Người dân khu vực 4, thị trấn Phú Lộc, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế) trong lúc làm ruộng đã phát hiện một con rùa đá lớn nằm vùi sâu dưới lớp bùn.
|
Rùa đá vừa được phát hiện. |
Rùa được làm từ một tảng đá trắng nguyên khối, dài 1,6m, rộng 1,1m, dày 60cm, nặng trên 1 tấn, được chạm khắc rất tinh xảo: mình có chạm trổ hoa văn, trên lưng có một ô vuông lõm sâu (cạnh 30cm), đầu khắc hình chữ Vương (chữ Hán) chưa rõ niên đại.
Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã đến tìm hiểu và đề nghị đưa về bảo tàng, nhưng người dân địa phương không chấp nhận và họ đã huy động hàng chục người di chuyển rùa đá trên đến đặt ở đầu ngõ nhà ông Nguyễn Phước Đằng (cách Trung tâm Y tế huyện Phú Lộc khoảng 200m).
Người dân sống ở thị trấn Phú Lộc cho biết, tại khu vực phát hiện rùa đá, người dân còn phát hiện nhiều dấu tích một công trình kiến trúc cổ đã sụp đổ với rất nhiều gạch vồ, ngói lợp âm dương, đồ sành sứ vỡ, đá tán và đặc biệt là hệ thống nền móng của một công trình kiến trúc khá quy mô...
Theo các chuyên viên Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên - Huế, di tích trên có vị trí nằm gần trên con đường thiên lý Bắc - Nam ngày xưa, vì vậy có khả năng tại đây từng tồn tại một dinh trấn của các bậc vua chúa...
(Theo Sài Gòn giải phóng)
|