,
221
961
Đời sống VHNT
vandekhac
/vanhoa/vandekhac/
31919
Mười tháng làm ông chủ nợ bất đắc dĩ...
1
Article
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
,

Mười tháng làm ông chủ nợ bất đắc dĩ...

Cập nhật lúc 15:48, Thứ Tư, 19/03/2003 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Sáng nay 19/3, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã tổ chức họp báo cùng với sự hiện diện của BCH Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Sau mười tháng hoạt động, những kết quả đạt được còn khiêm tốn, nhưng thực tế đã cho thấy, việc Trung tâm ra đời là một bước đi tất yếu trong lĩnh vực sáng tác - biểu diễn - hưởng thụ âm nhạc ở nước ta hiện nay.

Trung tâm VCPMC ra đời từ một nỗi bức xúc ngày càng gay gắt trong đời sống sáng tác - biểu diễn - hưởng thụ âm nhạc. Báo chí đã từng lên tiếng rất nhiều về những nỗi bức xúc có tính bếp núc này. Nào là chuyện cát - xê cho ca sĩ cao hơn cả những gì mà người lao động có thể tưởng tượng ra, nào là chuyện các ông bầu giàu có cạnh tranh, cãi cọ, giành giật nhau, chuyện các nhạc sĩ kiện các cơ sở sản xuất băng đĩa ầm ĩ... và cấp thiết hơn cả là việc đất nước chúng ta sắp bước vào giai đoạn hội nhập toàn diện với thế giới. Hội nhập tức chúng ta phải tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, và hãy tôn trọng ngay với người trong nhà, để người ngoài có được niềm tin vào chúng ta.

Đứng trước thực tế xã hội Việt Nam từ lâu (mà cũng có thể là chưa bao giờ) thực thi chuyện bản quyền, các cán bộ của trung tâm hầu hết đều làm tay trái (tức các nhạc sĩ vốn xưa nay chỉ hoạt động chuyên môn), quả thực VCPMC là một ông chủ nợ bất đắc dĩ, và còn nhiều khốn khó... Tuy nhiên, sau mười tháng hoạt động, với 340 nhạc sĩ đã kí hợp đồng uỷ thác với trung tâm, hơn 200 nhạc sĩ đã được nhận những đồng tiền đầu tiên do trung tâm đi đòi hộ, số tiền khiêm tốn là 71.291.125 VND, đó quả là những con số có ý nghĩa. Thế nhưng, theo nhạc sĩ Trọng Bằng, Chủ tịch hội đồng cố vấn của VCPMC, thì việc đem lại quyền lợi, vốn đương nhiên được hưởng, cho các nhạc sĩ vì những tác phẩm hay của họ, vẫn chưa phải là mục tiêu lớn nhất. Theo ông Bằng, chính việc mang trả lại những gì các nhạc sĩ đáng được hưởng, sẽ giúp họ phấn chấn hơn trong sáng tác, và sau cùng, xã hội sẽ được thêm nhiều các tác phẩm hay.

Tại cuộc họp báo, nhạc sĩ Vũ Tự Lân, người phụ trách ở khu vực xuất bản băng đĩa, in sách... đã nêu ra hai khó khăn trong công việc đi đòi nợ của ông. Đó là rất khó khăn để biết các sản phẩm âm nhạc được xuất bản khi nào, ở đâu, số lượng bao nhiêu, các loại hình thế nào... Và dường như các nhà xuất bản, các cơ quan sản xuất hoạt động theo lối lệ làng, luật pháp như không can thiệp vào được. Thứ nữa, các qui định chưa rõ ràng, người sử dụng tác phẩm âm nhạc không biết, hoặc cố tình không biết. Ông mong muốn trung tâm hoạt động sao cho toàn xã hội có ý thức trách nhiệm đối với những sáng tác âm nhạc hay.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương - Giám đốc Trung tâm VCMPC, đã nhắc lại một lần nữa cách tính tiền bản quyền của trung tâm, một cách tính mà theo ông là rất hợp lý, hợp tình. Theo qui định của nhà nước, đối với khu vực biểu diễn, thường dành từ 15% - 21% tổng doanh thu đêm diễn cho năm thành phần là biên kịch, các nhạc sĩ viết ca khúc, người phối khí, nhạc sĩ chuyển thể và hoạ sĩ. Trong năm thành phần này, phần cho người phối khí và nhạc sĩ chuyển thể đều là 30% của con số từ 15% - 21% nói trên. Thực tế phần biên kịch thường do chính các ông bầu viết ra. Như vậy, theo ông Phương, phần dành cho các nhạc sĩ phải là 8% - 10% của tổng doanh thu đêm diễn, tức một nửa của con số 15% - 21% nói trên. Tuy nhà nước qui định như thế, nhưng trung tâm chỉ đề nghị lấy 3% - 5%. Cụ thể, nếu các đoàn biểu diễn trên 180 buổi/năm, thì tính 3%, dưới số buổi như thế, tính 4%, những chương trình biểu diễn không thường xuyên là 5%. Đấy là chưa kể đến những chương trình biểu diễn ca nhạc kết hợp thời trang, xiếc, tấu hài... trung tâm đều uyển chuyển đề nghị lại theo từng trường hợp cụ thể con số phần trăm doanh thu. 

Ông Phương cũng cho biết đa số các đoàn và những người tổ chức biểu diễn đều cho các con số trên là hợp lý, và tự động nộp thù lao cho các nhạc sỹ. Tất nhiên ngoại trừ một vài trường hợp mà ông không muốn nhắc tên. Và cứ ba tháng một lần, ông mời các nhạc sĩ có tác phẩm được sử dụng lên lấy tiền bản quyền.

Về những công việc trước mắt, ông Phương cho biết, trung tâm đang kiến nghị tính tiền bản quyền cho các nhạc sĩ sáng tác có tác phẩm được trình diễn trong những dịp lễ lớn do nhà nước tổ chức. Rồi còn phải tính cho họ khi tác phẩm được sử dụng trên truyền hình, vũ trường, karaoke, các liên hoan nghệ thuật nghiệp dư, trên internet, điện thoại di động... và muôn vàn hình thức giải trí khác. Con số có thể nhiều, có thể ít, với nhiều ý kiến này nọ, nhưng ban lãnh đạo VCPMC chỉ khẳng định một điều, tại sao bao cơ sở kinh doanh âm nhạc khác vẫn hoạt động, vẫn thu lợi, mà các nhạc sĩ lại không được hưởng thành quả lao động của họ (?). 

Cũng tại cuộc họp báo, nhạc sĩ Huy Thục nêu một ý kiến về các sản phẩm băng đĩa nhạc có sử dụng dân ca, nhạc cổ truyền, một lãnh địa mà theo ông rất đông khách, sinh nhiều lời, nhưng bản quyền sẽ tính cho ai và như thế nào. VCPMC cho rằng, tạm thời bài dân ca nào có người nghiên cứu, hoặc phát hiện ghi âm lại, thì tính cho người ấy.

Công việc trước mắt còn nhiều khó khăn phức tạp. Và ông chủ nợ bất đắc dĩ lại phải... đi vay. Trung tâm thông báo, họ đã vay của Hiệp hội bảo vệ các tác giả nhạc và lời thế giới (CISAC) 28.000USD để hoạt động. ''Phải vay thôi, chứ tính đến hiện nay, toàn bộ nhân viên của trung tâm vẫn chưa có lương...''. Tuy nhiên, điều ông chủ nợ VCPMC mong muốn nhất, là mọi người nên có trách nhiệm và tập cách suy nghĩ công bằng cho những người sáng tác âm nhạc, vốn lâu nay chịu nhiều thiệt thòi.

  • Hàn Thuỷ Giang
,
,