Cuộc săn lùng "ông bình vôi" của dân chơi
15:43' 31/07/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Giáo sư Kiều Thu Hoạch đã có nhận xét về "ông bình vôi" vừa dân dã vừa sang cả một cách khái quát như sau: “Chỉ duy nhất ở Việt Nam mới có bình đựng vôi và có hàng trăm mẫu khác nhau. To có, bé có, nhỡ cũng nhiều”. Chính vì thế, dân chơi gốm cổ thường săn lùng các "ông bình vôi" dáng độc, men lạ, phù điêu đắp nổi kỳ dị... nghĩa là chúng thuộc loại có một không hai... 

Chuyện lạ về "ông" bình vôi

Bình vôi gốm Bát Tràng

Mỗi khi nhà có khách, làng có đám người dân quê tôi mới nhớ đến "ông bình vôi". Bà tôi dò dẫm trong bóng tối mờ mờ nơi xó nhà dùng con dao nạy chút vôi nạc trắng tinh và ươn ướt mang ra phản để têm trầu mời khách. Bà tôi còn bảo: " ông bình vôi thiêng lắm, ông trấn giữ ma quỷ không cho chúng vào nhà và giữ cho các đồ vật chỗ nào ở nguyên chỗ ấy". Diễn giải theo lối học quốc ngữ của tôi có nghĩa là: cái bình vôi được coi như vị thần bảo trợ cho gia đình và được thần hoá đến mức phải kèm theo đại từ nhân xưng đầy tôn kính: Ông bình vôi.

 Hồi nhỏ, nếu tôi lỡ miệng gọi "ông" là lọ vôi hay cái lọ đựng vôi là bà tôi lại giơ tay phát nhẹ vào miệng tôi, vừa quở tôi vừa run rẩy: " Phỉ phui cái miệng mày! xin ông đừng chấp, cháu nó dại mồm dại miệng...".  Mặc dù có "ông bình vôi" bảo trợ và coi giữ nhưng nhà tôi vẫn bị bọn trộm vặt thăm viếng: lúc thì mất buồng cau, nải chuối, khi thì mất con gà, con chó... Những lúc như thế bà tôi chỉ chép miệng bảo: Khổ thân nó, nó ăn trộm nghĩa là nó gánh thay tội cho nhà mình...

Đựng vôi lâu ngày, những lớp vôi chết hoá đá bám chặt vào thành bình và người ta gọi đó là lớp "cao".  Lớp cao này khiến ông bình vôi đặc ruột lại, bé bụng lại không đựng được vôi nữa. Bà tôi hay mắng tôi là đồ đặc ruột mỗi khi tôi bị điểm kém hoặc tôi không chịu nghe lời bà ở trong bóng râm cho sướng mà cứ chạy nhổng ra đồng săn chuột cùng lũ bạn chăn trâu, thả bò.

Tôi lờ mờ hiểu rằng bà tôi đang mắng tôi ngu ngốc, nghịch dại và là đồ vô dụng, vô tích sự. Nhưng với "ông bình vôi" thì khác hẳn: Khi ông đặc ruột đến mức chỉ còn đựng được một thìa vôi nhỏ thì bà tôi lúi húi vào xó nhà thắp ba nén hương khấn vái để rước ông ra gốc đa đầu làng. Ở đấy có rất nhiều "ông bình vôi" đặc ruột, người qua kẻ lại thường cắm một nén hương để cầu tránh tai hoạ. Không ai trong làng tôi dám đập vỡ "ông bình vôi" như đập vỡ cái chén, cái bát đã bị sứt mẻ như họ vẫn thường làm mỗi khi cãi nhau với vợ hoặc với hàng xóm.

Chính vì thế mà trước năm 1975, tại một số gốc đa, gốc si cổ trong phố cổ Hà Nội như: gốc đa ở Đền Quán Thánh, gốc si ở phố Hàng Gai, gốc đa ở đầu dốc Lơ Pho... vẫn còn những ông bình vôi được đặt kính cẩn dưới gốc. Có nhiều "ông" bị rễ đa, sễ si cuốn chặt chỉ hở ra chút xíu. Đến nay, mặc dù những cây đa vẫn còn đó nhưng việc săn lùng bình vôi cổ khiến cho các gốc đa Hà nội tuyệt nhiên chẳng còn còn bình vôi nữa. Bởi bây giờ, người ta coi ông bình vôi cổ có giá trị như vàng.  

Bộ sưu tập độc nhất vô nhị

Từ xa xưa, trước khi con người tìm ra kim loại, dụng cụ chủ yếu sử dụng trong săn bắt, hái lượm, chiến tranh là những dụng cụ bằng đá như: mảnh tước, bôn, rìu,... Chính từ lý do đó đá được thần thánh hoá và tục thờ đá ra đời. Sau này, các nhà nghiên cứu khoa học gọi đó là: “tín ngưỡng đá”.Vôi có nguồn gốc từ đá được ánh xạ qua tín ngưỡng cổ trở nên thần hóa.

Vôi trong đời sống người Việt có một chỗ đứng rất vững chắc và tôn nghiêm. Vôi dùng để ăn trầu, để sát trùng, trừ tà, đánh gió và đôi khi được dùng để chế biến thực phẩm. Bình vôi càng để lâu người ta càng tin bình có thần. Chính vì lẽ đó, những bình vôi cổ còn được tôn là Ông Bình Vôi. Không chỉ có vậy, vào mỗi dịp năm mới ngoài cây nêu ngày Tết thì dưới đất người ta dùng vôi bột vẽ hình cung  tên nhằm trừ ta ma để chủ nhân của ngôi nhà đón một năm mới nhiều Phúc, Lộc.

Để phù hợp với mục đích sử dụng, bình vôi có loại chỉ nhỏ bằng quả quít mang theo người, lại có loại to bằng quả bưởi bày trên án, trên bàn tiếp khách. Cũng có loại to cỡ cối đá để luôn ngoài đình cho cả làng cùng sử dụng mỗi khi làng có đám. Từ nhu cầu bình vôi trong dân gian, những người thợ thủ công tài hoa đã chế tác ra các loại bình vôi khác nhau. 

 

Kiểu dáng đời sau nối tiếp đời trước mỗi ngày một phong phú. Chất liệu cũng dần được cải tiến từ đất nung,  sành, gốm, sứ rồi đồng...  Nhưng phổ biến hơn cả và được giới sưu tầm cất công lùng kiếm là bình vôi có chất liệu gốm. Màu men của bình vôi gốm rất khác nhau. Từ men trắng, men lục thời Lý - Trần, đến men lam, men màu huyết đỉa thời Lê sơ và đến thời Nguyễn thì có cả một cuộc cách mạng của các các nghệ nhân  làm gốm, chế tác bình vôi...

 

Ban đầu, bình được làm  rất đơn giản bằng gốm men trắng, bên trên đắp hình Giao long. Đây là hình khởi nguồn của con rồng sau này. Xung quanh bình có thể trang trí hình quả cau hay vẽ theo các tích dân gian. Càng về sau bình vôi càng được làm cầu kỳ và trở thành vật có tính chất trang trí làm sang cho phòng khách hơn là giá trị sử dụng. Hình Giao long lúc này được đắp nổi thành quai bình rất đẹp và công phu. Quả cau trên bình đôi khi được cách điệu trông như những con ve đang chực vẫy cánh bay khỏi thân bình.

Ông Phan Công Thọ với bộ sưu tập bình vôi độc nhất vô nhị

Ở Hà Nội, đáng nể nhất trong giới sưu tầm là bộ bình vôi của ông Thọ ở phố Hàm Long. Đây là bộ bình vôi được đánh giá là cổ nhất, đẹp nhất và đầy đủ nhất, mang dấu ấn của từng triều đại phong kiến Việt Nam. Trong bộ sưu tập này, ta có thể bắt gặp những bình vôi cực hiếm như bình vôi thời Lý, bình vôi màu lam Mạc (thời Mạc Đăng Dung), bình vôi bằng sứ được đặt làm tận Trung Quốc... Ông Thọ còn có một cái bình vôi Bát tràng niên đại trên 200 năm được trang trí hoạ tiết rất đẹp. Bình vôi bằng sứ sở dĩ hiếm và độc đáo bởi trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam chỉ có nhà hậu Lê và nhà Nguyễn là đặt hàng sứ tại Trung Quốc nhưng với số lượng rất hạn chế. Cũng vì lẽ đó tại Hà Nội hiện nay chỉ còn có vài bình vôi bằng sứ trong các bộ sưu tập cá nhân.

Chọn được một bình vôi đẹp không dễ. Cùng một niên đại nhưng chỉ cần một chút “hỏa biến” (ý nói việc “thần hỏa” can thiệp trong khi nung) là giá hoàn toàn khác. Đó cũng là điều kiện để một sản phẩm gốm trở nên độc nhất và không bao giờ trùng lắp. 

  

                                                      Một số kiểu bình vôi đặc biệt:

 

 
 
 
 
 
 
 

 

  • Bài và ảnh: Nguyên Vũ
Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
"Việt Nam sắp không có sách dịch hay để đọc" (30/07/2004)
Nhà văn Sơn Nam với “20 năm giữa lòng đô thị” (29/07/2004)
NSND Đinh Bằng Phi: Truyền nghề qua sách (28/07/2004)
John Stubbings - Người giống Hemingway nhất (27/07/2004)
Thế giới kỳ lạ của dân chơi máy lửa (25/07/2004)
"Giấc mộng đêm hè" được tái hiện trên sân khấu Mỹ (22/07/2004)
Ra mắt cuốn sách ảnh đầu tiên về khảo cổ học (21/07/2004)
"Cảm xúc bốn mùa" Hà Nội (21/07/2004)
Hòa nhạc Mỹ tại Hà Nội (20/07/2004)
Quan họ ra mắt CD "Lúng liếng" (19/07/2004)
Bí mật của "Quà tặng diệu kỳ" (18/07/2004)
"Quềnh" lại hát tuồng! (18/07/2004)
Bình chọn đôi tình nhân đẹp nhất mọi thời đại (18/07/2004)
Hình Hồ Ngọc Hà trên mạng: Thật hay ghép? (17/07/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang