Tin văn hoá trên các báo ra ngày 2/12
09:25' 02/12/2004 (GMT+7)

1.Xã hội hoá dễ không?

2.Có một dòng phim của người Việt xa xứ 

3.Thành lập Hội Sưu tầm và nghiên cứu cổ vật TP.HCM: Khơi dậy một tiềm năng lớn của xã hội 

4.Chuyện của Bách ''công tử'' 

5.180 tỷ đồng xây dựng trung tâm văn hoá Kinh Bắc 

Xã hội hóa dễ không?

Hội diễn Sân khấu kịch toàn quốc 2004 tại Hải Phòng khép lại với buồn nhiều hơn vui, thì song song đó có một sân khấu gặt hái thành công liên tiếp, chính là Nhà hát Kịch Tuổi Trẻ Hà Nội. Một đơn vị (gồm đoàn 1 do NSƯT Anh Tú làm trưởng đoàn và đoàn 2 do NSƯT Chí Trung làm trưởng đoàn) từ mấy năm nay có vẻ năng động nhất trong các đơn vị phía Bắc. Nhân thắng lợi của vở Nhà có ba chị em chúng tôi đã trao đổi với NSƯT Anh Tú về xu hướng xã hội hóa sân khấu của Nhà hát Tuổi Trẻ cũng như sân khấu phía Bắc.

* Theo anh, đợt diễn này vì sao thành công lớn như vậy? Và anh suy nghĩ gì khi đối chiếu với các vở trong hội diễn toàn quốc?

- NSƯT Anh Tú: Thành công ở trong kịch bản, câu chuyện gần gũi, ai cũng giật mình thấy cảnh nhà mình có một tí như thế, anh em mình có một tí như thế. Trong lúc hội diễn "tưng bừng" bên trong, thì ngoài này chúng tôi cũng "tưng bừng" bán vé. Về hội diễn, thì tôi không ngại nói rằng đó là bi kịch của sân khấu phía Bắc, tôi quá thất vọng vì không tưởng tượng được có một số vở dở đến vậy. Chúng tôi tuy vẫn là một đơn vị nhà nước nhưng chủ trương phải năng động hơn trong việc tìm kịch bản, tiếp cận khán giả, đi lưu diễn. Không thể hoàn toàn thụ động ngồi chờ Nhà nước lo hết cho mình.

* Vậy anh có nghĩ là mình có khả năng xã hội hóa sân khấu? Và xã hội hóa sân khấu phía Bắc có khó lắm không?

- Khó hay dễ tôi chưa dám nói, nhưng chỉ biết rằng cái gì thuận quy luật phát triển thì nó phải đến, khó dễ gì cũng đến. Thật ra hiện nay sân khấu phía Bắc cũng chưa có dấu hiệu gì là xã hội hóa, nhưng chắc chắn một điều là: muốn tồn tại thì phải thay đổi. Cũng đừng nghĩ xã hội hóa là tự bỏ tiền ra lo, rồi thả nổi sân khấu không định hướng cho nó. Tôi lại định nghĩa xã hội hóa là Nhà nước có còn bao cấp về tư tưởng hay không. Rốt cuộc, không đơn giản là tư nhân hay Nhà nước bỏ tiền, mà đó chỉ là những phương thức, những cách làm, sao cho sân khấu sống được, phát triển, miễn đừng quá dở như... hội diễn.

(Theo Thanh Niên) 

Về đầu trang 

Có một dòng phim của người Việt xa xứ

Ngay từ năm 1985, mở đầu cho trào lưu Việt kiều về nước làm phim là bộ phim Con thú tật nguyền của đạo diễn Việt kiều Hồ Quang Minh. Sau đó, danh sách phim được đóng mác đạo diễn Việt kiều còn dài thêm với Mùa hè chiều thẳng đứng, Ba mùa, Bụi hồng... Gần đây có Mê Thảo - Thời vang bóng, Thời xa vắng, Mùa len trâu, Hạt mưa rơi bao lâu.

Ít chịu áp lực kinh phí

Trở về từ Ba Lan, đạo diễn Lê Hoàng Hoa đã sớm vào cuộc và đang hoàn tất giai đoạn hậu kỳ bộ phim kinh dị ngắn Một nửa phía bên kia. Để có được 5 phút phim ngắn ngủi với kinh phí gần 500 triệu đồng, cả đoàn phim đã mất đến 5 ngày quay tại thành phố sương mù Đà Lạt, bối cảnh chính trong phim. Đây được xem là bước thử nghiệm chuẩn bị cho bộ phim kinh dị Con ma nhà họ Hứa trở lại dự định bấm máy trong năm tới. Từng khá thành công với Em và Michael Jackson vào đầu thập niên 90, những ngày này, đạo diễn Việt kiều Lưu Huỳnh và các cộng sự đang ráo riết chuẩn bị cho ngày bấm máy bộ phim truyện nhựa mang cái tên có vẻ lập dị... 1/2 hồn thương đau. Ngày 22/11, đạo diễn trẻ Lê Quang Vinh đã bắt tay khởi quay bộ phim Sài Gòn tình ca (tên tiếng Anh là Saigon love story) do chính anh viết kịch bản với sự góp mặt của diễn viên gạo cội Nguyễn Chánh Tín và dàn diễn viên trẻ đẹp: Hứa Vĩ Văn, Ngô Thanh Vân, Đức Tiến. Theo ông Lê Diệp, bố của đạo diễn Lê Quang Vinh đồng thời là người chịu trách nhiệm sản xuất của phim, ê-kíp Sài Gòn tình ca đang tích cực làm việc để kịp đồng loạt ra mắt khán giả Việt Nam và thế giới vào hè 2005. Ý định thực hiện bộ phim nhằm giới thiệu Việt Nam đang đổi mới từng ngày với khán giả thế giới đã hình thành từ lúc Lê Quang Vinh đang theo học về điện ảnh tại Trường ĐH Los Angeles. Toàn bộ kinh phí làm phim do Hãng Celluloid Dragon Pictures của Lê Quang Vinh bỏ ra, trang thiết bị thuê từ Hãng phim Giải Phóng. Nhìn chung, các đạo diễn Việt kiều thường chủ động về kinh phí nên có điều kiện toàn tâm toàn ý cho công việc.

Đưa phim Việt Nam ra nước ngoài

Cùng làm phim về cuộc sống, đất nước, con người Việt Nam trong quá khứ hoặc trong hiện tại nhưng mục đích của các đạo diễn Việt kiều không hoàn toàn giống nhau. Với một số đạo diễn, phim làm ở Việt Nam chủ yếu hướng đến khán giả nước ngoài quan tâm đến văn hóa Việt Nam hoặc kiều bào xa xứ. Những phim này thường tập trung khai thác những nét đặc trưng độc đáo, truyền thống, giá trị văn hóa vật chất lẫn tinh thần trong văn hóa Việt hoặc triết lý sống đôi khi được nghiệm ra từ những điều tưởng chừng rất đỗi bình thường. Tiêu biểu cho phong cách trên là phim của đạo diễn Trần Anh Hùng và Tony Bùi. Ở phim của Trần Anh Hùng, ẩn sau những bức tranh sinh hoạt đời thường là câu chuyện về cái thiện và cái ác hiện diện giữa cuộc đời, là câu chuyện về cuộc đấu tranh nội tâm trong từng con người trên hành trình tìm về bản ngã...

Tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 14 vừa qua, theo giới chuyên môn, đối trọng với phim Thời xa vắng Mùa len trâu - bộ phim nhựa đầu tay của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh - với những khuôn hình mênh mông sóng nước cùng triết lý dòng nước-dòng đời về sự hủy diệt và tái sinh. Cả hai phim đều sử dụng dàn diễn viên nghiệp dư và cùng được đánh giá cao tại liên hoan phim vừa qua.

Phim Việt dành cho khán giả Việt

Làm phim về người Việt để phục vụ khán giả Việt Nam là mục tiêu của đạo diễn Lưu Huỳnh. Đối tượng khán giả mà Lưu Huỳnh nhắm tới là giới trẻ. Hơn mười năm trước, với thành công từ phim Em và Michael Jackson của Lưu Huỳnh, tên tuổi hai diễn viên trẻ Trương Ngọc Ánh và Huỳnh Anh Tuấn được khẳng định. Thành công này có được là nhờ Lưu Huỳnh đã biết quan sát và nắm bắt kịp thị hiếu giới trẻ. Ở thời điểm trên, ông vua nhạc pop Michael Jackson đang làm mưa làm gió trên thị trường âm nhạc thế giới và trở thành thần tượng của không ít bạn trẻ. Lần này, vẫn là những câu chuyện về cuộc sống, về tình yêu của các bạn trẻ, hy vọng với 1/2 hồn thương đau, Lưu Huỳnh tiếp tục gặt được thành công như mười hai năm về trước.

Cùng mục đích làm phim phục vụ khán giả trong nước nhưng đạo diễn Hồ Quang Minh lại chọn hướng đi khác. Sự trở về lần này của ông gắn liền với tên một tác phẩm văn học khá nổi tiếng của nhà văn Lê Lựu: Thời xa vắng. Việc chọn dàn diễn viên chính, trừ Phương Dung, đều là những diễn viên nghiệp dư: Ngô Thế Quân (họa sĩ) và Nguyễn Thị Huyền (học sinh) cho thấy sự tự tin của một đạo diễn đã dạn dày kinh nghiệm. Tuy lần đầu xuất hiện trước ống kính máy quay nhưng các diễn viên, nhất là họa sĩ trẻ Ngô Thế Quân, đã vào vai thật tự nhiên, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người xem. Sự đón nhận nhiệt liệt của khán giả tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 14 vừa qua đã chứng tỏ phần nào thành công từ Thời xa vắng - một bộ phim được chăm chút kỹ càng từng góc máy để cho ra đời những thước phim thật đẹp và sống động.

Trong số những phim đang tạo được sự quan tâm của dư luận dạo gần đây, chỉ có Mê Thảo - Thời vang bóng đã được công chiếu; Thời xa vắng đang được Hãng phim Giải Phóng lên kế hoạch phát hành. Với một số giải thưởng mang tầm quốc tế, Mùa len trâu đã được Mỹ, Pháp, Hàn Quốc, Úc mua bản quyền.

(Theo NLĐ) 

Về đầu trang 

Soạn: AM 209377 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Hộp phấn gốm men trắng (thế kỷ 10-11).

Thành lập Hội Sưu tầm và nghiên cứu cổ vật TPHCM: Khơi dậy một tiềm năng lớn của xã hội

Ở thành phố Hồ Chí Minh hiện nay chính xác có bao nhiêu nhà sưu tập cổ vật? Tập hợp đội ngũ này, xã hội được lợi ích gì ngoài thú thưởng ngoạn, chiêm ngưỡng cổ vật của người xưa? Trước khi Luật Di sản văn hóa ra đời, không ít nhà sưu tập rất ngại việc thống kê, khai báo cổ vật với các cơ quan văn hóa phụ trách. Từ câu nói bâng quơ “cái gì của César phải trả lại César”, có lúc đã làm cho một nhà sưu tập lo ngay ngáy vì sợ bị mất quyền sở hữu cổ vật!

Hộp phấn gốm men trắng (thế kỷ 10-11). Hơn ba năm nay, từ khi Luật Di sản văn hóa ra đời (tháng 6-2001), xu hướng xã hội hóa trong việc bảo tồn di sản văn hóa đang rộng mở trong nhân dân. Bên cạnh hoạt động chủ đạo của hệ thống bảo tàng nhà nước, các nhà sưu tập tư nhân đã có cơ hội góp phần giới thiệu bộ sưu tập quý, dày công qua các cuộc trưng bày cổ vật theo chuyên đề ở một số bảo tàng. Giờ đây, nhà sưu tập không chỉ dừng lại ở lòng đam mê cổ vật, như một thú tiêu khiển trong giờ phút rảnh rỗi, trái lại họ đã đưa hoạt động này trở thành một nét đặc trưng văn hóa mới trong xã hội. Giới sưu tập được hình thành, số lượng người cũng tăng lên theo thời gian. Điều quan trọng là ý thức bảo tồn di sản văn hóa dân tộc ở các nhà sưu tầm cổ vật đã được nâng cao.

Trong cuộc họp mặt vào cuối tháng 10 năm nay tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, chi nhánh TPHCM, hơn 50 nhà sưu tập đã ngồi lại, bàn bạc đi đến thống nhất ý kiến đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cho phép thành lập “Hội Sưu tầm và nghiên cứu cổ vật TP Hồ Chí Minh” trên cơ sở pháp lý nhà nước. Về mục đích, ý nghĩa thành lập, hội là nơi tập hợp và khơi dậy được tiềm năng, trữ lượng cổ vật từ nhiều bộ sưu tập quý trong nhân dân; sưu tầm bảo vật quốc gia bị thất lạc trong những hoàn cảnh thiên tai, loạn lạc hoặc bị chôn vùi trong những lớp bụi thời gian. Ngay buổi thảo luận, một tôn chỉ nêu lên đáng chú ý khi các nhà sưu tập đều tỏ ra rất tâm huyết về vấn đề bảo tồn cổ vật. Họ nhấn mạnh việc cần thiết phải có luật pháp ngăn ngừa, để tránh nạn “chảy máu cổ vật” một cách đáng tiếc. Một minh chứng khác khá hùng hồn về sự tập hợp trí tuệ của đội ngũ sưu tầm và nghiên cứu ở đây sẽ gồm các nhà sưu tập từ thâm niên đến nhà sưu tập trẻ đều có trình độ nghiên cứu và am hiểu sâu sắc các chủng loại cổ vật họ đã sưu tầm; ví dụ về đồ đồng, gốm cổ, tiền cổ, vàng, ngọc, ấn, triện, trang phục, câu đối, hoành phi, các loại đèn v.v… qua lịch sử từng thời kỳ, từng triều đại. Cuối cùng, nhằm vào công việc hữu ích thiết thực cho xã hội, các nhà sưu tập đã tỏ ra rất quan tâm đến việc gây quỹ và trích quỹ hội hỗ trợ học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo, hiếu học chuyên ngành bảo tồn, bảo tàng; hoạt động từ thiện; hoặc về chuyên môn, hội sẽ là nơi vận động các nhà sưu tập - hội viên hiến tặng cổ vật, bảo vật quốc gia cho bảo tàng nhà nước với tính chất quy mô, phong phú…

Hiện nay, ở các tỉnh thành trong nước, một số hội cổ vật đã được thành lập như Hội Cổ vật Thăng Long (Hà Nội), Hội Cổ vật Thiên Trường (Nam Định), Hội Cổ vật Thanh Hóa, Hội Cổ vật Bến Tre… Tại thành phố Hồ Chí Minh với những ưu thế về địa điểm, về đội ngũ đông đảo các nhà sưu tập từ ba miền đất nước hội tụ, về nguồn tập hợp phong phú chủng loại cổ vật, “Hội Sưu tầm và nghiên cứu cổ vật TP Hồ Chí Minh” ra đời sẽ là một hoạt động cần thiết và kịp thời. Đây là một trong những hoạt động khá thiết thực trong việc khơi dậy tiềm năng sưu tầm, bảo tồn cổ vật, bảo tồn di sản văn hóa dân tộc.

(Theo SGGP) 

Về đầu trang 

Soạn: AM 209391 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Hoàng Bách (ngoài cùng bên trái)
Chuyện của Bách "công tử"

Chàng ca sĩ 24 tuổi này đính chính ngay việc báo chí vẫn hay "phong" cho anh những mỹ từ như: thư sinh, công tử, Bách chỉ lên trán, cười: "Vẫn còn rất nhiều sẹo, chứng tích của thuở thiếu niên "quậy tưng" đây này".

Anh có một "tuổi thơ dữ dội", khi chào đời, cổ bị quấn đến... 2 vòng nhau, "Hình như tôi quậy từ khi còn trong bụng mẹ", Bách... băn khoăn. Và một trong những lý do để gia đình chuyển nhà vào Nam là vì không muốn cậu út Bách của nhà họ Trần sa chân vào con đường... nghiện ngập, đua xe. Hồi học ở Nhạc viện Hà Nội, anh rất nghịch, nhưng lại được đánh giá tốt về năng khiếu.

Bài hát Cho mối tình đầu là ca khúc đầu tay do Hoàng Bách sáng tác năm 18 tuổi, anh thổ lộ: Bách viết cho tình yêu đầu đời của mình, một tình yêu đơn phương, có lẽ đến bây giờ cô ấy vẫn chưa biết. Và 30 là số ca khúc trong gia tài sáng tác của anh, đồng thời cũng là số tuổi mà anh dự định sẽ lập gia đình.

Bách được đầu tư khá nhiều, khi ở Nam Định, mới 4 tuổi anh đã đi hát. Sau đó là học guitar, organ, piano, trống... vào Nhạc viện TPHCM học kèn ô-boa (loại kèn sôlô trong giàn nhạc giao hưởng) nhưng rồi bỏ ngang khi đang học năm thứ 3. Anh tâm sự: Kèn là môn khổ luyện, một năm phải tập hết 365 ngày, vì thích đi hát nên không có thời gian học kèn. Giọng hát mà anh ngưỡng mộ và xem như thần tượng chính là mẹ - ca sĩ Thục An.

Về chuyện thu nhập, Hoàng Bách cười: "Tính ra, thu nhập của mỗi thành viên AC&M chỉ tương đương với một thanh niên đi làm bình thường. Bằng chứng là AC&M vẫn chưa có tiền mua xe riêng, mỗi tối AC&M vẫn phải thuê xe để đi diễn".

Hoàng Bách tiết lộ rằng mình có máu kinh doanh, bên cạnh nghệ thuật, dù chưa bao giờ thấy hứng thú với các môn khó "nuốt" như toán, lý, hoá. Anh tâm sự: Sau này nếu không đi hát nữa, anh sẽ kinh doanh về nghệ thuật. Mở một quán cà phê nhạc, hay đầu tư kinh doanh các sản phẩm văn hoá, đầu tư cho các ca sĩ trẻ...

(Theo TT&GĐ) 

Về đầu trang 

Soạn: AM 209385 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
180 tỷ đồng xây dựng trung tâm văn hoá Kinh Bắc

Tỉnh Bắc Ninh đang khẩn trương xúc tiến xây dựng khu trung tâm văn hóa Kinh Bắc tại thị xã Bắc Ninh, dự án có mức đầu tư 180 tỷ đồng, dự án lớn nhất từ trước tới nay tại tỉnh Bắc Ninh.

Trung tâm văn hóa Kinh Bắc được xây dựng trên diện tích hơn 9ha bao gồm nhiều hạng mục công trình như phòng khán giả 1200 chỗ ngồi, khu sân vườn, quảng trường, hồ nước, sân khấu ngoài trời, khu nhà cầu, khối nhà trưng bày, triển lãm thành tựu kinh tế công nông nghiệp, khoa học công nghệ.

Công trình do Viện nghiên cứu kiến trúc (Bộ Xây dựng) làm tư vấn lập dự án, thiết kế kỹ thuật, có mặt bằng tổng thể theo phương án hợp khối liên hoàn giữa các khu chức năng tạo thành một tổng thể kiến trúc vừa hiện đại, vừa mang dáng dấp truyền thống quê hương Kinh Bắc.

(Theo VNA)

Về đầu trang

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Lạc cầm 16 và Giai điệu bạn bè tháng 12/2004 (01/12/2004)
Tin văn hoá trên các báo ra ngày 1/12 (01/12/2004)
Tin văn hoá trên các báo ra ngày 30/11 (30/11/2004)
Triển lãm tranh của 2 bệnh nhân HIV/AIDS (29/11/2004)
Tin văn hoá trên các báo ra ngày 29/11 (29/11/2004)
"Văn chương không có giống đực và giống cái" (28/11/2004)
Chỉ có thể là... vespa! (27/11/2004)
Tin văn hoá trên các báo ra ngày 27/11 (27/11/2004)
Tin văn hoá trên các báo ra ngày 26/11 (26/11/2004)
Christie đấu giá các kỷ vật Rock (25/11/2004)
Đêm nhạc của những màn biểu diễn ngẫu hứng (25/11/2004)
Tin văn hoá trên các báo ra ngày 25/11 (25/11/2004)
Tin văn hoá trên các báo ra ngày 24/11 (24/11/2004)
Bố già Ozzy bị mất của (24/11/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang