(VietNamNet) - Các tác giả đã đi từ Bắc vào Nam với quãng đường dài tổng cộng khoảng 10.000 km để thực hiện cuốn sách quy mô về những nhà thờ Công giáo ở Việt Nam.
|
Nhà thờ Hòn Gai bên bờ vịnh Hạ Long. |
Cuốn sách Nhà thờ Công giáo ở Việt Nam kiến trúc - lịch sử, vừa được Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM cho ra mắt độc giả. Người ta có thể đã quá quen thuộc với hình ảnh nhà thờ Đức Bà ở trung tâm TP.HCM nhưng ít ai biết nó đã được nâng lên hàng Vương cung thánh đường - một tước hiệu do Tòa thánh Vatican ban cho một số nhà thờ ngoài lãnh thổ Roma - cũng như những thông tin độc đáo về nó. Ai cũng biết, tỉnh Đồng Nai với giáo phận Xuân Lộc lớn nhất nước là nơi tập trung rất nhiều nhà thờ lớn nhỏ, nhưng không thể biết hết những điều độc đáo trong các nhà thờ ở đây...
Cuốn sách nặng ký cả về nghĩa bóng lẫn nghĩa đen này (giá bìa 340.000 đồng) tập hợp khoảng 200 nhà thờ trên khắp cả nước. Như thế đã là nhiều, nhưng các tác giả cho biết con số này vẫn chưa thấm đâu so với trên 2.000 nhà thờ giáo xứ mà họ không có điều kiện đặt chân đến. Nếu tính tất cả các cơ sở thờ tự gồm nhà nguyện, nhà thờ các họ nhánh, các khu, xóm đạo... thì lên đến con số hơn 6.000.
GS.TS Đỗ Quang Hưng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo: Người ta không khỏi ngạc nhiên trước sự xuất hiện gần như cùng thời của những ngôi nhà thờ có phong cách hoàn toàn Á Đông, bên cạnh những ngôi nhà thờ theo kiến trúc Roman, Gothique, hay Baroque của phương Tây này. Trong số đó, có nhà thờ đã trở thành một tuyệt tác kiến trúc như nhà thờ Phát Diệm được nhìn nhận là di sản văn hóa quốc gia... Thiết tưởng đây cũng là một sự kiện cần được nghiên cứu, nhất là khi hội nhập văn hóa đang là vấn đề được công giáo quan tâm nhiều hiện nay. |
"Những nhà thờ có mặt trong sách là những nơi mà nhóm chúng tôi tới được, ghi chép, chụp ảnh, còn những nơi khác thì ngoài khả năng. Có những lúc chúng tôi chạy đua với ánh mặt trời để có những bức ảnh đẹp, có nhà thờ đã nhìn thấy tháp chuông nhưng cứ loay hoay không tìm thấy được lối vào...", tác giả Nguyễn Nghị kể lại hành trình dài 10.000 cây số của nhóm tác giả để hình thành nên cuốn sách này.
Cũng chính vì sự bất lực của sức người trước sự phân bố rộng rãi của hơn 6.000 cơ sở thờ tự Công giáo trên khắp đất nước, nên cuốn sách không phải là một tập hợp sắp xếp có khoa học danh mục các nhà thờ. Có những nhà thờ đồ sộ, nguy nga, nhưng cũng có những nhà thờ nhỏ bé, lặng lẽ. Có nơi đang được xây dựng mới và có cái đã trở thành phế tích như nhà thờ Phủ Lý (Hà Nam), La Vang (Quảng Trị). Tất cả đi vào sách không tuân theo những tiêu chí kiến trúc, niên đại, địa phương...
|
Nhà thờ Langbian thật đơn sơ. |
Thế nhưng, nhờ vậy người ta mới có thể biết có sự hiện diện của một ngôi nhà thờ bé nhỏ bình dị trên cao nguyên Langbian mà theo các tác giả là "chúng tôi thật ngỡ ngàng trước mái tôn rỉ sét của nó". Hay những hình ảnh cuối cùng của nhà thờ Tân Triều (Đồng Nai) 130 năm tuổi của họ đạo cùng tên, một trong những họ đạo lâu đời nhất tại miền Nam, trước khi nó được phá bỏ để xây mới.
"Trong quá trình đi thực địa, chúng tôi đã gặp rất nhiều điều thú vị, những sự giúp đỡ tận tình và cả những nghi ngại", cũng ông Nguyễn Nghị cho biết. Những điều thú vị từ hiện tượng lún dần của nhà thờ Kẻ Sở ở Hà Nam do được xây dựng trên một cái đầm, hay có địa thế đẹp như nhà thờ Hòn Gai trên núi Đạo nhìn ra vịnh Hạ Long, đến việc kỳ công mở đóng hàng chục cánh cửa nhỏ lớn tại mỗi nhà thờ để quan sát, ghi chép, chụp ảnh...
Và có một điều, dù theo phong cách kiến trúc nào, Gothique, Roman hay Baroque, các nhà thờ trong cuốn sách này đều có dấu ấn của kiến trúc, văn hóa Việt Nam mà những người chủ trì xây dựng đã khéo léo đưa vào. Nét đẹp tinh thần của nhà thờ Công giáo, do đó, đã trở nên trường tồn với đời sống.
|