|
Xuân Hương xinh đẹp thành thằng Bờm (trong phim cùng tên)... |
101 chuyện nghề hóa trang
Trong sinh hoạt của một đoàn phim, thông thường khi mọi người còn đang yên giấc thì người hóa trang phải thức dậy từ 4g. Phụ cấp dành cho hóa trang nhiều không bằng số tiền bỏ ra làm hiệu quả đặc biệt... Thế nhưng, với nhiều chuyên viên, hóa trang như là cái nghiệp, nhất là khi nhìn thành quả của công việc, họ không thể dứt bỏ.
Những hiệu quả bất ngờ Trong phim "Hồn ma", diễn viên Hồng Ánh phải hóa trang đóng vai ma. Do phim trường được quay thật ở nghĩa địa nên NSƯT Xuân Chính phải hóa trang cho Hồng Ánh ở nhà, sau đó mới gọi taxi chở cô đi. Khi tài xế quay lại mở cửa xe đúng lúc Hồng Ánh bước vô, anh ta hét lên vang trời. Khi bình tĩnh lại nghe giải thích, bác tài vẫn kiên quyết không chịu đi vì sợ chở "ma" sẽ... xui!
Phim "Mục Liên Thanh Đề", cảnh quay ở động Phong Nha, Xuân Chính hóa trang cho bảy diễn viên đóng vai quỷ: đắp mặt nạ mềm, diễn viên có thể cười nói, ăn uống. Trong khi chờ quay cảnh đêm, bảy diễn viên nằm ngủ ở khu nhà nghỉ, mỗi người một góc. Khuya, một người khách đi ngang qua chợt nhìn thấy và... vừa hét vừa chạy. Bảy diễn viên nghe tiếng la ngồi dậy, mọi người trong khu nhà nghỉ nghe la chạy ra, và... bắt đầu một cuộc ẩu đả với "quỷ".
Lần khác quay phim cảnh ông già râu tóc bạc phơ đang vào quán xin tiền những tên bợm nhậu và bị chúng hè nhau đánh cho một trận. Đang quay ngon trớn, bỗng một người đạp xích lô ngang qua chạy vào cản ngăn, lớn tiếng: "Tại sao mọi người lại đánh một ông già?". Thì ra do diễn viên được hóa trang cảnh máu chảy giống quá nên người xích lô lầm tưởng nhiều người hè nhau đánh một ông già đến chảy máu.
Đôi khi máu được làm từ bột màu và xirô, để lâu sẽ lên men, diễn viên ngậm vào dễ bị đau bụng. Có hôm do phải quay ngoại cảnh lâu, xung quanh chỗ diễn viên nằm đổ đầy "máu" khiến những đàn kiến hăm hở kéo đến...
Chuyện vui, bất ngờ về hóa trang thì hàng nghìn chuyện: đang diễn rớt râu, đang nói rụng răng là chuyện thường!
Sinh nghề phải nuôi nghề Trong sinh hoạt của một đoàn phim, thông thường khi mọi người còn đang yên giấc thì người hóa trang phải thức dậy từ 4g, làm sao để đúng 8g bắt đầu bấm máy phải "giao hàng" đầy đủ 5-7 gương mặt diễn viên đã được hóa trang chỉn chu.
Để thể hiện tốt, chuyên viên hóa trang phải đọc kỹ kịch bản, nắm vững nội dung, thời gian diễn ra câu chuyện cũng như chi tiết liên quan đến nhân vật. Ví dụ, để hóa trang nhân vật Nam Phương hoàng hậu trong phim "Ngọn nến hoàng cung", chuyên viên hóa trang Xuân Hồng (Hãng TFS) phải đọc và nghiên cứu những xấp tài liệu về vua chúa thời xưa, cất công đi tìm hỏi các cụ bà xưa để hiểu cách quấn khăn trên đầu cho đúng kiểu Huế.
Với nhiều chuyên viên, hóa trang như là cái nghiệp, không thể dứt bỏ. Theo chị Thanh Bình, có những phim phụ cấp dành cho hóa trang không bằng số tiền chị bỏ ra làm hiệu quả đặc biệt, nhưng "yêu nghề lắm" nên đi làm trang điểm cô dâu để thêm tiền bù đắp cho nghề.
Điện ảnh VN đang từng bước phát triển và hội nhập. Một vấn đề nên sớm được đặt ra: cần có trường lớp đào tạo chuyên nghiệp các chuyên viên hóa trang hoặc đưa đi học ở nước ngoài. Bởi đa số chuyên viên hóa trang có tiếng hiện nay của VN chưa qua một trường lớp đào tạo nào.
Ngoài bậc anh cả Nhữ Đình Nguyên (đã mất) cũng tự nghiên cứu, tự học thì chỉ có Xuân Chính đã được học tập ở khoa Hóa trang thuộc Học viện Sân khấu Ba Lan từ năm 1984. Còn phần lớn do nghề dạy nghề. Hầu hết họ đều xuất thân từ học nghề trang điểm, theo đoàn làm phim riết và thành chuyên viên hóa trang như Thanh Bình, Xuân Hồng, Kim Phượng, Hằng Nga, Phương Trâm, Thế Vinh...
Do đó, nếu không được đào tạo thì như lời của Xuân Chính: "Không thể trách hóa trang VN trì trệ. Trong khi các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia, Trung Quốc, Thái Lan đều đã có những xưởng hóa trang lớn và các trường đào tạo chuyên viên hóa trang cũng như chế tạo các vật liệu hóa trang thì ở VN hầu như chưa có gì!".
(Theo TT)
Về đầu trang
Cầu nối nghệ thuật đương đại cho họa sĩ trẻ
Mỹ thuật Việt Nam được thế giới biết nhiều hay ít còn tùy thuộc vào sự quảng bá, giao lưu với các nước. Giới họa sĩ Việt Nam tìm cách nào để thâm nhập thực tế sáng tác ở nước ngoài?
Thiết thực với những nỗ lực vì nghề nghiệp, một số gallery đã đi tìm cơ hội giúp giới mỹ thuật có điều kiện tiếp xúc, triển lãm qua các chương trình hỗ trợ nghệ thuật từ kinh phí cá nhân hoặc các quỹ tài trợ quốc tế như gallery Hiền Minh, gallery Lotus, gallery Không Gian Xanh… Đáng chú ý, gallery Mai với mối quan hệ “kết nối” cùng xưởng nghệ thuật thử nghiệm của gallery Cave, 58 Grand Street Brooklyn New York 11211, đã tạo cầu nối mới cho giới sáng tác trẻ Việt Nam.
Lần lượt từ tháng 7-2004 đến tháng 6-2005, bốn nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên được chọn làm việc theo chương trình lưu trú sáng tác ngắn hạn (ba tháng) tại Cave là nhà điêu khắc Đinh Công Đạt, họa sĩ Phạm Ngọc Dương, Nguyễn Thị Châu Giang và Ly Hoàng Ly.
Để giúp cho giới họa sĩ trẻ Việt Nam hiểu thêm chương trình Cave do Quỹ Ford tài trợ, họa sĩ Rodney Dickson, người được Cave ủy nhiệm phụ trách chương trình này ở Việt Nam đã có buổi trò chuyện thân mật với 30 họa sĩ trẻ vào chiều 17-11-2004 tại tầng lầu 18, Saigon Tower số 29 Lê Duẩn. Ông Rodney cho biết trong chương trình này, Cave đã tạo điều kiện ăn, ở, làm việc, sáng tác, triển lãm, cung cấp thông tin và tặng học bổng cho các họa sĩ được chọn.
Ngoài ra, họ có thể giao tiếp, trao đổi kinh nghiệm, tham quan, tìm hiểu các quan niệm, các trường phái nghệ thuật khác nhau; có thể gặp gỡ trò chuyện cùng những nghệ sĩ nổi tiếng thế giới v.v… Ở New York những người hoạt động mỹ thuật có đến 20.000 người. Đây là con số đáng kể, “ăn đứt” các thành phố khác trên thế giới. Phần lớn nghệ sĩ tập trung ở khu Williamsburg, Brooklyn.
Tuy nhiên, dù ở New York có nhiều studio rộng để hoạt động, dù người làm nghệ thuật đông đến nỗi “ra ngõ gặp nghệ sĩ” và có khá nhiều bảo tàng nổi tiếng để các họa sĩ tham quan, tìm hiểu, nhưng theo lời khuyên của ông Rodney: Các họa sĩ đến New York hoạt động, đừng quá ấp ủ giấc mơ trở thành người nổi tiếng hay bán được tranh. Nếu không, anh ta sẽ dễ bị vỡ mộng!
Thật hiếm hoi mới có họa sĩ sống được bằng chính nghề sáng tác hội họa. Phần lớn họ kiếm sống và nuôi dưỡng sáng tác bằng một nghề “tay trái” như làm bồi bàn, làm bếp, làm vườn, làm thuê theo thời gian ở một số gallery… Ở Williamsburg, New York, phải nói rằng “của cải thu hoạch” tốt nhất là tri thức và kinh nghiệm quý báu cho nghề nghiệp.
Thông tin thêm về dự án chương trình mỹ thuật Omi (Art Omi) ở ngoại ô phía Bắc thành phố New York, họa sĩ Rodney hào hứng san sẻ với các họa sĩ trẻ chương trình mỹ thuật mới sắp triển khai vào năm 2005. Nội dung hoạt động của Omi phong phú không kém gì Cave. Chương trình này cũng dành cho các họa sĩ chuyên nghiệp thế giới, trong đó có Việt Nam.
Nhân dịp này, bà Đỗ Thị Tuyết Mai, chủ gallery Mai, tiếp tục giới thiệu việc mời đăng ký tham gia “Giải thưởng nghệ thuật Sovereign 2005 và học bổng của Tổ chức Hội đồng Văn hóa Á châu”. Các họa sĩ muốn tham gia có thể liên hệ với Mai gallery, 16 Nguyễn Huệ, quận 1 TPHCM; hoặc tìm hiểu thêm chi tiết từ Website của Tổ chức Nghệ thuật Sovereig (www.sovereignartfoundation.com). Hạn cuối nộp đơn đăng ký: 31-12-2004.
Lưu trú làm việc và sáng tác ở nước ngoài là những cơ hội dành cho giới mỹ thuật trẻ. Nó đáp ứng phần nào sự khao khát hiểu biết, tìm cơ hội tiếp xúc, trao đổi, học tập nghệ thuật đương đại. Tuy nhiên, hơn bao giờ hết, chính đây là dịp để các tác giả trẻ thể hiện được bản lĩnh nghệ thuật Việt Nam trong quá trình hội nhập với các nền văn hóa, nghệ thuật thế giới.
(Theo SGGP)
Về đầu trang
Phan Anh Dũng - cung bậc tình 'mềm' với jazz
Chẳng phải tự nhiên, giới yêu nhạc lâu nay đều nói: Có một sợi tơ hồng vô hình trói nghệ sĩ saxophone Phan Anh Dũng với nhạc jazz như một định mệnh. Mấy chục năm trôi qua với biết bao thăng trầm, hệ lụy, khối tình ba trong một "Dũng - Sax - Jazz" vẫn đượm lửa, bỏng cháy.
- Sau cuộc chơi hết mình, say đến tận cùng với jazz tại liveshow "Giai điệu xanh", anh lặn mất tăm không lời giải thích với người yêu jazz. Vì sao vậy?
- Tôi đâu phải là kẻ tội đồ với jazz. Yêu jazz... chín bỏ làm mười một. Tôi không làm liveshow, không mời mọi người đến ngồi nghe tại nhà hát mà làm ngược lại, đưa nhạc jazz đến từng nhà, đến tận tai người yêu nhạc, để nhiều người được tự thưởng thức theo cách riêng của mình.
- Anh làm điều đó bằng cách nào?
- Đơn giản thôi, làm CD, album phát hành rộng rãi. Tôi mới phát hành album Suối mơ, tuyển chọn những tình khúc nhạc tiền chiến chơi theo phong cách blues & jazz như Suối mơ (Văn Cao), Tình nghệ sĩ (Đoàn Chuẩn, Từ Linh), Ai về sông Tương (Thông Đạt), Đêm đông (Nguyễn Văn Thương)... giai điệu nhẹ nhàng, đằm sâu nhưng cũng nhiều âm hưởng ngẫu hứng rất jazz. Người nặng lòng với ký ức một thời xa vắng, với hoài niệm xưa, với nhạc tiền chiến đậm chất lãng mạn, nghe sẽ thấy quen mà lạ, xa mà gần. Không chỉ có vậy, giới trẻ ngày nay cũng cảm nhận được tiếng lòng của mình trong đó để yêu thương hơn, cảm thông thông hơn và con tim bớt đi sự chai cứng, lạnh lùng. Đây là một cung bậc tình mềm của tôi với jazz, với saxophone đó thôi.
- Thiên hạ đang hăm hở tung ra các loại nhạc trẻ, nhạc sến ăn khách. Còn rất trẻ, vì sao anh lại chọn cho mình dòng nhạc tiền chiến?
- Có những giai phẩm, ca khúc vượt qua mọi thời gian trở thành bất tử trong lòng người. Ai cũng có một thời để nhớ, ở đó có mối tình đầu thơ mộng, một bóng hình, một làn tóc mây, một tà áo dài để thương để yêu, dù đơn phương, ảo vọng, ở đó có những chiều, những đêm cô đơn, nỗi vất vả nhọc nhằn, khốn khó, có tình bạn thủy chung, có tri âm tri kỷ. Những tình khúc tiền chiến là những thông điệp tình yêu không bao giờ nhạt phai.
- Nhưng thông điệp tình yêu cũng không thể thay thế cơm áo gạo tiền. Anh làm cách nào để CD của mình có khách?
- Khi tôi đã có nhã ý mang thông điệp tình yêu đến cho mọi người, thì chắc hẳn người yêu nhạc tiền chiến không nỡ để tôi trắng tay.
- Thị trường băng đĩa nhạc đang trong tình trạng hỗn mang, anh nghĩ sao nếu "Suối mơ" lâm vào cảnh bị chép lậu?
- Sợ cũng đành chịu, chỉ dám thắp ba nén hương vái những kẻ xấu chơi thương "tình nghệ sĩ" mà thôi.
(Theo Tiền Phong)
Về đầu trang