|
Nghệ sĩ Phan Quang Minh |
(VietNamNet) - Con người giản dị, hồn nhiên đến ngơ ngác mà yêu guitar đến "dại' cả người đã trở lại với khán giả trong một chương trình hoành tráng và đầy ấn tượng tại Nhà hát Lớn Hà Nội với bản Chacone bất hủ của Bach và những tác phẩm của Hanlel, Scarrlatti, Chopin, Tarrega, Albeniz, Vlla Lobos, and Barrios Mangore và Tổ khúc Berkeley (Tổ khúc biến tấu ngẫu hứng dựa trên những giai điệu nổi tiếng của Haydn, Mozart, Beethoven, Donizetti and Rachmaninoff do chính anh sáng tác!).
Mọi con đường đều dẫn đến âm nhạc
Nói anh là "không chuyên" bởi anh chẳng nằm trong một đoàn hay một đơn vị nghệ thuật nào, cũng không thường xuyên biểu diễn trên các sân khấu lớn hay các phòng trà, quán nhạc...Từ rất lâu rồi, anh chỉ thầm lặng với niềm đam mê cháy bỏng của mình sau dáng vẻ mộc mạc, giản dị và đặc biệt rất hồn nhiên của một...thầy giáo (Phan Quang Minh hiện làm việc tại Khoa Ngôn Ngữ học, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Khoa học Quốc gia Hà Nội).
Không phải con nhà "nòi" nhưng máu nghệ sĩ lại thấm đẫm ở mỗi người trong gia đình anh như một "nghiệp kiếp". Nhà có bốn anh em trai thì ba người anh của anh đều ham mê chơi đàn cả, dù họ làm những công việc chẳng liên quan gì tới "đàn địch", "văn nghệ, văn gừng". Anh trai cả của anh đã từng chơi đàn cùng nhóm với ông Tạ Đắc - em ruột của Tạ Tấn. Anh hai thì từng là hạt nhân văn nghệ của sinh viên Việt Nam tại Nga với "sở trường" là chơi sáo và guitar...
Còn anh - cậu ấm Phan Quang Minh, con trai út của nhà truyền bá quốc ngữ (thuộc hội của cụ Nguyễn Văn Tố), một thầy giáo dạy toán, nằm trong số ba người sáng lập ra trường Phan Đình Phùng, trường trung học đầu tiên của miền Trung, nơi đào tạo ra hàng loạt những trí thức hàng đầu của Việt Nam như: ông Nguyễn Đình Tứ, ông Phan Huy Lê, ông Phan Đình Diệu, Nhạc sĩ Trọng Bằng ... - đã được cha mình truyền cho niềm đam mê âm nhạc từ khi còn ấu thơ, ông cũng chính là người thầy dạy đàn đầu tiên cho anh. Mới chín tuổi anh đã chơi thành thạo đàn Măng - tô (Một dạng nhạc cụ nằm giữa đàn Luýt và đàn Măng - đô - lin), mười hai tuổi anh đã biết tới cảm giác sân khấu, trước hàng ngàn người tại sân vận động thị xã Thanh Hoá, cũng với cây đàn Măng - tô...
|
Nghệ sĩ Phan Quang Minh |
Nhìn dáng vóc hiền lành, "củ mỉ cù mì" của anh thì ít ai nghĩ rằng anh lại mạnh mẽ và mãnh liệt với tình yêu âm nhạc đến thế. Anh đã học rất nhiều các "môn phái" khác nhau, chỉ để tập trung cho một việc là làm sao để có thể đến được tận cùng niềm đam mê của mình. Anh từng theo học võ công với thầy Lê Công (huấn luyện viên trưởng đội Karate, người 2 năm là huấn luyện viên suất sắc của Việt Nam). Tâm niệm là phải có sức khoẻ thì mới có thể chơi được những tác phẩm lớn.
Chưa đủ, muốn chơi được những tác phẩm "dài hơi" còn cần phải có tinh thần tốt và sự tập trung cao độ, thế là anh lại bỏ thời gian và công sức ra..tập thiền. Chính vì sự tập luyện một cách cảm tính và "tập lấy được" này đã suýt làm anh bị "tẩu hoả nhập ma". Nhưng may mà anh đã kịp thời sửa chữa - bởi khi đến với ghi - ta anh không qua trường lớp bài bản nào, tất cả hoàn toàn tự phát, do vậy "chân tay cứ lung tung cả", lại thêm những tháng ngày "gân guốc" vì rèn võ công nên chân tay và vai anh mất đi sự mềm mại cần có của một nghệ sĩ guitar. Sau này anh đã mất rất nhiều thời gian, hơn cả số thời gian anh luyện võ, tập thiền để ngồi trước gương gò lại tư thế ngồi, phương pháp cầm đàn...Anh đã bỏ cả một quãng thời gian đủ để người ta hoàn thành một chương trình đại học để "dứt bỏ mọi thú vui của đời sống trần tục, đi vào cõi diệu huyền của những giai điệu ...
Cái giá phải trả cho niềm đam mê
Ban đầu, Nguyễn Quang Minh chỉ biết đến với âm nhạc một cách rất cảm tính - cho dù đó là một đam mê - anh học tất cả những gì có thể học, kể cả guitar. Anh đã từng lặn lội mưa nắng tới học đàn tại nhà riêng nghệ sĩ Quang Tôn (Cầu Gỗ, Hà Nội), sau đó là nghệ sĩ Nguyễn Như Dũng (Giảng viên Nhạc viện Hà Nội). Suốt quãng thời gian học Ngôn ngữ tại Nga, với tình yêu âm nhạc của mình anh đã gom góp và sưu tầm được rất nhiều nguồn tư liệu, băng đĩa quý giá về các thể loại âm nhạc mà đặc biệt là về guitar.
Nhưng cho tới một ngày, đó có thể gọi là ngày định mệnh, quyết định sự gắn kết "keo sơn" của anh với cây guitar, đó là ngày anh được được nghe buổi hoà nhạc ở Moscow (Liên Xô cũ). Anh đã "ngạc nhiên kinh khủng" và "thổn thức" theo từng nhịp tay của người nghệ sĩ già 80 tuổi - ông Vladimir Horowitz - một nghệ sĩ người Nga trở về nước sau 60 năm xa cách. Chưa bao giờ anh xúc động như thế, tưởng chừng trước mắt anh đang mở ra một chân trời mới và anh được tiếp cận với một "đẳng cấp" khác hẳn mà trước đấy chưa bao giờ anh biết. Cũng từ đêm đó, cây guitar không chỉ là niềm đam mê đầy cảm tính nữa mà nó trở thành "cái nghiệp" vận vào cuộc đời anh!
Ngay lập tức Phan Quang Minh lục tìm những tư liệu về người nghệ sĩ mà anh ngưỡng mộ, nhưng ngoài mấy dòng ngắn ngủi trong từ điển ra thì không còn tìm thấy bất kỳ thông tin nào về ông trong những tài liệu tiếng Nga. Một quyết định bất ngờ nữa lại đến với anh: Phải học bằng được Tiếng Anh vì chỉ có Tiếng Anh mới giúp anh tìm hiểu về thần tượng của mình đồng thời mở mang thêm kiến thức cho con đường anh đã chọn. Sau thời gian tự học Phan Quang Minh có thêm một quyết định nữa: Học Tiếng Anh nghiêm túc và anh vào học chuyên tu tại Đại học Ngoại Ngữ hơn một năm.
Tháng 12 năm 1988, Phan Quang Minh đã có một cuộc biểu diễn thành công tác phẩm Chacone vĩ đại của Bach tại cung Văn hoá Hữu Nghị Việt - Xô, anh cũng là nghệ sĩ guitar Việt Nam đầu tiên chơi trọn vẹn Chacone của Bach. Có lẽ chính vì thành công này cùng những hiểu biết và niềm say mê được sẻ chia những đam mê của mình với mọi người đã khiến anh trở thành người...khó hiểu, thậm chí bị coi là..."hâm hấp".
Anh rơi vào cảm giác chới với và buồn chán. Nhưng niềm đam mê của anh không hề vì thế mà thay đổi, Phan Quang Minh đã đóng của nhà mình lại và suốt năm năm anh miệt mài lần tìm cánh cửa của tri thức để mong mở ra con đường đầy cuốn hút, hấp dẫn và huyền bí của âm nhạc. Chắc hẳn một phần vì buồn và một phần vì...kiêu mà anh không hề giao du với ai, chỉ duy nhất một người mà anh tìm đến là ông Hào ( nghệ nhân chỉnh sửa đàn nổi tiếng Hà thành). Mỗi lần có dịp theo ông vào Nhà hát Lớn anh đều tìm một khoảng trống để đứng, tránh mọi tiếp xúc với người khác. Trong thời gian đó, anh gần như kiệt quệ về kinh tế, đã nhiều lần anh phải kìm nén sự "thèm thuồng" để chờ sau 12 giờ đêm chạy xuống chân cầu thang, bới tìm "bỉm" thuốc lá vứt đi của cha mình để ..."rít" lại...
Nhưng thật kỳ diệu, những năm tháng này đã không hề phí hoài! Sau năm năm, anh đã đến được với thế giới mới mẻ mà anh chưa từng biết tới, thế giới của những bậc thầy về âm nhạc, của những nghệ sĩ vĩ đại về guitar... Để mười năm sau đó, vẫn con người giản dị, hồn nhiên đến ngơ ngác mà yêu guitar đến "dại' cả người đã trở lại với khán giả trong một chương trình hoành tráng và đầy ấn tượng tại Nhà hát Lớn Hà Nội (vào mùng 7/12/2003) với bản Chacone bất hủ của Bach và những tác phẩm của Hanlel, Scarrlatti, Chopin, Tarrega, Albeniz, Vlla Lobos, and Barrios Mangore và Tổ khúc Berkeley (Tổ khúc biến tấu ngẫu hứng dựa trên những giai điệu nổi tiếng của Haydn, Mozart, Beethoven, Donizetti and Rachmaninoff do chính anh sáng tác!). Điều kỳ diệu hơn cả là anh đã nhận được lời mời chính thức từ "đại hội Guitar thế giới lần thứ nhất" tổ chức tại thành phố Baltimore (Mỹ).
|
Phan Quang Minh khi biểu diễn một tác phẩm của J.S. Bach |
Toả sáng cùng mặt trời Baltimore
Được tham dự "Đại nhạc Hội Guitar thế giới lần thứ nhất" là một vinh dự lớn cho những nghệ sĩ biểu diễn guitar hàng đầu các nước và là một dấu mốc lịch sử quan trọng của Guitar thế giới. Đối với Phan Quang Minh thì được tham dự Đại nhạc Hội này là một món quà vô giá, một điều mà trong mơ anh cũng chưa nghĩ ra. Anh không những được gặp gỡ, nói chuyện với các thần tượng của mình mà trên cùng một sân khấu, anh đã được biểu diễn cùng họ.
Khi nghe anh biểu diễn những tác phẩm thứ thiệt của Bach, tất cả mọi người đã ngỡ ngàng. Không chỉ vì anh là một người Châu Á mà anh lại còn là một người ...Việt Nam. Bởi trong nhận biết của rất nhiều nghệ sĩ trên thế giới, nhất là những người ít có điều kiện tới Việt Nam thì họ chỉ biết tới dân tộc này qua cuộc chiến tranh chống Mỹ - đó là một dấu ấn quá lớn. "họ không nghĩ rằng lại có một ông Việt Nam chơi nhạc Bach nghiêm chỉnh thế".
Sau lần biểu diễn chính thức đầu tiên tại Đại Hội, Phan Quang Minh đã phải biểu diễn thêm bốn lần nữa theo yêu cầu của những người tới tham dự Đại Hội. Khi nói về chuyện này Phan Quang Minh đã vui vẻ kể với chúng tôi: "Họ nói: Chúng tôi đã được nghe nói về anh nhưng vì mỗi ngày Đại hội có hàng chục sự kiện diễn ra tại nhiều nơi khác nhau nên chúng tôi không được thưởng thức phần biểu diễn của anh, mong anh vui lòng cho chúng tôi được nghe. Có cả những người gặp tôi tại nhà ăn cũng ngỏ ý muốn được nghe lại".
Xúc động trước tiếng đàn của Minh, một nghệ sĩ đã giới thiệu anh tới gặp ông Manuel Barrueco, một nghệ sĩ guitar hàng đầu Châu Mỹ và ông A' Sger dur Sigurdar Giám đốc Nhạc viện danh tiếng Peabody tại Baltimore. Đến đây, sau những ngày làm việc vất vả, anh đã nhận được bằng chứng nhận của trường qua lớp học nhạc cao cấp (đây không phải là bằng về học vị nhưng nó công nhận đẳng cấp về nhạc cụ).
Tiếp sau đó, cũng trong chuyến đi anh còn được mời biểu diễn ở một số địa điểm khác tại Mỹ và Paris, các cuộc biểu diễn này đều được đánh giá cao. Như buổi biểu diễn tại Berkeley (California, Mỹ), anh đã đem đến cho công chúng yêu nhạc vùng vịnh San Fransisco tổ khúc mang tên thành phố này do chính anh sáng tác 4 năm trước đó.
Có thể nói, hành trình đi đến thành công của Phan Quang Minh chính là hành trình của đam mê. Với anh âm nhạc và cây đàn Guitar chính là thể phách và tinh anh của con người anh. Khi anh đàn, chính là khi anh dồn những yêu thương, những trải nghiệm cuộc sống và chia sẻ những khao khát của mình lên đầu những ngón tay và thổi hồn vào tiếng nhạc. Vì thế mà anh đã vượt qua được sự khuôn phép và nguyên tắc khô cứng của các tác phẩm âm nhạc cổ điển, để phiêu linh trong thế giới của mình.
Bao giờ những tác phẩm Minh thể hiện cũng có một ngôn ngữ riêng, dù những tác phẩm đó đã được rất nhiều các bậc thầy về guitar biểu diễn. Như bản Chaconne của J.S.Bach, trong các bản thu âm của các nghệ sĩ khác bao giờ cũng thấy họ biểu diễn những giai điệu đầu tiên rất nhẹ nhàng nhưng với Minh thì khác, ngay từ đầu anh đã "vào" rất mạnh mẽ, giằng xé, hoà âm rất khó nghe. Còn với âm nhạc của F.Chopin, đã không ít các nghệ sĩ khai thác về mặt giai điệu - bởi nó đẹp và luôn đem đến cảm giác lâng lâng. Nhưng với Minh, anh cảm nhận F. Chopin rất bi kịch, rất dữ dội và anh thấy không "đã" khi nghe những giai điệu rất hay, rất đẹp kia, anh đã chơi thật mạnh mẽ, thật giằng xé...
Dù luôn tuân thủ chặt chẽ quy tắc, "khuông nhịp" của những tác phẩm âm nhạc cổ điển, nhưng qua "ngón" đàn của anh, các tác phẩm luôn có màu sắc rất riêng biệt và truyền tới người nghe những cảm xúc bất ngờ. Vì sao anh làm được điều đó và cụ thể như thế nào thì có lẽ phải trò chuyện với anh trong một dịp khác. Nhưng chắc chắn anh đã được "tắm mình trong dòng suối văn hoá". Mà như Agustin Barrios Mangore (nhạc sĩ kiêm nghệ sĩ biểu diễn guitare vĩ đại người Paraguay ở nửa đầu thế kỷ 20) đã nói là: "một người không thể trở thành nghệ sĩ guitare nếu không được tắm mình trong dòng suối văn hoá".
Phan Quang Minh sinh ngày 20 -1 -1962. Ngoài guitar anh còn học Piano với giảng viên Nhạc viện Hà Nội Hoàng Hoa. Học ghi âm, hoà thanh, phức điệu và sáng tác với các giảng viên Nguyễn Quỳnh Ngọc, Nguyễn Đức Thanh của Nhạc viện Hà Nội. Học âm nhạc và Ngôn Ngữ học cùng một lúc. Anh có một Tổ khúc biến tấu ngẫu hứng dựa trên giai điệu của các tác phẩm nổi tiếng của Haydn, Mozart, Beethoven, Donizetti and Rachmaninoff (viết trong thời gian sống và học tập tại Mỹ). |
-
Thục Nhi
-
Ảnh: Việt Thanh. |