Họa mi
(VietNamNet) - Ngẩng lên tôi thấy hình như nàng vừa cắn nhầm lưỡi sao đó; má đỏ bừng, hẳn đau lắm nên nước mắt nàng trào ra. Tôi phải lấy làm lạ tại sao nghe tiếng kêu như thế mọi người vẫn bình chân như vại - chỉ lao xao tí chút nhưng một cách vui vẻ và vẫn cười, nhưng hình như chỉ mình tôi nghe thấy tiếng ấy.
Họa mi
*
* *
truyện ngắn của Phạm Nguyên Thiện
- Một bài hát Nga:
Họa mi ơi, để cho người lính ngủ một chút!
- Con người cần hai năm để học nói và cần sáu mươi năm
để học cách im lặng.
(rút từ “Đaghextan của tôi”)
Một bận vào một buổi chiều êm ả tôi ngồi cùng Khang Thành và chúng tôi trò chuyện với nhau. Gió bỗng đâu rào rạt qua rặng dừa bụi trúc buộc chúng tôi phải ngừng lời để nghe, nhưng chẳng mấy chốc gió lặng, tuy thế đối với tôi đấy là chính những ngọn cây, sau giây lát ngắn ngủi phấn chấn hay bốc đồng, đã dứt khoát quay lại với im lặng. Dù sao đi nữa, im lặng mới này khác với im lặng trước khi gió nổi, và một cảm giác cô tịch lạ lùng khiến chúng tôi còn lặng im thêm hồi lâu. Nắng chếch từ dưới sân lên thềm, và chỉ khi nhận thấy tôi nhìn chàng chăm chú, chàng mới khẽ nói:
Phải chăng đôi khi, để nói về cuộc sống, sự im lặng có giá trị và chân xác hơn bất kỳ thứ âm thanh nào, dù cho là tiếng nói từ đáy lòng bạn không?
Tôi sẽ kể câu chuyện này, chuyện của chính tôi.
Loan có nhớ Thanh Tâm không? Tôi đã giới thiệu nàng với bạn trong đám cưới con trai thầy chúng ta, tháng mười một năm 1994... Loan đã trầm trồ: người đâu mà đẹp, mà tinh tế và dịu dàng đến vậy; Loan nhớ không?
Loan đã nói: người như vậy thì ngay phụ nữ như em cũng phải mềm lòng... Tôi không định nói về vẻ đẹp bên ngoài của nàng đâu... Loan hẳn cũng nhận thấy, điều gây ấn tượng mạnh nhất không phải cái nhan sắc mặn mà ấy - dù nó đáng được nói đến lắm - mà là cái gì đó hoàn mỹ hơn, thuần khiết hơn ẩn chứa bên trong, thu hút mà không khiến bạn sợ, sâu thẳm, mơ hồ nhưng gần gụi và khả giác cũng như ánh sáng mặt trời và không khí, cái ta gọi là tâm hồn.
Hiển nhiên, tôi yêu nàng. Ngay cả khi gặp lại nàng mười mấy năm sau khi tốt nghiệp khóa tại chức, dù biết nàng đã có chồng, ba mặt con, cả trai lẫn gái, tôi vẫn yêu nàng. Loan tự hỏi tại sao bạn chưa bao giờ biết điều đó, phải không? Đó là điều thiêng liêng với tôi; chính tôi chưa bao giờ đủ can đảm bước hẳn vào đó, dù chỉ nói với nàng trong mơ. Quả thật, dù thường xuyên và lắm lúc da diết nghĩ đến nàng, tôi chưa bao giờ mơ thấy nàng. Tuy thế, tôi tự dành cho mình quyền quan tâm đến sức khỏe, bình an, cha mẹ, đời sống, hạnh phúc riêng của nàng.
Tôi sung sướng dù chỉ đóng vai người quan tâm tới nàng. Tôi quyết gặp bằng được chồng của nàng. Không, tôi chẳng định làm gì đâu... Tôi chỉ muốn biết, làm thế nào một kỹ sư lâm nghiệp mới quen ba tháng có thể trở thành người yêu, hơn thế thành chồng của nàng mà hẳn nàng hết mực yêu thương. Nếu để ý, bạn sẽ thấy tôi cười nhạt mấy lần và làm như không nghe thấy gì trong khi xung quanh người ta lao nhao về anh chồng lẽ ra phải có mặt lúc này, để thêm phần rạng rỡ cho nàng... Mà cũng có thể thực sự tôi không nghe thấy gì; tôi không thể tin bất cứ lời nào, chừng nào chính tôi chưa bị chinh phục bởi con người đó, nếu y đã có thể chinh phục nàng không bằng gì khác ngoài chính con người y.
Nhân một lúc ngẫu nhiên ngồi bên nàng, tôi xin phép đến thăm gia đình, làm quen với chồng nàng; tôi nhấn mạnh, tôi quan tâm đến anh ta như một người bạn, bởi chồng của nàng không thể không là bạn tôi. Hoàn toàn thoải mái, không giấu niềm tự hào, cả một chút ranh mãnh, một thoáng thú vị và dò xét trong ánh mắt, nàng vui vẻ chấp nhận đề nghị này.
Sau đó tôi gặp anh ta mấy lần nữa, đầu tiên trong những dịp hầu như tình cờ, nhưng về sau do chính anh ta mời tôi. Và rồi, bạn có biết tôi đã học được điều gì không?
Đó là một nhà thơ.
Vâng, mặc dù không làm thơ, anh thực sự là nhà thơ. Cũng như tôi, nhưng thuần khiết và mạnh mẽ hơn tôi nhiều. Trung không thuộc loại người dễ nhận ra trong đám đông, nhưng ở anh có nụ cười, vâng, chỉ nụ cười ấy thôi, vừa trẻ con vừa bao dung, vừa bí ẩn vừa chân thành làm bạn không thể quên; qua đó ta thấy rõ sự trong sáng, giản dị và nhân hậu - rất hiển nhiên - của tâm hồn anh.
Không dễ có thiện cảm với anh ngay từ đầu nếu chỉ nói chuyện, bởi anh hoàn toàn không biết nói chuyện; nhưng có một lần, khi đến nhà hai vợ chồng, tôi thấy anh đang xoay trần đóng kệ sách; chẳng nói gì nhiều, tôi xắn tay áo phụ anh một tay. Dù thật ra chẳng cần đến tôi lắm, anh lặng lẽ nhận sự tiếp sức của tôi, ôn tồn chỉ bảo những khi tôi tỏ ra vụng về. Mãi xế trưa mới tạm gọi đã xong việc; hai chúng tôi - cởi trần ngang thắt lưng - ra bể nước mưa sau nhà mặc sức xối từ đầu xuống chân; chỉ chừng đó anh mới cười ha hả, chúng tôi té nước vào nhau và vật tay với nhau; tuy nhỏ người nhưng anh khỏe hơn tôi.
Nhưng, sự thực là bấy nhiêu hoàn toàn chưa đủ để thuyết phục tôi rằng anh xứng với tình yêu của nàng hơn mọi kẻ khác; mặc cho tất cả thiện cảm có thể có với anh qua mấy lần gặp đó, tôi vẫn không thể nào thấy anh là người mà đáng lẽ đời phải trao cho nàng. Và thế là, thay vì sung sướng cho nàng, một nỗi nuối tiếc khôn tả chẳng những không dịu đi chút nào mà ngày càng lớn lên và làm nhói đau lòng tôi.
Tuy nhiên, những lúc hiếm hoi bình tâm lại, tôi cố tỉnh táo và nghiêm khắc tự vấn mà hiểu rằng tôi không tiếc cho nàng hay bất cứ ai khác mà cho tôi, mình tôi thôi. Điều đó có xứng đáng với tình yêu không? Hạnh phúc của nàng có thực sự là quan trọng nhất với tôi không? Con người đó, củ mỉ và chân thật như cục đất, rắn rỏi chở che nhưng khô khan như vỏ cây, anh đã trọn vẹn thành người nàng yêu chỉ qua một bài hát.
Phải, chỉ một bài hát. “Tình ca”, một bài quá quen thuộc; nhưng khác với trước kia, tôi đã nghe chính anh hát bài ấy. Chẳng biết đã bao giờ trong đời bạn nghe một người hát như vậy không? Đã bao giờ, khi nghe ai đó hát, tự dưng bạn cảm thấy trong máu thịt mình, tận đáy lòng mình rằng đấy chính là người có thể lạnh nhạt không chào bạn nhưng lúc cùng nguy cực biến sẽ hy sinh mạng sống không chút đắn đo để cứu bạn?
Cũng không hẳn thế nữa... Đó là tiếng hát làm chúng ta đau nhói vì như thể lần đầu tiên rứt ra và vút lên từ phần sâu thẳm nhất của chính chúng ta, tình yêu thuần khiết và lớn lao nhất của chúng ta, toàn bộ vẻ đẹp và sự phong phú của thế giới; trước tiếng hát đó ta cảm thấy bình thường và giản dị xiết bao khi chết cho người ta yêu, cho điều thiện và cái đẹp mà ta tin, cho cuộc sống dù biết nó xiết bao gần gũi cái chết.
Nàng đã nghe anh hát như thế, một lần duy nhất, cũng là bài duy nhất anh có thể hát như thế, trong một nhà khách tuềnh toàng lợp tôn trên cao nguyên, bài hát trong giây lát sống thay cho con người anh, qua đó kẻ chưa bao giờ gặp sẽ hiểu thấu lòng anh và biết cả cuộc đời anh; nỗi khắc khoải, sự cô đơn, những ước mơ cao vời, tình yêu vô hạn đối với bầu trời, những đàn chim bay qua cánh đồng quê anh, những dòng sông, mái nhà, muông thú và rừng núi.
Đó chỉ có thể là người trong khoảnh khắc tuyệt vọng nhất hay hạnh phúc nhất, người đang chết và kẻ vừa sống lại lần đầu tiên và cuối cùng tha thiết gọi toàn thế giới; sự im lặng của bao nhiêu tháng năm và miền đất đã qua hay đang chờ trước mặt đều vỡ òa trong tiếng gọi ấy, bạn thấy mình trong tiếng gọi, là kẻ được gọi, là kẻ gọi, là tất cả những gì tiếng gọi hướng tới.
Rất hiếm khi anh hát được như vậy, nhưng tối họp mặt bạn cùng khóa ở nhà nàng, anh đã hát, đúng lúc bất ngờ nhất, khi mọi người - chắc hẳn trừ nàng ra - hầu như đã mất hết hy vọng, đã bắt đầu chán cái trò nửa đùa nửa thật nài nỉ anh, tuy vậy nỗi hào hứng và nhiệt tình chờ đợi chưa tắt hẳn trong họ; và chỉ cần anh đứng lên, khẽ hắng giọng trìu mến nhìn mọi người thì như có làn gió từ vùng đất lành nào đột ngột thổi đến vậy; mọi người lặng ngắt, cảm thấy cái gì đó mãnh liệt, xuyên suốt, tràn ngập đang bắt đầu.
Tôi sẽ không kể thêm lần nữa anh đã hát ra sao. Nhưng tôi thấy, như giọt mưa đầu tiên mấp mé chực rơi xuống từ mép lá, lệ rân rấn trong mắt nàng qua mấy tiếng nói nhau nghìn lời qua đôi mắt xanh; khi anh hát xong, nỗi xúc động và nhiệt thành của cử tọa đã lắng xuống, mắt nàng vẫn rơm rớm như thế, nhưng mặt nàng ngời sáng như có nắng hè chiếu qua; một tay chìa cho anh cốc nước, tay kia chậm rãi miết giọt mồ hôi rịn từ thái dương anh như hơi nước tụ trên mặt kính; ta có cảm giác nàng sắp sửa hôn anh một cách nồng thắm và tự nhiên nhất, như một phụ nữ quyết liệt và hướng ngoại hơn sẽ làm, nhưng mọi đường gân thớ thịt nàng như ngưng đọng và căng lên nỗi khao khát vươn tới nụ hôn đó; nàng cố tình nói to bằng giọng hoan hỉ, rành rọt, vui vẻ, nhưng không nén nổi âm sắc run run gần như tiếng rạn khẽ của bóng đèn dầu quá mỏng vậy: “Uống đi, người lính trẻ của em!” - nàng thường gọi anh là “người lính trẻ”, nàng mặc nhiên coi những chuyến công tác lên vùng cao của anh là những cuộc hành quân như bố nàng ngày xưa, và - phải, tôi đã thấy - không biết anh đã nghe nàng gọi thế bao nhiêu lần và có phải lần nào cũng thế chăng: nghe nàng gọi, anh ngẩng nhìn nàng trìu mến và đắm đuối vô hạn, như thể biết nghe nàng gọi thế lần này nữa là hết, cười rạng rỡ nhưng mắt ngấn lệ; bạn như cảm thấy được cái nóng và vị mặn của nước mắt đó, thứ nước mắt đặc sệt của người lính; chính lúc đó tôi mới thực sự hiểu tình yêu nào kết hợp hai con người này.
Nếu Loan là tôi, bạn sẽ nhớ suốt đời khoảnh khắc đó, khoảnh khắc duy nhất, mãi mãi và cuối cùng tôi được sung sướng thấy họ hạnh phúc, lần cuối cùng tôi thấy họ bên nhau, cả hai người... Ba tháng sau, đúng thế, ba tháng sau, từ Hà Nội nghe tin chồng nàng chết, tôi sững sờ đến mức không còn đủ sức gọi dây nói hay gửi điện chia buồn với nàng.
Tôi không thể bỏ ngang công việc về dự đám tang; hơn nữa quan hệ cá nhân giữa tôi với Trung chưa đủ để tôi làm thế. Nhưng tôi đã sống những ngày nặng nề nhất, thấy mình có lỗi trong bất hạnh này của nàng... Yêu thiên nhiên như chính mình, anh chết khi tay không đương đầu với một bọn vô lại chém người giữa phố, ngã xuống như một người lính, trong bộ thường phục của kẻ đến trường đón con tan học về. Không ai có thể trách anh chết như vậy - không ai có quyền bình phẩm hay tranh biện về cái chết như vậy; nhưng điều duy nhất đáng kể còn lại, đối với tôi, đó là làm cách nào nàng sẽ sống qua cơn đau này.
Mãi đến lễ thất tuần tôi mới thu xếp được dăm ngày về thăm nàng. Hơn tháng trời dãi nắng trên những cánh đồng miền Nam, trong tôi dần dần thành hình một ước muốn, một quyết định mãnh liệt: tôi sẽ làm hết sức mình để giúp nàng hóa giải dù chỉ một phần nỗi đau đó; tôi sẽ làm việc đó bằng trọn tâm hồn và niềm tin của tôi. Thật ra ban đầu nó chỉ là một ước muốn nung nấu tôi và khiến lòng tôi nặng trĩu như một cái gì tôi phải làm, việc hệ trọng nhất và duy nhất tôi phải làm lúc này, nhưng tôi chưa hề khởi sự và vẫn chưa biết khởi sự như thế nào. Tuy nhiên, hai ngày trước khi lên tàu, một biến cố bất ngờ đã lay chuyển toàn bộ con người tôi.
Bạn tôi, nhân viên kế toán, một người bé nhỏ, cóc cáy, lành như đất, không bao giờ giận ai, chẳng có gì đặc biệt ngoài mấy câu vọng cổ tặng bạn hiền nơi xa về, bạn tôi, vì một va chạm vô lý với tên súc sinh nào đó trong cơ quan, bị hắn đánh giập mũi ngay trong nhà mình, trước mặt vợ con. Ba ngày sau anh tự sát. Anh chết mà dường như chưa kịp để lại gì cho đời ngoài những đứa con suốt đời không quên nỗi nhục của bố chúng, một người vợ chừng nào còn sống còn hổ thẹn và ngao ngán vì cái chết của chồng mỗi khi có ai hoặc điều gì gợi lại nó.
Nhưng phải đâu chỉ có thế? Cái còn lại trong tôi từ con người đó là những câu vọng cổ mùi mẫn và buồn tê tái mà anh chỉ bật ra khi đã say mềm rồi sau đó, khi mỗi người góp một lời châm chọc vẻ ngờ nghệch cả tin của anh - bao giờ cũng vậy - thì anh chỉ biết khóc ti tỉ rồi gục đầu xuống bàn ngủ vùi như đứa con nít, như một kẻ kiệt sức vì nỗi nhớ cố hương. Hẳn không cần lý giải điều gì đã đến với tôi; chỉ biết từ sự sống và cái chết của hai người - cả hai là bạn tôi -, tôi thấy một tâm hồn duy nhất trong sáng, nhân hậu và quả cảm; trước đó, ước muốn làm một cái gì cho Thanh Tâm mãnh liệt nhưng vô định hình và nhấn chìm tôi như sóng giữa đại dương, bây giờ nó đã tuôn thành dòng và hướng toàn bộ năng lượng mình vào một đích duy nhất; giờ đây tôi biết đó là việc tôi sẽ làm, sẽ hoàn thành, còn việc đó là gì và hoàn thành như thế nào, với tôi không đáng bận lòng nữa.
Có hình dung được tôi đến với nàng với một tâm nguyện thế nào, bạn mới hiểu cảm xúc của tôi khi chợt nhận ra tất cả điều đó đều vô nghĩa, như ngọn nến thắp ngoài trời giữa trưa vậy. Nàng là người đàn bà kỳ lạ; mà không, nàng chẳng kỳ lạ, chỉ bởi tôi cứ tưởng đã biết hết nàng mà thôi.
Bạn có biết rằng trong mắt tôi, tận đáy lòng tôi, nàng là hiện thân của nữ tính thuần khiết - có thể nàng không hẳn là hiện thân những gì tốt đẹp nhất, như thế là đòi hỏi quá nhiều ở nàng -, nhưng, tôi tin tưởng mãnh liệt rằng nàng đang sống với nỗi đau này bằng mọi đức tính có thể và phải có ở con người; tôi tin nàng đủ sức giữ thái độ bình tĩnh nhất, tôi tin nàng có khả năng định thần và xử sự như một kẻ minh triết có chiều sâu tâm linh và tầm cao của trí huệ, mặc dù, cũng như tình yêu của nàng mênh mông hơn mọi kẻ khác, nỗi đau này đối với nàng dữ dội và lớn lao hơn với bất cứ ai khác, cho nên, để có thể chịu đựng, đứng vững và vượt qua, nàng càng phải nỗ lực lớn lao xiết bao; trong cuộc đấu tranh ấy nàng có cô đơn không, có lúc nào nàng cần sự giúp đỡ của ai đó như tôi không? Tim tôi thắt lại khi nghĩ tới điều đó, suốt mấy trăm cây số trên tàu trong tôi chỉ có một ý nghĩ đó.
Những vạt nắng cuối cùng đang từ từ dâng lên ngọn cây bạch đàn bên kia đường; và khi chàng ngừng nói, tôi cảm thấy những lá cành bạch đàn nhạy cảm và thanh tao kia đang sung sướng với ánh nắng cuối cùng này mà chúng là một bộ phận. Đồng thời tôi nhận thấy những hồi ức mãnh liệt đang khiến chàng đau đớn; sau một lúc, tôi khẽ nắm bàn tay dài mảnh như tay thiếu nữ của chàng.
Mãi bây giờ, nhiều kẻ tôi gặp vẫn không sao hiểu nổi Thanh Tâm những ngày đó, dẫu họ vẫn một mực yêu quý nàng và không mảy may ngờ vực sự thủy chung của nàng. Còn tôi có thể nói gì với họ về nàng đây? Bạn có hình dung được người đàn bà không nhỏ lấy một giọt nước mắt cả trong lẫn sau đám tang chồng - người mà ai cũng biết nàng rất yêu thương không? Nhưng mấy chữ “không nhỏ một giọt nước mắt” chẳng nói được bao nhiêu về những gì ta có thể cảm nhận...
Có lẽ tôi phải gọi đó là sự vắng mặt hoàn toàn, tuyệt đối, không thể hiểu khác của bất cứ cái gì ta thường hiểu và gọi là đau đớn, u buồn, phiền não, tuyệt vọng...; nhưng hơn thế, vắng bóng cả cái gọi là sự im lặng dù là do quên đi, chấp nhận hay căng thẳng vượt qua những cái đó. Những ai dự lễ thất tuần không cách nào quên nổi nụ cười bình thản và hoàn toàn tự tin - không, phải nói là ung dung, quá tự tại ung dung - của nàng khi ra tận cửa đón họ, như thể họ đến ăn mừng tân gia hay đầy tháng con đầu lòng của nàng; nụ cười đó - mà nàng nở như hoa trong nắng hè không cần nỗ lực nào hết - thay vì làm họ an lòng rằng nàng vẫn sống vững vàng lại khiến họ đau nhói. Họ tránh nhìn thẳng vào nàng và tự dưng đều có một cớ nào đó để lần lượt ra đi, bỏ lại căn nhà đầy ắp thức ăn không ai đụng tới, còn nàng vẫn tự nhiên bảo tôi cùng ăn với lũ trẻ, như thể tôi với mẹ con nàng đang đi chơi dã ngoại vậy.
Dẫu vậy trong sự bình an của nàng, tôi cảm thấy gì đó bất an, khó nói, khó nhận ra lắm, nhưng có thật, gần như cảm giác về sự bình an của người diễn viên đi dây, sự bình an mong manh, không thật, không gắn với cuộc sống thật; theo lẽ thường người ta không thể hay không nên mạnh mẽ và tự tại đến như vậy.
Bạn có thể cứng cỏi, điềm tĩnh, đường hoàng ngay trong những ngày tang tóc bi thương nhất, bạn có thể không nhỏ một giọt nước mắt cho người mình hết mực yêu thương, nhưng dẫu sao... bạn không thể và không có quyền thư thái, kiêu hãnh, cao vời và độ lượng đến thế, với tất cả người xung quanh, tất cả những ai đến bày tỏ lòng thương xót, lân mẫn và cảm thông, dường như họ là những kẻ không thực sự biết, chưa hề biết thật ra con người - trong đó có chồng nàng - sống là hơn hay chết là hơn và đúng ra nên chúc mừng cho cái chết của Trung và sự góa bụa của nàng hơn là tỏ vẻ nghiêm trọng, bi thiết hay tiếc nuối, như bất cứ ai vẫn làm khi đến đọc hoặc nghe bài ai điếu, trong đó dĩ nhiên có tôi.
Tôi không có mặt ở đám tang, dù vậy không hẳn chỉ qua lời người khác tôi mới có thể hình dung người ta không xa lánh nàng, nhưng cũng không ai trong các phụ nữ thực sự thấy cần ôm ấp, vỗ về, an ủi nàng; họ chân thành nhưng rụt rè nắm tay nàng, tuy vậy điều hết sức rõ ràng là sức mạnh của họ chẳng cần thiết chút nào với nàng; ngược lại, chính họ mới yên lòng hơn khi cảm thấy trong nắm tay nàng một tâm hồn chị em như họ đã biết, thân quen và gần gũi với họ, đầy sức mạnh cảm thông, khích lệ và chở che họ.
Còn cánh đàn ông nói chung khó nói điều gì với nàng; thậm chí không thể nhìn lâu vào mắt nàng, dù vậy không ai, cả những tay buông tuồng nhất, dám thốt lên dù một cách bóng gió xa xôi nhất chẳng hạn nàng không biết đau khổ bởi chồng nàng chết, nàng không bất ngờ về cái chết đó. Thế nhưng, điều đó không có nghĩa là trong chúng tôi, những người đàn ông, không có cùng một câu hỏi chẳng ai thốt ra.
Chỉ hơn tháng sau lễ thất tuần ấy là ngày sinh của nàng. Bạn bè từ cả những nơi xa tự đến không đợi mời, làm một bữa tiệc nho nhỏ. Dù không nói ra, nhưng rõ ràng ai nấy chẳng muốn gì khác hơn tạo niềm vui cho nàng. Chính xác hơn, họ thử mang lại cho nàng một niềm vui theo cách của họ, vừa với sức họ; trong thâm tâm họ hiểu nàng không thật cần đến niềm vui đó ; nó chỉ như thêm một làn gió hây hẩy trên cánh đồng luôn ngợp nắng và xanh tươi của nàng, nhưng chẳng phải vì vậy mà nàng kém trân trọng nó; tôi thấy mắt nàng rưng rưng khi nhận những lời chúc tự đáy lòng họ, mặc dù - cũng như mọi lúc khác - nàng vẫn là người đầu tiên chỉ bằng một lời đã có thể buộc mọi người phá ra cười một cách sảng khoái nhất, vô tư nhất, như thể đó là điều duy nhất không thể và không bao giờ thay đổi trong đời nàng, thế giới của nàng, và dưới sức mạnh của nàng không hiểu sao mọi người đều như thế, trừ tôi ra.
Một cảm giác khó chịu lạ lùng lớn mãi lên trong tôi; bởi vì tôi cảm thấy, đằng sau những câu đùa cợt ấy, tiếng cười ấy, tiếng lanh canh khoái chá và khẩn trương một cách vô lối của bát đĩa ấy, tiếng kéo ghế rộn rã đầy không khí hội hè, tiếng hát ban đầu hơi ngượng ngập, rời rạc nhưng lớn lên, dày dặn lên rất nhanh và mau chóng tràn ra ngoài qua mọi cửa ấy, đằng sau tất cả vẫn là im lặng; cũng sự im lặng đáng sợ từng làm tôi đau nhói hơn một tháng trước, đã nhập vào tôi thành một cơn bệnh không dứt.
Dường như với tôi chỉ có nỗi im lặng đó là thật, còn tất cả những âm thanh kia chỉ vọng tới âm u từ một giấc mơ mông lung, từ những cõi xa vời vợi, như một bản tình ca hay điệu hát ru bỗng đâu vẳng tới tai bạn khoảnh khắc ngay sau trận bom vừa xóa sổ nhà bạn vậy: lẽ ra chúng đã và luôn luôn xiết bao quý giá và thân thiết với tôi; vào lúc khác và nơi khác tôi đã có thể chỉ sống nhờ chúng và chết vì chúng, nhưng chúng tuyệt không có gì chung với những gì thuộc tình thế của tôi lúc này; tôi phải làm gì đó hoàn toàn khác để phá vỡ - đúng hơn là hóa giải - sự im lặng này.
Và đúng khoảnh khắc đó, tôi đứng dậy nói: tôi sẽ tặng nàng một bài hát; liền sau đó những lời lạ lùng - hẳn đều vô nghĩa và xuẩn ngốc - cứ thế buột khỏi miệng tôi. Mọi người thảy ngừng việc ăn uống, hầu như tròn mắt vừa thú vị vừa e dè nhìn tôi: chưa bao giờ họ thấy tôi nói năng hoa mỹ đến thế dù tôi là nhà thơ; những kẻ hời hợt nhất ngó nhau, dường như đố nhau tôi sẽ hát cái gì đây; nhưng phần lớn mọi người chắc nhận ra có gì không bình thường ở tôi; họ cũng bất giác nhìn nhau, vừa như cảm thấy phải ngăn tôi lại ngay, vừa như hối tiếc không thể nào ngăn tôi được nữa.
Một cách điềm tĩnh, lễ độ, tao nhã, duyên dáng, nàng tiếp nhận những lời của tôi; mắt nàng thật sự không biểu lộ điều gì, nhưng tôi tin đã bắt gặp một thoáng bối rối ở đó; nàng sửa thế ngồi, hơi ngả người ra sau, tay khoanh trước ngực như để phòng ngự; nàng linh cảm thấy gì vậy? Đôi má nàng luôn hồng tươi tựa đào tơ mơn mởn; thật khó biết đâu là lúc nàng cảm động, bực bội, phấn chấn hay thẹn thùng; có lẽ phải nhìn mắt nàng, môi nàng, nhưng nàng đang cụp mắt xuống, tay nàng lúc này lại đan vào nhau trên bàn, và môi nàng vẫn đang nở thành nụ cười, cái nụ cười bất tuyệt mãi mãi bí ẩn và bất nhẫn đối với tôi chừng nào tôi chưa dập tắt được nó vì chỉ khi đó tôi mới biết làm cách nào gieo mầm trở lại cho nó. Rất tinh tế, nàng đã gửi hai đứa nhỏ - hai tuổi và sáu tuổi - cho người nhà trông hộ; chỉ đứa con đầu được ngồi chung bàn với người lớn; Hiền, chưa tròn mười một tuổi, rất giống mẹ, mặt tròn trắng nuột như thiên thần, cứ nhìn tôi như thể khiêu khích, với vẻ chờ đợi và khoái chá khó hiểu, nếu là một đứa trẻ khác hẳn em đã nói: Chú hát đi, nào, đố chú làm thế nào mẹ cháu khóc được đấy, mẹ cháu có biết khóc là gì đâu!
Và trong khi tôi tiếp tục cao giọng về người chồng người cha của gia đình chẳng may sớm khuất, về chuyện dẫu cho bao niềm vui ta vẫn phải làm những gì bởi không nguôi nỗi nhớ thương anh thì ánh mắt Hiền chẳng những không dịu đi mà ngày càng sắc hơn và xuyên suốt tâm can tôi. Chính cái nhìn đó - chứ không phải nụ cười bí ẩn, thầm lặng, thiên thần của nàng, hay những cái gật gù tán thưởng chiếu lệ, kiểu cách hay chân thành của cử tọa - đã là mũi khoan cuối cùng để tất cả những gì mãnh liệt như cơn lũ đang trào dâng trong tôi ào ạt nhưng tỉnh giác tuôn ra đúng đường của nó.
Thế là, hoàn toàn tự nhiên, bài hát thân thuộc của nàng - Tình ca - thoát ra khỏi tôi. Tôi đã hát như thế nào vậy? Sự thực là mãi sau này tôi mới có thể nhìn lại và cố gắng dùng lời - như của một người khác - để tả dù chỉ phần nào trạng thái tâm hồn tôi khi đó. Tôi từng biết cảm giác hầu như không còn chính mình khi hát những bài hát Nga: Kachiusa, Phía xa bên kia sông, Aliôsa, sở trường và tình yêu thời trai trẻ của tôi, O Sole mio, cách thể hiện huy hoàng nhất niềm vui của tôi, những bài quan họ luôn ở trong tim tôi. Nhưng không trải nghiệm nào từng biết có thể so sánh với những gì trong ít phút tôi sống với bài hát này.
Từ thâm tâm tôi muốn tung bài hát này - tiếng gọi này - vào nỗi câm lặng quanh cái chết người bạn tri kỷ của tôi như ném hòn đá tảng vào hồ đang ngủ yên, như một lần đã xa, tôi đang đạp xe về Kim Long trong nỗi u mặc có phần uể oải và trầm trệ của chiều thu sông Hương thì bỗng sét ngang trời giáng thẳng vào Đại Nội. Nhưng khi bài hát đã thật sự thoát ra khỏi tôi, nó không còn là tôi, và ấn tượng trong tôi về tiếng hát này - như của kẻ khác vậy - là một cái gì êm dịu và thân thiết bao nhiêu đối với con người. Tôi biết nói gì hơn đây? Lấy gì để nói lên tất cả vẻ đẹp khiến lòng tôi đau đớn khi nỗi im lặng dần dần dịu đi trong khi tiếng hát ngày càng mạnh cho đến khi hoàn toàn hóa giải chính tôi.
Phải, đó chính là cảm giác lạ lùng mà có thể Trung bạn tôi thường có những khi anh quên hẳn mình để hát về cuộc sống, cảm giác mà cuối cùng tôi đã nhận ra cũng là của tôi và vẫn có trong tôi; bài hát càng lên cao thì hồn tôi càng cao mãi lên, cho đến khi những nốt cao nhất dường như không chỉ xuất phát từ trong tôi mà còn vang lên từ đâu đó dưới vòm trời, còn trong những quãng lặng thì những ngọn lửa đâu đó trên mặt đất, của người lính chốt tiền tiêu, kẻ lữ hành đơn độc trên rẻo cao, cô giáo soi đường qua đồng cạn về nhà giữa đêm khuya, bếp lò người mẹ già lụi cụi nấu cơm để kịp tiễn con ra bến đò khi trời chưa hửng sáng, tất cả như ngưng cả bập bùng, lay lắt hoặc lung linh để đợi tôi, một ngọn gió, một hơi thở mới từ trong tôi. Chưa bao giờ tôi cảm thấy trong mình nguồn năng lượng kỳ vĩ đến như vậy, và chưa bao giờ năng lượng đó tự thể hiện mình mãnh liệt và chân xác đến như vậy, tự hoàn thành một cách trọn vẹn, thuần khiết đến như vậy.
Khi bài hát đã dứt, mọi người đăm đăm nhìn tôi như chưa thấy tôi bao giờ. Phút chốc im lặng này ập vào tôi - chắc hẳn cả họ nữa - còn mãnh liệt hơn nhiều so với chính bài hát, và đột nhiên tôi hiểu một cách sâu sắc rằng tất cả những gì tôi hát, cũng như mọi thứ âm nhạc - kể cả Giao hưởng số 5 của Beethoven - đều phải đi đến chung cục tất yếu là phút im lặng như thế, cái im lặng đến lượt nó tất yếu sẽ bùng ra thành tiếng vỗ tay, tiếng giậm chân, đôi khi tiếng khóc thầm và nhiều khi lại tiếng hát.
Kẻ đầu tiên lên tiếng là một anh bạn luôn tự dành cho mình đặc quyền nói những lời quan trọng nhất hoặc lời cuối cùng. “Cậu hát nữa đi. Buổi tối này không chỉ của Thanh Tâm mà còn là của cậu đấy,” - anh ta nói với vẻ trịnh trọng và nghiêm túc thường có, nhưng lần đầu tiên tôi thấy trong giọng nói và cái nhìn anh không phải nét bỡn cợt hay kẻ cả mà lộ vẻ chân thành; mọi người lập tức biểu đồng tình với nỗi cảm kích tột độ nhưng cùng lúc lại hơi ngượng ngập sao đó; như thể họ không biết nên tiếp tục cư xử thế nào với tôi.
Nhưng thật ra mọi chi tiết đó trôi qua trước mắt tôi như trong mơ; chỉ có hình dáng nàng nổi bật với những đường nét tràn trề ánh sáng - một thứ ánh sáng không hẳn chỉ là ánh đèn lan tỏa và như soi thấu từng chân tóc nàng: chống tay dưới cằm, mắt nửa nhìn tôi nửa không hề thấy tôi; một cái gì giống như nụ cười vẫn nguyên vẹn trên môi, vẫn nụ cười kỳ lạ không gì làm tươi hơn được cũng không gì biến dạng hay xóa nhòa được; nàng nhỏ nhẹ nhắc mọi người vỗ tay rồi chính nàng vỗ tay trước; bao giờ cũng vậy, giàu cảm xúc nhất là nàng, mẫn tiệp và tự chủ nhất cũng là nàng.
Tiếng cười vang lên, ai đó lên tiếng đùa chẳng tự tin lắm rằng nàng nên hôn tôi đi, như đã từng hôn Trung vậy (chính tôi chưa thấy cảnh đó); ở trên kia Trung có biết cũng chẳng nỡ nào ghen với tôi; nghe đoạn nàng bật cười, tôi cũng cười theo, nhưng lại bắt gặp ánh mắt Hiền, em đang nhìn tôi chăm bẵm với vẻ vừa cảm động vừa như chế giễu nhưng lại buồn rười rượi, như thể vừa hả dạ vừa chán ngán và chua chát sau một vụ đồng lõa không thành với tôi.
Rồi ngay sau đó những tiếng cười và trò vui vô hại và ngốc nghếch của mọi cuộc vui loại này nhanh chóng khỏa lấp cơn sóng tôi vừa tạo ra; nhưng một nỗi mệt mỏi ghê gớm như thể nhận chìm tôi xuống tận đáy sông, từ dưới đó tôi nhìn mọi người trong cuộc vui không bao giờ dứt của họ như từ một cõi khác, với tất cả nỗi thân ái, thương hại và dửng dưng của một người đã khuất.
Và như một người đã khuất, tôi cảm thấy từ phút này sẽ không thể nói, cười, hát hay đằng hắng hoặc phát ra bất cứ âm thanh nào thực sự của tôi nữa. Và lạ thay, sự im lặng mà ít phút trước tôi còn trút toàn bộ tâm lực hòng phá vỡ lúc này lại như thấm vào từng giọt máu tôi, hay đúng hơn tôi đã hóa thành sự im lặng đó; tôi đã thành cùng một thể với anh, bạn hiền vắn số của tôi, và tất cả âm thanh còn lại trong cuộc sống không còn của chúng tôi nữa, nhưng, trong thế giới của riêng mình, anh với tôi có một thứ khác lớn lao hơn rất nhiều mà mãi bây giờ tôi mới phần nào hiểu bí ẩn của nó.
Bỗng một tiếng kỳ lạ, phần như tiếng con nít ọc sữa, lại có phần như tiếng hự của kẻ hoảng loạn giật bắn người trước bóng đen của chính mình, tiếng rên cụt lủn của kẻ bất thần bị giáng một khúc củi vào gáy, phải, một tiếng như thế - như súng nổ - xuyên thủng vào thế giới của riêng tôi. Ngẩng lên tôi thấy hình như nàng vừa cắn nhằm lưỡi sao đó; má đỏ bừng, hẳn đau lắm nên nước mắt nàng trào ra.
Tôi phải lấy làm lạ tại sao nghe tiếng kêu như thế mọi người vẫn bình chân như vại - chỉ lao xao tí chút nhưng một cách vui vẻ và vẫn cười -, nhưng hình như chỉ mình tôi nghe thấy tiếng ấy. Một tay bụm miệng, nàng vẫn cho mọi người thấy nụ cười dịu dàng như xin lỗi đã buộc mọi người lo lắng tới mình, tay kia nàng nhã nhặn từ chối cốc nước suối ai đó vừa đưa cho. Không hề mất vẻ đường hoàng, vẫn thoải mái, tao nhã, duyên dáng, nàng nhanh nhẹn đứng dậy, nghiêng mình nói khẽ gì đó với những người kế bên rồi lui vào buồng trong với dáng điệu như cần thu xếp gì đấy nhỏ thôi nhưng khiến nàng không yên tâm và chẳng ai giúp nàng được, cài lại móc khuy cạp váy chẳng hạn; nàng quay lại ngay đấy thôi.
Chẳng có lý do gì để hoài nghi điều đó; những tiếng cười đôn hậu và vô tâm tiễn chân nàng; nhưng có cả một cái nhìn đau đáu hướng theo nàng, cái nhìn của Hiền; vị tất từng ấy người có ai hiểu cái nhìn ấy? Dường như trong khoảnh khắc em chỉ muốn xô ghế chạy thốc vào với mẹ, nhưng cũng có thể em sẽ bất thần ném choang bất cứ vật gì trong tay xuống đất rồi ôm riệt đầu thét một tiếng váng óc.
Nhưng cảm giác đó chỉ ập đến với tôi như một tia chớp: kìa em đã sửa thế ngồi, tiếp tục dùng thìa xắn bánh ngọt và điềm đạm trả lời người lớn: Không cần đâu bác ạ; mẹ cháu ra ngay đấy thôi! Một trong những bạn gái thân nhất của nàng nhìn tôi đăm đăm; không hiểu có ánh trách móc hay dò xét trong cái nhìn của chị không; nhưng cái nhìn đó - cũng như cái nhìn con trẻ - xoáy vào lòng tôi.
Hình như chàng muốn nói thêm gì đó, nhưng chàng chỉ im lặng chú mục vào một điểm ở rất xa, cũng có thể chàng không thấy gì.
Mấy ngày sau, khi đã vào Nam, tôi được tin nàng ngã đập đầu vào cọc mùng. Ai nấy đều ngỡ ngàng cứ như nghe một chuyện đùa kém cỏi và không tế nhị chút nào vậy.
Cơn nguy kịch đã qua; nàng vẫn tỉnh táo và mỉm cười khi thấy họ nơi ngưỡng cửa, có điều chẳng hiểu sao nàng không nói được nữa, dù các bác sĩ quả quyết nàng không bị tổn thương phần mềm nào có thễ dẫn đến điều đó. Nhưng điều đáng nói hơn là khi các bạn chuẩn bị ra về, nàng giữ riệt tay họ; và chỉ khi đó như thể lần đầu tiên họ thấy nàng khóc. Nước mắt chẳng mấy chốc ướt đầm cả khăn trải giường; cả đời họ chưa thấy ai khóc nhiều đến như vậy. Mặc dù con gái hầu như không rời nàng nửa bước, chu đáo, ý tứ và dịu dàng như người lớn, nàng có vẻ căng thẳng, thẫn thờ là lạ khi giáp mặt con, nghiêm trang và đằm thắm một cách hơi khác thường mỗi khi cố nói điều gì với con.
Ngược lại, Hiền đối với mẹ cũng gần như người chị ân hận đã đánh em mình quá đau, hay người vợ trìu mến với gã chồng vũ phu luôn đánh đập nàng nhưng lúc này sắp sửa lâm chung. Họ quyết định thay phiên nhau túc trực bên nàng, và chỉ khi nàng đã thiếp đi yên lành dưới tay quạt của họ, Hiền mới nhỏ nhẻ kể rằng đêm trước khi xảy ra tai nạn, không hiểu sao nàng gần như lên cơn động kinh.
Sợ nàng thức giấc, và hiểu rằng đây không phải câu chuyện có thể nghe hay nói trong vòng mười lăm phút, họ để một người ở lại rồi dẫn em vào căn-tin bệnh viện. Gặng hỏi lần hồi họ mới biết đó không phải lần đầu tiên; không chỉ một lần Hiền bắt gặp trong giường mẹ những chiếc áo gối ướt đầm, nhàu nhĩ như ruột lợn và đầy những dấu răng. Lại có một hôm Hiền đi học về sớm, bỗng dưng em lại đi ngả sau và nghe tiếng mẹ khóc trong buồng tắm lẫn trong tiếng nước rào rào tràn ra khỏi hồ.
Nhưng mấy hôm sau buổi sinh nhật đáng nhớ đó nàng mới thật sự khác lạ; đêm nào nàng cũng hầu thức trắng nhưng lại như người mộng du; khiến Hiền cũng hầu như không ngủ, vừa chợp mắt đã lập tức giật mình tỉnh như sáo dù chỉ nghe tiếng mẹ thở dài ngoài cửa sổ chẳng khác gì ngay đầu giường em.
Có một đêm như thế, hồi lâu không nghe thấy gì nữa, em cứ tưởng mẹ đã rời chỗ đó, nhưng rồi chợt nghe mẹ khe khẽ hát. Em chỉ nghe trọn câu đầu Một em nhớ đôi bạn chung tình, sau đó thì ngắc ngứ, tiếng được tiếng mất trong những làn gió chớm thu lùa qua hàng hiên. Em chưa hề nghe mẹ hát bài quan họ ấy, nhưng em luôn có cảm giác mẹ sinh ra để hát chính những bài hát ấy. Từng chữ một, bài hát tan tác trong gió như những cánh hoa khô nhưng thấm sâu vào lòng em như những giọt nước mắt chính em cố nuốt ngược vào trong không chỉ đêm này hoặc đêm hôm qua.
Mọi người hiểu đúng ra họ không bao giờ được biết những chuyện ấy, nhưng có lẽ điều đó cũng tốt, bởi bây giờ họ có thể ôm chặt em vào lòng mà an ủi rằng em có thể và cần phải tự hào về bố mẹ em, khuyên nhủ em rằng hơn lúc nào hết mẹ cần tình yêu và sự cảm thông của em và tất cả mọi người, rằng những người thân yêu không bao giờ bỏ mặc mẹ con em trong những ngày này, và em cần độ lượng hơn với mẹ, cần dũng cảm hơn, cần dũng cảm như mẹ.
Ba tháng sau nàng dần dần hồi phục được tiếng nói; tôi thấy nàng một lần nơi hiên nhà, nàng ngồi khẽ đung đưa người trong ghế mây đọc một cuốn sách dày bìa da, hình như là Kinh Thi mà tôi đã thấy trên giá sách của nàng. Chưa bao giờ tôi thấy nàng đẹp một cách não nùng như vậy, mong manh như cô gái nhỏ trong bộ đồ mặc nhà bằng vải nhẹ với những bông hoa màu nõn chuối và da trời.
Trời lúc ấy lặng gió, nhưng không hiểu sao bóng nàng in trên bức tường vàng ruộm nắng chiều dường như rung rinh; khi nàng khoan thai ngẩng lên như thể nghe tiếng ai gọi, tôi lật đật giấu mình sau cọc rào, mặc dù tôi hoàn toàn không muốn thế; sau một thoáng dường như phân vân không biết nên quay về hướng nào, nàng bỗng xếp sách đứng dậy, vẻ dáo dác như đang tìm ai - chẳng hiểu sao dáng điệu nàng rất giống một người mù, cũng có thể nàng bị quáng mắt vì ngược nắng.
Bằng dáng điệu đó nàng ngập ngừng giây lát rồi bước thẳng về phía góc rào nơi tôi đứng; bỗng mặt nàng ngời lên một nỗi hân hoan dịu dàng và hết sức trẻ thơ, như thể vừa tìm thấy một cuộc sống mới; miệng nàng mấp máy như muốn gọi, thế là tôi vùng chạy mà mãi khi ra tới bến xe mới lờ mờ hiểu không phải nàng trông thấy hay cảm thấy tôi, mà nàng nghe thấy hương thơm vòng hoa cam trên tay tôi, mà tôi tin sẽ mang lại cho nàng niềm vui.
Chàng nín lặng rất lâu, rồi bỗng đứng dậy bước ra bao lơn nhìn về phía những mái ngói đổ dài xuống bến sông vốn đã đỏ lại càng đỏ như đồng dưới ánh tà dương. Sống mũi, gờ trán, gò má chàng đỏ rực như lửa trong ánh nắng cuối cùng ấy, nhưng mắt chàng ướt đẫm. Trong gió vẳng lại mùi khét nhà ai đốt lá trong vườn.
Tôi nhè nhẹ đến gần, quỳ xuống, ấp bàn tay buông thõng của chàng vào trán tôi. Tôi sẽ khuyên chàng trở lại với Tâm, để nói những gì chàng còn thấy cần nói, làm những gì chàng nên làm như một con người. Nhưng trước tiên, tôi phải làm gì đó để giúp chàng qua nỗi đau này và bắt đầu một cuộc sống mới.
-
Phạm Nguyên Thiện