Đà Nẵng: Tưng bừng Lễ hội Quán Thế Âm và đình làng Bồ Bản
Đông đảo người dân Đà Nẵng và du khách thập phương đã về tham dự Lễ hội Quán Thế Âm |
(VietNamNet) - Trong 3 ngày 17 - 19/2 âm lịch (tức 7 - 9/3/2004) tại Khu du lịch Ngũ Hành Sơn đã tưng bừng diễn ra lễ hội Quán Thế Âm với sự tham gia của hàng ngàn tăng ni, phật tử cùng đông đảo du khách trong cả nước. Cùng thời gian này, tại xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) cũng đã diễn ra lễ hội đình làng Bồ Bản nhân kỷ niệm 5 năm đuợc công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Lễ hội Quán Thế Âm
được tổ chức hàng năm tại khu du lịch Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng. Lần đầu tiên lễ hội này được tổ chức vào năm 1960, nhân ngày khánh thành tượng Bồ tát Quán Thế Âm ở động Hoa Nghiêm thuộc ngọn Thủy Sơn, phía tây Ngũ Hành Sơn. Hai năm sau, lễ hội được tổ chức nhân dịp khánh thành chùa Quán Âm ở động Quán Âm, là nơi phát hiện một khối thạch nhũ có hình tượng Phật bà Quán Thế Âm. Sau đó, vì nhiều lý do, lễ hội không được tổ chức trong một thời gian khá dài. Mãi đến ngày vía đức Phật bà Quán Thế Âm vào năm 1991 (19/2 năm Tân Mùi), Lễ hội Quán Thế Âm mới được khôi phục trở lại. Từ đó, hàng năm, cứ đến ngày 19/2 âm lịch, lễ hội lại được tổ chức với một quy mô ngày càng lớn và nội dung ngày càng phong phú hơn.Năm nay, Lễ hội Quán Thế Âm cũng diễn ra trong 3 ngày theo truyền thống; trong đó tập trung chủ yếu ở hai ngày 18 - 19/2 âm lịch gồm hai phần lễ và hội. Phần lễ mang màu sắc lễ nghi Phật giáo với Lễ rước ánh sáng tổ chức vào tối ngày 18, gồm rước đuốc, rước kiệu, múa lân, múa rồng để cầu mong ánh sáng soi đường cho chúng sinh, mà trong Phật giáo ánh sáng đồng nghĩa với trí tuệ, trí tuệ sáng thì tấm lòng, đạo đức trong sáng, sẽ làm nhiều việc thiện. Tiếp đó là Lễ tế xuân (cúng sơn thủy, thổ thần) để cầu quốc thái dân an. Bô lão của các phường Hòa Hải, Hòa Quý khăn áo chỉnh tề, tay cầm cờ lọng, đuốc, lồng đèn, có đội nhạc cổ và chiêng trống đi theo. Sau khi làm lễ và đọc văn tế, đoàn bô lão dẫn đầu đoàn rước cộ xuống bờ sông Cầu Biện để mở hội hoa đăng, rồi từ chùa Quán Thế Âm đi quanh các khu phố qua các làng đá mỹ nghệ Non Nước, xuống khu du lịch Non Nước và trở về lại lễ đài với lộ trình dài hơn 2km.
Trong ngày 19, Lễ khai kinh được tổ chức vào sáng sớm để cầu nguyện cho quốc thái dân an, chúng sinh an lạc; Lễ trai đàn chẩn tế để cầu siêu, cúng thập loại chúng sinh; Lễ thuyết giảng về Bồ tát Quán Thế Âm và dân tộc nhằm ngợi ca lòng từ bi bác ái của đức Bồ tát Quán Thế Âm và cầu nguyện cho dân tộc an bình, thịnh vượng. Đặc biệt nhất là Lễ rước tượng Quán Thế Âm tổ chức vào khoảng 10 giờ sáng. Kiệu mang tượng Phật bà với sự tháp tùng của đông đảo Phật tử đuợc rước từ chùa xuống chiếc thuyền đậu trên sông Cầu Biện (nhánh của sông Cổ Cò) và cho thuyền chạy vòng quanh sông Cổ Cò, cầu nguyện cho đồng bào, chúng sinh đi biển, đi làm ăn trên sông nước được thuận lợi bình an.
Phần hội cũng diễn ra hết sức sôi nổi với nhiều hoạt động văn hóa - thể thao mang đậm bản sắc dân tộc xen lẫn với hiện đại như cắm trại, hội hóa trang, hát dân ca, thi cờ, nhạc, hoạ, điêu khắc, múa tứ linh, thả đèn trên sông, hát tuồng... các hoạt động văn hóa như triển lãm thư pháp và tranh thủy mặc, hội thi thuyết minh về danh thắng Ngũ Hành Sơn, hội thi nấu ăn chay...
Nhờ vào vị thế sơn thủy hữu tình, các nội dung phong phú của lễ hội đã thu hút đông đảo khách hành hương cùng khách du lịch trong và ngoài nước đến với thắng tích Ngũ Hành Sơn. Trên sân bãi, diễn ra trò chơi kéo co truyền thống. Phía sông Cổ Cò vang tiếng hò reo của khách tham gia hội đua thuyền, hội đua thúng lắc... Khi đêm xuống, lễ hội càng lộng lẫy, Hòanh tráng với nhiều thanh âm và màu sắc. Sau khi "Truyền thuyết Ngũ Hành Sơn" được diễn ở sân khấu chính, các đội hình rước đuốc, rước cộ bắt đầu được diễu hành qua các đường phố chính của Ngũ Hành Sơn. Dưới sông, các cư sĩ chùa Quán Thế Âm thả hoa đăng, gửi lời cầu nguyện cho ánh sáng trí tuệ được trường tồn như dòng nước.
Với nhiều hoạt động văn hóa - thể thao phong phú, Lễ hội Quán Thế Âm tuy mang màu sắc tôn giáo nhưng lại đi sâu vào tự tình dân tộc, góp phần phục hồi và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc VN. Đây thực sự là lời cầu nguyện cho quốc thái dân an, cho mưa hòa gió thuận; là dịp để mọi người, mọi giới chan hòa trong không khí hội hè, soi mình vào bản sắc văn hóa dân tộc để ngày càng sống đẹp hơn.
Trước đó, trong 2 ngày 7 và 8/3, đông đảo nhân dân xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang) cũng đã về dự Lễ hội đình làng Bồ Bản lần thứ 2, đồng thời kỷ niệm 5 năm đình làng được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
Đình làng Bồ Bản được xây dựng bằng tranh tre nứa lá vào năm 1800 (niên hiệu Cảnh Thịnh, triều Tây Sơn) do công của 4 vị Tiên hiền thuộc 4 tộc họ Trần, Hồ, Trương, Nguyễn. Năm 1852 (Tự Đức thứ 5), đình được xây lại với kết cấu tường gạch, mái ngói theo phong cách kiến trúc truyền thống phương Đông. Đến 1906 (Thành Thái thứ 19), đình được trùng tu, tôn tạo, nâng lên một bước nghệ thuật kiến trúc song vẫn giữ nguyên hiện trạng ban đầu. Tháng 11/1989, do bị xuống cấp bởi tác động của thiên tai, chiến tranh, đình Bồ Bản lại được trùng tu, chuẩn bị các bước để được công nhận là di tích cấp quốc gia 10 năm sau đó. Lễ hội năm nay, ngoài các trò chơi dân gian như nhảy thi gói bánh ú, thi nấu cơm, đẩy gậy, đua thuyền... còn có các loại hình hiện đại như đua xe đạp chậm, thi đấu bóng đá nam, nữ...
Đặc biệt, đêm văn nghệ quần chúng đã thu hút nhiều diễn viên người cao tuổi đến với các loại hình văn nghệ truyền thống địa phương như hát dân ca, hát bài chòi, bên cạnh các tiết mục đặc sắc được tuyển chọn từ các hội thi, liên hoan của phòng Văn hóa - Thể thao huyện Hòa Vang.
-
Thanh Hải