,
221
961
Đời sống VHNT
vandekhac
/vanhoa/vandekhac/
41295
Thủy điện Sơn La cần một dự án cấp quốc gia về văn hóa
1
Article
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
,

Thủy điện Sơn La cần một dự án cấp quốc gia về văn hóa

Cập nhật lúc 10:24, Thứ Hai, 14/04/2003 (GMT+7)
,

Theo Dự án xây dựng Nhà máy thủy điện Sơn La đã được phê chuẩn, sẽ có 160 bản thuộc 17 xã sẽ ngập chìm trong lòng hồ thủy điện. Cả một vùng rộng lớn dọc thượng nguồn sông Đà, từ Pa Vinh (Quỳnh Nhai-Sơn La) lên tận Mường Lay-Nậm La (Lai Châu) sẽ chìm sâu dưới lòng hồ thủy điện có cao trình 215 mét. Đây là một cơ hội phát triển lớn của kinh tế-xã hội miền Tây Bắc, nhưng đồng thời cũng đặt ra một vấn đề cấp bách: Làm thế nào để bảo tồn, khai thác và phát huy tốt nhất những di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc nơi đây?

Một vùng văn hóa đặc sắc

Theo dự án đã được phê chuẩn, riêng tỉnh Sơn La rồi đây sẽ có 17 xã (160 bản) với hơn 6 vạn đồng bào thuộc các dân tộc Thái, Kháng, La Ha, Khơ Mú, Kinh... của các huyện Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Mường Lay, Nậm La phải di dời, nhường bản làng cho lòng hồ thủy điện. Đây là vùng dân định cư đã lâu đời, có truyền thống canh tác lúa nước khá sớm và có một nền văn hóa rất phong phú, đặc sắc. Ngoài 27 di tích khảo cổ (8 di tích thời kỳ đồ đá cũ, 9 di tích thời kỳ đồ đá mới, 7 di tích thời đại kim khí...) nơi đây còn có một kho tàng văn hóa phi vật thể từng được các nhà nghiên cứu xếp vào một trong những chiếc nôi văn hóa tiêu biểu của vùng Tây Bắc. Đặc biệt là văn hóa truyền thống của đồng bào Thái và Khơ Mú là hai dân tộc chiếm tỷ lệ dân số cao nhất ở đây. Đành rằng vẫn còn cả một nền văn hóa của cộng đồng các dân tộc Tây Bắc rộng lớn không bị ngập. Nhưng mỗi đơn vị xã hội của từng dân tộc (họ hàng, làng bản...) đều chứa đựng trong đó những sắc thái văn hóa riêng biệt, độc đáo. Thí dụ: Cùng là cái “coóng” đựng xôi của đồng bào Thái nhưng mỗi nơi đan lát khác nhau, trang trí khác nhau và tên gọi cũng khác nhau. Hoặc là những câu chuyện dân gian, những giai thoại gắn liền với địa danh, nhân vật cụ thể ở mỗi địa phương; những nghề thủ công truyền thống; những bài thuốc chữa bệnh gia truyền; những món ăn đặc sản chỉ có ở từng vùng đất.

Thời gian xây dựng thuỷ điện, rất nhiều di tích lịch sử-văn hóa của khu vực này cũng sẽ bị chìm ngập. Trong đó có nhiều di tích-công trình nổi tiếng như: Tấm bia đá ở bản Trang khắc bài thơ của Lê Lợi trong chuyến nhà vua đi kinh lý biên ải miền Tây năm 1432. Khu vực dinh thự của ''Vua Thái'' Đèo Văn Long ở ngã ba sông Nậm Na và sông Đà. Nhà tù Lai Châu do thực dân Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ 20 để giam giữ các chiến sĩ cách mạng. Chiếc cầu treo Hang Tom ở phía đông bắc thị xã từng được đánh giá là to đẹp nhất nước ta trước khi có cây cầu Mỹ Thuận...Và nữa, những phiên chợ thị xã rực rỡ sắc mầu thổ cẩm; những đêm xòe dìu dặt của trai gái Thái đen, Thái trắng hoà nhịp cùng tiếng hát của thanh niên gốc Thái Bình từ miền xuôi lên xây dựng vùng quê mới; tiếng còi tầm rền vang núi rừng của Nhà máy cơ khí Lai Châu từng thân thuộc với người dân vùng này từ gần nửa thế kỷ nay... Làm thế nào để những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên đây không bị chìm lấp, xóa nhòa?

Rất cần một dự án cấp quốc gia

Năm 1997, Bảo tàng tổng hợp tỉnh Sơn La phối hợp với Viện khảo cổ học Việt Nam đã tiến hành đợt điều tra, khảo sát ở 17 xã và một thị trấn của ba huyện vùng lòng hồ. Kết quả đã thống kê được danh sách những di tích lịch sử-văn hóa và một số di chỉ khảo cổ cần tiến hành khai quật, xử lý các tư liệu, di dời, phục chế... Nhưng tất cả chỉ mới dừng lại ở đó. Đặc biệt ở mảng văn hóa phi vật thể-theo như lời của ông Quàng Văn Tịch - Giám đốc Sở VH-TT Sơn La thì “hoàn toàn chưa đụng đến”. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Tuấn - Phó Chủ tịch thị xã Lai Châu - cũng rất bức xúc: Từ ngày tỉnh lỵ Lai Châu dời về Điện Biên, thị xã vùng cao này vốn heo hút càng heo hút hơn. Những năm gần đây, công tác bảo vệ, tôn tạo, phát huy các giá trị văn hóa ở Lai Châu gặp rất nhiều khó khăn do thường xuyên bị lụt bão tàn phá, do thiếu kinh nghiệm và kinh phí. Rồi đây, cao như cầu treo Hang Tom còn bị ngập tới 17 mét thì những di sản văn hóa khác sẽ ra sao?

Rõ ràng, cùng với dự án xây dựng thủy điện Sơn La, rất cần một dự án cấp quốc gia về bảo tồn, khai thác và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống vùng lòng hồ. Ngay từ bây giờ, mặc dù đã là muộn nhưng vẫn rất cần có một chương trình triển khai toàn diện các hoạt động khảo sát, khai quật, di dời, phục chế... những di sản văn hóa vật thể. Đồng thời tiến hành nghiên cứu, sưu tầm, phân loại và lưu giữ bằng các hình thức dân gian và hiện đại những di sản văn hóa phi vật thể của vùng lòng hồ để phục vụ công tác nghiên cứu, phổ biến và phát huy các giá trị văn hóa đó trong công cuộc xây dựng và phát triển nền văn hóa mới. Dự án nói trên cũng bao gồm cả việc khảo sát điều tra và xử lý các số liệu khoa học về những giá trị văn hóa của vùng đất nay mai đồng bào sẽ đến tái định cư. Bởi vì việc di chuyển một cộng đồng dân tộc từ nơi này đến định cư một nơi khác không đơn giản là sự dịch chuyển cơ học; nó chịu ảnh hưởng, tác động, chi phối của rất nhiều yếu tố tự nhiên và xã hội; trong đó có vai trò quan trọng của yếu tố văn hóa truyền thống. Một số hậu quả về kinh tế xã hội đã và đang phải khắc phục trong việc tái định cư vùng lòng hồ thủy điện Hoà Bình hơn 15 năm trước vẫn là bài học thời sự cho các nhà quản lý trong việc hoạch định các chính sách liên quan đến công trình thủy điện Sơn La hôm nay.

Có một nguyện vọng của đông đảo cán bộ văn hóa cơ sở ở Sơn La và Lai Châu mong được Nhà nước lưu ý: Nên chăng bên cạnh Nhà máy thủy điện Sơn La, cần xây dựng một Bảo tàng tổng hợp để lưu giữ, trưng bày và giới thiệu những giá trị văn hóa đặc sắc của Tây Bắc nói chung và vùng lòng hồ nói riêng. Đây không chỉ là một cơ sở bảo tồn, nghiên cứu và phát huy văn hóa truyền thống Tây Bắc mà còn thiết thực phục vụ kế hoạch phát triển tiềm năng du lịch của miền Tây Bắc giàu đẹp. Đồng thời, là một cách tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc Tây Bắc trong nền văn hóa rực rỡ của đại gia đình các dân tộc Việt Nam.

(Theo QĐND)

,
,