|
Một cảnh trong phim ''Mùa len trâu'' |
"Mùa len trâu" gặt giải thưởng tại LHP Amiens 2004
Giải thưởng cao nhất cho phim truyện nhựa - Grand Prix du Long Métrage của LHP Amiens 2004 (Pháp) mới đây đã vinh dự trao cho bộ phim Mùa len trâu, sau khi phim này chiếm lĩnh Giải đặc biệt ở LHP Locarno, Thụy Sĩ và LHP Chicago uy tín tại Bắc Mỹ.
Tiếp sau Giải đạo diễn mới xuất sắc trao cho Nguyễn Võ Nghiêm Minh ở LHP Chicago, tin vui tiếp tục đến, không phải giải thưởng cá nhân, danh dự hay giải phụ, trang web LHP Amiens (5-14/11/2004) trân trọng thông báo Giải thưởng Lớn (Grand Prix) tức Kỳ Lân Vàng của phim truyện nhựa được trao cho Mùa len trâu.
Phim giành được nhiều giải thưởng khiến người ta phải chú ý. Buổi chiếu giới thiệu ở LHP VN lần thứ 14 ở Đắc Lắc cũng khối người tiếc rẻ vì bỏ lỡ. Tan cuộc trở về, dư âm nghe có vẻ chẳng bàn nhiều về phim giải vàng, bạc, chỉ thấy tấm tắc một niềm: "Mùa len trâu được quá" .
Những khuôn hình đẹp phơi mở được cái hoang dã tự nhiên của miền Tây Nam Bộ. Cảnh quay được chuẩn bị khá kỹ lưỡng, có "đất" cho diễn viên bộc lộ nhân vật. Phong cách làm phim thường thấy của các đạo diễn ở ngoài về nước là họ có một kiểu quay riêng, khiến cho những bối cảnh đã quen vẫn hiện ra dưới những ánh sáng góc độ khác lạ, nhân lên khoái cảm thưởng thức của người xem.
Nhà báo Trần Chiến sau khi xem phim tâm sự: "Tôi và mấy đồng nghiệp xem xong đều có ý nếu Mùa len trâu kịp đăng ký dự thi LHP VN lần thứ 14 thì không có phim nào là đối thủ. Nghĩ thế nhưng lại hồ nghi, LHP 15, nếu vẫn còn đấy cái sự cân đong "phim có yếu tố nước ngoài", nghĩa là in tráng, làm hậu kì, vốn nước ngoài... thì chưa chắc nó đã "chọi" nổi phim nội thuần túy khác".
Nhà biên kịch Lê Ngọc Minh phát biểu: "Tôi nghĩ người nước ngoài xem chắc thấy lạ: có một vùng đất mà ở đó con trâu cứ phải đi sơ tán (len trâu) khi mùa nước lên, trâu thậm chí còn được bảo vệ hơn cả tính mạng con người, thời ấy con trâu là đầu cơ nghiệp. Thân phận con người cùng những khát vọng bản năng, lối sống của người Nam Bộ được đạo diễn thể hiện một cách điềm tĩnh. Hay!".
Chuyển thể từ tập truyện ngắn Hương rừng Cà Mau của nhà văn Sơn Nam, phim Mùa len trâu không chỉ phô diễn một vẻ đẹp đặc biệt của không gian bao phủ bởi nước, mà ở đó nước cũng là một nhân vật. Nó biểu tượng cho cái chết (nước lụt, không có nơi chôn cất người, xác chết chìm trong nước, cây cối, con trâu cũng mục nát dưới nước), nhưng cuộc sống cũng vươn lên từ môi trường chết chóc ấy, cá đẻ trứng và lúa mọc lên cho người nông dân lương thực. Nước là hiện thân của cái chết và sự sống...
Quá khứ ấy, ký ức ấy không hoàn toàn mất đi khi tìm được sự đồng cảm, thú vị của người xem đương đại. Nhiều LHP như Namur (Bỉ), Rotterdam (Hà Lan), Bangkok (Thái Lan), Amazonas (Brazil)... đã mời và nhiều nước ngỏ lời mua bản quyền Mùa len trâu trình chiếu.
Khán giả nóng lòng chờ phim chiếu ở rạp VN, nhưng dự kiến phải đầu năm 2005 bởi thời điểm Noel và cuối năm lịch chiếu phim Tết đã chật kín.
(Theo Tiền Phong)
Về đầu trang
|
NS Thanh Bạch |
NS Thanh Bạch với 4 câu chuyện giờ mới kể
Với mái tóc bồng bềnh, nụ cười hớn hở, phong thái tự nhiên xởi lởi, sự có mặt của anh luôn làm các nhà tổ chức chương trình có cảm giác an tâm tuyệt đối. Nhìn anh dẫn chương trình khó có thể phủ định một sự say mê đến nhập tâm, nhiều khi có cảm giác như một sự "lên đồng". Khán giả yêu thích anh có lẽ cũng bởi sự nhiệt tình lắm lúc hồn nhiên như một đứa trẻ chưa bị những khuôn sáo cuộc đời làm chai cứng đi cảm xúc...
Anh là một người có khiếu kể chuyện. Dường như trong trí tưởng tượng của anh có rất nhiều câu chuyện. Nhưng có những câu chuyện ít khi anh kể, đó là những câu chuyện nhỏ nhưng rất thật. Những câu chuyện về cuộc sống của anh.
Câu chuyện 1: Bạn tin không, Thanh Bạch tự cắt tóc cho mình đấy!
Vốn là một người rất hay thay đổi trang phục, nhất là những chiếc cà vạt xinh xắn tạo cho anh nhiều biến hóa hình tượng trên sân khấu, thế nhưng những người ái mộ khó có thể nhận ra anh nếu như anh đi ngoài đường đeo khẩu trang và không còn để mái tóc bồng bềnh quen thuộc của mình. Mái tóc ấy gần như trở thành một nét đặc trưng của anh, gần gũi với khán giả đến nỗi họ cho là chuyện hiển nhiên phải thế. Nhưng ai đó còn giữ lại cho mình những cuộn băng có hình ảnh anh cách đây 10 năm trong chương trình Duyên dáng Việt Nam thì một lúc nào đó vô tình xem lại sẽ giật mình, mái tóc ấy đã theo anh chừng ấy năm rồi. Với một nghệ sĩ biểu diễn thì đó là một điều ngạc nhiên. Chả lẽ vì mê đồ cổ quá nên anh muốn giữ mái tóc của mình thành... đồ cổ ? Có lần không nén nổi tò mò, tôi hỏi anh về sự "chung thủy" với kiểu tóc ấy, anh cười hả hê: "Không phải tôi không thử để các kiểu đầu khác nhưng khán giả không chịu, họ nói tôi chỉ để kiểu đầu này là hợp nhất !".
* Nhưng cụ thể thì mái tóc bồng bềnh này của anh được gọi là kiểu gì?
- Trước đây nó là đầu đinh nhưng nay nó dài hơn kiểu đầu đinh các bạn trẻ hay để nên tôi gọi là đầu đinh cỡ dài. Đấy là tôi gọi cho bạn bè hiểu thôi. Chắc tôi nói ra bạn sẽ ngạc nhiên, tôi thường tự cắt tóc cho mình. Khi nào tóc hơi dài ra một chút là tôi lấy kéo ra bấm liền. Tự cắt cho mình cực công nhưng cũng có thú vui riêng. Cũng có khi bận quá không chăm chút được để tóc mọc lộn xộn thì tôi phải nhờ đến cái tông đơ của bác thợ quen gần nhà. Thỉnh thoảng ghé tiệm cũng có chuyện hay, có hôm các bác thợ ấy khoe có người đòi cắt kiểu Thanh Bạch cho bằng được. Bạn có vui không khi mái tóc của mình trở thành một mốt thời trang?
Câu chuyện 2: Thanh Bạch và bà xã thích làm... đồ vật
Với những khán giả đã quá quen với cặp vợ chồng nghệ sĩ Thanh Bạch - Xuân Hương trong những chương trình hài kịch thì hẳn đều nhận ra rằng họ thích làm xấu mình. Các nhân vật họ đưa lên sân khấu không làm người xấu xí thì làm đồ vật. Phải nói là ít khi trông họ lành lặn chứ chưa nói là đẹp đẽ.
* Có phải là anh chị... ghét cái đẹp?
- Bạn nhầm to rồi. Một trong những yếu tố của nghệ thuật là hay-mới-lạ. Tôi được học trong các kỹ năng tạp kỹ thì hình thức thể hiện là muôn màu muôn vẻ, tức là người nghệ sĩ có thể nói đến các vấn đề xã hội bằng mọi góc độ. Chúng tôi đã từng đóng vai một bông hoa trong phòng họp và độc thoại những gì con người đã nói, thể hiện những âm mưu trước và sau cuộc họp. Khi đóng vai những bông hoa đó là hình thức mới lạ nhưng khi nói lên được những vấn đề của con người thì đó là một sự hấp dẫn. Mà làm được điều đó đã là khơi gợi trong khán giả sự phản cảm với cái xấu để hướng tới cái đẹp. Cái đẹp là ở đấy.
- Bạn hỏi tôi đến với sân khấu có phải là tình cờ không ư? Có thể. Nhưng với tôi sự tình cờ là đã không được hướng nghiệp theo nghề này thôi chứ còn thiên hướng thì có lẽ... từ trong vô thức. Ông nội và ba tôi đều có tài hùng biện, dù chỉ biểu diễn nghiệp dư nhưng cũng để lại trong tôi ít nhiều ảnh hưởng. Những năm trước 1975, ở Sài Gòn có ông Trần Văn Trạch, vừa dẫn chương trình vừa bắt chước tiếng động rất hay. Còn ông Ngọc Phu thì có một phong cách dẫn chương trình sang trọng. Rồi đến ông Tùng Lâm (diễn viên hài) mở cả một tạp lục Tùng Lâm vừa biểu diễn, vừa đào tạo diễn viên. Những điều ấy tạo ấn tượng mạnh cho tôi, vì thế tôi nghĩ mình sẽ thành lập một đoàn tạp lục của riêng mình. Còn bây giờ khi đã theo nghề nhiều năm, do khán giả thích tôi làm MC hơn nên tôi cũng làm MC nhiều hơn diễn kịch. Nhưng tôi vẫn cho là mỗi nghề có những tư duy khác nhau, đều đòi hỏi sự sáng tạo. Làm diễn viên thì phải nghiên cứu sao cho tròn vai và luôn bị đóng khuôn theo kịch bản và lời thoại. Còn MC thì phải sống bằng cái tôi thật của mình. Sáng tạo ở lĩnh vực MC thì thoải mái hơn, không bị gò bó giống như một người đi ra khơi, không biết lúc nào là sóng yên gió lặng hay bão tố.
* Vậy sau này anh chị vẫn là... đồ vật chứ?
- Chúng tôi thấy những vai diễn ấy thực sự được khán giả đón nhận. Nêu một câu chuyện dưới hình thức tưởng chừng xa lạ nhưng xem xong khán giả giật bắn lên đúng là vấn đề thường ngày của 'huyện" mình. Chúng tôi rất thích và sẽ tiếp tục làm theo phong cách ấy. Trong những vở kịch sau này chúng tôi sẽ còn là... bàn ghế, bóng đèn... nói chung là các loại đồ vật.
* Hơi tò mò một chút, anh chị làm cùng nghề, có khi nào chị "thần tượng" anh không?
- Theo tôi mỗi người có một thế mạnh riêng. Tôi không phủ nhận khả năng viết kịch bản của vợ mình, cô ấy viết sâu sắc và chặt chẽ hơn tôi nhiều. Còn các kỹ năng khác như MC, nhảy múa, ca hát ứng xử là sở trường của tôi. Với tôi điều quan trọng để sống chung và làm việc là tôn trọng nhau chứ không phải là ai giỏi hơn ai.
Câu chuyện 3: Thanh Bạch làm "ông thần khán giả"
- Có chương trình nọ do tôi bận không tham gia dẫn chương trình được, nhà tổ chức đã đề nghị tôi vận động khán giả vỗ tay để thu hình. Lúc đầu nghe chưa ra tôi thấy không vui. Nhưng sau khi nói chuyện, tôi lại thấy thương họ, làm vậy cũng bởi họ quá lo cho chương trình, họ cần một người có thể làm sống động không khí. Tôi đã đồng ý và thấy hứng khởi vì tôi nghĩ rằng khán giả có yêu mến thì mới theo mình làm những "trò" khởi động như thế.
Đó là những tâm sự của anh về một lần trong nhiều lần được đề nghị làm cái nghề phụ đáng yêu là "ông thần khán giả". Anh rất có duyên với những màn hô hào khán giả vỗ tay giòn giã và khơi gợi sự hào hứng cho mọi người khi đứng trên sân khấu. Trong những cuộc trò chuyện vui vẻ với bạn bè anh luôn tự ví mình là "trưởng ban vỗ tay".
Câu chuyện thứ 4: Từng bị vợ nhắc nhở...
Thời gian của anh gần như kín mít công việc. Thế nhưng trong lưới thời gian dày đặc ấy anh vẫn tìm cho mình những kẽ hở để "ngọ nguậy" với các ý tưởng sáng tạo hình thức thể hiện mới lạ. Có điều lạ là dù luôn phải hoạt động liên tục và chắc chắn nhiều lúc cũng rất mệt mỏi nhưng Thanh Bạch xuất hiện trong chương trình nào cũng rất vui vẻ, sức sống tràn trề. Gần đây khán giả thường quen với hình ảnh một MC Thanh Bạch rất nhiệt tình trong chương trình Nốt nhạc vui (HTV7), mỗi khi thí sinh đáp đúng có khi anh còn nhảy lên vui hơn cả họ. Điều gì đã giúp cho anh giữ được nét trẻ thơ ấy? Anh bộc bạch: "Khán giả mang đến cho tôi sự hồ hởi đầy cảm hứng, không khí sân khấu sống động làm vỡ òa những niềm vui. Tôi ngẫm ra rằng, sự đón nhận của khán giả thật là vô giá, muốn mua hay năn nỉ cũng không có được. Đấy không phải là hào quang mà là một sự khích lệ buộc người nghệ sĩ trăn trở phải làm thế nào tiếp tục đem đến nhiều niềm vui mới cho khán giả. Với tôi làm việc cũng là thư giãn, giải trí. Khi mệt quá thì khuya về nhà tôi thường đem màu, sơn ra vẽ. Tôi vẽ thoải mái, thả hồn một cách tự nhiên. Đó là cách giúp trí óc và tâm hồn tôi trở nên trong lành. Có lúc mải mê quá tôi sơn luôn cái cầu thang, ban công nhà mình lúc nào không hay. Nhiều khi quá đáng cũng bị bà xã nhắc nhở".
(Theo Thanh Niên)
Về đầu trang
Đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc lên xe hoa
Luôn vội vã, nồng nhiệt, sẵn sàng có mặt ở bất cứ đâu người ta cần mình và cả những nơi mình cảm thấy cần, lôi hết "ruột gan" để sống với nghề là tính cách của Nguyễn Thị Minh Ngọc. Chị có mặt "trên từng cây số", và mỗi nơi chị dừng chân đều để lại ít nhiều dấu ấn nghệ thuật.
- "Giữa hai bờ sương khói", một vở kịch được viết nhanh, dựng vội nhưng dư âm của nó lại lan rộng và lan xa sau khi gây hứng thú cho khán giả. Điều gì đã đem lại sự thành công này?
- Đúng là vở kịch này được gọi đi tham dự hội diễn một cách bất ngờ, gấp gáp song ý tưởng của vở về ranh giới mong manh giữa sương và khói lại là tính chất của cuộc đời tôi. Cả hai vật thể mong manh này không tồn tại cố định để người ta có thể phân chia rạch ròi mà nó luôn di động. Sau khi vở Giữa hai bờ sương khói ra mắt tại Hội diễn toàn quốc 2004, có khán giả đã lên sân khấu ôm diễn viên: "Cám ơn miền Nam". Tôi thật sự ấm áp về điều đó.
- Chị muốn nói điều gì ở vở cải lương "Sắc xuân gửi lại" khi giới thiệu một quân vương với ba người tình?
- Đây là vở viết nhằm giữ cho chương trình Thắp sáng niềm tin được thắp sáng liên tục, sau khi vở Cung đàn nào cho em được công diễn. Mười lăm gương mặt huy chương vàng Trần Hữu Trang khắp các tỉnh đã bỏ sô tụ về, chịu lĩnh lương rất thấp để được làm nghệ thuật đúng nghĩa. Nhân vật quân vương Cổ Trúc đã yêu cả ba người phụ nữ: Tuyết Mai, Hạ Lan, Thủy Cúc, nhưng vì không tìm thấy một tình yêu đúng nghĩa nên cuối cùng đã chết dưới tay người tình. Nếu chỉ có cái đẹp bề ngoài không thôi thì sẽ không thể hòa hợp với nhau. Trong việc hoàn thiện nhân cách để lãnh thêm những trọng trách lớn, bên cạnh cái tâm, cái trí, còn có cái dũng. Và cái dũng nếu quá lên một chút sẽ chuyển thành cái ác.
- Được gọi là người giữ lửa cho cải lương, chị có thể nói điều gì về ngọn lửa ấy?
- Cải lương được sinh ra từ tâm huyết của những người theo Tây học xưa kia, muốn có một môn nghệ thuật sân khấu cho riêng VN như Năm Châu, Lê Hoài Nở, Trần Hữu Trang, Bảy Nhiêu... Cải lương lúc ấy hưng thịnh vì nó đáp ứng đúng nhu cầu người xem. Thời đại ngày nay tràn ngập các phương tiện giải trí hiện đại, cải lương vẫn rề rà, không chuyển mình kịp theo đúng với đặc tính của nó là luôn sửa đổi cho đẹp hơn nên không đáp ứng được theo quy luật cung cầu. Tôi nghĩ nên đưa các điệu lý vào giảng dạy ở bậc tiểu học giúp cho trẻ em VN thấy có nhu cầu gần gũi với âm nhạc dân tộc. Đầu tư cho cải lương trước hết phải đầu tư cho khán giả cải lương. Điều này cần được Nhà nước bao cấp. Nếu thả nổi thì sẽ phải nhận lấy cái giá của sự thả nổi.
- Là một cô giáo với trên 20 năm giảng dạy (biên kịch, đạo diễn, kỹ thuật biểu diễn, MC...) ở nhiều nơi, chị nghĩ gì về các sinh viên của mình?
- Tôi trôi dạt vào nghề đi dạy bởi ngày xưa là một học sinh cá biệt, làm cho một số thày cô thú vị nhưng cũng không ít thày cô phiền lòng. Năm lớp 12, tôi viết một vở kịch mang tên Giữa đá và cỏ, đề cập đến sự hoài nghi về tư cách của người thày khiến tôi bị đề nghị đuổi học. Và thế là tôi quyết tâm làm cô giáo. Tôi thấy sinh viên VN ngày nay nhiều người quên sử dân tộc mà lỗi không phải do họ mà do phương pháp giảng dạy đã xóa đi cái nhìn khách quan về lịch sử. Ở các sinh viên nghệ thuật, nội lực sáng tạo nơi họ rất có tiềm năng song không được khơi dậy đúng mức. Đó là sự lãng phí lớn. Môi trường chung quanh đã làm lấp đi lý tưởng làm nghệ thuật cao đẹp của họ.
- Khoảng 10 năm trở lại đây, chị đã có rất nhiều chuyến đi nước ngoài để giới thiệu sân khấu VN. Điều gì khiến chị lo nghĩ nhất qua những chuyến đi này?
- Chuyến đi đầu tiên là vào năm 1993, tôi được mời tham dự Đại hội Phụ nữ viết kịch toàn thế giới ở Australia. Từ đó, tôi đã đi trên 10 nước: Anh, Pháp, Đức, Nauy, Thụy Điển, Tanzania, Philippines, Canada, Mỹ, Jordan... Tất cả đều đi theo lời mời và tôi đã giới thiệu với họ về sân khấu VN. Đi nhiều thì vất vả nhiều, nhất là gặp khó khăn về kinh tế nhưng cái khổ lớn nhất lại nằm ở... tinh thần. Bạn bè nói tôi sao đi nhiều vậy! Tôi nghĩ đi nhiều sẽ tích luỹ được nhiều kinh nghiệm, có lợi cho sân khấu nước nhà.
- Nhiều người tự hỏi chị lấy đâu ra sức lực để làm hết chừng ấy việc. Chị trả lời sao?
- Khuyết điểm của tôi là không biết nói không trước những lời yêu cầu. Đó là thái độ không tử tế với chính mình vì sức đâu mà chạy đường trường mãi được. Có người cho tôi là người đàn bà không có tuổi tác nhưng thật ra trong tôi đang ẩn chứa khá nhiều bệnh. Cơ quan nội tạng đều có vấn đề, thường ôm một đống thuốc bên mình mà luôn quên uống, nhờ ham việc mà lướt qua. Tôi ở chung với mẹ và không phải lo nuôi dưỡng ai nên không bị bức bách về kinh tế. Nhiều lúc cũng cảm thấy mệt mỏi, chán nản nhưng tôi nghĩ điều quan trọng là mình còn sống. Còn hơn những bạn bè đã "chết" trong cuộc sống nghệ thuật hoặc "chết" trong cuộc sống thật. Còn sống đã là điều may mắn.
- Trong dự tính của chị sắp tới, sẽ có một đám cưới. Thông tin này thực hư thế nào?
- Tôi đang cùng nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh viết một kịch bản về lịch sử cận đại, tạm gọi là vở Khói sông Gianh để tưởng nhớ hương hồn những người đã chết oan ở hai bờ sông Gianh. Tôi lăn lộn với nghề được đến giờ này là nhờ nghiệp tổ và cuộc sống trần thế luôn đem lại cho bản thân mình sự bất ổn, song tôi luôn thấy mình chưa làm được gì đối với những người đã chết oan. Muốn nói giùm họ cũng thật khó, bởi biết mình nói đúng hay sai! Mà nói để cho người sống chứ không phải người chết nghe.
Một dự định khác nữa là nếu không có gì thay đổi, vào ngày 7/1/2005 tôi sẽ lên xe hoa với một kỹ sư điện ở xa quê. Ba mươi năm rồi anh chưa một lần về VN và sắp tới sẽ có mặt ở quê nhà trước hôn lễ hai ngày. Hoa Hạ đã xung phong làm đạo diễn cho đám cưới của chúng tôi. Có người hỏi tôi có yêu không, tôi trả lời rằng nếu không thì một người chưa một lần được mặc áo cưới như tôi sẽ không phải phí thời giờ. Tôi đang rất hạnh phúc vì có được người đàn ông của riêng mình và vừa được khán giả ở một nơi xa xôi như Móng Cái nhận ra và chìa nón, chìa áo xin chữ ký trong chuyến đi du lịch vừa qua mặc dù mình chẳng phải là ngôi sao. Thái độ trân trọng đó là nguồn động viên rất lớn đối với tôi, bù đắp cho những tổn thương mà mình đã từng gặp phải, giúp tôi thêm tin vào cuộc sống này.
(Theo Người Lao Động)
Về đầu trang
Trưng bày 400.000 chậu hoa trong lễ hội "Sắc hoa Đà Lạt 2004"
Đà Lạt đã chuẩn bị khoảng 400.000 chậu hoa để trưng bày trong vườn hoa, trên 29 đường phố chính và các tháp hoa. Trong đó, 32.000 chậu hoa xếp thành "phố hoa" dọc đường Lê Đại Hành và khu Hòa Bình.
Công ty Quản lý công trình đô thị Đà Lạt đang thay thế 28 trụ đèn chiếu sáng quanh hồ Xuân Hương và trồng cỏ taluy trên các tuyến đường trong nội ô Đà Lạt với diện tích 18.000m2.
Lễ hội "Sắc hoa Đà Lạt năm 2004" sẽ diễn ra đến hết ngày 26/12/2004 với các chương trình lớn: trưng bày, giới thiệu tất cả các loài hoa hiện có ở Đà Lạt theo 10 chủ đề khác nhau, lễ hội ảnh nghệ thuật quanh hồ Xuân Hương và công viên Yersin, dạ hội hóa trang và sân chơi cho 100 cặp uyên ương mới cưới.
(Theo VOV)
Về đầu trang
|
Dịch giả Trịnh Lữ |
Dịch giả Trịnh Lữ "Một số bản dịch nên in song ngữ"
Với bản dịch cuốn Cuộc đời của Pi, dịch giả Trịnh Lữ vừa đoạt giải văn học dịch 2004 của Hội Nhà văn Hà Nội, cũng là đồng dịch giả và là người hiệu đính Tuyển tập 15 nhà thơ Mỹ thế kỷ XX vừa ra mắt. Sau đây là những suy nghĩ của ông về công việc dịch thuật.
* Tài "Việt hóa" nguyên bản - đó là lời khen của Ban chung khảo dành cho Cuộc đời của Pi và cũng là điểm vượt trội ở cuốn sách so với một đề cử nặng ký khác là Balzac và cô thợ may Trung Hoa. Thật khó tin rằng hơn 15 năm qua người dịch chủ yếu sống nơi đất khách!
Như một lẽ tự nhiên, trong gia đình tôi, tiếng Việt đã luôn là một cây cầu vui vẻ nối bốn thành viên trong nhà, một khi đã bỏ lại bên ngoài cánh cửa cái thế giới tiếng Anh mà trước đó, chúng tôi vừa nỗ lực hòa nhập. May mắn nữa cho tôi là thi thoảng còn có dịp đi về, và vẫn giữ được thói quen tìm đọc "sách nhà", "báo nhà".
* Một vài kinh nghiệm của anh trong việc chuyển dịch ngôn ngữ?
- Ngôn ngữ văn học luôn luôn theo sát lời ăn tiếng nói của đời sống. Ở các tác phẩm có giá trị, việc này được làm với một sự nhạy cảm đặc biệt. Cập nhật vốn từ mới ấy - do đó - là cả một thách thức với mỗi dịch giả, nhất là khi họ không có điều kiện tiếp xúc trực tiếp, thường xuyên.
Có những từ mà để hiểu được nó, người ta không chỉ cần kiến thức ngôn ngữ mà còn cần cả vốn sống về các hiện tượng xã hội mới, các thú chơi, các dịch vụ lạ, hay một trạng thái tâm lý mới ở từng đối tượng cụ thể. Cần thiết phải cập nhật và nhạy cảm với những "chuyện lạ" đó mới có thể tìm được từ tương ứng thích hợp.
* Việc Luật xuất bản (sửa đổi) mới đây ở Việt Nam chấp nhận cho phép các NXB được trùng lắp đầu sách - theo ông - là cần thiết?
- Ở Mỹ, một Truyện cổ Grim mà có tới hàng chục bản dịch tiếng Anh là một chuyện hết sức bình thường. Theo tôi, tốt nhất, hãy khuyến khích mọi nhiệt tình lao động. Còn nếu để giúp độc giả cũng như giúp đem lại sự công bằng cho các dịch giả nghiêm túc, trong một số trường hợp chúng ta nên cho in sách dịch ở dạng song ngữ để dư luận có thể dễ dàng đối chiếu.
* Ông quên là điều đó sẽ làm đội giá thành và làm đội số trang- điều sẽ gây ngại cho độc giả?
- Cái thiệt theo tôi chẳng đáng bao nhiêu so với cái lợi của nó: đó là sẽ giúp mở rộng thị trường (với các độc giả có nhu cầu đọc nguyên bản hay song ngữ) cũng như buộc các dịch giả phải làm việc có trách nhiệm hơn vì nếu như anh làm ẩu, ngay lập tức, nguyên bản chính là kẻ sẽ tố giác anh.
* Một người dịch giả trẻ ở Việt Nam mới đây đã nói rằng: hiện tại, có 100 cuốn sách đáng giá của thế giới mà nếu Việt Nam dịch được thì sẽ có thể giúp tạo ra những bước chuyển lớn trong nhận thức. Anh có tin và có thể góp sức?
- Có những tiếng nói nghiêm túc và tâm huyết nhưng tôi nghĩ có thể khó tránh khỏi những áp đặt chủ quan. Hiện tại, điều làm tôi tâm đắc là một số đại biểu xuất sắc của trào lưu văn học hậu hiện đại mà trong đó, điều đáng nói nhất ở họ là những cố gắng phá bỏ các hình thức truyền thống, các mối quan hệ cổ điển, một chiều giữa người kể chuyện- nhân vật và độc giả để trên hết là đề cao vai trò và vấn đề của người đọc.
Những tác giả tiêu biểu trong số đó nên được giới thiệu ở Việt Nam. Ngoài ra, còn có những cuốn bàn về tâm lý học sáng tác (nhiều cuốn trong số này có tầm ảnh hưởng rất lớn tới đời sống sáng tác ở phương Tây cũng như nhiều tên tuổi lớn trên thế giới) - mảng sách mà tôi cho là hết sức cần thiết với người đọc và người viết ở Việt Nam nhưng đang gần như bị bỏ trống.
* Những ấn tượng của anh khi đọc các loại "sách nhà"?
- Trong Cuộc đời của Pi , phần kể lại hành trình đi tìm tứ truyện, tác giả cuốn sách đã cho biết: trước khi gặp được nguyên mẫu tuyệt vời của Pi, anh đã từng chỉ nghe được những cái "nhỉnh hơn những mẩu giai thoại chút xíu" chứ chưa phải những "câu chuyện" theo đúng nghĩa văn chương của từ này. Hình như đó cũng là cảm giác của tôi đối với một số tác phẩm đã đọc được ở Việt Nam.
Có vẻ như tâm lý "ôn nghèo, kể khổ" vẫn còn quán xuyến cảm hứng của người viết. Ngôn từ của người viết hiện nay rất giỏi, lối viết cũng rất hay, làm nên những giai thoại có vẻ rất thú vị, nhưng hình như vẫn chưa ra một "câu chuyện".
Văn chương cần mang lại cho người đọc những vỡ nhẽ mới mẻ nào đó, con con thôi cũng được. Cuộc đời của Pi được bạn đọc Việt Nam hoan nghênh, có lẽ vì nó làm được điều đó. Thành công của cuốn sách Pi khiến tôi tin rằng chúng ta chỉ thiếu sách hay, chứ không phải thiếu văn hóa đọc như nhiều người vẫn phàn nàn.
* Nhiều cuốn tiểu thuyết của văn chương Trung Quốc hiện đại cũng "ôn nghèo kể khổ" thời Cách mạng văn hóa mà vẫn nổi đình đám đấy thôi!
- Quả vậy! Nhưng những văn tài ấy khi cần thiết đã biết thoát ra một cách khôn ngoan ngay trên chính cái hiện thực nặng nề kia để tìm đến những giá trị phổ quát hơn, từ đó đưa ra những bức thông điệp có thể đến được với tất cả mỗi con người ở mọi nền văn hóa khác nhau trên thế giới.
Chẳng hạn như trong Banzac và cô thợ may Trung Hoa, đó là thái độ đề cao giá trị của văn chương nghệ thuật (mà ở đây là ánh sáng văn hóa Pháp), của giao lưu văn hóa, trong việc giúp con người ta tự giải phóng trên phương diện nhận thức và phát hiện được mình. Hay tuyệt vời hơn như Linh Sơn, khi nó biết đi sâu vào khát vọng bản năng nhất của con người: đó là khát vọng đi tìm cội rễ sâu xa trong chính mình tức cũng là đi tìm "ngọn núi thiêng" trong cái đời sống vốn quá đỗi mênh mông mà cũng quá nhỏ hẹp này.
(Theo Thể thao và Văn hóa)
Về đầu trang