Phim truyền hình Tết Quý Mùi nhiều bất ngờ và hài hước
(VietNamNet) - Các đoàn làm phim Tết của Hãng phim Truyền hình đã lần lượt trở về và đang hoàn thiện phần hậu kỳ cho 11 sản phẩm tinh thần của mình. Mỗi phim mỗi vẻ, mỗi nét khác nhau những đều có chung một chữ "Tết".
"May ơi là may"
Kịch bản: Kim Anh
Đạo diễn: Đỗ Đức Thành
Diễn viên: Đức Khuê, Kiều Anh, Hồng Dương, Tiến Đạt...
Câu chuyện xoay quanh số phận nhà khoa học trẻ tuổi tên Khuê, độc thân. Anh ta chẳng có gì nổi bật về mặt hình thức, nếu không nói là xấu. Anh được mọi người "công nhận" là một gã hẩm hiu. Từ nhỏ đến lớn, không một cô gái nào dám ưng thuận anh ta, còn sự rủi ro lại đến với Khuê hàng ngày, nhỏ thì xịt lốp xe, nặng thì ngã bổ chửng ra giữa lòng đường.
Trong khi đó ngay tại chỗ làm của anh có một cô gái khá xinh xắn và nghiêm túc. Đó là Ngọc Nga, cô lại là người thường xuyên gặp may. Một ngày kia họ va vào nhau như là một cú va định mệnh, cái rủi của người này biến thành cái may của người kia và ngược lại. Ngày lại ngày, có rất nhiều chuyện tức cười đến với họ, dần dần họ cảm thấy gần gũi nhau và không thể thiếu nhau.
Bộ phim không chỉ là nét hài hước của những người luôn tin vào sự may rủi trong cuộc sống mà còn là một lời nhận xét về những con người trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay có rất ít người sống thật với mình.
Dự kiến phát sóng: 21h mùng 2 Tết ( ngày 2/2/2003)
"Người trong vở diễn xưa"
Kịch bản: Lê Công Hội
Đạo diễn: Lạc Văn Chung
Diễn viên: Ngọc Dung, Hạnh Đạt, Thành An, Thế Bình, Thanh Tùng...
Giáp Tết, những cựu chiến binh năm xưa như bà Hoài, ông Hoạt, ông Thái đều có một tâm trạng bứt rứt, bâng khuâng, nhớ về một kỷ niệm đã qua. Mồng 2 Tết năm Ất Tỵ, cách đây hơn 30 năm, họ đã cùng nhau diễn vở chèo cuối cùng trước khi lên đường nhập ngũ.
Nay gánh chèo xưa đã tan tác và người trong vở chèo xưa cũng kẻ mất người còn. Hiểu được tâm trạng của cha chú, lãnh đạo xã quyết tâm khôi phục lại gánh chèo để kịp ra mắt dân làng cũng đúng vào đêm mồng 2 Tết năm nay. Vở diễn xưa "Bên bờ sông Xinh tiễn anh lên đường" cũng đã thất truyền. Hai nhân vật chính là Huân, Duyên thì chỉ còn bà Hoài đóng vai Duyên là sống, còn người đóng vai Huân - chính là người yêu cũ của bà Hoài thì đã hy sinh. Bây giờ, phải diễn lại tích xưa, bà Hoài muốn từ chối vì sợ gặp lại hình bóng của người năm ấy. Một khó khăn nữa đặt ra là ai sẽ đóng vai Huân? Mọi người nhớ đến ông Dương, tác giả của vở diễn ngày xưa và ông cũng là người thứ ba trong mối tình hạnh phúc của bà Hoài và ông Vân.
Bộ phim nhấn mạnh đến những giá trị văn hoá truyền thống, những kỷ niệm đã qua.
"Tin lành tháng Chạp"
Kịch bản: Khuất Quang Thụy
Đạo diễn : Danh Dũng
Diễn viên: Đức Khuê, Trần Hạnh...
Phú Xuân là một xã có truyền thống anh hùng trong kháng chiến chống Mỹ. Trong thời kỳ đổi mới, cấp trên chủ trương tách xã Phú Xuân thành hai xã là Phú Cường và Xuân An, để phù hợp với sự phát triển của kinh tế xã hội. Tích và Cải là hai ông tân chủ tịch xã. Cho dù tính nết của hai người có khác nhau, Tích có chút ma lanh, láu tôm láu cá hơn Cải nhưng họ cùng chung một ý tưởng xây dựng xã mới của họ giàu đẹp.
Tuy vậy thì Tích không được ông Thành - một cán bộ cách mạng lão thành, thông cảm bởi ông không hiểu cách làm việc của anh. Ông Thành cũng chưa chịu nhận huy chương 50 năm tuổi Đảng vì cấp trên chưa xác minh được tài liệu để công nhận liệt sĩ cho một chiến sĩ điệp báo cài sâu vào tổ chức địch. Người đó chính là ông Dĩnh, cấp trên cũ của ông Thành.
Năm hết Tết đến, công việc tách xã làm hai khiến hai ông tân chủ tịch bận bù đầu. Nhưng họ cũng không quên những gia đình chính sách. Việc tỉnh uỷ trực tiếp chỉ đạo, xác minh và làm lễ truy điệu, công nhận liệt sĩ cho ông Dĩnh đã như một "Tin lành tháng Chạp" khiến cho hai xã bước vào năm mới với những niềm vui trọn vẹn.
"To nhất làng"
Kịch bản: Nguyễn Yên Thế
Đạo diễn: Nguyễn Anh Tuấn
Diễn viên: Phạm Bằng, Khôi Nguyên, Thu Hường...
Chuyện xảy ra vào ngày Tết. Thuý và Hùng quyết định tổ chức đám cưới gấp. Cả hai người đều đẹp người đẹp nết và rất xứng đôi. Gia đình hai bên cũng vậy, đều đồng ý với sự lựa chọn của đôi trẻ. Thuý được cậu ruột nuôi dạy từ nhỏ, ông Phô thương Thúy như con đẻ nên quyết định phải làm cỗ to. Ông Phô lại là bạn cờ của ông Hợp, bố của Hùng. Hai cao cờ thường xuyên so tài cao thấp. Nhân chuyện đám cưới của con cháu hai cao thủ làng này quyết định một phen tỷ thí.
Ông Phô ỷ thế họ lớn, thách rất cao cỡ vài chục triệu. Bên ông Hợp tự hào cũng đang rất giàu có nên chấp nhận ngay, hai bên lao vào cuộc đua vũ trang, cỗ to mâm đầy nhạc sống, quay phim. Cuộc đua này khiến đôi trẻ rất lo lắng. Họ nhờ chính quyền can thiệp. Nhưng chính quyền chỉ đến vận động chứ không thể cấm đoán thô bạo. Song một bất ngờ đã xảy ra...
"To nhất làng" phê phán hủ tục cưới xin cỗ bàn đình đám đang phát triển rầm rộ ở nông thôn hiện nay. Tình trạng này gây bao tốn kém, phiền toái cho những người nông dân còn nghèo khó.
Dự kiến phát sóng: 8h mùng 3 Tết (ngày 3/2/2003)
"Súc sắc súc sẻ"
Kịch bản: Phạm Trung Ngọc Linh
Đạo diễn: Trần Hoài Sơn
Diễn viên: Công Lý, Hồng Giang, Ngọc Thư...
Tấn là một lái xe giỏi, giàu kinh nghiệm, công việc của anh đã rất suôn sẻ nếu như anh không bị luôn bị ma men quyến rũ. Bị bà chủ cho thôi việc, Tấn trở thành gánh nặng cho vợ con. Thương con, Hồng (vợ Tấn) cố bươn bả, xoay xở để kiếm tiền và không có mấy khi nặng lời chì chiết Tấn, hòng mong Tấn thay đổi. Đôi lần, Tấn cũng day dứt trước việc làm của mình và cố tự đặt ra rất nhiều dự định tốt đẹp. Nhưng rồi Tấn lại bị Hùng dụ dỗ, lôi kéo vào con đường cờ bạc.. Đồ đạc trong nhà lần lượt đội nón ra đi...
Trong khi mọi gia đình đang náo nức chuyển bị đón Tết thì không khí gia đình Tấn và Hùng thật ảm đạm. Hồng (vợ Tấn) chỉ còn biết tìm đến Yến (vợ Hùng) để tìm sự chia sẻ. Hai người phụ nữ đều linh cảm thấy hạnh phúc gia đình mình đang "ngả nghiêng" theo chiếu bạc, theo những trận cá độ bóng đá. Không đủ sức ngăn cản chồng, họ đã mỗi người tìm ra một cách giải quyết.
"Súc sắc súc sẻ" không đề cập tới vấn đề lớn trong xã hội, mà đơn giản là lời tâm sự, gửi gắm của tác giả tới những ai chưa nhận ra giá trị đích thực của hai chữ "gia đình". Hãy đừng vì những đam mê cá nhân mà đánh mất quyền lợi và trách nhiệm thiêng liêng ấy.
"Tinh tướng"
Kịch bản: Phạm Gia Phương
Đạo diễn: Phạm Thanh Phong
Diễn viên: Thanh Dương, Sĩ Tiến, Đức Hiệp...
Chuyện phim nói về ba người bạn Phi, Ty, Du học cùng với nhau từ ngày còn bé. Sau bao nhiêu năm gặp lại Phi (Đức Hiệp) là Giám đốc Công ty TNHH Đa Di Năng, còn Ty (Sĩ Tiến), Du (Thanh Dương) nghèo khó gần như không có công ăn việc làm. Sau một hồi trò chuyện, Phi mời Ty và Du về làm phó cho anh ta và bi kịch bắt đầu từ đây.
Từ những công chức quèn, hầu như không có nghiệp vụ gì, nay vụt lên làm Phó giám đốc khiến hai chàng trở nên "tinh tướng" vô cùng. Không chỉ mắc tính hạch sách nhân viên, hay quát tháo mọi người mà lúc nào hai anh cũng tỏ ra vẻ ta đây, tự viễn tưởng mình. Rồi chẳng hiểu họ giải quyết công việc thế nào mà bọn đòi nợ đến tận nơi trói gô hai chàng lại...
Một sự hài hước về những anh chàng không tài, không trí mà cũng làm giám đốc, phó giám đốc này nọ.
Dự kiến phát sóng: 5h mùng 1 Tết (ngày 1/2/2003)
"Về quê ăn Tết"
Kịch bản: Nguyễn Diệu Trang
Đạo diễn: Nguyễn Hữu Phần
Diễn viên: Hồng Chương, Ngọc Thoa, Duy Thanh, Thanh Hiền, Kim Hoàn...
Ông bà cụ ở quê ra thành phố vào dịp giáp Tết, mong có được một cái Tết có ý nghĩa bên ba đứa con và các cháu cho vui tuổi già. Không ngờ mọi việc xảy ra lại trái ngược hẳn với dự tính.
Cô con gái rượu của vợ chồng anh cả Thành đã lên lớp 12 mà ít có dịp ra đường một mình. Hai đứa cháu ngoại bị vợ chồng cô hai Hồng gửi nhà cô giáo cả tháng Tết, mấy đứa cháu nội con vợ chồng cậu út Công cũng suốt ngày bị đem đi gửi vì bố mẹ bận rộn ở Viện. Còn bố mẹ chúng mới thật khổ. Vợ chồng Thành quay như chong chóng với những túi quà Tết, vợ chồng cô Hai coi Tết là một dịp làm ăn, tối mắt tối mũi vào các chuyến hàng. Vợ chồng anh Công thì dồn thời giờ cho đàn bò giống nước ngoài đang bị dịch bệnh.
Theo cái lý của ông bà thì cuộc sống thành phố của con cháu họ "khổ quá", "nguy hiểm quá", nhiều tiền mà chẳng sung sướng gì. Chính người lớn đã khiến bọn trẻ con chẳng biết thế nào là Tết, chẳng biết đâu là quê hương, ông bà, họ hàng,...
Điều này đã làm thức tỉnh những đứa con. Họ thẳng thắn nhìn lại những việc họ đã làm, tách dần khỏi vòng quay công việc để có những giờ phút bên gia đình.
Dự kiến phát sóng: 6h mùng 1 Tết (ngày 1/2/2003)
"Tìm mẹ"
Kịch bản: Trần Đan Linh
Đạo diễn: Vũ Minh Trí
Diễn viên: Đức Khuê, cháu Mỹ Huyền, Công Lý, Quang Thắng, Minh Hằng...
Sơn là chuyên viên kinh tế làm việc tại một công ty liên doanh. Đời sống vật chất khá ổn định, nhưng đời sống tinh thần của Sơn quả thật rất thiếu thốn. Vợ mất sớm, và dù mọi tình cảm của anh đều dồn vào Ngọc, đứa con gái 6 tuổi, nhưng cô bé vẫn luôn đòi có mẹ, nhất là vào dịp Tết. Chiều con, Sơn bắt đầu lao vào "công cuộc tìm vợ".
Được sự giúp đỡ của bạn bè, đồng nghiệp, cùng với việc tự đăng báo tìm bạn, Sơn đã gặp khá nhiều đối tượng khác nhau. Nhưng nhiều lần, Sơn đành phải tự mua quà, tự bịa ra những câu chuyện về "mẹ mới" để an lòng con gái. Yên tâm là Tết này mẹ mới sẽ về nhà mình ăn Tết, Ngọc đòi bố đọc số điện thoại nhà mẹ mới. Sơn liều đọc một số điện thoại trong danh bạ và nói dối đó là số nhà mẹ mới, nhưng cấm Ngọc không được gọi điện khi chưa được bố đồng ý.
Một tối bố đi vắng, Ngọc bị đau bụng nên cô bé chỉ biết cầu cứu mẹ mới. Một người phụ nữ nghe máy. Chị không biết mình có quen biết đứa nhỏ hay không, nhưng vốn là bác sĩ y, lại trong lúc đứa bé rên rẩm kêu đau, chị đã tận tình chỉ bảo. Cuộc nói chuyện điện thoại càng khiến cô bé tin rằng đó chính là mẹ mới của mình. Người phụ nữ gần 40 tuổi vẫn độc thân này cũng đã bị bé Ngọc chinh phục.
Một tối giáp Tết, Sơn trở về và chợt sững lại khi trước mặt anh là một phụ nữ lạ đang chăm sóc con mình rất tận tình. Không biết chị có là mẹ mới của bé Ngọc hay không, chỉ biết Tết năm nay ngôi nhà của bố con Ngọc sẽ ấm cúng hơn nhiều.
"Chuyện như đùa"
Kịch bản: Nguyễn Thị Thu Huệ
Đạo diễn: Vũ Trường Khoa
Diễn viên: Trung Hiếu, Kim oanh, Mỹ Duyên...
Họ là bốn người bạn thân Quân, Hoan, Tùng và Cương. Cả nhóm chỉ có Cương là chưa có ý trung nhân nên đám bạn cố tri quyết định tìm người yêu cho anh. Họ nghĩ đến Cẩm Phương - một cô giáo đang công tác ở miền núi, đẹp người đẹp nết. Nghĩ là làm, được dịp Cẩm Phương về Hà Nội sắm đồ dùng dạy học, một ngày họ đã đề nghị cô xin 3 ngày ở chơi Hà Nội. Cả 4 anh chàng hẹn nhau sẽ cùng ra ga đón Cẩm Phương.
Đến ngày hẹn thì chỉ có Quân, Tùng, Hoan là có mặt còn nhân vật chính là Cương thì biến mất, tìm ở cơ quan, ở nhà đều không thấy. Hoá ra trên đường ra ga Cương dừng lại trước một quán cà phê để mua hoa và ngẫu nhiên quen biết Hương Trà, một cô gái có tính mạnh mẽ. Tuy không phải tình yêu sét đánh, nhưng vốn là người thụ động nên Cương đã bị cô gái hút hồn lôi kéo anh vào bao chuyện bất ngờ. Còn ba anh chàng kia thì dở khóc dở cười phân công nhau đi tháp tùng cô Cẩm Phương hiền lành chất phác trong 3 ngày với bao tình huống trớ trêu.
Dự kiến phát sóng: 15h mùng 2 Tết (ngày 2/2/2003)
"Bánh đa bánh dày"
Đạo diễn: Đỗ Chí Hướng
Kịch bản: Lương Đình Dũng
Diễn viên: Tuấn Anh, Tuyết Liên, Thuý Hà...
Hai thôn Tòng và Bo với nghề truyền thống làm bánh đa bánh dày. Cuộc sống tưởng sẽ mãi diễn ra trôi chảy, êm đềm. Thế rồi chuyện chẳng lành xảy ra xuất phát từ cuộc đua đánh trống hội. Rồi từ chuyện vui thành sự ganh ghét, thù hằn của hai dòng họ, hai làng.
Nạn nhân của sự ích kỷ, tham danh hão đó chính là con cái họ, Đồng và Dung. Tình yêu của họ bị đe doạ và có nguy cơ tan vỡ. Nhưng bằng sức mạnh của tình yêu, bằng tấm lòng chân thành và bằng lối suy nghĩ tiến bộ, tích cực, đôi bạn trẻ này không những bảo vệ được hạnh phúc của mình mà còn tìm ra con đường phát triển nghề truyền thống của làng. Niềm vui mới đã khiến cho hai họ nhìn ra sự hẹp hòi, vô lý của mình. Tiếng trống ngày Tết của hai làng lại trở về với âm hưởng vui tươi trong sáng vốn có của nó.
Cuộc sống nông thôn hiện đại có nhiều truyền thống tốt đẹp nhưng cũng còn tàn dư cổ hủ, phong kiến lạc hậu. Bộ phim là một lời kêu gọi đấu tranh với tàn dư ấy bằng chính hiệu quả tích cực của cuộc sống mới hôm nay
"Người gãy chân vui tính"
Kịch bản: Phạm Văn Khôi
Đạo diễn : Vũ Hồng Sơn
Diễn viên: Quốc Trọng, Vi cầm ,Sĩ Tiến, Lệ Hằng, Thu Hạnh...
Trong đêm bóng đá Việt Nam chiến thắng tại Tiger Cup, bà Kỳ cũng các con bỗng thấy ông Kỳ trở về nhà trên xích lô với một chân bị bó bột. Nhưng cũng thật lạ là ông Kỳ lại cảm thấy vui vì cái chân gãy đó. Ông mời các bạn già đã về hưu cùng đến đánh cờ, uống trà. Rồi có biết bao nhiều người đến mời ông đi đám cưới với những tấm thiếp mời ăn thân mật, nhưng khi họ đến nhà, gặp ông Kỳ trong tình trạng bó bột chân thì đều ái ngại nên thôi. Một hôm, câu con trai út tên Tuấn của ông tình cờ xem tấm phim chụp Xquang của ông thì phát hiện ra cái chân trong phim là chân phải, trong khi chiếc chân gãy lại là chân trái. Thế là mọi việc dần được hé mở...
Bộ phim hài phê phán về việc cưới xin tốn kém hiện nay. Đây là một hủ tục cần phải phá bỏ. Chính ông Kỳ trong phim cũng đã xung phong tổ chức đám cưới cho những đứa con của mình theo nếp sống mới.
-
Việt Hà