Đặng Thái Sơn : Mùa thu Hà Nội quyến rũ lắm!
- Xin chào nghệ sĩ Đặng Thái Sơn, anh có khoẻ không?
- (Cười rất tươi) Anh xem, Sơn rất khoẻ, tay Sơn còn đem nhẻm nắng gió Brazil. Cách đây bốn hôm Sơn còn tham gia chương trình biểu diễn tại các thành phố lớn của Brazil: Sao Paolo…. Brazil không chỉ nổi tiếng về bóng đá, cà phê mà dân họ cũng rất yêu âm nhạc cổ điển.
- Chương trình biểu diễn của anh lần này gồm các tác phẩm nào?
- Nhận lời mời của chương trình Toyota Classics, Sơn có đưa ra một danh sách các tác phẩm, họ chọn Mendelssohn, Veber, và Dvorak. Có lẽ vì dàn nhạc của Giao hưởng Đông Bắc Đức nên họ chọn nhạc sĩ Đức chăng?
-
Cũng là cái duyên, vào những mùa thu tôi lại được hội ngộ cùng thính giả Hà Nội, Vẫn những khuôn mặt ấy, sân khấu ấy mà tâm trạng mỗi lần một vẻ. Năm nay với bản Concerto số 1 của Mendelssohn xin hãy cùng trở về với tuổi bông bột, mơ màng.... Lại nghĩ : người đàn hửng đàn, người nghe lắng nghe, một cảm giác say tuyệt đỉnh. Cứ tưởng mình CHO, mà không, tôi ĐƯỢC và ĐƯỢC nhiều lắm.... Xin cảm tạ những ai góp phần cho đêm nhạc đầy ý nhị này. Tâm sự của nghệ sĩ Đặng Thái Sơn.
Công việc của anh thời gian này thế nào?
- Sơn hiện ở Motreal (Canada) nhận lời dạy cho sinh viên khoa Âm nhạc trường đại học Montreal, rồi tham gia các chương trình biểu diễn các nước trên thế giới, thu đĩa, năm vừa qua Sơn thu hai đĩa nhạc giao hưởng, cuối năm này lại sang Nhật dạy theo kế hoạch hàng năm.(Anh là Giáo sư danh dự của trường Dại học Âm nhạc kunitachi tại Tokyo)
- Biểu diễn, thu thanh, giảng day, tham gia trong Ban giám khảo của các Concour... anh dành nhiều thời gian cho công việc nào nhất?
- Công việc nào Sơn cũng thấy thú vị, là nghệ sĩ biểu diễn, nên dành phần nhiều cho công tác biểu diễn.
- Là người được đào tạo và thành danh từ nước Nga, anh có hay về thăm trường cũ?
- Nước Nga trong tâm hồn Sơn là nước “mẹ đẻ thứ hai” sau tổ quốc Việt Nam yêu dấu. Không có nước Nga thì không có nghệ sĩ Đặng Thái Sơn, điều ấy là chắc chắn. Năm 2002, trường của Sơn bị tai nạn (Nhạc viện Tchaicovski bị cháy), Sơn là người đầu tiên về ngay trường tổ chức một đêm lấy tiền ủng hộ trường, rồi các nghệ sĩ thành danh khác là học sinh cũ của trường cũng về tham gia các chương trình biểu diễn lấy tiền ủng hộ trường. Sơn cũng đã tổ chức một buổi biểu diễn tưởng niệm giáo sư NV Natason khi thầy qua đời... mỗi lần về Nga. Sơn đều đến viếng mộ người thầy vô cùng yêu quý của Sơn. Năm nay Sơn cũng vừa về Nga nhân dịp mừng thọ thầy Ixacat 80 tuổi.
- Có phải người thày đã sang Việt Nam năm 1974 và phát hiện ra Đặng Thái Sơn?
Đây là lần thứ hai, nghệ sĩ Đặng Thái Sơn mời tham gia chương trình Toyota Classics 2003 (Lần đầu là mùa thu 1997). Lịch làm việc của anh chật kín.
- Phải đấy, năm ấy Sơn mới tốt nghiệp trung cấp âm nhạc, chính thày đã thổi bùng ngọn lửa sáng tạo tiền ẩn trong Sơn, thày đã chọ Sơn dề nghị với nhà nước cho Sơn sang học tại Nhạc viện Tchaicovsky.. Hồi đó đi nước ngoài là rất khó khăn, nhất là đối với Sơn, chí có thầy Ixacat mới có thể vượt qua cửa ải tưởng như không thể ấy. Nhớ hôm trước ngày lên đường, ông Cù Huy Cận còn gặp riêng Sơn dặn dò rất là kỹ lưỡng. Chỉ khi bước chân xuống Moscva, Sơn mới tin rằng mình được sang học tại trường tốt nhất của “thủ đô của Âm nhạc thế giới”. Bây giờ mỗi lần gặp người Nga, nói tiếng Nga, lòng Sơn lại thấy một cảm giác đầy xúc động trìu mến ở xa xứ được nghe một tiếng Việt thân thương....Năm 2002, Sơn cũng được mời về Nga biểu diễn cùng dàn nhạc của nhạc viện Novoximbierk.. Đây là dàn nhạc cự phách của Nga, có nhiều danh cầm người Do thái. Và ở Nhạc viện này Sơn lại gặp có một giáo sư tiến sĩ chủ nhiệm khoa Sáng tác người việt : Nhạc sĩ Nguyễn Lân Tuất. Mỗi lần gặp những người Việt xa xứ thành công trong sự nghiệp nhất là cùng nghề cảm thấy thật tuyệt vời tự hào là người Việt Nam mình lắm.
- Thưa anh, khi chơi đàn Piano anh có gặp khó khăn gì?
- Cây đàn Piano là của châu Âu, mình là người Á đông, sức vóc không thể địch lại các bạn châu Âu được. Mình có cách của mình. Họ vận sức, mình vận khí, Sơn vẫn tập Yoga để thể hiện được tinh thần - phần hồn của bản nhạc. Phải luôn hiểu cái mạnh, cái yếu của mình để phát huy cái mạnh, khắc phục cái yếu nhằm đạt hiệu quả trong thể hiện các tác phẩm.
- Ví dụ?
- Sơn cảm nhận từ mình ra rằng: người Á đông sức vóc có hạn, nhưng cảm nhận rất tinh tế, làm những cái tỉ mỉ, tỉa tót thì rất tốt, nhưng làm cái tổng thể, vĩ mô thì hơi yếu. Cây đàn Piano là một cỗ máy âm nhạc đồ sộ, phải bắt nó phục tùng mình một cách tốt nhất. Chơi Piano đánh mạnh là rất dễ, nhưng chơi những nốt nhỏ mới khó, không khéo sẽ mất nốt. Những nốt nhỏ gieo vào lòng người nghe những ấn tượng có khi mạnh hơn cả những âm thanh choáng ngợp...
- Tiêu chí tác phẩm anh chọn để thể hiện như thế nào?
- (Cười rất hóm hỉnh) Sơn được nghe kể, ngay khi sinh, bố đã lấy cho một lá số Tử Vi, Mệnh của Sơn là “Bình địa mộc”, cung mệnh “vô chính diệu”. Ngẫm lại Sơn thích thể hiện những tác phẩm trữ tình, nhiều chất nhân văn. Bên cạnh các tác phẩm của Chopin, Sơn biểu diễn cả Bethoven, Rakhmanhicop, Mozart, Debussy... Và Sơn không thích thể hiện những bản nhạc “sấm sét” quá. Hồi thi Chopin lần thứ 10 có nghệ sĩ người Nam tư Pôgrelixoats được gọi là “Phù thuỷ trên cây đàn piano”, anh là một ứng viên sáng giá nhưng bị phạm quy nên bị loại. Mỗi nghệ sĩ phải tìm ra một nét riêng của mình và thể hiện nó đến cùng..
- Về thăm trường cũ (Nhạc viên Hà Nội) anh thấy có điều gì mới ?
- Vào Nhạc Viện Hà Nội, thấy đang xây dựng các phòng học khang trang, được trang bị nhạc cụ các hãng nổi tiếng, các thày giáo đều được học, và tu nghiệp ở các nhạc viện nưới ngoài. Rất mừng vì sự phát triển của đất nước trên đà đổi mới. Nhưng nói thật lòng, ngày xưa thế hệ Sơn học hành khó khăn lắm, nhạc cụ chất lượng không cao, giáo trình thiếu thốn, các thày chưa có điều kiện tu nghiệp ở các nhạc viện lớn. nhưng ai cũng rất say mê học tập. Bây giờ người có đàn piano riêng trong nhà không phải hiếm nữa. Điều kiện học hành tốt, nhưng còn có em thiếu “lửa” quá, chắc cuộc sống có nhiều sự lựa chọn, nên chưa toàn tâm cho học hành chăng? Cái nghề này là phải sống chết với nó mới mong thành đạt được. Vì việc gì đó mà không sờ đến đàn một ngày là Sơn thấy như thiếu không khí ấy rồi, không thể chịu được!
- Và nghe nói hồi đó Sơn đã từng vào làm việc ở nhà máy điện trong những lúc thời tiết 20 độ dưới âm?
- Năm 1979, đúng là Sơn có thời gian ngắn làm thêm ở nhà máy Điện, được các anh chị Nga rất quý và chấm thêm cho Sơn mấy công (lại cười, trong khoé mắt như có ngấn lệ). Đi dự thi Chopin mà phải mượn bạn bè giầy, mũ, Một bộ lễ phục (smoking) gần như bắt buộc cũng không có nốt. Nên khi được giải thấy hạnh phúc quá, như trong mơ vậy
- Cho dến bây giờ, mỗi lần biểu diễn là một lần cảm xúc mới?
- Nói chung là như thế, phải thật cảm xúc mới có thể chơi đàn hay được.
“Nói chung” thì cũng tức là có “nói riêng”.
Nói riêng đúng là có lần trước khi biểu diễn Sơn nhận được một tin rất, rất buồn, mà chuông đã reo báo đến giờ diễn, phải chơi những bản nhạc vui tươi trong lòng ngổn ngang trăm nỗi thì thật là ... Còn thì việc đang bị sốt vẫn chơi đàn thì là “cơm bữa”. Khi chơi đàn cơn sốt bay biến đi đâu mất, lúc đứng lên chào khán giả, “sốt” mới quay về làm Sơn như sắp khuỵ xuống...
- Anh có cảm nhận về đất nước trong lần này?
- (Lại cười) Nói vui ngay tại cái chỗ sân khấu này nhé. Lần Toyota Classics 1997, khi Sơn thử đàn như bây giờ, có mấy con chuột chạy qua sân khấu.(cười). Năm nay về thấy Nhà hát Lớn đã được sửa sang lại từ ngoài vào trong, Sơn chơi ở đây có cảm giác âm thanh, ánh sáng chẳng kém bất cứ nhà hát nổi tiếng nào trên thế giới.
- Ngoài các công việc trên anh còn làm gì thêm nữa?
- Sơn có nhiều người bạn ở nước ngoài yêu mến Việt Nam, và đã tổ chức thành Club ủng hộ như liên hệ tìm tài trợ được 100.000 USD mua sách nhạc, và tìm các bạn có đàn piano cũ không dùng đến tặng Việt Nam, kỳ tới sẽ tìm cách làm các buôỉ biểu diễn từ thiện lấy tiền, để tạo điều kiện cho một người sang Nhật học lên dây đàn. Hiện nay chỉ có anh Hoà là người được học lên dây đàn một cách bài chính quy thì ít ỏi quá.
- Anh Sơn này, còn cái việc gia đình riêng thì thế nào?
Đây là việc rất riêng tư, và hãy để cho Sơn được giữ bí mật vậy. Lần này về thích nhất là điều gì anh có biết không? Đó là Sơn ra đường phố mà không ai nhận ra, thoải mái vì không bị... làm phiền (cười rất to).
-
Phú Cương (thực hiện)