Tin văn hoá trên các báo ra ngày 29/11
08:47' 29/11/2004 (GMT+7)

1.Nhà sử học Dương Trung Quốc: Tượng đài Lê Lợi - một công trình thành công 

2.ĐD Thanh Vân: Tôi từng khóc nhiều lần khi làm ''Người đàn bà mộng du''

3.Hoàng Thành thăng long: Trao trả thiếu diện tích! 

4.Trách nhiệm các hội đồng nghệ thuật

Soạn: AM 206511 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Tượng đài Lê Lợi - một công trình thành công

Hôm nay, 29/11, UBND tỉnh Thanh Hóa khánh thành tượng đài Lê Lợi nhân kỷ niệm 80 năm Văn hóa Đông Sơn. Nếu tính từ khi tổ chức hội thảo về đề tài Lê Lợi, người dân xứ Thanh đã chờ đợi ngót 5 năm để có được một công trình kiến trúc tôn vinh người anh hùng dân tộc, vị vua sáng lập vương triều dài nhất trong lịch sử phong kiến VN.

Nhân dịp này, chúng tôi gặp nhà sử học Dương Trung Quốc - người gắn bó từ đầu với công trình tượng đài và cũng vừa tham gia hội đồng nghiệm thu về.

* Theo quan điểm của một nhà sử học, một tượng đài đủ xứng tầm với tên tuổi và sự nghiệp của Lê Lợi thì phải đạt các yếu tố đặc thù nào?

- Ông Dương Trung Quốc: Trước tiên là phải đánh giá được sự nghiệp của Lê Lợi. Đây là vị vua sáng lập nên nhà Lê, một vương triều dài nhất trong lịch sử phong kiến VN, và thời kỳ này đất nước ta cũng đạt được một số thành tựu nhất định, mở rộng bờ cõi về phía Nam, và với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Minh 20 năm, vị thế của nước VN so với Trung Quốc được nâng lên.

Một nhân vật như thế, bắt buộc tượng phải xứng tầm, đầu tiên là xét đến quy mô của bức tượng, tất nhiên là quy mô như thế nào thì cũng còn phải nhìn nhận nữa.

Thứ hai là yêu cầu của bức tượng cần thể hiện được tính cách của Lê Lợi. Đây là việc khó, vì xưa kia tạc tượng các nhân vật quan trọng chủ yếu là tượng thờ, còn bây giờ nghệ thuật tượng đài là một loại hình ngôn ngữ khác. Ở đây người ta thường hỏi là tượng có giống người thật không.

Vừa rồi Bộ VHTT cũng có ý‎ kiến về việc làm sao để những nhân vật lịch sử có một kiểu tượng gần giống nhau trên các công trình, chứ cứ xem tượng đài vua Quang Trung thì thấy, vua Quang Trung chỉ có một, nhưng mỗi nơi tạc tượng mỗi khác.

Một đặc điểm nữa là dùng yếu tố bổ trợ. Ở đây các nhà điêu khắc đã dùng hình tượng thần Kim Quy bên cạnh bức tượng như một yếu tố linh thiêng.

Còn quan điểm của tôi thì cứ tạc một bức tượng mà chẳng phải Tàu, chẳng phải Tây thì đích thực đó là ta rồi (cười). Với lại tạc tượng này là giai đoạn Lê Lợi còn đang là Bình Định Vương, giai đọan này Lê Lợi gắn bó với Thanh Hóa là quê hương của ông.

* Thế sau khi nghiệm thu, ông thấy tượng đài này có đạt được những tiêu chí và đặc điểm đó không?

- Phải nói rằng đây là một tượng đài thành công. Mặc dù còn một số băn khoăn nhưng với đặc trưng của loại tượng tròn thì tượng Lê Lợi không có những “góc xấu”, dáng vóc nhân vật khá hoàn chỉnh. Mức độ quy mô hoành tráng thì tầm cao và không gian quảng trường không rộng bằng tượng Bác ở Vinh, nhưng so với một số tượng khác, tượng đài này gây thiện cảm hơn về mức độ chân thật. Hiện nay chưa nghe dư luận có ‎ý kiến gì, nhưng tôi nghĩ người dân sẽ vượt qua được những băn khoăn ấy vì bức tượng này có một số yếu tố tâm linh đặc biệt.

Riêng tôi thì tôi còn băn khoăn về chi tiết cái “bối tử” trên ngực của vua Lê Thái Tổ. Chi tiết này không hợp với một đấng quân vương, nhưng cũng không quan trọng lắm, vì tượng này thể hiện Lê Lợi giai đoạn Bình Định Vương, khi chưa lên ngôi Hoàng Đế. Vả lại, nhà thiết kế sẽ cho rằng tượng rất trống trải nếu giữa ngực áo không có biểu tượng gì đó.

* Một điều khó khăn trong việc tạc tượng các nhân vật thời xưa là thiếu cứ liệu về nhân dạng, trang phục. Trường hợp vua Lê Thái Tổ, nguồn sử liệu này còn được bao nhiêu, thưa ông?

- Còn trong Lam Sơn Thực Lục và Đại Việt sử k‎ý toàn thư, Đại Việt Thông sử có ghi nhưng không nhiều lắm. Ngoài ra, những người xây dựng mẫu tượng còn phải tham khảo một số yếu tố dân gian, một số dòng họ còn ghi chép tư liệu, đối chứng với chuyên môn nhân trắc học, để làm ra một mẫu hình nhân vật Lê Lợi thời dấy binh khởi nghĩa xưng Bình Định Vương sao cho thuyết phục nhất.

Thực ra, chúng tôi đã cùng với địa phương tổ chức nhiều lần hội thảo bắt đầu từ năm 1999 để thống nhất một số quan điểm khi dựng tượng đài Lê Lợi. Ngay cả việc chọn dựng tượng giai đoạn Bình Định Vương hay Lê Thái Tổ cũng bàn đến “nát nước” chứ chẳng chơi. Bây giờ, tượng đã thành rồi, hôm 23 vừa rồi đã làm lễ “hô thần nhập tượng” rồi, tượng đài anh hùng Lê Lợi được dựng trên đất Thanh Hóa là một công trình có ‎Ý nghĩa, nhất là chúng ta chuẩn bị kỷ niệm 620 năm ngày sinh của ông.

(Theo Tuổi Trẻ) 

Về đầu trang 

Soạn: AM 206513 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Đạo diễn Thanh Vân
ĐD Thanh Vân: Tôi đã khóc nhiều lần khi làm phim "Người đàn bà mộng du"

Trò chuyện với đạo diễn từng "ẵm" khá nhiều giải thưởng uy tín của điện ảnh Việt Nam và khu vực - Nguyễn Thanh Vân, có thể cảm nhận rõ cái chất lặng lẽ, kín đáo mà đằm thắm, sâu sắc của "Đời cát" và "Người đàn bà mộng du" trong anh. Nói về mình, anh không ồn ào...

* Khi được giải, người đầu tiên anh báo tin là ai?

- Là mẹ.

* Mẹ anh nói gì?

- Mẹ tôi theo dõi truyền hình trực tiếp lễ trao giải. Bà nói tôi ăn mặc chưa đẹp, nói năng còn ấp úng quá. Đúng là các bà mẹ. Luôn quan sát, chăm chút con từng ly từng tí.

* Anh cũng báo tin vui cho chị Giang (đạo diễn Phạm Nhuệ Giang, vợ Thanh Vân, hiện đang học tại Mỹ-TN) ngay chứ?

- Không. Mấy ngày sau về Hà Nội tôi mới báo. Giang nói: "Tại sao mọi người mail sang nồng nhiệt vậy mà chồng lại có vẻ bình thản thế". Tôi nghĩ đó là câu chia sẻ hơn là câu trách. Vì Giang rất hiểu cảm xúc của tôi đằng sau sự bình thản ấy.

* Sao anh không tham gia cuộc hội thảo nghề nghiệp duy nhất tại LHP ?

- Vì buổi sáng đó, tôi đi xem xét, ngó nghiêng, khám phá vùng đất Tây Nguyên đầy hấp dẫn. Đối với tôi, cảm giác nói trước đám đông là một điều thật khó khăn. Tôi thích trao đổi nghề nghiệp trong một nhóm nhỏ, với những người bạn hữu thân nhất. Vả lại tôi quen với sự tự day dứt, mổ xẻ về nghề nghiệp một cách lặng lẽ, âm thầm trong chính suy nghĩ của mình.

* Đạo diễn Lê Hoàng là tâm điểm của cuộc hội thảo đó. Anh nghĩ Lê Hoàng là đạo diễn thành công chứ?

- Thành công ở điểm gì ? Sự nổi tiếng; kiếm tiền giỏi; hay thành công trong nghề nghiệp? Với riêng tôi, Lê Hoàng thành công nhất trong nghề nghiệp chính là ở phim Lưỡi dao làm cách đây khoảng mười năm. Tôi còn nhớ mãi sau khi xem xong, tôi và nhiều đồng nghiệp đã kéo nhau ra một quán nước ngồi và cảm giác bần thần đã ám ảnh chúng tôi rất lâu, vì Lưỡi dao hay quá. Với tác phẩm ấy, chúng tôi thực sự nể trọng đồng nghiệp của mình.

* Bông sen bạc của LHP gây nhiều bàn cãi trong giới làm nghề. Nếu được là giám khảo, anh sẽ chọn phim truyện nhựa nào đoạt giải Bông sen bạc?

- Một câu hỏi thật khó vì tôi tin tưởng tuyệt đối vào năng lực và sự công tâm của Ban giám khảo. Phim Thời xa vắng tôi chưa được xem nên không có ý kiến gì. Những phim còn lại, nếu được quyền lựa chọn, ở góc độ người làm nghề và cảm nhận điện ảnh nói chung, tôi sẽ chọn Mê Thảo-thời vang bóng và Vua bãi rác. Còn Lưới trời là đương nhiên rồi. Với tôi hai phim này đều có "mùi vị" của nó, có thể chưa thật thơm nhưng rất mạnh, rất quyến rũ, làm người ta phải nhớ.

* Anh có thể kể về quá trình làm phim Người đàn bà mộng du?

- Năm 2001, khi tôi đang làm phó đạo diễn cho Nhuệ Giang phim Thung lũng hoang vắng ở Sa Pa thì anh Nam (Nguyễn Văn Nam - giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam - TN) lên thăm đoàn và đưa cho tôi kịch bản Người đàn bà mộng du. Tôi còn nhớ nguyên văn câu anh Nam nói: "Vân giúp hãng". Tôi đọc kịch bản ngay lập tức. Trước tiên, tôi tin một kịch bản bắt nguồn từ Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành rất nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Minh Châu thì đó là điểm xuất phát tốt. Đọc xong kịch bản, tôi tin tưởng chắc chắn Hồng Ánh có thể đảm nhận được vai Quỳ. Đấy chính là hai điều quan trọng nhất khiến tôi quyết định nhận lời làm phim ngay tại Sa Pa. Mặc dù Giang cũng rất ái ngại cho tôi vì biết làm phim này sẽ là "cả một trời khó khăn".

* Điều gì anh tâm đắc nhất với bộ phim này?

- Tôi đã tìm được một nhịp điệu của phim và tôi rất hài lòng với sự tìm kiếm đó. Nhịp điệu đó thể hiện trong từng hình ảnh, từng bước đi của nhân vật, trong cả âm nhạc của phim. Và đó chính là sự khác biệt rất quan trọng giữa ngôn ngữ điện ảnh và văn học. Rất có thể nhiều người chán với nhịp điệu phim này.

* Như vậy có nghĩa là phim của anh cũng kén khán giả?

- Chắc là thế.

* Nhiều người cho rằng kén đồng nghĩa với ít khán giả?

- Nếu mọi người biết Đời cát là một trong 4 phim Việt Nam đông khán giả nhất của các rạp năm 2003 thì sẽ không nói với tôi câu ấy.

* Nhiều người nghĩ Người đàn bà mộng du là sự "giẫm chân" lại của Đời cát?

- Giá như mọi người biết tôi đã nỗ lực, vất vả thế nào để tìm kiếm một cách thức thể hiện khác, để không lặp lại chính mình trong Đời cát. Thật khó khăn. Tôi chỉ kiểm soát được công việc mình làm chứ không kiểm soát được sự đánh giá của mọi người.

* Kỷ niệm anh nhớ nhất với Người đàn bà mộng du?

- Tôi đã khóc nhiều lần mỗi khi làm kịch bản phân cảnh. Nhà thì chỉ có một căn phòng nhỏ, Giang bảo "Vân vô duyên thật, chưa làm mà đã tự cảm động".

* Chị Giang có giúp đỡ anh nhiều trong việc làm phim không?

- Giúp nhiều chứ. Giang là người "nhặt sạn, dọn vườn" rất kỹ tính cho phim.

* Cả hai cùng là đạo diễn, như thế là thuận lợi hay bất lợi trong công việc?

- Cho đến bây giờ tôi vẫn cảm thấy tốt đẹp. Vẫn là sự hết sức tôn trọng cá tính sáng tác, cảm nhận nghệ thuật của nhau. May mắn là cho đến giờ phút này, phim của Giang vẫn là của Giang, của Vân vẫn là của Vân, chứ không có phim nào bị gọi là phim Vân-Giang hoặc Giang-Vân.

* Trong tình yêu của hai người, có 1% lý do nào yêu nhau là vì cùng nghề, dễ chia sẻ, thông cảm với nhau không ?

- Không. Điện ảnh chỉ là cơ hội để chúng tôi đến với nhau. Đúng là trời định. Trước đó, ở Trường Kiến trúc, Giang học trên tôi mấy khóa mà chúng tôi cũng không hề biết nhau. Năm thứ tư của Kiến trúc, tôi quyết định bỏ để chuyển sang học đạo diễn điện ảnh. Khi ấy, Giang đã tốt nghiệp Kiến trúc và cũng quyết tâm học đạo điễn. Tôi cũng không biết Giang là con gái của NSND, đạo diễn Phạm Văn Khoa. Còn Giang cũng chẳng biết tôi là con của NSND, đạo diễn Hải Ninh. Tình yêu đến khi tôi và Giang cùng đi thực tập phim Đứng trước biển của chú Trần Phương năm 1984. Đến năm 1988, tốt nghiệp ra trường chúng tôi lấy nhau ngay.

* Bóng của hai NSND gạo cội trong ngành điện ảnh có ảnh hưởng tới phong cách sáng tác của hai đạo diễn "con" không?

- Không. Ảnh hưởng duy nhất là sự đam mê, tâm huyết với điện ảnh.

* Anh có tuyên ngôn nghề nghiệp nào của mình không?

- Chưa bao giờ nghĩ tới phải có tuyên ngôn cho nghề nghiệp của mình. Bản thân quá trình sáng tác và tác phẩm đã là một tuyên ngôn rồi.

* Có cảm giác là anh luôn muốn đứng ngoài những cuộc tranh cãi về nghề nghiệp phải không?

- Đúng. Tôi không muốn và cũng không thích, cảm thấy không cần thiết với mình. Cái bổ ích nhất đối với tôi là sự tự thân, âm thầm tìm kiếm và vận động trong sáng tác.

* Nếu nói một câu ngắn gọn về mình thì anh sẽ nói thế nào?

- Thành thật với chính mình và chân thành với cuộc sống

(Theo TNO)  

Về đầu trang 

Hoàng thành Thăng Long: Trao trả thiếu diện tích!

Tháng mười vừa qua, không ít người dân Hà Nội rưng rưng khi được vào thăm thành cổ, nơi mà trước đây chỉ người có thẻ “A” mới được vào. Một lần không thỏa, có vị vào vài lần.

Hoàng thành đóng cửa, nhiều người vẫn háo hức.

Thế nhưng chúng ta được xem bao nhiêu phần trăm cái mà đáng ra chúng ta có thể được xem? Hoàng thành Thăng Long cổ bao giờ được trả lại dáng vóc đúng như một di tích văn hóa quí hiếm? Phóng viên báo chí đã có cuộc trao đổi với GS Lê Văn Lan.

* Mỗi giai đoạn lịch sử có một đặc điểm riêng. Nay thành cổ đã được trao lại rồi, nhìn lại, với giới khoa học, đây hẳn là một quá trình dài?

- Vâng, trải qua bốn đời bộ trưởng Bộ Quốc phòng, chúng tôi và những người có trách nhiệm bên UBND TP Hà Nội từng phải bằng nhiều cách, cả chính thức và không chính thức, đặt vấn đề trao trả hoàng thành Thăng Long. Tận đến khi Bộ Chính trị có nghị quyết về kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội; năm 1998, ba điểm là Đoan Môn, Hậu Lâu và Chính Bắc Môn mới được trao trả. Phát huy tinh thần, giới khoa học đã làm liên tiếp nhiều hội thảo khoa học. Cuối cùng, tháng 4/2004, lễ “giao nhận” đã chính thức được tiến hành.

* Nhiều người dân Hà Nội đã tự ăn mừng bằng cả một khoảng thời gian dài dành ra để vào thăm thành cổ. Giới khoa học có ăn mừng không?

- Thật ra cái chúng tôi đòi là 19,7ha ở trục chính tâm. Đấu tranh đi mặc cả lại, tháng tư, theo biên bản bàn giao của Bộ Quốc phòng, tổng diện tích thành cổ được trao trả là 6,1ha. Nhưng nay đo đi đo lại chỉ có 4,9ha. Tôi nghĩ phải đấu tranh vì Nhà nước đã có chủ trương trả thành cổ rồi. Ăn mừng làm sao được!

* Thiếu hơn 10.000m2, như vậy còn những di tích quan trọng nào vẫn nằm ngoài tầm mắt của công chúng, thưa giáo sư?

- Vô cùng nhiều! Làm sao phải nối thông được điểm cực nam của trục chính tâm là Kỳ đài (cột cờ Hà Nội) thông qua Bảo tàng Quân đội, sân vận động Cột Cờ và bể bơi quân đội, mà tất cả khu ấy, tiếng là khu thể thao, Bảo tàng Quân đội nhưng dày đặc xung quanh là các công ty, doanh nghiệp đủ loại.

Từ Đoan Môn ra đến điện Kính Thiên vốn là sân Long Trì, nơi thi tiến sĩ thời Lê, nơi mở hội Nhân Vương triều Lý, nơi tiếp đãi sứ thần thời Trần... chỗ đấy giờ vẫn còn hơn 40 nhà cấp 3, cấp 4 lổn nhổn. Dù rằng nó nằm trong 4,9ha đã trao trả nhưng tẩy đi cái nào cũng vô cùng khó. Bên quân đội vẫn có ý kiến cái này phải giữ, cái kia không được bỏ... Còn phía sau điện Kính Thiên là dàn kiến trúc hàng ngang thứ nhất trong ba dàn kiến trúc tượng trưng cho tam tài: thiên, địa, nhân. Trước là nơi vua coi chầu, du ngoạn, thì nay nó vẫn thuộc trạm 66, đã xin đi xin lại rất nhiều lần nhưng chưa được. Mà chỗ đó bây giờ vẫn để không, thi thoảng chỉ thấy cho thuê hội trường làm đám cưới...

* Rất có thể bên quân đội có những lý do không thể nói ra?

- Ngay cả khu vực có những công trình ngầm của chỉ huy Bộ Quốc phòng cũng đã trao trả rồi, mấy khu còn lại thì có vấn đề gì nữa. Lúc đầu tôi nghĩ “sự trao trả nhỏ giọt” (như lời nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói) là do nhận thức của các đồng chí bên quân đội rằng công trình lịch sử kia không quan trọng. Nhưng nay thì tôi nhận thấy đây là vấn đề quyền lợi, cả công và tư của các đồng chí ấy.

* So với 19,7ha các nhà khoa học cần, 4,9ha thật nhỏ bé. Chúng ta đã dám chuyển cả dự án nhà Quốc hội đi nơi khác để khai quật khu hoàng thành Thăng Long. Vậy đã có hướng bàn giao nốt diện tích thành cổ còn lại chưa và bao giờ thì công chúng được thăm toàn bộ khu di tích - nơi họ đáng được thăm từ lâu rồi?

- Chưa có hướng nhưng đích thân đồng chí Tổng bí thư Nông Đức Mạnh trong một lần trả lời phỏng vấn đã có ý kiến cần làm qui hoạch toàn bộ cho trục chính tâm, tức cả khu 19,7ha.

* Được biết, hiện nay TP Hà Nội đã lập ban quản lý riêng phụ trách khu 4,9ha. Tuy nhiên, đây là một công trình rất quan trọng, Bộ Văn hóa - thông tin có hẳn Cục Quản lý di sản văn hóa, sao lại trút toàn bộ trách nhiệm cho một ban quản lý địa phương?

- Ban quản lý khu di tích thành cổ Hà Nội vô cùng mong manh, chưa có trưởng ban, hiện chỉ có bốn người, gồm hai phó ban và hai nhân viên lo cai quản toàn bộ khu di tích quan trọng. Còn Cục Quản lý di sản văn hóa thì luôn phải đôn đáo phân bổ quĩ trùng tu đình A, chùa B. Tôi nghĩ chắc họ đang ngập đầu vì nhiều công việc quá.

* Nay thì hoàng thành đã đóng cửa. Đã có dự tính tu bổ, tôn tạo gì chưa, và theo ông, sắp tới khu vực đã được trao trả nên bảo tồn như thế nào?

- Hiện hoàng thành vẫn đóng cửa để đấy chờ thành lập một hội đồng thôi. Theo tôi, sau này nên biến toàn bộ 19,7ha thành một công viên, trên đó không có bất cứ công trình xây dựng nào để tạo một dấu lặng trong không gian, nối với quảng trường Ba Đình. Có chăng chỉ xây một Hậu Lâu như đã làm ở Văn Miếu (tất nhiên phải loại bỏ những sai sót của công trình này). Tại đó ta sẽ trưng bày, giới thiệu một cách công bằng các triều đại. Như vậy, tất cả mấy chục cái nhà, kể cả trạm 66, bể bơi quân đội... sẽ phải dời đi chỗ khác. Không thể để mấy người mặc quần áo tắm bơi ùm ùm ở nơi thiêng liêng ấy được. Đó là văn hóa ứng xử với di sản của chúng ta, người khác còn nhìn vào.

* Như vậy là ông phản đối cả việc xây lại các công trình như điện Kính Thiên, cũng như công tác khảo cổ. Tại sao vậy?

- Chúng ta có kinh nghiệm gần như đã thành qui luật: đào là phá! Tức là khi lấy đất lên, còn lại sẽ là cái hố. Trong khi chưa có qui hoạch tổng thể thì hãy cứ làm công viên đã, chỉ như thế mới bảo tồn được quĩ đất cho nghiên cứu sau này. Nhật Bản người ta đầu tư đào khảo cổ khu cố đô Nara đến 40 năm. Ta hì hục đào 20.000m2 khu định xây nhà Quốc hội chỉ trong một năm. Đó là kỷ lục chắc chắn vào được Guinness thế giới vì chẳng ai đào khảo cổ như thế cả. Phải có thời gian nghiên cứu kỹ: đào chỗ nào, đào như thế nào và với kỹ thuật gì, hiệu quả mới cao được.

* Vào thăm hoàng thành, bên cạnh sự vui mừng, hầu như ai cũng còn vài điều băn khoăn. Như tại sao lầu công chúa lại... khó trèo đến vậy? Có lẽ do còn khá nhiều điều người dân chưa biết về các di tích trong thành cổ...

- Đó là cách gọi tên sai chứ người dân băn khoăn đúng. Biển giới thiệu lầu công chúa rất kỳ cục. Đó là Hậu Lâu, mà tôi chắc là cung Thúy Hoa của cụ Lý Thái Tổ. Nguyên nhân: khi người Pháp mới sang, cứ thấy nhà nào có mái cong cong thì họ gọi là pagode. Ta dịch rồi gọi sai, phải dần trả lại tên cho chúng. Ngay cột cờ Hà Nội từ lâu tôi đã yêu cầu phải gọi là Kỳ đài mà người ta vẫn cứ quen miệng gọi đại. Tên nó đã được khắc vào đá gắn trên tháp rồi mà cứ gọi chệch đi. Cột cờ chỉ là cái que to treo cái cờ, giống như cột khói Nhà máy gạch Đại La được tích hợp làm vật trang trí cho khách sạn Horison là cùng. Đây lại là phần phô ra của hoàng thành Thăng Long, không thể ứng xử với nó như thế được!

(Theo TT)

 

Về đầu trang 

Soạn: AM 206515 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Ca sĩ Thanh Lam
Trách nhiệm các hội đồng nghệ thuật

Trong thời gian gần đây chúng ta tổ chức nhiều liên hoan phim, sân khấu, ca nhạc..., khánh thành các công trình nghệ thuật điêu khắc lớn. Đó là một tín hiệu tốt đẹp của một thời kỳ văn hoá đang hưng thịnh. Nhưng trong số các tác phẩm được đánh giá cao, còn có những tác phẩm dù đã qua những hội đồng nghệ thuật các cấp thẩm định, vẫn chưa đạt được sự đồng thuận của từ công chúng đến chính những nghệ sĩ có uy tín cao trong giới nghề. Như vậy có thể nói, sự ra đời của các tác phẩm nghệ thuật có tính phổ biến rộng, chất lượng thật sự của nó, nhiều ít phải có trách nhiệm của các hội đồng nghệ thuật làm công tác tư vấn hay thẩm định giá trị. Ban giám khảo các liên hoan nghệ thuật hay hội đồng nghệ thuật... đã đang chí ít thực hiện hai nhiệm vụ quan trọng: 1- Thay mặt Nhà nước thẩm định, công nhận giá trị của tác phẩm. 2- Hướng dẫn thẩm mỹ của công chúng bằng việc trao giải hay tham gia quyết định sự ra đời của tác phẩm. Như vậy nếu hội đồng nghệ thuật nào chưa làm trọn các nhiệm vụ này, cũng tức là chưa làm tròn trách nhiệm trước Nhà nước và nhân dân.

Nhiều hội đồng, chất lượng vẫn chưa hay

Lê Quang Vinh Khi xây dựng một công trình nghệ thuật hay tiến hành hội diễn hoặc liên hoan nghệ thuật thì đi liền đó là các hội đồng nghệ thuật (HĐNT) hoặc hội đồng giám khảo (HĐGK). Nhưng, trong thực tế, sự thẩm định của một số tổ chức này thiếu sức thuyết phục.

Có nhiều cách gọi về HĐNT. ở cấp trung ương, khi tiến hành xây tượng đài (TĐ) hoặc thi và triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh... sẽ có HĐNT. Khi tổ chức liên hoan phim, liên hoan xiếc hay thi hoa hậu sẽ lập ban giám khảo (hay hội đồng giám khảo). Với các chương trình theo kế hoạch (được đầu tư của Nhà nước) hoặc các dự án được nhà nước tài trợ, đặt hàng sáng tác cũng vậy. Sau khi BTC có trong tay danh sách tác phẩm đăng ký hưởng đầu tư (hoặc tài trợ của Nhà nước), một HĐNT đã định (hoặc lập mới) cũng sẽ được hình thành để thẩm định, duyệt đề cương nội dung, để "rót" kinh phí thực hiện. Khi tác phẩm được hoàn thành cũng lại có một HĐNT duyệt cho phép tác phẩm được lưu hành trong xã hội. Còn ở cấp địa phương, một khi có việc xây dựng TĐ hay một đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp nào đó dựng chương trình cũng đều có một HĐNT được lập ra để thực thi nhiệm vụ.

Vậy, những hội đồng đó ra đời và thực thi nhiệm vụ như thế nào? Phàm thì, các BTC những hoạt động đó khi triển khai những công việc liên quan cũng đồng thời xác lập cơ cấu HĐNT và tiêu chí chấm chọn tác phẩm. Thường thì tiêu chí được quy định rất chung chung, như "mang đậm bản sắc dân tộc, không phạm quy, có tìm tòi sáng tạo về kỹ thuật, đạt hiệu quả cao về nghệ thuật, có yếu tố mới độc đáo, đề cập được những vấn đề lớn của đất nước trong xu thế phát triển và hội nhập..." hoặc "đạt được sự kết hợp hài hoà giữa nghệ thuật trình diễn, tạo hiệu quả nghệ thuật tới khán giả...". Trong cơ cấu HĐNT dĩ nhiên là có đại diện giới làm nghề, nhưng không phải bao giờ số đại diện này cũng có tiếng nói quyết định cuối cùng. Có nhiều lý do giải thích kết cục này, như đại diện của giới nghề lại không giỏi nghề, ngại va chạm hoặc thiên vị... Những đáng lưu ý là họ thường do chủ đầu tư tiến cử. Cần phải nói rõ, chủ đầu tư là đơn vị được Nhà nước cấp tiền để làm một công trình nghệ thuật nào đó, cần lập hội đồng tư vấn, thẩm định... giúp mình thực hiện công trình.

Như vậy, quyền chủ đầu tư rất lớn (do cầm tiền) và không chỉ lựa chọn người tư vấn (có thể chẳng đúng người) mà nhiều trường hợp còn "lấn sân" chuyên môn. Thêm nữa, do thói ngại trách nhiệm, đã khiến người ta mở rộng tối đa thành phần hội đồng (từ cán bộ tài chính đến lãnh đạo, cán bộ các ban ngành liên quan...) và người nào cũng tỏ ra biết một tý, phải nói một tý. Cách góp ý này đẩy người sáng tác vào thế "đẽo cày giữa đường".

Một tác phẩm nghệ thuật đáng lẽ cần có dấu ấn sáng tạo độc đáo của tác giả thì họ phải cố nhân nhượng để vừa lòng hội đồng. Mà đâu chỉ có một lần. Quá trình góp ý gồm nhiều lần, mỗi lần là một lần tác giả tiếp tục... điều chỉnh. Chúng ta vẫn nói cần không ngừng tạo điều kiện cho nghệ sĩ sáng tạo, nhưng dường như "cơ chế" hoạt động của một số hội đồng ngược lại. Những trái khoáy trong tấn kịch hội đồng khá nhiều và kết cục, như chúng ta đã thấy - khi tác phẩm đã ra mắt công chúng chỉ có tên tác giả, chứ làm gì có danh hội đồng tư vấn, thẩm định... Và nếu nó bị phê phán, chủ đầu tư có thể bảo "chúng tôi có cả một hội đồng tư vấn rồi". Còn hội đồng thì "tôi chỉ góp ý, họ có thể nghe hoặc không nghe. Chủ đầu tư là người chi tiền, tác phẩm là của họ và của tác giả".

Với một bài ngắn, khó có thể phân tích sâu về những "bất cập" trong cơ chế hội đồng hiện nay. Cho nên theo chúng tôi muốn nâng cao chất lượng các tác phẩm có tính xã hội rộng cần phải làm nhiều việc - trong đó có việc nâng cao chất lượng các hội đồng nghệ thuật.

(Theo Lao Động) 

Về đầu trang

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
"Văn chương không có giống đực và giống cái" (28/11/2004)
Chỉ có thể là... vespa! (27/11/2004)
Tin văn hoá trên các báo ra ngày 27/11 (27/11/2004)
Tin văn hoá trên các báo ra ngày 26/11 (26/11/2004)
Christie đấu giá các kỷ vật Rock (25/11/2004)
Đêm nhạc của những màn biểu diễn ngẫu hứng (25/11/2004)
Tin văn hoá trên các báo ra ngày 25/11 (25/11/2004)
Tin văn hoá trên các báo ra ngày 24/11 (24/11/2004)
Bố già Ozzy bị mất của (24/11/2004)
Ly Hoàng Ly: Tôi luôn tôn trọng giá trị truyền thống (23/11/2004)
Tin văn hoá trên các báo ra ngày 23/11 (23/11/2004)
Xiếc Việt Nam "rong ruổi" trên đất Pháp. (22/11/2004)
Tin văn hoá trên các báo ra ngày 22/11 (22/11/2004)
Gala cười 2004 đang đến đoạn kết (20/11/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang