(VietNamNet) - Nghê đầu rồng biểu tượng cho sự chính trực. Nghê mình chó thể hiện lòng trung thành. Nghê hình rồng chầu mặt trời dũng mãnh, uy nghiêm. Nghê có đuôi vút cao liên tưởng đến Như ý, một trong tám món vật quý (bát bửu)... Đặc biệt bộ sưu tập của chị có cặp nghê có lông hình xoắn ốc như xoắn ốc trên đầu tượng phật mà người ta gọi là phật ốc, bụt ốc. Đây cũng là cặp nghê duy nhất gồm một con cái, một con đực!
|
Nghê mình chó |
Một người đàn bà hiện đại sống giữa bầy nghê gỗ xưa cũ chừng 50 con ngay trong lòng thành phố Sài Gòn ồn ào sôi động... Ít ai nghĩ người phụ nữ hiện đại này thích chơi với những con nghê gỗ xù xì hơn là dạo qua các trung tâm mua sắm, làm đẹp sang trọng.
Kể cũng hơi "tân cổ giao duyên" khi đằng sau căn biệt thự, ngay bên bờ hồ bơi mát rượi bất ngờ hiện ra một căn nhà cổ thứ thiệt. Trong nhà ngổn ngang trăm thứ nhưng nổi bật là những con nghê được đặt ở vị trí dễ nhìn thấy nhất.
Ở đâu không biết, chứ ở Sài Gòn, chỉ có người phụ nữ ấy, chị Tú Anh, sở hữu một bộ sưu tập nghê. Chẳng ai chơi món này vì trong mắt nhiều tay sưu tập, nó không giá trị mấy. Nghê của chị là nghê gỗ, chủ yếu là loại nghê đội giá sớ.
|
Nghê có bộ lông xoắn ốc |
Tôi sinh ra và lớn lên tại Hà Nội nhưng quê ngoại ở Hà Bắc. Những năm tháng chiến tranh tôi về đây sơ tán. Nhà bà ngoại có một điện thờ, là nơi thờ cúng cho... cả làng. Ngày ấy ai ốm đau, gặp khó khăn như gà toi, lợn ốm, cần tin tức của chồng, con nơi chiến trường... đều đến xin bà xem lá trầu, xem chân gà, gọi hồn, lên đồng, khấn vái... Tôi đã sống trong khói hương, tiếng chuông tiếng mõ của bà, trong hương hoa bưởi, hoa chanh, trong muôn vạn sắc màu hoa mẫu đơn, dâm bụt...
Mỗi lần bước vào điện của bà, tôi vừa sợ, lại vừa thích. Những ông quan bà chúa trên ban phủ nhìn xuống, những rồng, những hổ, sư tử, nghê mắt thật to trên các điêu khắc gỗ, trên các hình bằng giấy dán cứ chăm chắm nhìn tôi. Cái không khí thâm nghiêm, âm u ấy khiến tôi thấy gai người. Nhưng rồi ngày nào tôi cũng chui vào trong điện những lúc hiếm hoi vắng bóng người.
|
Chị Tú Anh bên bộ sưu tập nghê trong căn nhà cổ |
Hẳn đến đây, bạn đọc sẽ "à, rồi chị ấy đâm mê "món" nghê chứ gì?". Chị ấy sợ, chị ấy gai người như thế, thì phải đến mãi sau này, chị mới có ý tưởng nhặt nhạnh lại những mảnh ký ức sợ sệt con nít ngày xưa.
Nếu không làm nghề hướng dẫn viên du lịch, có lẽ chị cũng đã bỏ quên những con nghê, con rồng trợn mắt trong ngăn kéo ký ức tuổi thơ. Nếu đời sống thị trường không len vào tận những ngôi nhà heo hút nhất, cũng chẳng có đâu những con nghê cho chị cắc củm mang về nhà mình. Thật oái ăm, đời sống khá lên làm người ta quên đi những gì của ngày xưa cũ, những đồ thờ cúng hư hỏng bị thay bằng đồ mới đẹp hơn, nhưng đồng thời lại là cơ hội cho các nhà sưu tập như chị Tú Anh, nếu may mắn chớp được!
|
Nghê có bờm sư tử |
Bộ sưu tập của chị chủ yếu gồm nghê thờ cúng trong các đình chùa thời Nguyễn và một ít từ thời Lê. Chẳng đôi nào giống đôi nào (nghê đội sớ) và cũng chẳng con nào giống con nào. Chúng vốn đã sứt sẹo đầy mình, có con thậm chí bay mất cả lớp sơn thếp, trơ ra thớ gỗ, nhưng mỗi lần phát hiện con nào sứt thêm miếng gỗ, chị lại xót.
Dù đội sớ hay không, nghê đều có chung một nét mạnh mẽ, dữ tợn và toát lên vẻ tôn nghiêm, cao quý. Nhưng vẫn thấy trên mình những đôi nghê đội sớ chút gì đó cam chịu, con thì hõm một lỗ khá sâu, dấu vết của miếng giá bị vỡ, con thì hằn trên lưng một vệt như bị roi quất.
|
Nghê hóa rồng |
Tôi rất yêu những món đồ cũ kỹ, gãy hỏng này. Đối với tôi chúng không chỉ là những tác phẩm nghệ thuật mang tính lịch sử về điêu khắc, mà còn mang đậm nét văn hóa tâm linh, tôn giáo. Tôi thấy xót xa khi thấy chúng bị đốt, bỏ lẫn trong đống củi, xà bần, bên bờ ao hay trong bùn đất...
Nghê đầu rồng biểu tượng cho sự chính trực. Nghê mình chó thể hiện lòng trung thành. Nghê hình rồng chầu mặt trời dũng mãnh, uy nghiêm. Nghê có đuôi vút cao liên tưởng đến Như ý, một trong tám món vật quý (bát bửu)... Đặc biệt bộ sưu tập của chị có cặp nghê có lông hình xoắn ốc như xoắn ốc trên đầu tượng phật mà người ta gọi là phật ốc, bụt ốc. Đây cũng là cặp nghê duy nhất gồm một con cái, một con đực!
|
Đôi nghê có đuôi "như ý" |
Ngày trước nhặt nhạnh, "tha" về từ đống đổ nát, hoặc mua lại của những người không dùng nữa, giờ đây đã có những "cộng tác viên" biết chuyện sưu tập của chị góp tay tìm, mua giúp. Tưởng chẳng ai ngó ngàng đến món nghê gỗ này, song cũng đã có người ra giá rất cao để mua lại.
Chị không bán, vì đó là đam mê, là hình ảnh của ngày thơ ấu trong chị nơi miền nông thôn Bắc bộ giờ xa ngái cả nghìn cây số. Ngồi trong căn biệt thự thoang thoảng hương hoa nhân tạo, chứ không phải trong căn nhà đậm hương bưởi, hương chanh ngày cũ, chị tiếc:
Bây giờ các đền chùa, đình miếu, từ đường, lăng mộ... vẫn đang được sơn phết làm mới. Có bức tượng hàng trăm tuổi bị biến mất dưới vài nét chổi sơn đỏ vàng rực rỡ, thậm chí người ta không dùng sơn ta mà dùng sơn Thái cho đẹp và nhanh khô. Nói gì đến mấy con nghê bé tẹo này...
|
Chị Tú Anh với một chú nghê |
Trong đời sống văn hóa người Việt xưa, nghê là con vật linh, được thờ phụng như các con vật trong tứ linh. Nghê là biểu tượng của trí tuệ, quyền uy, dũng mãnh và sự tôn nghiêm, linh thiêng. Nhưng người ta cũng thường lẫn lộn giữa nghê và lân.
Trong cuốn sách về nghệ thuật Huế của mình, tác giả M.J.E.Charle cũng đề cập đến sự lẫn lộn này. Ông miêu tả: "Nghê luôn có hình thức đứng cong lưng, gồng người, có móng, có lông, mồm thì nhe nanh, chồm về phía trước ở tư thế mạnh mẽ, oai vệ. Nhìn vào ta vẫn thấy dáng vẻ của sư tử, nhưng là một con sư tử nhanh nhẹn vì truyền thuyết kể rằng nó đi một ngày được 500 dặm, thậm chí còn nói nó nhảy một cái vượt qua được 500 dặm, ăn thịt cả hổ...". |
|