Tuyệt kỹ của dân chơi chim
16:04' 07/08/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Chim thả chỗ nào đúng chỗ ấy mà "bốc" lên, mười con chụm một, quần chim bay như vậy được gọi là “Chính” dễ giật giải cao...

 

Chuyện "truyền kỳ" của dân chơi chim

 

Nghệ nhân luyện chim câu Phạm Huy Căn

Cách đây 60 năm, khi cậu Căn mới lên 10 tuổi đã được gánh chim theo cha sang sông phó hội. Gánh nặng, đường xa nhưng cái háo hức của con trẻ lần đầu tham dự hội thả chim đã khiến cậu quên cả mệt nhọc. Hội đông, “hàng phủ” (dân chơi chim) phải xếp lồng chờ mãi mới được mở đàn. Khi mở, những cánh chim câu của cậu bay "bốc" lên theo chiều thẳng đứng rồi chụm vào nhau thành một chấm đen trên trời cao. Kết hội, cậu bé Căn giành được giải nhì với phần thưởng: Một bộ đài nến và 2 hào bạc. Thời đó một gánh gạo 40 kg chỉ có 9 hào! Đấy cũng giải đầu tiên và đáng nhớ nhất mà nghệ nhân Phạm Huy Căn nhận được.

 

Tương truyền, khi Thái Tổ Lý Công Uẩn dời đô về Thăng Long, người có cho mang về những con chim câu từ đất Kinh bắc. Người xưa gọi loài chim này là “Nghĩa điểu” và trước cửa chuồng thường viết hai chữ này để biểu dương cái đức thuỷ chung với chủ của chúng. Cụ Căn ở Đông Anh kể lại câu chuyện cũ: Năm 1999 trong một lần đi hội cụ vô tình để lạc mất một con chim câu đực. Tưởng mất! nào ngờ đến năm ngoái (sau 5 năm) con chim đó trở vể và kéo theo cả đàn của nó, tất cả có đến 13 con! Chuyện của anh Dũng, người con lớn của cụ Căn, cũng ly kỳ không kém. Năm 2003, khi vợ chồng người bạn thân từ Hải Phòng lên chơi anh Dũng tăng bạn đôi chim về làm giống. Hai Vợ chồng bạn mang chim về tận Hải Phòng hôm trước thì hôm sau chim bay mất. Hôm sau nữa anh Dũng đã thấy chim bay về và đang đậu trên chuồng ngoài vườn.

 

Thả chim câu là một thú chơi đã có từ rất lâu. Hàng năm có đến hàng chục hội thi thả chim câu thường được tổ chức vào hai mùa: mùa hạ (tháng 3-4 âm lịch) và mùa thu (tháng 7-8 âm lịch). Khu vực trung tâm hội thi thuộc Châu thổ sông Hồng kéo dài từ 2 bên bờ sông Ðuống đến một phần tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh (Ða Phúc, Sóc Sơn, Ðông Anh, Gia Lâm, Tiên Sơn, Yên Phong). Hội thi còn diễn ra ở một số nơi phía Tây Hà Nội như vùng Tây Tựu, Ðan Phượng, Hoài Ðức.

 

Khát vọng tự do theo chiều thẳng đứng

 

"Hội phủ" trong sới chim Đông Anh ( Hà Nội)

Tuyệt thú thả chim là biểu hiện của khát vọng tự do, là niềm mơ ước được giải thoát khỏi những phiền luỵ thế tục, là thể hiện đức hiếu sinh thấm nhuần tinh thần phật giáo, là mối cộng cảm thăng hoa bởi tính kỷ luật chặt chẽ, là biểu dương tình nghĩa thuỷ chung không quên gốc rễ... Tất cả những điều này được hiện thực hoá ngay tại sới thả chim của vùng châu thổ sông Hồng. Tuy nhiên, thú chơi này bị đứt quãng suốt một thời gian dài vì chiến tranh và những khó khăn thời hậu chiến. Phải đến mười năm trở lại đây, khi người dân có của ăn của để thì việc luyện chim câu mới mới được phục hồi. Bây giờ rất nhiều địa phương như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hà Tây, Hà Nội... thú chơi thả chim đã trở thành một ngày hội thường niên thu hút rất nhiều người tham dự.  Năm nào ít thì một hội cũng có vài ba trăm đàn đăng ký, năm nào nhiều có đến cả ngàn đàn. Điều thú vị là những cách thức luật lệ ngày xưa vẫn được giữ nguyên... Khi mà thời của điện thoại, email phát triển thì những “hội phủ” vẫn hẹn nhau đua tài bằng những thông báo viết trên giấy điều dán nơi quán chợ.

 

Chơi chim thì phải biết chim

 

Trong dân gian, người chơi chim tuy rất nhiều nhưng không phải ai cũng rành việc chọn giống và luyện chim. Theo cụ Nguyễn Huy Lung, 84 tuổi ở Bắc Ninh thì chim luyện được phải là giống có đầu nhỏ, tròn, trán phải phẳng và không được dô, mình ngắn ức nở, đuôi xoè như quạt giấy thì khi bay chỉ dướn lên cao và không thể lượn ra xa để phá đàn. Cụ Khang người cùng xã còn cho biêt thêm: Mắt chim cũng rất quan trọng. Nếu mắt màu xanh là không tuyển vào đàn được vì mắt “mê” quá khi bay chim mải chao lượn không theo đàn thì hỏng! Loài chim câu được chọn là loài có đồng tử nhỏ, xung quanh mắt hơi quầng là đạt yêu cầu.

 

Trước giờ thả chim

Cụ Căn, xã Liên Hà huyện Đông Anh Hà Nội lại cho biêt thêm: mỗi lần phó hội lại tuỳ thời tiết mà chọn chim. Nếu thả chim sau lập hạ phải chọn loại chim chịu được nắng, gió tây. Còn hôm nào trời chuyển gió đông, đàn chim mang đi nhất thiết phải là đàn quen thuận gió đông. Cánh chim là yếu tố quyết định tốc độ, dáng bay và cách bay. Lông trên cánh được chia làm hai phần: Cào (10 chiếc dài ở đầu cánh) phải khít, phải hơi khum thì chim mới bay cao; Bị là lông bên trong gần sát nách phải liền và đứng thì khi bay mới đều và chim mới bám đàn. Vì vậy trước lễ hội cả tháng, chim thường được nhổ lông cánh để đến khi thi lông cánh mọc đều chim mới bay cao và khỏe.

  

Chọn chim là vậy, nhưng lúc "vực" chim (huấn luyện chim) còn khó hơn nhiều. Chim nở, ra ràng phải tháng rưỡi sau mới có thể huấn luyện được. Đàn đi thi chỉ có mười con nhưng lúc huấn luyện số lượng thường nhỉnh hơn để còn tuyển lựa. Cách huấn luyện của của người chơi cũng rất khác nhau. Thường người luyện chim mỗi hôm lại mang chim ra xa dần nơi ở để thả. Hàng ngày cứ vào buổi sớm họ đạp xe mang chim đi chừng 5 - 10 km rồi thả. Quay về đến nhà nhiều khi đã thấy chim trở về.

 

Nhưng đó mới là việc luyện cho chim nhớ đường chứ việc luyện cho chim bay theo bầy và bay đẹp còn công phu hơn nhiều. Ví như cách luyện của cụ Căn, cụ luyện ngay tại sân nhà bằng một cây sào rất dài và như cụ nói: cách luyện này là “độc quyền” của cụ sau nhiều năm kinh nghiệm. Những con chim tháu (chim non chưa qua huấn luyện) được cụ ghép đàn với chim già để tập bay. Sau một thời gian,  những con chim già được rút dần ra cho đến khi có được một đàn hoàn chỉnh.

 

Phô diễn tuyệt kỹ giữa trời mây

 

Luyện chim đã khó, làm giám khảo chấm chim còn khó hơn nhiều. Từ xưa các cụ đã định ra tiêu chuẩn thi thả chim câu rất nghiêm ngặt. Cả đàn bay chặt chẽ, cự ly đều, không tách rời đàn, vòng lượn hẹp và tròn, bay cao, trụ hướng thẳng đứng lên. Những cuộc thi lớn có tới năm trăm hội phủ đòi hỏi giám khảo phải tinh tường và nắm rõ những niêm luật trong sới hội. Sới thả chim là nơi có đường kính chừng bốn, năm trăm mét. Để khách quan, ban giám khảo và nhóm hiệu lệnh thả chim chỉ liên hệ với nhau bằng ba hồi trống. Điểm được chấm theo ba bậc Hạ, Trung, Thượng. Từ lúc thả đến lúc không còn nghe thấy tiếng vỗ gọi là Hạ. Sau đó lên cao gọi là Trung và khi tít đuôi, cụt đuôi (không nhìn thấy đuôi) gọi là Thượng.

 

Đôi chim thành

Những lỗi thường bị giám khảo trừ điểm là: Tiên hành nhất trích tức là chín con bay có một con bay vượt lên trước, hay Trung đại tuỳ là có 9 con bay trước và một con bay sau. Trung động - bay không theo hàng, hay Trung khứ – bay quá xa nơi mở hội đều bị đánh lỗi.

 

Chim thả được đánh giá là đẹp phải là chim bay thẳng sới, mắt thường nhìn lên thấy cả đàn chụm thành một vòng tròn nhỏ không thấy vỗ cánh rồi tìm hướng bay về tổ. Lúc đó đàn chim được vào "trông thượng" để xét giải. Khi thả nghe tiếng vỗ cánh mạnh, rõ ràng liên tục như thế được gọi là tươi cánh vỗ, đàn chim khỏe có sức bay cao. Chim thả chỗ nào  đúng chỗ ấy mà "bốc" lên, mười con chụm một, quần chim bay như vậy được gọi là “Chính” dễ giật giải cao. Đàn chim đó lên cao lại nhập vân (lẩn vào mây) thì dứt khoát chiếm nhằm giải nhất… 

  • Minh Nguyên
    Ảnh: Nguyên Vũ 
Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Wade Robson: Vết son của làng showbiz Mỹ (07/08/2004)
Những biệt danh của "làng hề" (06/08/2004)
Thêm một đại sứ thiện chí "OMO - Áo trắng..." (06/08/2004)
"Nữ hề" Thúy Nga và… niềm vui tháng 8 (05/08/2004)
Pamela Anderson phát hành tiểu thuyết đầu tay (04/08/2004)
Brad Pitt, người đàn ông quyến rũ nhất thế giới (03/08/2004)
Tuyển 50 ca khúc về Hà Nội (02/08/2004)
Cuộc săn lùng "ông bình vôi" của dân chơi (31/07/2004)
"Việt Nam sắp không có sách dịch hay để đọc" (30/07/2004)
Nhà văn Sơn Nam với “20 năm giữa lòng đô thị” (29/07/2004)
NSND Đinh Bằng Phi: Truyền nghề qua sách (28/07/2004)
John Stubbings - Người giống Hemingway nhất (27/07/2004)
Thế giới kỳ lạ của dân chơi máy lửa (25/07/2004)
"Giấc mộng đêm hè" được tái hiện trên sân khấu Mỹ (22/07/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang