khu đất tái định cư ở số 55 Nguyễn Chí Thanh, cán bộ kỹ thuật của Công ty Quản lý và Khai thác nhà đất Đà Nẵng đã phát hiện một đoạn móng gạch cổ. GĐ Công ty Phan Quyết Tấn đã cho dừng ngay việc san ủi ở khu vực này nhằm giữ nguyên hiện trạng bức tường cổ và điện mời lãnh đạo Sở Văn hoá – Thông tin và Bảo tàng Đà Nẵng đến xem xét.

Chị Quỳnh Như, cán bộ Bảo tàng Đà Nẵng cho hay: "Đây là chính là một đoạn thành hào của Thành Điện Hải. Cụ thể hơn thì đây là thành hào ngoài cùng phía Tây của ngôi Thành Điện Hải".

Theo ghi nhận của chúng tôi tại hiện trường, đoạn thành hào mà chị Quỳnh Như vừa đề cập có bề dày 2,4m, chạy theo hướng Bắc – Nam, song song với đường Nguyễn Chí Thanh, nhưng không thể xác định được chiều dài vì đã bị nhà dân ở hai bên khu đất 55 Nguyễn Chí Thanh chắn mất. Tuy nhiên, đó không phải là đoạn thành hào duy nhất được phát hiện tại đây!

Sáng 10/6, khi chúng tôi đến nơi thì cũng là lúc công nhân Công ty Quản lý và Khai thác nhà đất Đà Nẵng phát hiện thêm một đoạn thành hào nữa nằm cách đoạn thành hào kể trên 12,5m về phía Tây. Đoạn thành hào này có bề rộng khoảng 1,2m, cũng chạy theo hướng Bắc – Nam.

Một góc của tường thành phía Đông di tích Thành Điện Hải  vẫn còn tương đối nguyên vẹn

Đôi nét về Thành Điện Hải

Theo sách sử còn ghi, thành Điện Hải trước là đồn Điện Hải, xây dựng năm 1813 (Gia Long thứ 12) gần cửa biển Đà Nẵng. Vào năm 1823 (Minh Mạng thứ 4), đồn Điện Hải được dời vào bên trong đất liền, trên một gò đất cao, và được xây bằng gạch. Đến năm 1835 (Minh Mạng thứ 15), đồn Điện Hải được đổi tên là Thành Điện Hải.

Năm 1840, Tham tri Bộ công Nguyễn Công Trứ sau khi vào xem xét hệ thống phòng thủ ở Đà Nẵng đã đề nghị triều đình tăng cường phòng thủ các thành Điện Hải, An Hải. Đến năm 1847 (Thiệu Trị thứ 7), Thành Điện Hải được mở rộng có chu vi 556m, cao hơn 5m, xung quanh là hào sâu 3m. Thành xây bằng gạch theo đề án thiết kế kiểu Vauban, hình vuông; có 2 cửa, một mở về phía Nam (cửa chính) và một mở về phía Đông. Trong thành có hành cung, kỳ đài, các cơ sở chứa lương thực, đạn dược, thuốc súng và được trang bị 30 ụ súng đại bác cỡ lớn.

Hiện di tích Thành Điện Hải tọa lạc tại phường Thạch Thang, quận Hải Châu. Tường thành phía Đông và các góc tương đối còn nguyên vẹn. Cửa thành phía Nam đã mất và phía Bắc đã hư hại. Riêng tường thành phía Tây thì đến nay mới được phát hiện.

Thành Điện Hải là một dấu ấn ghi nhớ truyền thống đấu tranh chống Pháp của nhân dân Đà Nẵng và nhân dân cả nước, quyết tâm giữ vững nền độc lập dân tộc, bảo vệ lãnh thổ. Đây cũng là đồn lũy quan trọng góp phần đánh bại cuộc tấn công của thực dân Pháp vào Đà Nẵng những năm 1858 - 1860. Một tượng đài uy nghi của Tướng quân Nguyễn Tri Phương đã được dựng tại đây để ghi nhớ một giai đoạn lịch sử hào hùng của quân dân Đà Nẵng. Ngày 16/11/1988, Thành Điện Hải được Bộ VH-TT xếp hạng di tích lịch sử quốc gia và gắn bia di tích ngày 25/8/1998.

 
 
Gạch cổ từ bức tường thành phía Tây di tích Thành Điện Hải bị một số hộ dân quanh đó lấy để... xây tường nhà mình!

Những vấn đề đặt ra

Được biết, ngành VH-TT TP Đà Nẵng đang triển khai dự án đã được UBND TP phê duyệt để tiến hành phục hồi, tôn tạo di tích Thành Điện Hải trong năm 2004. Tuy nhiên, việc phát hiện bức tường thành phía Tây đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết.

Trước hết, liệu bức tường thành này có được phục hồi để góp phần hoàn chỉnh quy mô của Thành Điện Hải xưa? Nếu đã phát hiện mà không giữ gìn, phục hồi thì sẽ vi phạm Luật Di sản Văn hoá, bởi lẽ bức tường thành này dù muốn hay không cũng là một phần không thể tách rời của một Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Nhưng nếu phục hồi bức tường thành này thì quy mô phục hồi đến đâu? Do lẽ, căn cứ những dấu tích đã phát lộ thì bức tường thành phía Tây không chỉ dừng lại trong phạm vi khu đất số 55 Nguyễn Chí Thành mà còn kéo dài hơn, nhưng đã bị nhà dân ở chung quanh chặn lại. Thậm chí một số hộ dân còn sử dụng... gạch lấy từ bức tường thành này trong những lần đào bới trước đó để xây tường nhà mình. Nếu tổ chức phục hồi bức tường thành phía Tây thì không chỉ dự án khu tái định cư 55 Nguyễn Chí Thanh phải đình hoãn (thậm chí dừng hẳn) mà nhiều nhà dân quanh đó cũng phải giải toả để tiếp tục khai quật dấu tích thành cổ. Và để làm việc này thì rõ ràng là sẽ tiếp tục nảy sinh hàng loạt vấn đề không đơn giản. Rất tiếc GĐ Bảo tàng Đà Nẵng Hà Phước Mai đang đi công tác nên chưa có ý kiến chính thức nào về phát hiện mới này.

  • Hải Châu
,
,