(VietNamNet) - Ông Dư có lẽ là người thợ sửa đồng hồ duy nhất tại VN có trong tay 7 bằng diplome và được các hãng đồng hồ lớn mời sang làm việc.
Người thợ có nhiều bằng nước ngoài nhất!
Ít người biết rằng ông Dư đã từng 2 lần tu nghiệp tại trung tâm đồng hồ quốc tế WOSTEF (năm 1980 và 1991) và đã có tới 7 bằng diplome của các hãng đồng hồ nổi tiếng của Thuỵ Sỹ từ Rado, Omega đến Longines... Ông Dư có lẽ là người thợ sửa đồng hồ duy nhất tại VN có trong tay 7 bằng diplome và được các hãng đồng hồ lớn mời sang làm việc. Có được những tấm bằng diplome, những chứng chỉ (certificate) công nhận tài năng của các hãng đồng hồ lớn có lịch sử hàng trăm năm cũng đủ để làm giấy thông hành để ông có được một chỗ làm ưu đãi nhưng người thợ ấy đã không nắm lấy cơ hội ở lại Thuỵ Sỹ mà trở về VN để sửa 4-5 chiếc đồng hồ/ngày.
|
Ông Đào Văn Dư |
Sau hàng chục năm ông vẫn còn nhớ như in cảm giác về những chuyến đi Thuỵ Sỹ, vương quốc của những chiếc máy đếm thời gian. "Đó là một viện bảo tàng lớn mà tôi chưa từng thấy chỉ mở cửa một tuần/lần cho chuyên gia nước ngoài. Đây là nơi lưu giữ hầu như tất cả các loại đồng hồ tồn tại trong lịch sử nhân loại từ đồng hồ mặt trời, đồng hồ lửa, đồng hồ cát đến đồng hồ cơ...".
Ông tâm sự rằng mình đã quá may mắn vì đã được sang Thuỵ Sỹ tu nghiệp hoàn chỉnh về đồng hồ. Trong tấm bằng công nhận của hãng Rado có viết "Ngài Dư đã chứng minh mình là chuyên gia hiểu tường tận về đồng hồ Rado". Nội dung tương tự cũng được in trên những tấm bằng chứng nhận của Omega và Longines. Cho đến nay các hãng đồng hồ lớn vẫn chưa thể có mặt "đường đường chính chính" tại VN và rất nhiều hãng lớn vẫn thường xuyên đề nghị ông Dư làm đại lý nhưng vẫn chưa thực hiện được vì thiếu vốn, thiếu tư cách pháp nhân và mặt hàng này vẫn bị đánh thuế quá cao. Bây giờ ông chỉ mong muốn có thể mở một lớp đào tạo nghề cho những người tàn tật như đã từng thấy bên Thuỵ Sỹ nhưng tất cả mới chỉ là tương lai mà thôi.
Khi ngành công nghiệp sản xuất đồng hồ đang lao đao vì sự đe doạ của điện thoại di động, khi những người sửa chữa đồng hồ ngày càng ít vì lợi nhuận thấp thì ông Dư vẫn một mực gắn bó với nó như là cái nghiệp trong đời. Cụ thân sinh của ông là một thợ sửa chữa đồng hồ lâu năm nên ngay từ nhỏ ông Dư đã làm quen với những kim ngắn, kim dài, bánh xe... Ngay từ nhỏ cụ thân sinh của ông Dư đã hướng con trai mình theo đuổi công việc này và cứ thế những chiếc đồng hồ đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của ông Dư. 14 tuổi ông đã mày mò tự sửa chữa được những chiếc đồng hồ hỏng hóc đơn giản. Theo học ngành sư phạm một thời gian ông lại trở về với những chiếc đồng hồ.
Bây giờ các con của ông cũng theo nghề của bố như một nghề gia truyền, một cái nghiệp không thể thay đổi. Năm 1960, khi Nhà nước thành lập liên doanh đồng hồ đầu tiên, ông Dư đường hoàng trở thành một trong những nguời thợ trẻ nhất. Khi mới 24 tuổi người thợ ấy đã là trưởng phòng kỹ thuật ở bậc thợ rất cao, 5/7. Trước năm 1975 ông Dư còn tham gia dạy nghề sửa chữa đồng hồ cho hàng trăm người, thậm chí là là người sát hạch tay nghề và quản lý hệ thống thợ sửa đồng hồ tại trường kỹ thuật điện tử 55 Hàng Bông, HN.
Thời gian chiều thẳng đứng
|
Cả đời gắn bó với đồng hồ |
Người ta vẫn gọi đồng hồ là thứ lưu giữ thời gian chiều thẳng đứng và với những người sưu tập, sửa chữa đồng hồ thì có lẽ điều đó càng có ý nghĩa. Ông Dư còn nhớ như in cái thời hệ thống đồng hồ công cộng của HN hoạt động... "tậm tịt". Những năm 1970, hệ thống đồng hồ công cộng của HN sử dụng chung đường dây với hệ thống đồng hồ bưu điện HN được lắp đặt sau năm 1975 do Trung quốc tài trợ.
Ông Dư vừa tham gia lắp đặt, kiểm tra kỹ thuật của chiếc đồng hồ Bưu Điện vừa phụ trách vấn đề kỹ thuật của hệ thống đồng hồ công cộng của HN đặt tại chợ Hàng Da, chợ Mơ, bách hoá Tổng hợp, chợ Đồng Xuân, chợ Long Biên, Ngã tư sở. Vì dùng chung đường dây với đồng hồ Bưu điện nên hệ thống đồng hồ công cộng trên luôn thay đổi giờ thất thường, lúc nào cũng phải đến chỉnh sửa lại. Thế nên mới có hiện tượng ở chợ hàng da có 3 đồng hồ quay mặt về 3 hướng với các giờ khác nhau. Vậy là hàng ngày ông Dư phải thường xuyên đi tuần để chỉnh kim cho đùng giờ.
|
Một góc nhà ông Dư. |
Ông bảo làm thợ sửa đồng hồ không chỉ cần có sự thông minh, sáng tạo, khéo tay mà còn cần sự am hiểu tường tận về kỹ thuật đồng hồ. Nhưng để trở thành một người thợ sửa đồng hồ giỏi người ta cần ít nhất 10 năm kiên trì học hỏi, thực hành và cả chút năng khiếu nữa. Trước đây những ngưòi thợ sửa đồng hồ chỉ học nhau qua kinh nghiệm và thực hành nhưng không phải ai cũng hiểu biết về nó. Ông Dư đã bỏ nhiều thời gian tìm tòi, lý giải những sự cố và rành đồng hồ đến nỗi dù đồng hồ loại nào, hỏng hóc khó đến mấy ông cũng sửa bằng được.
Đến giờ ông đã có trên 50 năm kinh nghiệm sửa chữa đồng hồ và chưa bao giờ chịu thua chiếc đồng hồ nào. "Về mặt nguyên lý thì sự cố nào cũng có nguyên nhân riêng của nó nhưng kiểu gi cũng sửa được, vấn đề chỉ là thời gian. Có chiếc mất mấy ngày, có khi mất vài tiếng là xong". Chỉ có điều chẳng còn như xưa là bây giờ ít người đi sửa đồng hồ quá, tiền sửa bằng tiền mua mới thì người ta tính "vứt đi cho rảnh nợ". Trước đây, có ngày ông Dư kiếm được số tiền bằng người ta đi làm nhà nước cả tháng, có ngày làm được tới 150 đồng còn bây giờ chỉ khi sửa những chiếc đồng hồ trị giá hàng ngàn, hàng chục ngàn USD thì may ra mới kiếm được vào chục USD, vài trăm USD.
Không mấy ai biết rằng ông Dư còn là tác giả của những chiếc đồng hồ hẹn giờ cho quân đội VN trong kháng chiến chống Mỹ, được sử dụng lần đầu trong chiến dịch Mậu thân 68. Ông phải mày mò, sáng tạo thiết kế để có những chiếc đồng hồ hẹn giờ cho bom mìn trong suốt 5 năm trời từ (1967-72) và đã được trao huân chương chiến sĩ Mậu Thân 1968cho dù không cầm súng chiến đấu trực tiếp...
|