(VietNamNet) - Theo dự kiến thì Công ước Berne sẽ có hiệu lực vào quý IV năm nay, nghĩa là chỉ còn khoảng 2 tháng nữa chúng ta sẽ chính thức trở thành thành viên của công ước này. Song, xem ra các NXB vẫn "bình chân như vại" trong khi các dịch giả thì "lo sốt vó"! Riêng Trung tâm Ngôn ngữ Đông Tây có vẻ sốt sắng nhất.
VietNamNet đã có cuộc trao đổi với dịch giả Đoàn Tử Huyến, PGĐ Trung tâm, Chủ tịch Hội đồng khoa học về sự kiện này.
PV: Theo ông, khi Công ước Berne có hiệu lực, các dịch giả và các NXB sẽ gặp thuận lợi và khó khăn gì?
|
Dịch giả Đoàn Tử Huyến. |
Dịch giả Đoàn Tử Huyến: Hiện nay, người dịch tự phát, NXB xuất bản tự phát, gặp gì làm đấy là những hiện tượng rất phổ biến. Do không có tổ chức nên người dịch và người làm sách tự tìm tác phẩm, tác giả, chủ sở hữu để xin sách về dịch. Khi Công ước Berne có hiệu lực chính là điều kiện thuận lợi để người dịch và người làm sách điều chỉnh, sắp xếp lại và có sự chọn lọc nhất định. Khó khăn vẫn chính là mối quan hệ vì bây giờ phải có bản quyền thì mới được dịch và in, nhưng đa số cá nhân người dịch làm sao biết được bản quyền đó nằm ở đâu, tác giả như thế nào, và làm thế nào để liên hệ được với người ta rồi viết một lá thư đúng cung cách cho người nước ngoài, tạo dựng mối quan hệ...?
Đấy chỉ là thủ tục, còn quan trọng nhất vẫn là giá bản quyền, ví dụ gần đây nhất Trung tâm Ngôn ngữ Đông Tây làm tuyển tập thơ Mỹ hiện đại của 15 tác giả, chúng tôi phải xin phép từng người một với giá bản quyền theo thỏa thuận. Trong đó có 2 bài thơ chúng tôi phải trả 2.000USD, nghĩa là 1.000USD cho một bài, thử hỏi với cá nhân người dịch họ lấy tiền đâu ra, còn các NXB sẽ không dại gì mà trả giá cao như vậy. Tuy nhiên, cuối cùng chúng tôi không mất xu nào mà lại còn được họ tài trợ nhờ mối quan hệ và tài giao dịch, song không phải ai cũng có điều kiện làm được như vậy.
Do đó, khi Công ước này có hiệu lực sẽ gây khó khăn và ảnh hưởng rất nhiều cho người làm sách, người dịch sách và cuối cùng là người đọc. Thực ra đến thời điểm này tôi cũng không biết tiền bản quyền theo luật Việt Nam hay luật của họ, song chắc chắn sẽ phải theo luật của họ vì mình mua bản quyền của họ mà luật của họ liệu mình có đủ sức chịu được không? Đã rất nhiều lần tôi kêu gọi, nếu Nhà nước không có những chính sách, chủ trương, tổ chức đối với sách dịch thì đến một lúc nào đấy Việt Nam sẽ không có sách dịch hay để đọc chứ đừng nói đến khi Công ước Berne có hiệu lực, và đó sẽ là sự thiệt thòi rất lớn cho người đọc.
- Nhưng để tránh tình trạng hụt hẫng các tác phẩm VHNT sau thời điểm Công ước có hiệu lực, Cục Bản quyền đã có công văn ''khẩn" đề nghị các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp quan tâm khai thác triệt để các tác phẩm của thế giới đã kết thúc thời hạn bảo hộ, nghĩa là chúng ta vẫn có những tác phẩm hay, kinh điển để đọc đấy thôi?
- Trong trường hợp này sẽ xảy ra hai vấn đề: thứ nhất rất nhiều tác phẩm từ 50-70 năm về trước có giá trị nhưng tính thời sự lại không còn, mà người Việt Nam bây giờ rất cần những tác phẩm được viết tức thời để biết người nước ngoài họ nghĩ gì, sống ra làm sao, còn nhà văn viết thế nào, về nghệ thuật có gì tìm tòi, độc đáo... nếu không đáp ứng được những vấn đề như thế người đọc sẽ còn thiệt thòi vì phải đọc toàn những tác phẩm cũ, không những không mang tính thời sự mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến những quan niệm tinh thần.
Vấn đề thứ hai cũng chính là vấn đề tôi đang nghi vấn và muốn tìm hiểu kỹ, bởi theo luật thì những tác phẩm sau 50 năm khi chủ sở hữu đã qua đời sẽ thuộc về của chung, nghĩa là thuộc về Nhà nước, do Nhà nước quản lý và thu tiền hay đó sẽ là tài sản chung, ai muốn dùng cũng được không phải trả tiền? Tôi đưa ra một ví dụ: nếu một tác phẩm của Mỹ sau khi hết thời hạn tác giả liệu có còn nằm trong quyền bảo hộ của Nhà nước họ không, còn nghĩa là chúng ta vẫn phải trả tiền nếu muốn sử dụng. Đây là vấn đề tôi đang phân vân không biết phải hiểu theo nghĩa nào đây?
- Đối với những tác phẩm đang dịch dở thì sao, thưa ông?
- Công văn mà Cục Bản quyền gửi đến các đơn vị như một tiếng chuông đánh động, báo trước để các đơn vị chủ động xem xét điều chỉnh kế hoạch hoạt động của mình trong việc quản lý, sử dụng tác phẩm của các tổ chức cá nhân nước ngoài. Theo tôi hiểu thì những tác phẩm đang dịch dở thì phải dịch nhanh lên, sách nào sắp in thì cũng in nhanh lên cho kịp trước thời hạn Công ước có hiệu lực để tránh những chuyện rắc rối. Dù đã có sự đánh động, báo trước nhưng theo tôi vẫn là quá muộn, tuy nhiên đây là việc nên làm, phải làm song cũng cần có nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn, trước hết cho người sử dụng.
- Vậy, theo ông tổ chức nào đứng ra giải quyết những biện pháp đó?
- Nhà nước nên đứng ra lập một tổ chức về bản quyền hoặc ủy quyền cho một tổ chức nào đấy đứng ra liên hệ mua, xin rồi bán hoặc phân phát cho các NXB. Tốt nhất, Nhà nước nên bỏ một ít tiền mua bản quyền, không phải tất cả mà những cuốn sách thật sự cần thiết. Tất nhiên, trước đó Nhà nước phải nghiên cứu xem thị trường một số nước như Nga, Mỹ, Trung Quốc... để tìm sách cần dịch cho người Việt Nam đọc, cuối cùng Nhà nước nên chọn những người dịch nghiêm túc, có chất lượng, có làm như vậy người đọc mới có quyền lợi.
Trung tâm Ngôn ngữ Đông Tây đã từng thành lập phòng bản quyền nhưng do không thể tuyển được người nên tạm ngừng hoạt động. Công ước Berne có hiệu lực chính là động lực để phòng bản quyền ráo riết tìm kiếm người, nếu không sẽ rất phí vì Trung tâm luôn có sẵn những mối quan hệ tạo điều kiện thuận lợi cho phòng bản quyền hoạt động tốt.
- Rất nhiều dịch giả tỏ ra lo lắng, hoang mang khi Công ước có hiệu lực, họ mong muốn có được những trung tâm môi giới bản quyền để cùng họ tháo gỡ những lo lắng, ông nghĩ sao?
- Chính phòng bản quyền của chúng tôi là một trung tâm môi giới bản quyền và những mong muốn của họ là chính đáng nhưng chỉ với những dịch giả giỏi, nghiêm túc còn đối với những người dịch chộp giật, không có khả năng thì đây như cái dốc trượt họ đi, hay nói một cách khác nó sẽ như một cánh cửa hẹp để đào thải, sàng lọc những dịch giả tồi.
- Xin cảm ơn ông!
|