Làm gì với những di tích vùng lòng hồ thủy điện Sơn La?
(VietNamNet) - Địa hình khó khăn, diện tích không lớn, song Sơn La đang chứa đựng trong lòng một tiềm năng di tích khảo cổ và di tích văn hóa - lịch sử, danh lam thắng cảnh rất đa dạng và phong phú. Hiện nay toàn tỉnh có đến 9 di tích được Bộ VHTT xếp hạng, 3 di tích nữa đang được đồng ý thỏa thuận xếp hạng, 15 di tích dọc quốc lộ 6 đang trình UBND tỉnh xếp hạng.
Là vùng đất lâu đời với nhiều dân tộc anh em sinh sống, nhiều phong tục tập quán và bản sắc văn hóa dân tộc, gắn với truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường, Sơn La đang cần bảo vệ và gìn giữ tất cả những gì minh chứng cho quá trình lịch sử và bản sắc riêng của mình.
Ngày khởi công công trình thủy điện Sơn La đang đến gần. Cùng với việc di dời gần 12.000 hộ dân ra khỏi lòng hồ, tỉnh Sơn La còn phải tính đến phương án di dời và bảo vệ 27 di tích văn hóa – lịch sử nằm trong vùng ngập nước và bảo vệ tôn tạo các di tích tại các vùng tái định cư.
Từ tháng 11/1997, đoàn khảo sát Viện Khảo cổ học đã phối hợp với Bảo tàng Sơn La tiến hành điều tra 17 xã, 1 thị trấn thuộc 3 huyện vùng lòng hồ Quỳnh Nhai, Mường La, Thuận Châu, bước đầu đã phát hiện hàng loạt địa điểm khảo cổ học và thu về gần một nghìn hiện vật bao gồm đồ đá, đồ gốm, vết tích đồng, di cốt người và động vật thuộc các giai đoạn khác nhau từ thời đại đồ đá đến các di tích cách mạng. Ở Quỳnh Nhai đoàn đã phát hiện 10 di tích và 2 sưu tập hiện vật rìu đá, giáo và lao ngạnh. Ở Thuận Châu phát hiện 10 di tích 2 sưu tập đồ đá và đồng. Ở Mường La phát hiện 7 di tích và 2 sưu tập đồ đá và kim khí. Trong đó, có 3 di tích thuộc thời đại phong kiến (phế tích chùa miếu Đông Sang xã Mường Chiên, di tích Dinh thự Châu phủ huyện Quỳnh Nhai, di tích cây đa bản Pắc Ma - trận đánh tập đoàn châu Phi, chiến dịch Thu-Đông 1947; 7 di tích thuộc thời đại kim khí, 9 di tích thuộc thời đại đồ đá mới, 8 di tích thời đại đồ đá cũ. Cả 3 huyện lòng hồ đều cho thấy có tiềm năng khảo cổ học lớn. Phần đông các di tích khảo cổ quan trọng hiện phân bố trên thềm sông Đà hoặc mái lá, hang động không cao lắm và đều nằm dưới cốt nước của thủy điện Sơn La sắp tới.
Di tích ở Sơn La, dù là di tích văn hóa, lịch sử hay cách mạng, dù nằm ở vùng thấp hay vùng cao biên giới, cho đến giờ vẫn được nhân dân gìn giữ, chăm sóc. Nhiều huyền thoại lung linh được truyền tụng. Cũng bởi có nhiều dân tộc cùng chung sống, từ đời này qua đời khác, chất văn hóa dân tộc đa dạng này càng làm cho các di tích trở nên hấp dẫn và có giá trị. Có những truyền thuyết về một câu chuyện tình cảm động, nay bà con tìm thấy cả mộ của nhân vật huyền thoại đang nằm trong vùng ngập nước. Theo các cán bộ ở Bảo tàng Sơn La, hiện nay họ đang giữ những bản thảo quý giá về tiếng Thái cổ, mà trong đó chắc chắn là chứa đựng cả một kho tàng văn học dân gian dân tộc Thái. Song hiện nay người biết tiếng Thái cổ còn rất ít, nếu không có biện pháp cấp bách để dịch ra tiếng Thái hiện nay hay tiếng Việt thì e rằng kho báu ấy sẽ lại về với thời gian. Vô số hiện vật khai quật được còn nằm xếp lớp vì chưa có phòng trưng bày. Kể cả sắp tới, những di tích cần di dời, khai quật tại vùng lòng hồ sẽ bố trí tại đâu…tất cả đang nằm trong dự tính. Vấn đề tài chính đặt mọi người vào những lo âu.
Theo phương án của Bảo tàng Sơn La, các di tích lòng hồ sẽ phải có phương án xử lý, di dời. 3 di tích lớn là Hang Đán Lón (Mường Sại, Thuận Châu), di tích thềm sông Pá Mang (Liệp Tè, Thuận Châu), di tích thềm sông Văn Pán (Chiềng Ơn, Quỳnh Nhai) cần được tổ chức khai quật quy mô. 14 di tích bị xáo trộn cần được đào xử lý tư liệu, 1 di tích cần di dời là tranh khắc đá xã Pá Màng, Thuận Châu, 1 di tích cần làm mô hình là cây đa Cách mạng Pắc Ma (Quỳnh Nhai). Tổng kinh phí cho việc này là 7.500.000.000đ. Phương án xây dựng 2 phòng trưng bày về tiền sử - sơ sử và giới thiệu đặc trưng văn hoá các dân tộc Sơn La cũng mất khoảng 1 tỷ đồng. Còn nữa là cần xây dựng kho lưu giữ hiện vật vùng lòng hồ Thủy điện Sơn La và nên chăng, cần có một khu trưng bày tất cả những gì của lòng hồ?
Bây giờ trong muôn nghìn bận rộn và toan lo cho đời sống kinh tế của một tỉnh nghèo như Sơn La, vấn đề này chưa nổi lên như một tín hiệu cấp cứu, song chỉ mai đây, khi dòng nước mênh mông nhấn chìm mọi thứ trong vùng hồ, sẽ chẳng bao giờ tìm lại được những di tích quý giá, dù có thể có kinh phí. Việc này không chỉ là nỗi lo của Bảo tàng Sơn La, của tỉnh, mà trung ương, Bộ VHTT cũng cần vào cuộc để kịp thời mang những di sản của Sơn La về đúng chỗ của nó, để những di tích này tỏa sáng giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống cho các thế hệ mai sau, cũng là sức thu hút mạnh mẽ cho du khách gần xa.
-
Thái Hà