|
Ông Nguyễn Chí Thuật. |
Qua những gì đã đọc và dịch, ông cảm nhận ra sao về thơ của
Karol Wojtyla, cũng tức là Giáo Hoàng John Paul II?
Dich giả Nguyễn Chí Thuật: - Trong bài thơ được coi là có giá trị về mọi phương diện nằm trong trường ca Bài ca về Đức chúa giấu mình, tác giả đã nói đến mùi thơm ngào ngạt của cỏ khô nơi Chúa ra đời, mùi nhựa gỗ của cây Thánh giá, trên đó Chúa đã phải chịu cực hình và cuối cùng là cái ánh sáng tỏa ra từ bánh mì, nguồn gốc sự sống mà Chúa để lại cho nhân loại trước khi Người giã từ dương thế. Theo Karol Wojtyla, thơ là một trong những phương tiện tốt nhất để cảm nhận tình yêu của thượng đế và giúp cho con người tồn tại một cách xứng đáng hơn trong ánh sáng của tình yêu không bao giờ cạn kiệt ấy.
Trong Bách khoa văn học Ba Lan xuất bản năm 1985, lĩnh vực hoạt động văn học nghệ thuật của nhà thơ, nhà viết kịch Karol Wojtyla (còn ký dưới các bút danh Andrzej Jawien, A. Gruda, Piotr Jassien) đã được giới thiệu khá đầy đủ và trang trọng. Sự nghiệp văn học và sân khấu, những gì làm nên phần nghệ sĩ của Giáo hoàng sau này, đã được ông bắt đầu từ những năm còn ngồi trên ghế nhà trường. Khi còn là sinh viên văn khoa ở Krakow, chàng thanh niên Wojtyla đã viết nhiều thơ và thường đọc cho bạn bè nghe trong các buổi sinh hoạt văn nghệ. Ở tuổi hai mươi (Giáo hoàng sinh ngày 18 tháng 5 năm 1920), tài năng sáng tạo với tư cách nhà viết kịch đã được bộc lộ với việc ra đời hai vở kịch liên tiếp. Những năm đầu tiên sau chiến tranh thế giới thứ II đã đem lại cho Karol Wojtyla vị trí xứng đáng trên văn đàn Ba Lan. Các tác phẩm của ông, đặc biệt là sau ngày 16 tháng 10 năm 1978, khi Đức hồng y được chọn làm người đứng đầu Tòa thánh Vaticăng, đã thu hút sự chú ý không chỉ của riêng giới văn học nghệ thuật Ba Lan, mà trên toàn thế giới. |
Về hình thức, các nhà phê bình thơ Ba Lan đã khẳng định là không thể tìm thấy trong các tập thơ của thi sĩ - Giáo hoàng những bài gọi là thơ, hiểu theo nghĩa thông thường, bởi vì đây chỉ là những tác phẩm được xây dựng theo một cách thức mà việc xác định thể loại cho chúng là rất khó khăn.
Với thi phẩm Bài ca về Đức chúa giấu mình, cấu trúc gồm hai phần được đặt dưới nhan đề Miền duyên hải yên ắng và Về vầng dương không bao giờ cạn kiệt, nhưng mỗi phần như vậy lại chứa đựng hơn một chục phần nhỏ và mỗi phần nhỏ này có thể được coi là một tác phẩm thơ hoàn chỉnh (có thể liên tưởng tới cấu trúc kiệt tác Thần khúc của Dante). Phá vỡ tổng thể này sẽ làm thay đổi, thậm chí hủy hoại giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Riêng mỗi phần nhỏ ấy, với những giá trị đích thực của mình, đã xứng đáng có mặt trong tất cả các tuyển tập thơ Ba Lan hiện đại.
- Ông có dự định gì tiếp theo trong việc dịch các sáng tác của Giáo hoàng?
Dich giả Nguyễn Chí Thuật: - Hiện tôi đang cho in một tập thơ Ba Lan (NXB Hội Nhà văn), trong đó cũng có các bài thơ của vị thi sỹ-Giáo hoàng mà tôi đã dịch. Trước đây, ông Phạm Vĩnh Cư (Hiệu trưởng Trường Viết văn Nguyễn Du) từng bảo tôi cộng tác để xuất bản một Tuyển tập gồm cả thơ, kịch và những bài viết và nói chuyện của Giáo hoàng. Trên thực tế, ông Phạm Vĩnh Cư mới là người dịch nhiều tác phẩm của Giáo hoàng John Paul sang Việt ngữ nhưng chủ yếu là những tác phẩm chính luận, triết học, đạo đức học. Tôi đã mượn một tập kịch về đọc, nhưng hiện công việc vẫn chưa tiến triển được, vì nhiều lý do.
Ông có quan tâm đến bản thân Giáo hoàng John Paul II và những thông tin trong thời gian gần đây về sự ra đi của ông ấy?
Dich giả Nguyễn Chí Thuật: -Theo tôi được nghe những người bạn ở Ba Lan kể, Giáo hoàng sống một cuộc đời bình dị, thường thích đi leo núi... Ông thành thạo 8 thứ tiếng và đặc biệt có khả năng hùng biện. Ông là vị Giáo hoàng rất được yêu quý, nhất là người Ba Lan, bất kể là người theo đạo hay không. Năm 1997 tôi sang Ba Lan may mắn đúng dịp Giáo hoàng về quê hương nói chuyện, sau đó lại đọc các bài nói của ông về gia đình, đạo đức, con người... thấy vô cùng sâu sắc. Năm 1977 là khi đó Giáo hoàng đã 77 tuổi, vậy mà ông đủ sức khoẻ và hăng hái để nhiều khi đăng đàn nói mấy tiếng đồng hồ. Tôi đọc báo Ba Lan hằng ngày nên biết rất rõ các thông tin suốt từ khi ông ốm, rồi ra viện và qua đời.
VietNamNet xin giới thiệu chùm thơ của Karol Wojtyla (tức Giáo hoàng John Paul II) do Nguyễn Chí Thuật dịch.
11
Ta ngưỡng mộ em, nắm cỏ khô thơm phức
Bởi ta không tìm thấy trong em niềm kiêu hãnh của bó lúa vàng
Ta ngưỡng mộ em, nắm cỏ khô thơm lừng
Em đã ủ ấm cho tấm thân trần bé nhỏ.
Ta ngưỡng mộ em, khúc gỗ nhựa còn chưa khô hết đó
Bởi ta không nghe thấy trong lá rụng của em những lời kêu than
Ta ngưỡng mộ em khúc gỗ còn tươi nguyên
Bởi em che chở cho cái gáy của Người đỏ máu và băng tuyết.
Ta ngưỡng mộ em, ánh sáng nhạt nhòa của bánh mỳ làm từ lúa mạch
Cái vĩnh hằng trú ngụ trong em, dù chỉ lát giây thôi
và rọi đến bến bờ ta xa xôi
bằng một con đường riêng bí ẩn.
(Trích Trường ca Bài ca về Đức chúa giấu mình)
Bọn trẻ
Chúng bỗng chốc lớn lên bằng tình yêu và sau bỗng chốc trưởng thành
tay nắm tay giữa đám đông cất bước –
(sờ tay lên tim mình, lờ mờ những khuôn mặt)
Tôi biết, trong trái tim chúng có nhịp đập của cả nhân loại nói chung.
Tay nắm tay chúng yên lặng ngồi xuống cạnh dòng sông
Thân cây đất ngập trong ánh trăng: tiếng thầm thì không dứt
Màn sương la đà. Trái tim trẻ lớn dần từ bờ con sông sóng hát
Liệu có mãi vậy không – tôi hỏi – khi chúng đứng dậy và đi khỏi nơi đây?
Bởi vì vẫn có thể khác cơ: chút ánh sáng nghiêng xuống giữa đám cây
có thể làm lộ ra dưới gốc nó một điều bấy nay không ai biết đến
Cái mà các bạn bắt đầu, liệu các bạn có biết giữ cho nó còn nguyên vẹn
Các bạn có luôn phân biệt cái Thiện với cái ác được chăng?
Những người mù
Khi ta khua chiếc gậy trắng trên mặt đường
Là ta tạo ra một khoảng cách không thể nào không có
Mỗi bước chân ta đi là một cái giá ta phải trả
Dưới hàng mi trống trải kia, thế giới cứ chết dần
Nhưng thế giới chẳng cái nào giống cái nào.
Những thế giới được xây nên không phải bởi những sắc màu
mà bằng những tiếng ồn ào, ầm ĩ
Bạn nghĩ thử coi: để đạt tới hoàn hảo sao mà khó thế
Cứ như luôn có một phần khuyết thiếu – ta phải lựa chọn thôi.
Ôi, mỗi chúng ta sẵn sàng nhận lấy gánh nặng kia
gánh nặng của con người
muốn không cần cái gậy vẫn ôm cả không gian trước mặt
Bạn có hiểu được không, rằng ngoài cái khổ mà bản thân ta chịu đựng
Trên đời này vẫn có những cái khổ khác kia
Bạn có tin được không, rằng ngay trong sự mù lòa
Con người ta vẫn có thể có ít nhiều hạnh phúc?
Cô gái bị thất vọng trong tình yêu
Nỗi đau tình cảm được đo bằng cột thủy ngân
giống như độ nóng của không khí và cơ thể –
lẽ ra độ lớn của chúng phải được phát hiện ra bằng cách khác kia
(nhưng như vậy bạn phải là trục chính mọi chuyện của mình)
Nếu bạn kịp hiểu rằng cái trục kia không phải là bạn
nhưng người là cái trục kia
cũng không tìm thấy tình yêu –
nếu bạn kịp hiểu được.
Vậy trái tim để làm gì?
Nhiệt độ vũ trụ và trái tim người – và cột thủy ngân.