Đi "săn" đèn dầu cổ
15:58' 13/08/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Năm ngoái, trong chuyến "săn tìm đèn dầu" ở Hải Hậu (Nam Định) khi vào một nhà thờ anh Tiến bắt gặp rất nhiều đèn dầu được làm hoàn toàn từ đá xanh treo trên trần nhà. Chân đèn, thân đèn, bầu dầu đều được làm từ đá và chạm khắc rất tỉ mẩn. Nhưng hỏi mua thì họ không bán vì là đồ lễ trong nhà thờ. Ngay tháng trước ( 7/2004), trong chuyến về Sơn Tây (Hà Tây) anh Tiến đã bắt gặp một chiếc đèn dầu cổ rất đẹp: Đế đèn và chân đèn có hoa văn  rồng ẩn trong mây. Hỏi ra mới biết, đây là chiếc đèn gia bảo do một ông quan trong nhà đặt làm tận bên Pháp và đã có tuổi thọ hơn trăm năm.     

Chiếc đèn Hoa Kỳ và mối quan hệ thương mại Việt - Mỹ

Đèn dầu bầu thuỷ tinh, thông phong lớn

Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, khi hãng dầu “Con sò”  khởi sự mang dầu hỏa sang bán ở Việt Nam.Dân ta quen dùng đèn dầu lạc, bạch lạp... nên hãng "Con sò" không bán được dầu hoả. Những người bán dầu hoả đâu chịu bó tay, họ đã nghĩ ra một "chiêu"  rất hiệu quả mà bây giờ chúng ta gọi là tiếp thị, marketing: cho đèn ( cái phao đựng dầu) để bán dầu. Hãng "Con sò" bán được dầu hoả, dân ta có được cái đèn tiện lợi để thắp sáng. Cái phao đèn ấy dân ta vẫn gọi là đèn Hoa Kỳ (chế tạo tạo Mỹ) và nó là bằng chứng cho sự khởi đầu quan hệ thương mại công bằng, sòng phẳng theo lối tư bản. Hồi đó dân ta không kiện Mỹ bán phá giá...dầu vì thấy dùng đèn dầu hoả vừa rẻ vừa tiện lợi chứ đâu như bây giờ Mỹ kiện ta bán phá giá cá basa, tôm càng xanh!  Lâu dần thành quen, cái đèn dầu Hoa Kỳ soán chỗ  những đĩa đèn dầu lạc, những ngọn bạch lạp truyền thống. Quen đến độ, hầu như gia đình nào cũng có vài chiếc đèn dầu hỏa trong nhà, dưới bếp.  Mặc dù chiếc bật lửa ga của nền công nghiệp hiện đại đã tràn khắp hang cùng ngõ hẻm nhưng ngay tại quán nước chè đêm ở đường Ngọc Hà đối diện với bảo tàng Hồ Chí Minh, những người ưa hoài cổ vẫn được hưởng cái tuyệt thú châm đóm lấy lửa từ chiếc đèn dầu Hoa Kỳ để mồi một điều thuốc lá thơm.

Chiêm nghiệm cùng chiếc đèn dầu

Đèn dầu bầu bằng đồng và thuỷ tinh

Chiếc đèn dầu là ánh sáng nối dài về những cái đèn làm bằng đom đóm để trong vỏ trứng, về những ngọn đuốc bằng tre ngâm được chẻ dày, phơi nỏ, về những cây đình liệu thắp trước điện đình cho các quan vào triều buổi sớm, về những đĩa đèn dầu lạc le lói hàng triệu đêm tăm tối ngày xưa. Nó là ánh sang nối về quá khứ của người Việt và là biểu tượng gắn bó mật thiết với đời sống con người: Sống dầu đèn, chết kèn trống.

Cũng là đèn, là ánh sáng nhưng có rất nhiều cấp độ khác nhau, biểu hiện đủ mọi sắc thái, tư thế của chủ nhân chiếc đèn. Có thể cái đèn là chút tự mãn của một thời mà không phải ai cũng có tiền mua dầu để thắp. Có thể nó là chút xa xỉ của người tỉnh lỵ  Bên những bàn đèn thuốc phiện, trong những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng. Nó nuôi nấng giấc mộng quan trường của những sĩ tử thâu đêm dùi mài kinh sử. Nó chia sẻ cái mòn mỏi của tâm trạng những người mẹ chờ con, người vợ ngóng chồng trong những đêm đông mà nỗi cô đơn như kéo bóng tối dài ra và rộng mãi. Kỳ lạ thay, tim dầu mỏng manh yếu ớt nhường ấy mà lại có một ma lực hút con người lại với nhau. Ấy là khi người ta muợn cớ xin lửa qua rào...

Đèn dầu treo

Cái đèn dầu có mặt trong tất cả các nghi lễ quan trọng của con người. Nó là thứ không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên những dịp lễ tết, giỗ chạp, bên bát cơm quả trứng mỗi khi nhà có việc đám. Cái đèn dầu có mặt trong bao nhiêu triết lý sống của  người dân Việt. Khi thì có sự ích kỷ “đèn nhà ai, nhà ấy rạng” , khi thì nó là lời răn đe: “đèn khoe đèn tỏ hơn trăng, đèn ra trước gió còn chăng hỡi đèn” hoặc "gần mực thì đen, gần đèn thì rạng"…

Cái đèn dầu cũng đi cùng năm tháng của đất nước. Nó le lói những đêm đào hầm bí mật, nó duy trì sự sống cho những địa đạo, nó gác đường, làm chuẩn cho những đoàn quân đi (Loại đèn này được làm từ những vỏ chai cưa cổ, có phao nổi trên mặt dầu nên có thể tránh được mưa gió). Qua binh đao, chiếc đèn lại trở về khiêm nhường bên quán nước ven đường. Có thời bĩ cực, đèn dầu bị biến thành ám hiệu của những cô gái bán hoa trong công viên Gia Lâm bên kia sông Hồng. Ngày ấy mỗi cô một chiếc đèn dầu ngồi trong bóng tối chờ khách làng chơi. Từ đó dân chơi, dân ăn sương được gọi bằng hai chữ “ngồi đèn”, khác hẳn với những cụm từ khác cũng nhằm chỉ việc trai gái phải lòng nhau, thích nhau: " bắt đèn", " bắt mắt"...

Đèn dầu Deco

Khi ánh sáng đèn điện về với thôn quê, đèn dầu lại khởi một cuộc đi mới vào nghệ thuật. Nó từng chiếm một mảng không nhỏ trong tranh của Bùi Xuân Phái. Gần đây nó xuất hiện đầy mê hoặc trong những cuộc chơi ánh áng của hoạ sĩ Đào An Khánh, hay trong các ký hoạ về ấn tượng Việt Nam của hoạ sĩ người Úc Paul Davids. Bây giờ, đèn dầu không còn là vật dụng thắp sáng chính trong mỗi gia đình Việt Nam. Nhưng không vì thế mà nó mất đi, trái lại đèn dầu ngày nay được giới sưu tầm săn lùng ráo riết cho những bộ sưu tập, cho nhưng Deco trang trí nội thất đắt giá của nhà hàng, biệt thự tại các thành phố lớn. Theo dân sành điệu, đèn dầu là thứ  đồ “tuy cũ” nhưng chưa hẳn là “cổ” vì kiếm không khó lắm. Nhưng nó lại rất hấp dẫn vì được làm từ nhiều chất liệu khác nhau: Đồng, thiếc, đá, thủy tinh cho đến tôn, thép rẻ tiền.

Đèn dầu treo

Người chơi đèn chú trọng đến cái dáng của đèn: Phải đẹp, phải lành lặn và quan trọng hơn cả là hoa văn ở chân đèn và bầu đèn phải còn nguyên vẹn. Cũng vì vậy giá đèn rất khác nhau. Anh Tiến, một người sưu tầm ở phố Hàng Bông cho biết: đèn có rất nhiều giá. Với hai trăm ngàn là có thể bắt đầu sưu tầm chiếc đèn dầu đầu tiên trong bộ sưu tập của mình nhưng muốn có đèn cầu kỳ lại khác. Đèn đẹp thường có giá từ ba đến năm triệu đồng. Những chiếc đèn treo có xuất xứ vương giả từ những phòng khách xa hoa của các gia đình tư sản thường có giá bán tới hai mươi triệu đồng.

Tuổi thơ của tôi từng mê mẩn hình ảnh những người thợ thổi thuỷ tinh. Từ cái ống dài hình trúc, nhúng qua một cái chảo lúc nào cũng sôi sùng sục, họ thổi ra những quâng đỏ rực, nóng chảy mà khi nguội đi, lại biến thành vô số những bầu và chụp đèn dầu. Điều đó giống như một phép thần. Lớn lên một chút, mỗi khi về quê thăm bà, tôi cảm thấy sợ vô cùng cái bóng tôi mênh mang trước cửa nhà những đêm không trăng. Để chạy trốn cảm giác đó, tôi rúc vào lòng bà, vừa an tâm khi nghe bà kể chuyện, vừa ngắm như thôi miên khi ngọn đèn dầu le lói trên bàn. Tôi cứ ngắm cái đèn, thấy nó tản ra rất nhiều ánh sáng, khum khum như chiếc cầu vồng nhỏ. Bà tôi bảo đó là hoa đèn, ai nhìn thấy nó sẽ gặp nhiều may mắn. “Thứ nhất đom đóm vào nhà, thứ nhì chuột rúc thứ ba hoa đèn”. Tôi lớn lên, thấy may mắn là cái gì đó mong manh, rất khó gặp và gần như đã quên hẳn chuyện hoa đèn…

Đi "săn" đèn dầu

Đèn dầu "hột vịt"

Cái khó nhất đối với những người sưu tầm đèn cổ là việc tìm kiếm thông phong(bóng đèn). Với loại “hột vịt” thì quá dễ! Chỉ cần ra bất cứ một chợ quê nào là có thể mua được cả tá thông phong. Nhưng loại to đặc chủng thì lại cực hiếm. Để có những chiếc thông phong to người sưu tầm phải cất công vào tận chợ Hà Đông, về chợ Rồng Nam Định, hay chợ Bo Thái Bình mới mua được. Cá biệt có những chiếc thông  phông dùng cho đèn dầu treo người sưu tầm đành phải tìm hiểu, vẽ lại và nhờ những nghệ nhân thổi thủy tinh lành nghề làm giúp. Nhưng việc này hiện nay cũng rất khó vì lò thủy tinh thủ công ngày càng ít và nghệ nhân chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay.

Năm ngoái, trong chuyến "săn tìm đèn dầu" ở Hải Hậu (Nam Định) khi vào một nhà thờ anh Tiến bắt gặp rất nhiều đèn dầu được làm hoàn toàn từ đá xanh treo trên trần nhà. Chân đèn, thân đèn, bầu dầu đều được làm từ đá và chạm khắc rất tỉ mẩn. Nhưng hỏi mua thì họ không bán vì là đồ lễ trong nhà thờ. Ngay tháng trước ( 7/2004), trong chuyến về Sơn Tây (Hà Tây) anh Tiến đã bắt gặp một chiếc đèn dầu cổ rất đẹp: Đế đèn và chân đèn có hoa văn  rồng ẩn trong mây. Hỏi ra mới biết, đây là chiếc đèn gia bảo do một ông quan trong nhà đặt làm tận bên Pháp và đã có tuổi thọ hơn trăm năm.       

 

Đèn dầu chân cao

Tìm được đèn dầu cổ đã khó nhưng chăm chút cho nó còn khó hơn. Thường những chiếc đèn khi đến tay người sưu tầm đều qua tay rất nhiều người “đi xứ”(chỉ người đi gom đồ cổ tại các địa phương). Mua được rồi, người sưu tầm lại phải chỉnh trang làm sao để nó có thể sử dụng được. Một chiếc đèn dầu cổ được đánh giá cao hơn nếu nó còn thắp sáng được. Nhiều người mới sưu tầm chưa có kinh nghiệm thường không dám đổ dầu vào sử dụng. Họ sợ làm hỏng đèn. Nhưng theo Tiến, việc có sẵn dầu trong đèn chính là cách bảo quản cổ đèn tốt nhất vì hơi dầu bốc lên giúp cho cổ đèn không bao giờ gỉ sét. 

Tiền thân của đèn dầu Việt Nam là chiếc đèn dầu lạc. Đĩa chủ yếu là bằng sành, nông lòng. Nhiều nhà nghèo hoặc đại khái đĩa đèn có khi chỉ là cái đĩa ăn, ở một số nhà khá giả hơn thì nó có thể được tạo dáng này nọ, được đặt trên những giá đỡ bằng sành, bằng gỗ tiện sơn son hay bằng đồng. Bấc đèn làm từ ruột của loại cỏ bấc phơi khô được thả trong đĩa, một đầu chờm ra ngoài  cho cháy thành ngọn. Bấc chỉ nhỏ bằng chiếc tăm và mỗi đĩa đèn cũng chỉ có một bấc trên một đĩa dầu.

Đèn dầu bầu thuỷ tinh xanh
 

Chơi đèn dầu không cầu kỳ như thú chơi đồ cổ khác, nhưng không hề đơn giản chút nào.Người sưu tầm đèn dầu cổ có tiếng là Dương Thanh nhà ở Gia Lâm cho biết: Chỉ riêng việc kiếm bấc cho hơn chục chiếc đèn khác nhau đã là một kỳ công. Với đèn to, bấc cũng phải to, bấc là loại sợi hút dầu, dai nhưng phải lâu tàn. Đặc biệt, loại sợi có gốc Amiang, chịu nhiệt, không có tàn là lý tưởng nhất. Nhưng với những chiếc đèn dầu cỡ nhỏ, miền Nam vẫn gọi là đèn “hột vịt” kiếm bấc lâu tàn không phải ai cũng biết. Thời bao cấp, đó chính là sợi dây giày bằng sợi bông lấy từ chiếc giày bảo hộ Thượng Đình đã hỏng. Sở dĩ có kinh nghiệm này, bởi suốt những năm bao cấp Thanh chỉ có mỗi nhiệm vụ duy nhất là tìm cho ra bấc đèn vì đèn trong nhà mua sẵn bấc nhanh tàn quá. Thử rất nhiều loại sợi không ăn thua cho đến một hôm nhìn thấy chiếc giày hỏng vứt nơi xó nhà mà sợi dây giày còn tốt. Thế là cuối cùng đã có đáp án “bấc đèn” cho cái thời khó khăn đó.

  • Bài và ảnh: Nguyên Vũ 

 

 

 

  

           

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
"Diệt ác quỷ" với Trịnh Y Kiện (13/08/2004)
Gã khổ tu và cây Guitar gỗ (13/08/2004)
Dương Linh trình làng tiểu thuyết: Nắng sớm (12/08/2004)
10 ảnh xuất sắc nhất sẽ dự thi cấp khu vực (11/08/2004)
Guinness Việt Nam ra mắt bạn đọc (11/08/2004)
Tứ tấu Jazz “Chicago Jazz Quartet” đến Việt Nam (09/08/2004)
Tuyệt kỹ của dân chơi chim (07/08/2004)
Wade Robson: Vết son của làng showbiz Mỹ (07/08/2004)
Những biệt danh của "làng hề" (06/08/2004)
Thêm một đại sứ thiện chí "OMO - Áo trắng..." (06/08/2004)
"Nữ hề" Thúy Nga và… niềm vui tháng 8 (05/08/2004)
Pamela Anderson phát hành tiểu thuyết đầu tay (04/08/2004)
Brad Pitt, người đàn ông quyến rũ nhất thế giới (03/08/2004)
Tuyển 50 ca khúc về Hà Nội (02/08/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang