,
221
5086
Thế giới sao
sao
/giaitri/sao/
226083
Đến với lễ hội tháng 3
1
Article
5084
Giải trí
giaitri
/giaitri/
,

Đến với lễ hội tháng 3

Cập nhật lúc 06:44, Thứ Tư, 10/03/2004 (GMT+7)
,

(VietNamnet) - Tháng 3, vẫn còn là tháng nô nức trẩy hội xuân. Gần xa đến hẹn lại lên, khói hương lan tỏa, lòng thành nguyện cầu, hòa nhập tâm hồn cùng anh linh tổ tiên ngàn đời. Mời bạn cùng trẩy hội tháng 3... 

Hội Phủ Giày

Ngày 1 đến ngày 10 tháng 3 âm lịch (Từ ngày 19/4 đến 28/4/2004 dương lịch): Lễ hội Phủ Giày (diễn ra ở miền Bắc): Trong dân gian Bà Chúa Liễu Hạnh được suy tôn là một trong “Tứ bất tử” của điện thần người Việt. Các nghi thức tiêu biểu của lễ hội gồm có: rước Thánh Mẫu, hội kéo chữ, hát chầu văn và nhiều trò chơi dân gian khác cũng được tổ chức trong dịp này. Xã Kim Thái, huyện Vụ Bản (cách thành phố Nam Định khoảng 15km) là nơi diễn ra lễ hội.  

Một góc chùa Tây Phương.

Ngày 5 đến 7 (Từ ngày 23/4 đến 25/4/2004 dương lịch): Hội chùa Thầy (diễn ra ở miền Bắc): Lễ hội suy tôn pháp sư Từ Đạo Hạnh, là người có công chữa bệnh cho vua Lý Thần Tôn được vua phong là quốc sư. Ông cũng là ông tổ của nghệ thuật múa rối nước Việt Nam. Địa điểm diễn ra lễ hội ở xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây. Lễ hội có nhiều trò chơi, đặc biệt là múa rối nước tại nhà Thủy Đình. Trẩy hội chùa Thầy ngoài lễ Phật, khách còn hưởng thú vui leo núi, thưởng ngoạn cảnh trí thiên nhiên của xứ Ðoài.  

Ngày 6 (Ngày 24/4/2004 dương lịch): Hội chùa Tây Phương (diễn ra ở miền Bắc): Chùa Tây Phương là một công trình kiến trúc nổi tiếng thời Hậu Lê và các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc trong chùa. Khách đi chơi hội vừa cầu kinh niệm Phật cầu phúc, vừa để tham quan chùa Tây Phương. Lễ hội được tổ chức tại xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Tây. 

Trường Yên.

Ngày 8 đến 10 (Từ ngày 26/4 đến 28/4/2004 dương lịch): Lễ hội Trường Yên (diễn ra ở miền Bắc): Là lễ hội lớn nhất trong vùng, lễ hội diễn ra tại đền thờ vua Đinh và vua Lê, xã Trường Yên Thượng và Trường Yên Hạ, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Để tưởng nhớ công đức của hai vị vua Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành có công thống nhất giang sơn, đem lại thái bình cho đất nước vào cuối thế kỷ thứ X đầu thế kỷ XI. Nghi thức lễ tế và lễ rước được tiến hành vô cùng trang nghiêm ở hai đền vua Đinh và Lê. Nhiều trò chơi dân gian như: võ vật, đua thuyền, đu tiên, thi thơ, trò chơi kéo chữ, múa gậy, múa rồng, múa lân, hát chầu văn. Đặc biệt có trò “cờ lau tập trận”, tái hiện những buổi rèn, tập quân của Đinh Bộ Lĩnh trên đất Trường Yên. 

Đền Hùng.

Ngày 9 đến 11: Lễ hội đền Hùng (diễn ra ở miền Bắc): Hàng năm tại Đền Hùng, núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Lang, huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ thường diễn ra lễ hội mang tính chất quốc gia để suy tôn các vua Hùng là người đã có công dựng nước. Trong lễ hội nghi thức tế lễ được tổ chức rất long trọng, có nhiều cuộc rước thần, rước voi, rước kiệu của các làng Tiên Cương, Hy Cương, Phượng Giao, Cổ Tích…ngoài ra còn có múa hát xoan, hát ca trù và nhiều trò chơi khác. Hội đền Hùng diễn ra với một nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc và nó còn mang tính thiêng liêng của một cuộc hành hương về với cội nguồn dân tộc của các thế hệ người Việt Nam. Đến hội, mỗi người đều có chung một cảm xúc biểu hiện tình thương yêu, lòng ngưỡng mộ về quê cha đất tổ. Đây là một tín ngưỡng đã ăn sâu vào tâm thức của người Việt Nam, cho dù họ ở bất cứ nơi đâu.

Ngày 10 đến 20 (Từ ngày 28/4 đến 8/5/2004 dương lịch): Hội đua voi ở Tây Nguyên (diễn ra ở miền Trung): Ngày hội đua voi là ngày vui lớn ở Tây Nguyên, nó phản ánh tinh thần thượng võ của người M’Nông, một dân tộc giàu đức tính dũng cảm, có kinh nghiệm trong những cuộc săn bắt voi rừng. Lễ hội diễn ra tại các vùng dân tộc M’Nông, Eđê, Lào. Hội đua voi thường được tổ chức ở Buôn Đôn hoặc cánh rừng thưa ven sông Sêrepốc (Daklak). Bãi đua là một dải đất tương đối bằng phẳng (thường là khu rừng ít cây to) để 10 con voi đi cùng một lúc, chiều dài từ 1 đến 2km.

Ngày 15 (Ngày 3/5/2004 dương lịch): Hội đền Đô (diễn ra ở miền Bắc): Tương truyền, đây là ngày vua Lý lên ngôi Hoàng đế. Lễ hội có lễ rước kiệu trang trọng, lễ trình thánh; các trò chơi dân gian, thi đấu cờ người, đấu vật, chọi gà… Đến Đô, nơi thờ 8 vị vua nhà Lý thuộc làng Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh là nơi lễ hội được tổ chức. Đình làng Đình Bảng là một ngôi đình cổ kính nổi tiếng nhất của đất Kinh Bắc, được xây dựng năm 1700 và đến năm 1736 mới được hoàn thành.

Ngày 20 đến 24 (Từ ngày 8/5 đến 12/5/2004 dương lịch): Lễ hội Tháp Bà - Ponagar (diễn ra ở miền Trung): Lễ hội tưởng niệm Mẹ Xứ Sở là người tạo lập xứ sở, duy trì nòi giống, tìm ra cây lúa, dạy dân canh tác. Đây là một lễ hội lớn trong khu vực và được tổ chức tại khu di tích Tháp Ponagar, trên ngọn đồi bên cửa sông Cái ở phía bắc thành phố Nha Trang. Nữ thần của người Chăm được Việt hóa, nghi lễ có lễ tắm tượng, thay y phục, dân cúng, hát múa chào mừng bà con về tế lễ, biểu diễn sân khấu và nhiều trò chơi được tổ chức tưng bừng trước ngôi đền chính.              

  • Mỹ Xuân (tổng hợp) 

,
,