(VietNamNet) - Bộ Từ điển văn học Việt Nam đã có một cuộc "lột xác" thật sự từ hình thức đến nội dung với bộ mới ra mắt ngay sau Tết Nguyên đán.
Những con số biết nói
Từ điển văn học Việt Nam bộ cũ gồm hai tập đã được Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản từ năm 1983. Ngày đó, bộ tự điển này là một cột mốc quan trọng của loại sách chuyên ngành khoa học xã hội. Nhưng sau hơn 20 năm, nó đã dần lộ rõ những thiếu sót.
|
Cuốn từ điển đồ sộ. |
Một tập thể tác giả gồm 106 người đã bắt tay vào biên soạn, chỉnh sửa bộ từ điển đồ sộ này. Sau 14 năm biên soạn, Từ điển văn học Việt Nam bộ mới đã hoàn thành nhưng có đến 12 tác giả đã không được nhìn thấy tác phẩm có công sức đóng góp của mình, trong đó có chủ biên của bộ cũ và đồng chủ biên bộ mới, GS. Đỗ Đức Hiểu.
Bản thảo của cuốn từ điển hơn 2.000 trang này được sửa lại đến bốn lần nhưng khi đã nộp cho nhà in vẫn còn phát hiện đến 40 chỗ sai trong phần chữ Hán.
Kết cấu bộ từ điển bộ mới vẫn gồm bốn phần (tác giả, tác phẩm, tổ chức và hoạt động văn học, thuật ngữ văn học) nhưng phần nào cũng có những sự thay đổi phong phú hơn hẳn. Lượng mục từ tăng gấp đôi từ 1.359 lên 2.625, ảnh từ 44 trang tăng lên 188 trang. Bộ mới còn có đến 10 bảng phụ lục rất tiện lợi cho người đọc tra cứu theo từng thứ tiếng, các danh từ riêng và tên tác phẩm nước ngoài đều in kèm theo nguyên văn.
"Ếch" không còn "ngồi đáy giếng"
Thay đổi quan trọng nhất trong việc biên soạn bộ từ điển này là cách tiếp cận đã mới mẻ, thông thoáng hơn. Đồng chủ biên GS.Trần Hữu Tá cho biết: "Chúng tôi chỉ cung cấp thông tin, tránh nhận định hoặc nhận định rất ít để cho thật khách quan".
Với sự đổi mới tư duy này, những tác phẩm được chọn đưa vào từ điển không phân biệt trào lưu, khuynh hướng, ý thức hệ; không chỉ có các tác giả mà còn có các nhà hoạt động văn hóa, triết gia, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.
Để đảm bảo tính khách quan, những tác giả xuất hiện từ sau năm 1965 trở đi không được chọn vào từ điển. Họ chưa có đủ một độ lùi về thời gian cần thiết. Tuy nhiên, vẫn có ngoại lệ như các tác giả Dương Thị Xuân Quý, Lê Anh Xuân... được cân nhắc đưa vào. GS. Trần Hữu Tá giải thích: "Đây là những tác giả có đóng góp nhất định cho văn học nước nhà, nếu họ còn sống thì chúng tôi còn cân nhắc. Nhưng họ đã mất thì theo truyền thống "cái quan định luận" của dân ta, chúng tôi vẫn đưa vào và hy vọng bạn đọc cũng sẽ chia sẻ với điều này".
Những bất cập của cuốn trước như thiếu dòng văn học dân gian các dân tộc anh em, văn học các nước châu Phi, Mỹ Latinh, thiếu giới nghiên cứu phê bình... phần nào đã khắc phục được. Song vẫn còn những thiếu sót khác tạm thời chưa thể bổ sung. Chẳng hạn, ở các mục từ về những tác giả miền Nam trước 1975 và tác giả người Việt ở nước ngoài, nhiều tác giả trong số này, theo người chủ biên bộ sách, có thực tài nhưng chưa biết thân nhân và quan điểm chính trị rõ ràng nên không thể đưa vào, thậm chí đã có sẵn mục từ, sau lại cắt bỏ.
|