Nằm nghỉ trên ghế xe được mươi phút, Thảo Hương tỉnh dậy và nằng nặc đòi quay lại lễ hội: “Em cảm thấy đỡ rồi, không thể bỏ giữa chừng được, các thí sinh khác làm được thì mình cũng phải làm được”.
Có lẽ cả 8 thí sinh đầu tiên tham dự cuộc thi Hoa hậu ASEAN 2005 khi mới đặt chân đến Indonesia đều chưa hình dung hết công việc cụ thể của mình trong 2 tuần (5 - 19/3). Đêm chung kết 19/3, nhìn hàng loạt pano quảng cáo nhà tài trợ giăng trước lối vào Trung tâm hội nghị Jakarta, chúng tôi bảo nhau: “Đó là lý do tại sao các cô gái của chúng ta phải đi nhiều nơi, chụp nhiều hình đến thế”.
Nhớ lại hôm dự lễ hội của vùng Jogja mang tên Festival Jes’05, thức khuya, dậy sớm, ăn ít (vì thức ăn quá cay) và phải ngồi lâu dự lễ khai mạc trong tiết trời nắng nóng khoảng 35oC, Nguyễn Thảo Hương gọi tôi: “Mắt em không thể mở nổi nữa, em sắp ngất đến nơi”. Lập tức Hương được đưa vào xe buýt, bác sỹ Tronny (đi theo chăm sóc đoàn) yêu cầu bổ sung nước và sữa cho Hương.
Tronny bảo tôi: “Có lẽ thí sinh VN không thể tham dự buổi gặp gỡ tiểu vương Hemengku Buwono thứ 10 tối nay được, cô ấy cần nghỉ ngơi bởi ngày mai hành trình còn rất dài”. Nằm nghỉ trên ghế xe được mươi phút, uống vài ngụm nước chè, Thảo Hương tỉnh dậy và nằng nặc đòi quay lại lễ hội: “Em cảm thấy đỡ rồi, không thể bỏ giữa chừng được, các thí sinh khác làm được thì mình cũng phải làm được”.
Sự lớn lên của một cô gái bắt đầu bước vào tuổi 20 (ở nhà vốn quen được bố mẹ chăm sóc, cưng chiều) có lẽ bắt đầu từ đây.
Học ăn, học nói…
Trong buổi tham quan xưởng sản xuất túi thủ công và dự tiệc tại Prama (vùng Yogyakarta), thí sinh lần lượt phát biểu cảm tưởng. Đến lượt Miss Singapore Mindy Ng Geok Boey, cô sử dụng tiếng Anh lưu loát, ngữ điệu hiện đại nhưng cô bạn gái Adele Seah Tsin Fei ngồi phía dưới cứ nhăn nhó xòe ngón tay ra đếm: “Chỉ nói có 2 - 3 phút mà cô ấy “ờ” đến 14 lần. Tôi đã nói rồi nhưng vẫn chưa sửa được”.
Tính tình nồng hậu, dễ gần, bà Ida Sudoyo - Thành viên Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu ASEAN 2005 - đã nhiều năm sống ở nước ngoài luôn có những lời khuyên thiết thực: “Đừng ừ, à khi nói chuyện, đặc biệt lúc trả lời phỏng vấn. Tật này không phải chỉ người kém tiếng Anh mà cả người thành thạo ngoại ngữ cũng mắc. Lúc bạn ừ, à người ta biết ngay là bạn đang bí, đang phải suy nghĩ, thay vào đó hãy mím môi lại, im lặng một chút cũng không sao, thế tốt hơn”.
Trong buổi chụp hình ngày 17/3 tại studio, Ei Yupa Win (Miss Myanmar) là người khó chụp nhất, các phó nháy luôn miệng giục cô cười tươi, cười thoải mái đi nhưng Ei một mực cười mỉm. Bản thân Ei biết hàm răng của mình không được đẹp, cười mỉm sẽ tốt hơn, người chụp ảnh lại không nghĩ thế, mỗi người một quan niệm. Kết thúc mỗi lần chụp, Ei không quên: “Cảm ơn các bạn đã rất kiên nhẫn với tôi, tôi biết điều đó”.
Bà Yi Yi Win - Thư ký của Liên đoàn Thể thao phụ nữ Myanmar được cử đi kèm Miss Myanmar - là người phụ nữ nhiều kinh nghiệm: “Tiếng Anh của Ei rất tốt, nhưng cô ấy nói quá nhanh, do thói quen. Tôi bảo Ei: Không phải cứ nói nhanh là người tư duy nhanh, người thông minh bao giờ cũng là người biết cách trình bày rõ ràng, mạch lạc, nói đúng và ngắn gọn, tất nhiên hóm hỉnh càng tốt”.
Khá nhiều lần Ban tổ chức bố trí mỗi thí sinh chủ trì một bàn tiệc, khách ngồi cùng hầu hết là người xa lạ, nhưng quan trọng. Màn chào hỏi có khi chỉ vài phút đã hết, cũng không thể cứ cắm cúi ăn, cái tài của mỗi thí sinh chính là phải duy trì được sự vui vẻ và câu chuyện liên tục trên bàn tiệc.
Quan sát Jhezarie Javier (Miss Philippines), Imelda Fransisca (Miss Indonesia) thấy họ không rời bàn tiệc của mình nửa bước, trừ khi phải lên trao quà lưu niệm, tối kỵ là việc bỏ chỗ ngồi quá lâu để tìm đến người quen trò chuyện to nhỏ.
Trong một bữa buffet tối, Desiree Vogt - Người Đức, đi theo trợ giúp Miss Thái Lan - bê đĩa thức ăn đến bên tôi, hỏi: “Mình ngồi gần đây được không?”. Tôi chỉ chỗ cho Desiree ngồi và nghe cô than thở: “Ồn ào quá, thú thực tôi rất sợ những người nói nhiều và nói to, cười đùa ầm ĩ mà không cần quan tâm xung quanh nghĩ gì”.
Vẻ như đây là “bệnh” dễ gặp ở người phương Đông, sự túm năm tụm ba, ngại giao tiếp với người lạ tạo nên những tiếng ồn quá mức, và đôi khi người lạ cảm thấy hình như mình đang bị nhóm kia nhòm ngó, bàn tán (?!)
Sau cuộc này, Desiree bảo cô phân vân không biết có nên tiếp tục sống ở Thái nữa hay không. “Sao không về Đức?” - tôi hỏi, cô lắc đầu: “Tôi xa Đức quá lâu rồi”. Chợt lắng lại một chút buồn!
Của cho không bằng cách cho
Trước giờ thí sinh lên sân khấu bắt đầu vòng chung kết Hoa hậu ASEAN 2005 khoảng nửa tiếng, Adele Seah Tsin Fei đi vắng một lúc rồi trở lại, đưa từng bông hoa tới bàn trang điểm của mỗi thí sinh, ai cũng thấy phấn chấn hẳn lên.
Không trò chuyện một cách ồn ào hay tiện thì đưa quà cho người này người kia, Imelda Fransisca (Miss Indonesia) lẳng lặng chuẩn bị chu đáo kỷ vật lưu niệm đặt trong hộp gỗ trang trọng, buổi tối trước đêm chung kết, cô gõ cửa từng phòng tặng từng người kèm lời chúc. Học chuyên về tâm lý (ĐH Ohio, Mỹ) có khác!
Thảo Hương thì nhớ mãi món quà của Farhana (Miss Brunei) tặng: “Gần ngày thi Farhana bị nhiệt môi rất nặng, cô ấy nhẹ nhàng đến gần, luồn vào tay em chiếc nhẫn, nháy mắt: Remember me! (Nhớ đến tớ nhé!). Em không thể quên cái môi nhíu nhíu vì đau kèm tiếng hứ nhắn nhủ dễ thương của cô ấy”.
Cơ hội cải thiện tiếng Anh (trở về sẽ học tiếng Anh tốt hơn nữa), có thêm kinh nghiệm sống và được giao lưu cùng nhiều người, với Thảo Hương đó là những điều quý giá thu được sau chuyến đi đáng nhớ này.
(Theo Tiền Phong) |