Vị trí Hoàng thành Thăng Long: vẫn còn nhiều phức tạp
(VietNamNet) - Tuy còn nhiều bất đồng, các ý kiến trong "Hội thảo khoa học về vị trí, quy mô Hoàng thành Thăng Long qua hệ thống bản đồ và tư liệu khảo cổ học" do Viện Khảo cổ chủ trì sáng nay (3/6) đã có sự xích lại gần nhau hơn ở một số điểm cơ bản.
Hố B16. Ảnh: Nguyên Vũ. |
Đáng chú ý, đa số các nhà nghiên cứu đều khẳng định, núi Nùng là trung tâm của Hoàng thành Thăng Long (HTTL) qua các thời kỳ và điện Kính Thiên nằm tọa lạc trên núi Nùng. Giới hạn HTTL cũng khá thống nhất ở 3 phía đông, nam, bắc (Riêng phía Tây còn nhiều bất đồng).
Điều quan trọng nhất là các nhà sử học, nhà khảo cổ, đều nhất trí coi địa điểm đang khai quật do TS Tống Trung Tín chủ nhiệm ở 18 Hoàng Diệu là thuộc khu trung tâm chính trị của Hoàng thành từ thành Đại La, Thăng Long thời Lý - Trần đến thành HN thời Nguyễn. Đây cũng là mục tiêu cao nhất chúng ta đang cần đạt tới, để trả lời câu hỏi lớn mà chính phủ yêu cầu Viện KHXH trả lời vào cuối tháng 9/2004. Bởi vì đây sẽ là cơ sở cho kế hoạch bảo tồn và khảo cổ được Chính phủ chấp nhận. Sau đây, VietNamNet xin lược ghi một số ý kiến đáng chú ý trong buổi thảo luận sáng nay.
TS. Tống Trung Tín trình bày rõ, đợt khai quật năm 1999 đã phát hiện ra con đường lát gạch hoa chanh thời Trần ở độ sâu 1,9 m. Điều này đã chứng minh vị trí HTTL thời Lý- Trần là ở vị trí điện Kính Thiên mà ta còn thấy ngày nay. Con đường này được xây dựng kiên cố, đẹp, vị trí nằm ở chính giữa Đoan Môn thời Lê, hướng đường phát triển về phía điện Kính Thiên. Các đặc điểm đó khiến ta thấy đó là dấu tích con đường đi từ Đoan Môn vào điện Thiên An thời Trần. Sau đó vào thời Lê sơ, nhà Lê sơ đã tôn cao hẳn con đường và mặt bằng khu vực lên khoảng 50 cm và xây dựng cửa Đoan Môn và điện Kính Thiên lên ngay tại vị trí của Đoan Môn cũ và điện Thiên An. Từ con đường này, có thể khẳng định, trung tâm HTTL thời Lý-Trần-Lê là cùng ở một vị trí mà dấu tích vẫn còn thấy rõ như Đoan Môn, Kính Thiên thời Lê. Việc xác định khu vực quanh điện Kính Thiên, đoan Môn là trung tâm của HTTL Lý -Trần- Lê còn được ủng hộ chắc chắn bởi cứ liệu địa tầng.Tầng văn hoá của các địa điểm ở đây đều dày từ 3 đến 5m với hàng vạn di vật Lý Trần-Lê. Trong khi đó ở các khu vực khác thì tầng văn hoá rất mỏng, thậm chí nhiều điểm không có tầng văn hoá.
Từ kết quả nghiên cứu khảo cổ học và quan sát một số di tích hiện còn, nhất là qua các bia ký, TS Tống Trung Tín cho rằng vị trí của HTTL thời Lý-Trần-Lê không thay đổi qua các thời kỳ. Riêng thành HN thời Nguyễn thì cũng trên cơ sở nền móng cũ của các thời trước, nhưng được thu hẹp lại ở phần phía Đông. Từ đó, TS Tống Trung Tín xác định quy mô của HTTL thời Lê ở khoảng: Phía Bắc khoảng phố Phan Đình Phùng, Nam : phố Trần Phú; Đông: phố Thuốc bắc; Tây: phố Hùng Vương
GS Trần Quốc Vượng là một trong những người đầu tiên đề xuất luận điểm: Trung tâm của HTTL là núi Nùng. Núi Nùng tên chữ là Long Đỗ, nghĩa là Rốn Rồng. Dựa trên thuật phong thủy và hai cuốn Việt điện u linh và Lĩnh nam chích quái, GS giải thích tại sao chốn ấy lại có thể là trung tâm của Hoàng thành. Thứ nhất, Long Đỗ là nơi có trục trung tâm thiêng liêng nối liền Trời và Đất. Thứ hai, Rốn là nơi tụ của Phách theo quan niệm nhân thể luận; do vậy Long đỗ = Rốn rồng cũng là nơi tụ khí linh thiêng của đất nước. Từ hai cuốn sách dẫn trên cũng thấy được Núi nùng ở bên bờ sông Tô Lịch. Nhưng cụ thể núi Nùng bên sông Tô là ở đâu? Có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này. Ví như cụ Trần Huy Bá và cụ Hoàng Đạo Thúy cho núi Nùng là ở Vườn Bách Thảo hiện nay (tức cũng suy ra trung tâm HTTL là ở phía Vườn Bách thảo). Hay như GS Hoàng Thiếu Sơn, cho rằng núi Nùng phải là núi Voi trên đường Hoàng Hoa Thám. Lí luận của vị này là núi Voi đó mới là nơi cao nhất Hà Nội, nên mới có thể là nơi xây dựng Hoàng thành. Để bác lại luận điểm của các học giả này, GS Trần Quốc Vượng dẫn một đoạn trích trong một tấm bia ở Chùa Am-Cửa Bắc: "Chùa Am được xây bởi một vị phu nhân của Thoại Ngọc Hầu, họ Hoàng, người Tày xứ Lạng trên nền bỏ hoang của Kho quân lương thời Lê, phía Bắc trông ra Hồ Cổ Ngựa (Mã Cảnh hồ - còn hiện rõ trên bản đồ HN niên hiệu Tự Đức 1873) và ngay sau lưng là núi Nùng". Từ đó, ông phủ nhận quan điểm núi Nùng nằm trong vườn Bách thảo, hay là núi Voi trên đường Hoàng Hoa Thám.
Kiên trì theo luận điểm của mình, GS Trần Quốc Vượng đoan chắc, chính núi Nùng là nơi tọa lạc, hay là nền điện Kính Thiên. Tuy nhiên, các bằng chứng hữu thể và phi vật thể cho điều này thì GS xin để "kỳ sau nêu tiếp".
Ông Bùi Thiết, người sở hữu hơn 10 bản đồ cổ về thành Thăng Long trước thế kỷ XIX, tin chắc "có thể nhìn thấy quy mô và bóng dáng của thành Thăng Long xa xưa qua những thông tin cô đọng nhất ẩn tàng trong ngôn ngữ của bản đồ". Các bản đồ của ông đều có nguồn gốc từ bản đồ Hồng Đức, thuộc thế hệ thứ hai. Phương pháp nghiên cứu của ông qua nhiều năm là đối chiếu để tìm các điểm được chú thích trùng nhau nhiều lần, sau đó kiểm tra trên thực địa, tìm hướng... Qua nghiên cứu, ông nhận thấy, trên cả 10 bản đồ, hình dáng của tòa thành đều vuông thước thợ và cố định qua các thời kỳ. Duy chỉ có các toà điện trong thành là có thể thay đổi tùy thời.
Vị trí của Hoàng thành không xê xích, nhưng riêng thành HN xây năm 1805 có xu hướng lùi về phía đông và hẹp hơn Hoàng thành cũ. Cũng vậy, trục chính tâm Bắc - Nam của thành HN (lấy Cột Cờ làm chuẩn) không trùng với trục chính tâm Bắc - Nam của Hoàng thành TL trước thế kỷ XIX.
Vị trí của Hoàng thành Thăng Long theo ông, là: tường phía Bắc gần trùng với đường Phan Đình Phùng, tường phía Nam gần trùng với phố Nguyễn Thái Học. Hai phía đông và tây khó xác định hơn. Sở dĩ như thế là vì như vừa nói ở trên, thành HN có lùi về phía đông và hẹp hơn Hoàng thành cũ. Do đó, theo ông Bùi Thiết, chiều đông tây của Hoàng thành rộng hơn chiều đông tây của thành HN; nếu có thể chấp nhận tường phía đông gần trùng với tường đông thành HN, thì phía tây phải lùi xa hơn tường tây thành HN. Nếu lấy trục Quốc Tử Giám - Trấn Võ Quán làm trung tâm, thì ít ra phần phía tây của Hoàng thành cũng phải bằng nửa phía đông của nó.
"Vấn đề còn nhiều điểm phức tạp, không hy vọng mấy bản tham luận sáng nay đã có thể làm sáng tỏ tất cả"- đó là nhận xét của GS. Phan Huy Lê để tóm tắt hội thảo. Từ nay đến trước tháng 9 - thời hạn phải trả lời phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - sẽ có khoảng 2-3 buổi trao đổi như thế này được tổ chức.
-
Đ.D.H