Tin văn hoá trên các báo ra ngày 30/11
08:57' 30/11/2004 (GMT+7)

1.Hồng Nhung - Gạt bỏ tất cả phía sau 

2.Lễ hội Đền Hùng 2005 sẽ đưa Việt Trì thành thành phố Festival

3.Lê Hùng: ''Sao tôi vẫn cô đơn''

4.Những góc riêng của ''Mẹ chồng tôi'' 

5.Hội thảo kỷ niệm 80 năm văn hoá Đông Sơn: Hơn 2.000 năm về trước, ta là ai?

Soạn: AM 207579 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
CS Hồng Nhung
Hồng Nhung - Gạt bỏ tất cả phía sau

"Tôi thấy dư luận thật khắc nghiệt, thời gian gần đây, tôi buồn khi bị đánh đồng với một nam ca sĩ từng gây tai tiếng khác. Chính vì thế, hiện tại, tôi giống hệt con chim trốn rét, phải vào Nam di trú, dù sao mảnh đất này cũng cho tôi cảm giác an toàn hơn", Nguyễn Hồng Nhung tâm sự.

Sau scandal chị đắt show hơn hẳn, chị lý giải thế nào về chuyện này?

Nếu là đàn bà liệu có ai muốn mình nổi tiếng bằng kiểu ấy để được đắt show? Ai mà không hiểu đời con gái sống bằng quá khứ. Tôi đã phải chịu đựng quá nhiều. Còn việc tôi đắt show, chẳng qua vì ban đầu có một số nơi tò mò muốn mời tôi hát thử xem hiệu ứng thế nào. Nhưng rõ ràng, tôi đã hát bằng chính năng lực của mình và được mọi người chấp nhận.

Hiện nay, chị có gặp rắc rối gì với chuyện cũ?

Dĩ nhiên là vẫn còn. Vụ án của tôi trở thành án hình sự được công an Hà Nội thụ lý. Tuy nhiên, là người bị hại, tôi chỉ có nhiệm vụ cung cấp và làm sáng tỏ tất cả những tình tiết liên quan đến vụ án mà thôi. Thỉnh thoảng, tôi vẫn phải làm việc với công an khi họ cần đến.

Cảm giác của chị thế nào khi đứng hát trên sân khấu mà phía dưới khán giả mở điện thoại có những hình ảnh của mình ra xem rồi cười?

Nếu ngại những việc đó thì có lẽ bây giờ không còn Hồng Nhung trên đời nữa rồi. Vả lại, đứng trên sân khấu, nếu bị phân tâm thì liệu tôi còn có hát được hay không?

Chị đã như con chim vào Nam trốn rét, còn gia đình thì sao?

Đó mới là điều tôi day dứt. Việc tôi làm tôi chịu đã đành, đằng này gia đình cũng phải chịu điều tiếng khiến tôi không an lòng. Nhưng bố mẹ tôi là những người vị tha và vĩ đại, họ đã tiếp thêm niềm tin và sức mạnh để tôi có thể đứng vững hơn sau mỗi tai ương.

Chị đã có đối tượng nào khác chưa?

Liệu có chàng trai nào đủ can đảm yêu một người tiếng tăm như tôi? Thời gian này, tôi đã lấy lại sự cân bằng và thấy tốt nhất là không nên có một hành động thiếu suy nghĩ nào trong chuyện tình cảm nữa. Trước mắt, tôi có nhiều cơ hội để làm việc như một ca sĩ chuyên nghiệp, chuyện tình cảm giờ tôi quá sợ rồi. Sắp tới, tôi sẽ ra mắt album đầu tay với sự hỗ trợ của hai nhạc sĩ Kim Tuấn và Nguyễn Quang.

(Theo thể thao ngày nay)  

Về đầu trang 

Soạn: AM 207575 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Lễ hội Đền Hùng 2005 sẽ đưa Việt Trì thành thành phố Festival

Tiết mục biểu diễn trong buổi họp báo lễ hội đền Hùng 2005 UBND tỉnh Phú Thọ vừa họp báo giới thiệu đề án tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2005. Theo đó, lễ hội sẽ được tổ chức quy mô, hoành tráng hơn so với các năm trước, nhằm tiền tới xây dựng khu di tích lịch sử Đền Hùng, TP Việt Trì trở thành thành phố lễ hội của cả nước.

Lễ hội kéo dài 5 ngày đêm

Lễ hội đền Hùng xưa nay vẫn có sức hút riêng mãnh liệt với đồng bào cả nước và kiều bào ở xa quê hương với ý nghĩa của ngày Quốc lễ - Giỗ Tổ Hùng Vương. Lần này, các nhà tổ chức nhấn mạnh lễ hội năm 2005 là nhằm tôn vinh văn hóa dân tộc, khơi dậy chủ nghĩa yêu nước, lòng tự hào tự tôn dân tộc. Đây như bước tập dượt cho một mục tiêu xa hơn là đưa Việt Trì trở thành thành phố Festival trong cả nước.

Lễ hội đền Hùng năm 2005 sẽ kéo dài năm ngày đêm (từ 6 đến 10-3 âm lịch), lễ khai mạc và bế mạc được xây dựng kịch bản dạng sân khấu hóa do NSND Phạm Thị Thành làm tổng đạo diễn.

Các điểm di tích trong khu đền Hùng được chỉnh trang, cổng đền Hùng - kết quả cuộc thi sáng tác biểu tượng vừa qua - sẽ hiện diện để chào đón du khách. Một số di tích lịch sử, văn hóa như các đình Bảo Đà, Lâu Thượng, đền Mẫu Âu Cơ... được trùng tu, nâng cấp. Các hình thức chợ quê, chợ đêm sẽ được nâng cấp để phục vụ khách... Các nhà tổ chức đã lập phương án tuyển chọn 400 tình nguyện viên phục vụ lễ hội, sẽ in một vạn tờ gấp với hai thứ tiếng Việt-Anh, xuất bản sách, đĩa CD, VCD để quảng bá, tuyên truyền...

Vấn đề phát sinh

Mọi năm, lễ hội đền Hùng đã quá tải về khách hành hương, năm 2005 hẳn lượng khách còn đông hơn nhiều khi mà đồng loạt nhiều hoạt động văn hóa thể thao hấp dẫn diễn ra. Ban tổ chức đã tính sao để phòng tình trạng ùn tắc, đảm bảo an ninh cho du khách.

Sở Thương mại tỉnh cho biết: Để đón khách, các nhà nghỉ, khách sạn đều tăng phòng, khuyến khích nhân dân mở các nhà nghỉ bình dân theo mô hình nhà vườn ở thành phố, khu đền Hùng và các xã lân cận thuộc các huyện Phù Ninh, Lâm Thao... Việc bán vé hay cho vào tự do sẽ được cân nhắc tuỳ từng địa điểm cụ thể.

(Theo LĐ) 

Về đầu trang 

Lê Hùng: 'Sao tôi vẫn cô đơn'

Bặm trợn, ngôn từ bỗ bã, người thấp bé, đi lại thoăn thoắt, làm việc băm bổ, đó là chân dung của đạo diễn Lê Hùng. Tiền bạc và danh tiếng đến ầm ầm, đàn bà đẹp si mê như điếu đổ, vậy mà sau ánh hào quang, anh vẫn phải nhấm nháp sự cô đơn.

- Tại sao anh luôn miệng than rằng mình cô đơn trong khi được rất nhiều phụ nữ yêu mến?

- Đúng vậy, nhưng họ không hiểu tôi. Nhiều lắm họ chỉ hiểu được 40% là cùng. Họ thích, nhưng họ không cảm nhận được.

- Vậy phụ nữ thường yêu anh vì cái gì?

- Có giời mà biết được. Có người yêu về tính cách galant, có người yêu tiền, yêu tài hoặc địa vị. Có những người yêu tôi đã ngót nghét 30 năm, từ năm họ 17 tuổi, tới nay đã có chồng con đề huề nhưng khi gặp lại tôi, họ vẫn thấy run rẩy. Nhưng họ chỉ biết bề nổi của tôi, chứ phần chìm thì không ai biết.

 - Còn anh yêu phụ nữ vì điều gì?

- Tôi yêu phụ nữ vì họ là một nửa của tôi, họ giúp tôi tìm lại mình, và khi tôi cần sự chia sẻ. Tôi thích tuýp người dịu dàng. Nhưng cái tính động, tâm bất an của tôi khó tạo được sự an toàn cho người phụ nữ. Những người yêu tôi đều sợ điều đó và luôn nói: "Rồi đến lúc nào đó, anh cũng chán em thôi". Họ không biết tôi luôn cảm thấy hạnh phúc khi được chăm sóc người khác.

- Có bao giờ anh nghĩ là mình hiểu được hết phụ nữ?

- Có thể tôi chưa phải là một người tinh tế với phụ nữ. Trong tôi luôn có hai trạng thái: biết trước họ định làm gì, muốn gì (vì thế có người gọi tôi là ma xó) và ngược lại. Tôi là người rất nhạy cảm, nhưng không biết cách chiều phụ nữ theo cách họ thích. Tôi cũng biết tặng hoa, mua quà lặt vặt, đưa tiễn về tận nhà... nhưng không thể làm thường xuyên được vì quá bận. Ngoài ra, cái sự "nói không là có" của phụ nữ nhiều lúc khiến tôi hiểu lầm.

- Trong tình yêu, anh ghen như thế nào?

- Tôi cũng ghen nhưng ở mức độ trung bình. Lúc ghen, tôi thấy buồn, thấy họ không hiểu mình, làm mình xấu hổ. Nhưng khi tôi đã ghen thì mọi việc cũng sắp chấm dứt. Tôi bắt đầu chán, lảng dần và tình yêu sẽ chết. Tôi có một thói quen là nếu đã chia tay, cố không gặp gỡ để tránh nhớ lại kỷ niệm, hoặc nếu có gặp, cố gắng nghĩ đây không phải là người mình đã yêu.

- Anh nghĩ sao khi cách xử sự như vậy bị cho là bạc bẽo và lạnh lùng?

- Thật ra, sau mỗi cuộc tình tan vỡ, tôi rất tiếc nuối, nhưng không nghĩ đó là lỗi tại tôi, mà chỉ tiếc, giá họ hiểu được thì mọi chuyện đã khác.

- Như vậy, phải chăng là anh quá cứng rắn, lúc nào cũng bắt phụ nữ phải chấp nhận mình?

- Không hẳn, tôi cũng là một người yếu đuối, bề ngoài trông hầm hố như vậy, nhưng nhiều đêm nằm chảy nước mắt. Đời tôi như một chiếc xe đạp cũ, trên lưng cõng hai đứa trẻ, tôi vừa chạy vừa rên nhưng không thể ngã vì ai nuôi con tôi? Tôi thường buồn về đêm, vì ban ngày làm việc quần quật, không còn thời gian để nghỉ nữa. Nhưng đêm về, tôi luôn cảm thấy mình thật cô đơn, trống trải và thường nằm nghĩ ngợi, nhiều lúc chặc lưỡi tự nhủ: tại thiên mệnh.

- Vì sao anh tin vào tướng số?

- Lúc đầu tôi không tin, nhưng bây giờ thì tin vào tử vi, ngay cả đi công tác cũng xem ngày giờ, thỉnh thoảng lại gieo thử một quẻ xem sao, những dịp lễ tết, ngày rằm tôi cũng đi chùa.

- Bây giờ anh sẽ làm gì để bớt cô đơn?

- Mọi người ở Nhà hát Tuổi trẻ đều trêu tôi rằng: "Ai yêu được anh phải là người có trái tim thép vì anh là chân chạy, đi suốt ngày". Nhiều anh em trong ngành ghen tị đùa rằng, sao tôi không bị điên. Tôi chấp nhận cuộc sống hiện tại, có những cái mình được thì cũng có những cái mình mất, cuộc đời là vậy.

(Theo Thể Thao Ngày Nay)

 

Về đầu trang 

Những góc riêng của "Mẹ chồng tôi"

Bà mẹ chồng với mái tóc trắng như cước, gương mặt phúc hậu, khắc khổ, giàu lòng vị tha, tình yêu thương là hình ảnh người xem nhớ đến mỗi lần nhắc tới nghệ sỹ Thu An. Sau bộ phim "Mẹ chồng tôi", mỗi lần nghệ sỹ Thu An xuất hiện người ta lại nghĩ bà là một bà mẹ chồng phúc hậu chứ không phải là một diễn viên...

Lời dạy của Bác Hồ theo suốt cuộc đời tôi

Cho đến bây giờ, nghệ sỹ Thu An vẫn nhớ như in những lời căn dặn giản dị mà vô cùng thấm thía của Bác Hồ khi đoàn làm phim "Chung một dòng sông", bộ phim truyện nhựa đầu tiên của Điện ảnh Việt Nam, đang bấm máy: "Các cô chú đóng phim để phục vụ nhân dân lao động phải không? Thế thì phải xuống mà học hỏi người ta chứ. Ở nhà mà ngâm cứu à?". Câu nói giản dị mà sâu sắc của người đã trở thành "tuyên ngôn" cho cả thế hệ chúng tôi. Nó buộc húng tôi phải luôn học hỏi, phải nghiêm túc, đam mê, và dấn thân với nghiệp diễn của mình...Với tôi, Bác mãi là một người thầy lớn".

"Những năm tháng đất nước còn chiến tranh, mặc dù cuộc sống khó khăn, thiếu thốn trăm bề song Bác Hồ vẫn khuyến khích và quan tâm đến người diễn viên bằng việc: Trợ cấp sắc đẹp cho mỗi người 15 đồng một tháng. Sự cảm thông và thấu hiểu với nghiệp diễn của vị lãnh tụ kính yêu đã thực sự mang lại cho những người diễn viên chúng tôi sự phấn khởi, niềm tự hào lẫn trách nhiệm đối với công việc của mình. Mỗi khi nghĩ về Bác là lòng lại tự bảo lòng phải cố gắng hơn lên..."

Rồi nghệ sỹ tiết lộ cho chúng tôi những điều mà nói ra đây có lẽ sẽ ít ai không cảm thấy bất ngờ. Vào năm 1956, Bác Hồ đã đến thăm Hãng phim Truyện Việt Nam, Hãng phim Tài liệu Trung ương, chụp hình lưu niệm cùng với đạo diễn, diễn viên của hai đoàn. Thế nhưng không may người chụp ảnh lại đánh mất phim nên mơ ước được treo ảnh lưu niệm với Bác ngay tại nhà riêng của nghệ sỹ Thu An đã không thực hiện được.

Bao nhiêu lần nghĩ cách mà cũng không ra. Thế là cuối cùng nghệ sỹ Thu An đã đi dến một "quyết định" táo bạo: Đợi khi nào Hãng phim Tài liệu mở phòng Truyền thống sẽ vào bóc trộm tấm ảnh đó. Nhưng rồi thấy nhiều người tham quan tỏ ra quan tâm đến bức ảnh, bà đành ngậm ngùi từ bỏ ý định "tư hữu" của mình.

Những chuyện bên lề của "Mẹ chồng tôi"

Sau khi đã thử đến lần thứ sáu cho vai diễn người mẹ trong phim "Mẹ chồng tôi" mà vẫn chưa thấy hài lòng, đoàn làm phim quyết định trở về Hà Nội thuyết phục nghệ sỹ Thu An. Ban đầu bà từ chối vì sợ mang tiếng là "tranh giành" với các diễn viên nghiệp dư khác. Nhưng rồi "cái tình cái lý" mà đoàn làm phim đưa ra đã thuyết phục được bà. Không ai dám tin rằng trong những tình huống "chữa cháy" cấp bách, diễn viên chỉ có gần mười tiếng đồng hồ để nghiên cứu kịch bản thế mà lúc diễn lại xuất thần và có hồn đến thế.

Ngay từ những cảnh quay đầu tiên, Thu An đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân "Bà này mới đúng là nông dân". Thế là người có sắn thì cho sắn, người có khoai thì biếu khoai, đoàn làm phim thiếu gì là người dân sẵn sàng huy động và giúp đỡ. Có những cảnh quay dù vẫn biết là diễn viên đang diễn nhưng nhiều người đến xem trực tiếp vẫn không kìm được những dòng nước mắt.

Mặc dù đã tham gia hàng trăm bộ phim, đọc hàng trăm kịch bản, thủ vai hàng trăm bộ phim song với Thu An có lẽ "Mẹ chồng tôi" vẫn là bộ phim bà tâm đắc nhất. Có những lời thoại, có những tình tiết, chi tiết đã hơn 10 năm rồi mà bà vẫn còn nhớ vanh vách, không thiếu dù chỉ là một chữ, một từ.

Người "gác cổng" cho các đạo diễn tương lai

Quán nước nhỏ trên đường Hoàng Hoa Thám từ lâu đã trở thành địa chỉ thân thuộc để những người bạn già lẫn thế hệ trẻ có thể hội ngộ, chia sẻ với nghệ sỹ Thu An từ công việc đến những chuyện bình thường trong cuộc sống. Hơn 80 tuổi đời, 50 năm tuổi nghề, trường sân khấu Điện ảnh Hà Nội có bao nhiêu tuổi là Thu An có bấy nhiêu năm gắn bó với các thế hệ sinh viên làm bài tập tốt nghiệp ra trường.

Điều đáng nói là khi tham gia dựng phim với các sinh viên, bà luôn tâm niệm: "Mình vừa là thầy vừa là trò" nên hầu hết các đạo diễn tương lai đều cảm thấy thoải mái trong việc thể hiện ý tưởng của mình. Kịch bản nào thấy phù hợp là bà sẵn sàng giúp. Mà đã giúp là giúp hết lòng, giúp vô tư và không bao giờ nhận bất kỳ một khoản bồi dưỡng nào. "Chúng nó là sinh viên, cũng như con cháu mình, không có mà cho chúng thì thôi chứ lấy tiền của chúng để làm gì!".

Chỉ duy có một lần là bà bất dắc dĩ phải từ chối một sinh viên vì em này quá cứng nhắc, không chịu thay đổi một chi tiết trong kịch bản mà bà cho rằng nó không hợp lẽ, vừa có thể mang lại nguy hiểm cho người diễn.

Bây giờ tuổi đã cao, sức khoẻ cũng có hạn, nên bà không thể "chinh chiến" như những ngày đầu. Thế nhưng trong ký ức của nhiều thế hệ sinh viên Sân khấu Điện ảnh bà mãi mãi là người "gác cổng đáng kính" mà họ nhớ.

(Theo TCTH)  

Về đầu trang 

Soạn: AM 207577 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Đĩa đèn bằng đồng (có tượng người
và 3 con chim) thuộc văn hoá Đông
Sơn mới phát hiện.
Hội thảo kỷ niệm 80 năm Văn hóa Đông Sơn: Hơn 2.000 năm về trước, ta là ai?

Danh xưng Văn hóa Đông Sơn được khai sinh từ một làng quê ven sông Mã. Người Việt cũng trở thành chính mình từ đó với nhiều tộc người tập hợp lại, thống nhất trong đa dạng, bước khởi đầu đã làm nên một nhà nước sơ khai thời Hùng Vương. Trên "Bản đồ thế giới" khi đó, chúng ta là ai vậy?

Địa linh nhân kiệt Văn hoá Đông Sơn có được sự rực rỡ để đến nay chúng ta tự hào và bạn bè nể phục một phần cũng nhờ cái địa lợi đó, cách đây khoảng 2.700 năm. Địa vực châu thổ 3 con sông lớn là mảnh đất màu mỡ tạo điều kiện cho một nền nông nghiệp trồng lúa nước phát triển nhanh. Người Việt cần mẫn trên những thửa ruộng Lạc Điền, theo "thủy triều" của những con sông mà cày cấy. Khảo cổ học cũng chứng minh được rằng vào thời đó người Việt thường quần cư ở các làng ven sông được bồi đắp phù sa hàng năm. Cái địa lợi thứ hai mà không phải tộc người nào thời bấy giờ cũng có: Đó là nguồn mỏ dồi dào. Có lẽ hơi khập khiễng chăng khi giả định rằng nếu không có nguồn mỏ, không có luyện kim thì cũng không có một nền văn minh đồ đồng Đông Sơn.

Sự ra đời của Hùng Vương chính là từ địa linh sinh ra nhân kiệt. Trong đám mây mù truyền thuyết có thể thấy được đó là vị thủ lĩnh tối cao quần tụ được các tộc Việt của mọi miền, những "15 bộ" của nước Văn Lang. Quyển sử cổ nhất nước ta, Đại Việt sử lược chép: Đến đời Trang Vương nhà Chu, năm 696 - 682 trước Công nguyên ở bộ Gia Ninh có người lạ, dùng ảo thuật áp phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương. Một trong những lý giải về Hùng Vương, có thể đó là các thủ lĩnh, người nắm được bí quyết về luyện kim và quản lý được nguồn nguyên liệu đồng tối quan trọng thời bấy giờ. Chính từ "ảo thuật" mà sách sử ghi lại là các bí mật về nghề luyện kim chăng?

Nhà nước sơ khai Trong bối cảnh phương Đông bấy giờ, một số ít tộc người nổi lên có điều kiện thành lập nhà nước sơ khai, mà người Việt với nước Văn Lang là một ví dụ. Dạng nhà nước đó cũng gặp ở Nhật Bản cùng thời, nhà nước Yamatai của Nữ hoàng Himiko tồn tại trong truyền thuyết và các nhà khoa học Nhật cũng cho rằng có một nền văn hóa khảo cổ làm nền cho nhà nước này: Văn hóa thời đại kim khí Yayoi và cũng có những sản phẩm đồ đồng tuyệt hảo như văn hóa Đông Sơn. Đó là những chiếc chuông đồng lớn (đô ta cư) nổi tiếng.

Nước Văn Lang và sau đó kế tiếp là nước Âu Lạc, nổi lên như những chấm son của "bản đồ" vùng Hoa Nam và Đông Nam Á thời bấy giờ, khi đó còn được gọi là thế giới "Nam Man và Tây Nam Di" một cách miệt thị trong một số thư tịch cổ của người Trung Hoa. Người Việt cổ không những có một nhà nước sơ khai, ít ra thống nhất được trên một phạm vi rộng, mà còn là một nhà nước đông dân nhất trong khu vực đương thời. Chính sử sách sau đó vài trăm năm giúp chúng ta mường tượng được dân số bấy giờ so sánh một cách tương đối thì cũng có thể cho ta một khái niệm: Nước Văn Lang - Âu Lạc cũng đông gấp hai lần rưỡi nước Nam Việt và đông gấp hàng chục lần nước Điền Việt cùng thời ở bên cạnh.

Người Việt cổ khi đó nhờ địa lợi nhiều sông, lại có biển Đông trước mặt nên đã giao thương rộng rãi với nhiều khu vực khá xa xôi. Các nhà khảo cổ đã chứng minh được rằng có những trống đồng minh khí sản phẩm chỉ văn hóa Đông Sơn mới có đã theo con đường ven biển lên tận vùng Chiết Giang, Trung Quốc. Họ còn trao đổi hàng hóa, có thể theo hình thức sơ khai nhất với cư dân Vân Nam cổ đại, giao lưu văn hóa kinh tế với các đảo Indonesia, tới tận hòn đảo Côxamui ở vịnh Thái Lan và ven biển Mã Lai...

Không phải không có lý khi một nhà khoa học nước ngoài, ông W.Loofs, chuyên gia nghiên cứu về trống đồng đã cho rằng nhiều trống đồng Đông Sơn có thể biểu tượng quyền lực như một dạng "vương miện" mà các thủ lĩnh ở vùng đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nước ta "ban phát" cho nhiều thủ lĩnh nhiều khu vực xa xôi khắp Đông Nam Á. Nhiều nhà khoa học nước ngoài phải ngạc nhiên về sức sống mãnh liệt của văn hóa Đông Sơn và người Việt cổ.

Nếu như vào đầu Công nguyên, Mã Viện ra sức đồng hóa nền văn hóa bản địa nước ta thì văn hóa Đông Sơn lại có mạch ngầm chảy trong sức sống dân gian để sau ngàn năm Bắc thuộc lại bừng sáng một nền văn minh Lý Trần. Cũng thật tự hào, khi mà với chính sách đồng hóa triệt để của phương Bắc, nhiều nhà nước sơ khai và tộc người trong thế giới "Nam Man và Tây Nam Di" bấy giờ, nay đã không còn bóng dáng, thì với sức sống Đông Sơn mãnh liệt kèm theo địa thế hiểm yếu và lòng quả cảm, chỉ còn duy nhất người Việt cổ và con cháu vẫn còn trụ được không bị đồng hóa đến tận hôm nay.

(Theo Lao Động) 

Về đầu trang

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Triển lãm tranh của 2 bệnh nhân HIV/AIDS (29/11/2004)
Tin văn hoá trên các báo ra ngày 29/11 (29/11/2004)
"Văn chương không có giống đực và giống cái" (28/11/2004)
Chỉ có thể là... vespa! (27/11/2004)
Tin văn hoá trên các báo ra ngày 27/11 (27/11/2004)
Tin văn hoá trên các báo ra ngày 26/11 (26/11/2004)
Christie đấu giá các kỷ vật Rock (25/11/2004)
Đêm nhạc của những màn biểu diễn ngẫu hứng (25/11/2004)
Tin văn hoá trên các báo ra ngày 25/11 (25/11/2004)
Tin văn hoá trên các báo ra ngày 24/11 (24/11/2004)
Bố già Ozzy bị mất của (24/11/2004)
Ly Hoàng Ly: Tôi luôn tôn trọng giá trị truyền thống (23/11/2004)
Tin văn hoá trên các báo ra ngày 23/11 (23/11/2004)
Xiếc Việt Nam "rong ruổi" trên đất Pháp. (22/11/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang