1.Biểu tượng của TP.HCM: Hoa sen, chợ Bến Thành, bến Nhà Rồng?
2.Ai là bạn diễn hài ăn ý nhất của Vân Dung?
3.NSND Trịnh Thịnh: Con người bẩm sinh là một nghệ sĩ
4.Trần Tiến: ''Đã cạn hứng phiêu bạt giang hồ, túi rượu vần thơ''
5.Chuyện bên lề cuộc thi Hoa hậu VN 2004
Biểu tượng của TP. HCM: Hoa sen, chợ Bến Thành, bến Nhà Rồng?
Chọn tác phẩm đẹp nhất, tiêu biểu nhất trong số 40 tác phẩm vào chung kết cuộc thi sáng tác biểu tượng TP.HCM đã là một công việc rất khó. Chọn một trong số 40 tác phẩm đó làm biểu tượng cho thành phố lại càng khó bội phần...
Thiếu sáng tạo
Trong 40 tác phẩm vào chung kết cuộc thi, 27 tác phẩm có hình hoa sen, trên 15 tác phẩm có hình ảnh chợ Bến Thành, 9 tác phẩm có hình ảnh bến Nhà Rồng. Điều đó cho thấy ý tưởng của tác giả có sự lặp lại, thiếu hẳn những tác phẩm có sự sáng tạo hay đột phá. Ví dụ như hình ảnh hoa sen: nào là hoa sen xòe cánh, cánh sen nở tạo thành vòm ôm ấp bến Nhà Rồng, có hoa sen vẽ theo họa tiết dân gian trông rất... sân khấu, lại có hoa sen vẽ theo kiểu biểu tượng của Việt Nam Airlines - tác phẩm của một họa sĩ Nhật Bản ! Thậm chí một tác phẩm có cả ba hình ảnh là bến Nhà Rồng, trụ sở UBND TP, chợ Bến Thành cũng không quên nở một hoa sen nho nhỏ bên dưới... Sự lặp lại quá nhiều hình ảnh này làm người ta có cảm giác như TP.HCM là "thành phố của hoa sen" vậy. Trong khi đó, ở lĩnh vực văn học nghệ thuật, nhắc đến hoa sen có lẽ người ta nghĩ đến vùng... Đồng Tháp Mười nhiều hơn !
Những biểu tượng có hình ảnh bến Nhà Rồng cũng không có gì mới mẻ, bởi người dân thành phố đã quá quen với hình ảnh bến Nhà Rồng nằm giữa đài sen có ngôi sao năm cánh trong dịp kỷ niệm thành phố 300 năm rồi. Còn hình ảnh chợ Bến Thành cũng được cách điệu rất nhiều, thành ra có cái "chợ Bến Thành" nhìn giống tháp canh, có cái nhìn như cổng tam quan, có cái "cách điệu" luôn thành hình khối trông như biểu tượng... Khuê Văn Các của thành phố Hà Nội. Rồi những hình ảnh quá cũ như chim hạc, chim lạc, những bàn tay đan xen vào nhau vẫn có dịp "gặp lại" trong 40 tác phẩm vào chung kết này.
Đâu rồi một thành phố năng động?
Thật ra những hình ảnh như bến Nhà Rồng, chợ Bến Thành hay UBND TP từ lâu đã gần như thành biểu tượng của TP.HCM, nên việc khai thác các hình ảnh này trong việc sáng tác biểu tượng là đương nhiên và khó tránh khỏi. Trả lời phỏng vấn trên báo trước cuộc thi, các nhà văn, học giả, kiến trúc sư, nhà văn hóa cũng có ý kiến nghiêng về các biểu tượng này. Nhưng hạn chế của những tác phẩm vào chung kết là quá gần nhau về hình ảnh khai thác mà thiếu những tác phẩm độc đáo, nổi trội, thành ra thiếu sức thuyết phục. Ngay cả những ý kiến của người xem trong sổ góp ý cũng rất khác biệt, mỗi người thích một tác phẩm, kiểu chín người mười ý, nhưng không có tác phẩm nào thực sự chinh phục được đa số người xem. Hơn nữa, vì quá chú trọng đến những hình ảnh truyền thống nên các tác phẩm dự thi thiếu hẳn những màu sắc, hình ảnh về một TP.HCM năng động, đầy sức sống. Có rất nhiều bạn trẻ - những công dân tương lai đã, đang và sẽ lao động, đóng góp sức mình vào sự phát triển của thành phố đến xem triển lãm đã bày tỏ điều đó. Họ thật sự muốn nhìn thấy nét trẻ trong biểu tượng thành phố hôm nay...
Ý kiến người xem
"Là một công dân thành phố lúc đầu tôi rất kỳ vọng vào cuộc thi, nhưng kết quả lại khiến tôi rất thất vọng. 40 tác phẩm vào chung kết thì quá nửa giống logo thương hiệu hoặc bích chương nào đó, số còn lại thì lại giống... huy hiệu Đoàn, Đội. Điều đó cho thấy người dự thi chưa nắm rõ khái niệm về thể loại biểu tượng. Trình độ các thí sinh quá yếu và việc lựa chọn của hội đồng tôi thấy cũng có phần dễ dãi. Có lẽ sau cuộc thi này, chúng ta phải mở những hội nghị hoặc hội thảo phổ biến và rút kinh nghiệm để những kỳ thi sau đạt kết quả tốt hơn" - Điêu khắc gia Lâm Quang Nới.
"Tôi thấy các tác phẩm đều nói được đây là TP.HCM. Tuy nhiên một số tác phẩm còn mang tính chung chung, đơn giản và chưa độc đáo lắm. Sự sáng tạo chỉ có ở một vài biểu tượng. Nói chung chưa có tác phẩm nào thật sự gây cho tôi cảm giác bị cuốn hút" - Phạm Mai Anh, sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng.
"Những biểu tượng có hình ảnh bến Nhà Rồng, chợ Bến Thành này nếu chọn làm logo cho bến Nhà Rồng hay chợ Bến Thành sẽ đầy đủ ý nghĩa, nhưng lại không có gì phân biệt được đây là biểu tượng riêng của thành phố... Bởi vì các tác phẩm này đơn giản đến mức khó hiểu (!). Hơn nữa, trong nội dung phổ biến cuộc thi chúng tôi thấy biểu tượng sẽ thể hiện một thành phố trẻ trung, năng động, phù hợp cho sự phát triển thành phố nhiều năm sau nữa. Nhưng xem triển lãm này chúng tôi không thấy được điều đó..." - Nhóm sinh viên khoa Đồ họa Trường Cao đẳng VHNT TP.HCM.
(Theo Thanh Niên)
Về đầu trang
Ai là bạn diễn hài ăn ý nhất của Vân Dung?
Khán giả của "Gặp nhau cuối tuần" đã từng quen biết với một Vân Dung rất ... đanh đá qua các tiểu phẩm hài. Còn ngoài đời, chị là người như thế nào? Ai là bạn diễn ăn ý nhất của Vân Dung?...
- Một diễn viên lúc nào cũng nói bằng chất giọng "điêu điêu", đanh đá thì sẽ được khán giả tặng gì?
- Nhiều loại lắm, mình chẳng nhớ nổi nhưng đại khái không giống các diễn viên khác. Họ thường được nhận hoa trên sân khấu, còn Vân Dung thì nhận toàn những thứ có thể ăn được (vì chắc khán giả nghĩ mình là người ăn nhiều). Có lần đi diễn ở Mộc Châu, đang đi quảng cáo cho chương trình, một chị chặn xe lại để tặng bằng được 2 quả xoài. Mình cũng là người chịu khó ăn uống nhưng chẳng thấy lên cân chút nào.
- Bạn diễn hài ăn ý nhất của chị là ai?
- Mình cũng "cặp" với nhiều người nhưng có lẽ hợp nhất là Quang Thắng. Bọn mình không chỉ hiểu nhau trong công việc mà trong cuộc sống cũng khá hợp nhau. Quang Thắng là một diễn viên thông minh, khi ra sàn diễn, bọn mình thường là kẻ tung, người hứng, đón được ý của nhau. Ngoài đời, tuy có lúc tranh luận gay gắt về một vấn đề nào đó nhưng hai người biết cách nhường nhịn nhau. Ai sai thì nhận, không cố chấp bảo thủ.
- Đã gây dấu ấn với hình ảnh một cô nàng chanh chua lắm lời, đã khi nào chị muốn thay đổi điều này?
- Chẳng phải trên sân khấu, quả thực ở ngoài đời, nếu chỉ nghe giọng của mình thì ai cũng nghĩ Vân Dung đích thực là người như vậy. Nhưng thực ra đó là thói quen và là giọng nói tự nhiên của mình đấy (chứ không phải mình gò ép để ra kết quả đó đâu). Nếu có đanh đá, chanh chua thì cũng chỉ để cho vui mà thôi. Mình cũng muốn thay đổi hình ảnh quen thuộc này, nhưng tìm một dạng vai khác không dễ... Có vai hài nào ít nói đâu, mà các đạo diễn lại quen với gu của mình quá rồi nên gặp vai nào hợp là lại gọi Vân Dung.
- Chị từng xác định mình chỉ đóng bi kịch, nay lại trở thành diễn viên hài kịch - liệu chị có đeo đuổi con đường này lâu dài không?
- Ngày xưa khi còn đi học, mình mơ ước sau này khi ra trường, gặp mình khán giả sẽ bảo: "Ô, trông quen quen!", thêm một lúc nữa là nhớ đến tên mình. Hiện giờ mình không những được nhớ mà đã trở thành người quen thuộc với khán giả. Mơ ước của mình đã trở thành hiện thực. Ông trời phú cho mỗi người một thứ được cái nọ thì mất cái kia. Mình đã được trời phú cho cái gì thì phát huy cái đó, có gu diễn hài thì tốt hơn nên phát triển theo hướng này.
- Nhưng chẳng lẽ chị cứ để xảy ra tình trạng vợ Bắc - chồng Nam mãi?
- Mọi người vẫn thắc mắc tại sao hai vợ chồng mình lại có thể xa nhau được như vậy, nhưng mọi thứ đều có thể trở thành quen. Những khi con ốm mới thấy cần chồng ở bên như thế nào. Lúc bận quá mình lại đưa con vào với bố và bà nội một thời gian. Thực ra mình chưa khi nào tính ở hẳn trong Nam. Chỉ vào đó một thời gian khi sinh con do thời tiết phù hợp với em bé hơn, phần nữa bà vợ nào lúc vượt cạn cũng muốn gần chồng để nhận được sự chia sẻ, động viên. Công việc chính của mình vẫn ở Hà Nội, nên khi em bé cứng cáp, mình đưa con ra ngoài này. Vợ chồng mình đành bảo nhau cố gắng kiếm được thật nhiều tiền để có thể mua vé máy bay ra vào thăm nhau. Chỉ có hãng hàng không là được lợi thôi.
- Là người luôn chọc cười khán giả trên sân khấu, chị hãy kể một lần gây cười ngoài đời?
- Lần đó đi diễn ở Nghệ An, Hà Tĩnh - mình đang diễn xung quá, vừa nói thoại, vừa lùi phía sau một cách thoải mái. Đến lúc bạn diễn ngoảnh sang nhìn thì chẳng thấy Vân Dung đâu. Dù nguyên tắc là không được cười trên sân khấu nhưng khán giả và diễn viên hôm ấy đều cười ngả nghiêng vì chỉ thấy...hai cẳng chân Vân Dung như hai que treo đeo dép cao su là giơ lên thôi, đầu và tay lúc đó thì cắm xuống đất. Hôm đó cả đoàn được cười nhưng... lại bị trừ tiền thù lao.
(Theo VTV)
Về đầu trang
|
NSND Trịnh THịnh | NSND Trịnh Thịnh: Con người bẩm sinh là một nghệ sĩ
"Tôi xuất hiện không phải để... hài, mà để gửi gắm tâm trạng bi hài của tôi, của một cõi người đến những cõi người...", nghệ sỹ nhân dân Trịnh Thịnh tâm sự.
Trong nhiều buổi gặp gỡ, người ta vẫn giới thiệu Nghệ sĩ Nhân dân Trịnh Thịnh là một diễn viên hài. Không đúng. Trịnh Thịnh xuất hiện lần đầu tiên trên sân khấu kịch Hà Nội năm 1995, với vai chính "Thầy Tú" trong vở kịch Topaze (được dịch là Thầy Tú) của văn hào Pháp Marcel Pagnol (1895-1974). Các diễn viên có "máu mặt" của đoàn kịch nói TW đến xem vở Thầy Tú hôm đó đều lấy làm bất ngờ trước sự thành công của Trịnh Thịnh trong một vai bi hài rất khó diễn xuất (đã được các nghệ sỹ gạo cội của Pháp thể hiện cả trên sân khấu và màn ảnh, có trình chiếu ở Hà Nội trước năm 1945).
Người xem phim Việt Nam trong những năm 90 hẳn cũng không quên thành công của Trịnh Thịnh trong vai "bi kịch" lão thuyền chài, có tâm trạng u uất trong bộ phim Lời nguyền của dòng sông (thực hiện năm 1993). Đó là một bộ phim vào loại hay nhất của phim truyền hìnhViệt Nam thập kỉ 90, trong đó có đóng góp lớn của Trịnh Thịnh.
Làm nên những tiếng cười đằng sau là nước mắt, làm nên những giọt nước mắt mà trước đó người ta đã phải cười ra nó! Làm nên tài năng đa dạng của một diễn viên điện ảnh như Trịnh Thịnh, phải chăng là "bộ mặt" nửa bi nửa hài "trời cho"?! Hoàn toàn không phải. Không ai có thể trở thành "Nghệ sỹ Nhân dân" chỉ nhờ diện mạo bên ngoài. Trịnh Thịnh có vốn sống rất phong phú, mà có lẽ, còn ít người biết để hiểu được vì sao ông đã thành công trong nhiều vai diễn có số phận hoàn toàn trái ngược: hạnh phúc lẫn khổ đau, bi thương và sung sướng...
Trước ngày Hà Nội giải phóng 10/10/1954, Trịnh Thịnh là một công chức. Ông làm thư kí cho Ngân hàng Đông Dương. Chàng thanh niên Trịnh Thịnh còn là cây vợt tennis có hạng ở Hà Nội lúc đó, từng "hạ gục" cả Tây đen lẫn Tây trắng trong những trận đấu "nảy lửa" trước sự ngưỡng mộ của giới thương lưu đất Hà Thành... Rồi Hà Nội giải phóng, Ngân hàng Đông Dương ngưng hoạt động, người ta thấy Trịnh Thịnh đẩy xe nước mía trên đường phố Hà Nội. Cánh tay từng đập những cú bóng móc hiểm trên sân tennis xưa nay càng dẻo dai quay... nước mía! Rồi một hôm, một lão kịch sỹ có tiếng ở Hà Nội đã "phát hiện" ra anh và đưa anh thẳng lên sân khấu với vai chính một vở kịch lừng danh, vở Topaze! Rời sàn diễn, anh lại quay nước mía. Có thời Trịnh Thịnh còn cầm cày theo trâu, sống cùng bà con lam lũ quê nhà. Chính cái chất "dấn thân" đó, hoà quyện với chất "nghệ sỹ bẩm sinh" trong con người ông đã cùng toả sáng nên một tài năng.
Trịnh Thịnh đã trải qua nhiều những buồn - vui - sướng - khổ nên ông đã "sắm" được nhiều vai vô cùng sinh động: khi là một ông Củng trong phim Vợ chồng anh Lực, khi là một lão thuyền chài cả đời u uất trong Lời nguyền của dòng sông, khi là một chủ tịch huyện có "máu AQ" trong Thị trấn yên tĩnh, khi còn là... ông chú của... Thằng Bờm.
Trịnh Thịnh còn là một nghệ sỹ lồng tiếng rất "bắt khách"! Năm 1956, ông thử lồng tiếng cho một phim của Liên Xô... Rồi nghề lồng tiếng đã đưa ông đi nhiều quốc gia: Đức, Pháp, Nga... Ở đâu, ông cũng làm việc hết sức nghiêm túc và hiệu quả nên chiếm được sự tin yêu của ban bè quốc tế. Có lần đi lồng tiếng ở CHDC Đức về, ông kể: Lịch làm việc được các bạn đưa ngay khi xuống máy bay. Cứ thế là cắm đầu vào làm việc cho đến giờ ra sân bay về nước. Thù lao được các bạn trả bằng một chiếc xe đạp "đi-a-măng" đã đóng hòm chở cùng người ra sân bay... Người ta "bóc lột" mình đến từng phút. Nhưng ngẫm nghĩ, lại thấy phục người ta trong cách làm việc khoa học, hiệu quả... không xã giao ăn nhậu như mình.
Trịnh Thịnh nghỉ hưu từ năm 1989. Nhưng một nghệ sỹ tài năng như ông làm gì có chuyện "hưu". Từ TP.HCM xa xôi, nghe tin ông mới đi mổ về về bình an vô sự, sức khoẻ có khá hơn... Chúc mừng ông!
(Theo TCTH)
Về đầu trang
Trần Tiến: “Đã cạn hứng phiêu bạt giang hồ, túi rượu vần thơ”
"Tôi thấy mình chẳng là cái đinh gì nhưng cũng là Đinh Hợi (tuổi Thiên Bồng Nguyên Soái). Tôi thích rong chơi, uống bia, ngắm người đẹp nhưng cũng biết vất vả theo hầu sư phụ âm nhạc và tìm cơ may về Tây trúc thỉnh kinh tầm đạo", đó là lời tự thuật của nhạc sĩ Trần Tiến.
- Anh nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng Trần Tiến là gã đàn ông "bụi" nhất trong làng nhạc VN, vừa rực lửa nam tính, vừa rụt rè, ngượng ngập một cách thơ dại?
- Tôi vẫn thường xuyên phải đóng kịch và diễn trước đám đông. Cuộc đời là một sân khấu
Nhạc sĩ Trần Tiến lớn mà mỗi người phải sắm một vai thích hợp để vở diễn trăm năm được thành công suôn sẻ. Có khác chăng là không có khán giả và tất nhiên không có cát-xê mà thôi. Loài vật, cây cỏ đều diễn rất giỏi, nhìn xem, con gà mái diễn vở e lệ nhưng vẫn chạy vừa đủ để cậu gà trống bắt được. Nhìn xem, bông hoa giả vờ dịu dàng mà ăn thịt mấy chú bọ cực nhanh. Anh kia đi motor đen, đeo kính đen nhưng diễn vở đàn ông rất vụng về. Chỉ có kẻ diễn nhầm vai hoặc vụng quá mà thôi. Diễn để tồn tại, sống và yêu nhau. Tại sao không?
- Gã hát rong rồi cũng có lúc buồn và gần đây trên mặt anh cũng phảng phất nỗi buồn rồi, phải chăng anh đã dừng bước giang hồ?
- Giang hồ là cái thú của bất kỳ đứa trẻ trai nào mạnh mẽ thèm khát cái mình chưa biết. Đã biết rồi thì lại thích trở về ngôi nhà ấm êm, ngồi xuống bậc thang gỗ sạch sẽ, được lau chùi bóng lên bởi bàn tay ân cần của người phụ nữ dịu dàng. Cũng có kẻ không ở lâu lại và muốn cất bước, đó là cái kiếp nhiều hơn cái thú. Tôi viết nhạc để sống nên đành chịu kiếp nhặt nhạnh điều gì đó dưới cát bụi chân ai. Thực ra, hình như đã cạn hứng phiêu bạt giang hồ, túi rượu vần thơ.
- Từng trải qua thời kỳ bị bệnh nặng, ẩn cư tầm sư học đạo trời đất, anh chiêm nghiệm điều gì trong giai đoạn đó?
- Khỏe như Trương Phi có lúc còn phải ngã bệnh và hét lên: "Trời đã sinh ra ta thì chỉ cho ta chết, cớ sao còn hành hạ ta bằng tật bệnh?", chàng đã không còn nhấc nổi thanh đao của mình. Hình như lúc đó chàng sáng tác vài ca khúc về đạo... điếc gì đó. Tôi cũng giống như chàng Trương thôi. Lúc yếu đuối, viết cả mấy chục bài triết lý vật chất, như một con chim già lắm mồm. Bây giờ, tôi đã vứt cả rồi. Tôi đã khỏe lại và thích làm trẻ con hơn mấy thứ chiêm nghiệm vớ vẩn, bệnh tật và ra vẻ dạy đời ấy. Tôi thích viết nhạc hip hop cho con tôi nhảy chơi với bạn bè nó.
- Rất nhiều người hâm mộ Trần Tiến, anh rung động trước tầng lớp công chúng nào?
- Bố mẹ cho tôi một thằng người chẳng giống ai và chẳng giống mình. Đó là cái phúc lớn của dòng họ. Tôi lại còn nổi tiếng, được từ "quan" đến "dân" đều thương. Làm sao tôi lại phân biệt các loại công chúng để mà rung động. Tôi cố tìm cho được những bài hát ca ngợi sự tốt bụng của con người để hát. Tôi tin rằng cuộc đời sẽ trả lại cho tôi lòng tốt vốn có trong mỗi con người, dù là thứ dân, quan lớn lẫn kẻ giết người. Một lần ngồi uống bia với bạn, tôi muốn khóc. Chuyện là sau khi nghe cô bé mù hát dạo một bài não tình, tôi rụt rè hỏi: "Cháu có thể hát một bài của Trần Tiến không?". Cô bé lập tức hát 4 bài kiểu như Sắc màu. Nếu tôi có 1 tỷ đồng, cũng không ngần ngại tặng cháu, vì biết rằng mình chưa mất tích.
(Theo TTNN)
Về đầu trang
Chuyện bên lề cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2004
Công chúng đã được thỏa thuê nghe, chiêm ngưỡng những sắc đẹp được tôn vinh trong cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2004 hoành tráng, rực rỡ và sôi động. Giờ đây, chúng tôi tiếp tục cung cấp những những chuyện bên lề rất thú vị khác.
VIP váy ngắn... ngồi bệt Còn 5 phút nữa đến 20 giờ - giờ lên sóng truyền hình trực tiếp, vậy mà khu ghế mời VIP lại là khu đang nhốn nháo nhất. Không thiếu những VIP ngày thường "hét ra lửa" vậy mà giờ một chiếc ghế cũng không có để ngồi. Đơn giản, chỉ vì đinh ninh mình có vé VIP, được đánh số ghế đàng hoàng, lại đến đúng giờ thì ai tranh ghế của mình được. Thế nhưng...
Đi "khiếu nại", các VIP thấy bộ mặt của Ban tổ chức "vô cùng đau khổ" với lời giải thích: Vé VIP thì ai dám phát dư hơn số ghế, nhưng đột nhiên có những VIP đến giờ chót xuất hiện với một bầu đoàn thê tử tháp tùng (gia đình, họ hàng, mẹ, vợ, con cái...). Nhiều VIP như vậy, Ban tổ chức xoay không kịp.
Nghe thế, các VIP bị mất chỗ cũng thông cảm với BTC. Ví như "diva số 1 Việt Nam", ca sĩ Thanh Lam, dù mặc váy ngắn rất đẹp cũng không ngần ngại ngồi bệt ra bậc lên xuống để ngắm các nàng tiên mà chẳng mảy may một lời than vãn gì cả.
Sự cố không bị phát hiện Khán giả truyền hình không biết gì về sự cố này do màn hình luôn được lấp đầy bởi hình ảnh phóng sự về thí sinh, quảng cáo,... Đêm chung kết qua rồi, khán giả ngồi ở Cung trình diễn vũ điệu nhạc nước mới có dịp thắc mắc vì sao phần đầu chương trình có lúc sân khấu như "chết lặng" hàng mấy phút. Té ra: Theo kịch bản, lúc ấy "chuyên đề" nhạc nước sẽ nổi lên đầy ấn tượng, "đã con mắt" những ai chưa biết đặc sản này của Tuần Châu, nhưng bộ đàm của ông Tổng đạo diễn Lại Văn Sâm đột nhiên hết pin, thế là gào khản cổ mà người phụ trách "bật nước" vẫn không nghe gì. Khán giả được phen ngơ ngác, Ban tổ chức thì điên đầu, còn ông "Chúa đảo" Đào Hồng Tuyển vò đầu bứt tai.
Hiếm hoi những mơ ước giản dị Trong 21 người đẹp vào chung kết, có đến gần một nửa mơ ước trở thành "một doanh nhân thành đạt". Một doanh nhân nam, còn rất trẻ, ngồi ở dưới lại than thở: "Giời ạ, các người đẹp bây giờ thích làm doanh nhân quá! Hay vì Nhà nước mới dành riêng một ngày tôn vinh các nhà doanh nghiệp. Cả buổi tôi chỉ căng tai mong nghe được một mong muốn giản dị là: "Mơ ước được trở thành một điểm tựa trụ cột về tình cảm, tinh thần trong gia đình mình; được trở thành một người vợ hiền, một người mẹ giỏi giang nuôi dạy những đứa trẻ nên người. Vậy mà chờ hoài cũng không thấy".
Mong những số đo chuẩn hơn Những số đo chuẩn như của Trịnh Chân Trân, Nguyễn Thị Huyền không nhiều. Hình thể các "nàng tiên" Việt Nam vẫn còn phải được cải thiện nhiều, điều đó chắc chắn nằm trong chiến lược chung về cải thiện hình thể của người Việt. Chỉ mong sao trong những cuộc thi hoa hậu sau này, người dẫn không còn phải xướng lên những số đo vòng 1 chỉ là 77, 78..., tức là < 80 cm; những số đo vòng 2 > 62 cm; và vòng 3 < 90 cm.
Á hậu "đắt sô" hơn hoa hậu! Ngoài việc tổng số tiền giải thưởng của Á hậu 1 lại cao hơn giải thưởng hoa hậu, người đẹp có bằng thạc sĩ Chân Trân còn giỏi cả 3 ngoại ngữ (Anh, Nhật, Trung Quốc), đã nhận được những lời mời "khá đắt": làm PR cho Công ty Âu Lạc tại Sài Gòn hay một vị trí làm việc hấp dẫn trong Hàng không Việt Nam... Thế mới biết đẹp người mà lại còn giỏi giang thì thật đáng trọng.
Với tân Hoa hậu Nguyễn Thị Huyền, hiện cũng chưa có lời mời nào cho công việc tương lai cả, có lẽ mọi người cũng nghĩ việc quan trọng nhất với hoa hậu bây giờ là học hết đại học đã.
(Theo TN)
Về đầu trang |