(VietNamNet) - Vừa rút ra chiếc bật lửa St. Dupont, ông Thái đã khiến người phục vụ tại một cửa hàng sang trọng ở Paris phải thay đổi hẳn thái độ. Đơn giản vì chỉ những người giàu có mới xài loại bật lửa cao cấp đó...
Nghe tiếng bật lửa, biết được dân chơi
|
Zippo vỏ bằng đồng chạm nổi. |
Năm 1995 họa sĩ Nguyễn Trịnh Thái (Hãng phim truyện Việt Nam) mang tranh sang Paris triển lãm. Lúc rảnh, ông thường "la cà" ở những nhà hàng bên bờ sông Sen. Một lần, khi vào một nhà hàng sang trọng, nhưng ông lại ăn mặc quá giản dị nên người phục vụ “chẳng buồn” ngó tới. Ngồi mãi chẳng thấy ai “hỏi đến” ông đành rút bao thuốc và chiếc bật St. Dupont mới mua ra dùng. Nhìn ông khách “châu Á” ăn vận xoàng xĩnh nhưng lại xài bật lửa St. Dupont cao cấp, nhân viên phục vụ đổi ngay thái độ. Đó là chiếc St. Dupont ông Thái mua ở Paris với giá 600F, khi mua phải chờ đến ba mươi phút để làm hóa đơn và thủ tục bảo hành.
Chuyện sưu tầm của ông Thái cũng nhiều điều kỳ thú. Năm ngoái, khi đi trên phố Hàng Bài, ông vô tình bắt gặp trong tủ kính của một người bán bật lửa một chiếc St. Dupont cũ đã mất đáy. Ông mua lại nó với giá 50.000 đồng. Nửa tháng sau trong chuyến công tác vào TP.HCM, ông nhờ ông Paul Sáng, một người bạn trong giới sưu tập và bán bật lửa trên đường Đồng Khởi kiếm cho một cái đáy chính hiệu. Tìm được đáy “zin” mất những 700.000 đồng nhưng bấy giờ chiếc bật lửa đó có giá khoảng ba triệu đồng.
Tại Việt Nam, dân sưu tầm bật lửa vẫn còn truyền tụng nhau câu chuyện, rằng ở miền Nam trước năm 1975, buổi tối trong những phòng trà không nhìn rõ khách, người phục vụ chỉ cần nghe tiếng bật lửa là có thể biết khách là hạng người nào trong xã hội.
Những người tinh ý còn biết rõ đó là tiếng Zippo có vỏ đồng, vỏ bạc hay Zippo vỏ vàng. Zippo thời đó gắn liền với cuộc chiến của người Mỹ ở Việt Nam. Nó bị “mang tiếng” đến nỗi cánh nhà báo phương Tây gọi đó là những cuộc “hành quân Zippo” bởi cảnh lính Mỹ dùng Zippo đốt nhà dân.
Zippo còn là những vật chứng cho sự chán chường của lĩnh Mỹ tại Việt Nam. Trên đó, người lính Mỹ đã khắc, chạm những dòng kể về nỗi chán chường của họ, về cuộc chiến tồi tệ và sai lầm tại Việt Nam. Đó là những dòng chữ với mong muốn được sống sót trở về, được gặp lại người thân...
Bây giờ sau 30 năm chiến tranh, những chiếc bật lửa có khắc chữ đó trở thành những vật kỷ niệm có giá trị rất lớn, có những chiếc được bán đến hàng triệu đồng. Thế là xuất hiện một đội ngũ đông đảo những người săn lùng bật lửa cũ, "mông má" rồi có khi làm giả khắc chữ vào đó để bán cho du khách đến Việt Nam đặc biệt là những người sưu tầm. |
|
Chiếc bật lửa Zippo từng được lính Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. |
Có rất nhiều người chỉ sưu tầm một loại bật lửa duy nhất như họa sĩ Thành Chương chẳng hạn. Có lẽ chiếc Zippo đầu tiên của ông gắn với một kỷ niệm không thể quên: đó là chiến lợi phẩm ông thu được khi còn trong quân ngũ, năm 1970. Cũng từ đó hoạ sĩ Thành Chương bị vẻ đẹp và sự tiện dụng của Zippo quyến rũ. Đã mười năm nay ông Chương bỏ thuốc lá, nhung ông vẫn đều đặn "góp nhặt" những chiếc Zippo vào bộ sưu tập của mình. Sau 30 năm, họa sĩ Thành Chương đã có trong tay bộ sưu tập Zippo đáng nể với hàng trăm chiếc Zippo đủ loại. Có thể coi đây là bộ sưu tập Zippo lớn nhất Việt Nam.
Hiện giới sưu tập thường săn lùng và để ý tìm kiếm hơn cả là hàng thời trang như: St. Dupont, Cartier của Pháp; Sarome, Monic của Nhật; đến Romsonol, Windmill, Dulhill của Anh... nhưng phổ thông và dễ sưu tầm đủ bộ hơn cả vẫn là bật lửa Zippo của Mỹ. Sở dĩ như vậy bởi bật lửa Zippo hiện giá chỉ dao động từ 150.000 đến 500.000 tùy loại.
Zippo với dân chơi Hà thành
Ở Hà Nội, nếu nhắc đến tên “Hải bật lửa” chắc giới sưu tập chẳng lạ bởi anh là người sưu tầm Zippo ngay từ khi mới 10 tuổi, đến nay đã được 20 năm. Hải không chỉ là người sưu tập mà là một tay buôn Zippo có hạng. Vì quá đam mê bật lửa nên năm 1996, anh quyết định mở một cửa hàng chỉ bán bật lửa mang tên Thế giới bật lửa ngay tại nhà mình ở số 75 Nguyễn Hữu Huân. Khi đó cả Hà Nội chỉ có một vài địa chỉ và đến tận bây giờ cửa hàng bật lửa của Hải vẫn là số một ở Hà Nội: Địa chỉ quen thuộc của những tay sưu tầm Zippo. Hải cũng là địa chỉ cung cấp đến 90% lượng bật lửa cho toàn thị trường Zippo của HN.
Cửa hàng của Hải không chỉ bán riêng Zippo mà còn bán rất nhiều bật lửa thời trang khác cùng phụ kiện đi kèm. Ở đây, người ta có thể mua được những chiếc bật lửa rất thời trang như St. Dupont nữ có kiểu dáng vô cùng trang nhã và đẹp. Loại càng mỏng càng đắt tiền. Hiện hàng được chuộng hơn cả là loại có vỏ viền vàng 18 kara và sơn mài theo kỹ thuật Trung Hoa (Lacque De Chine) có giá 600USD. Theo Hải: "Zippo thay đổi mốt liên tục nên càng mẫu mã mới bán càng chạy vì bật lửa không chỉ là một vật dụng mà là một thứ thời trang để tặng nhau. Giá cả của Zippo cũng đa dạng như mẫu mã của nó vậy, cá biệt có những chiếc lên đến 1,5 triệu đồng, thậm chí một chiếc bật lửa Zippo cổ lên đến chục triệu đồng chỉ dành cho những người sưu tập nhiều tiền".
Tuy nhiên, Zippo không chỉ dành cho những kẻ có của ăn của để. "Ông trùm bật lửa Hà Nội" nói tiếp: "Sau năm 90 thì sưu tập Zippo trở thành trào lưu, cứ khi nào tôi có hàng mới là họ đến xem. Tôi ấn tượng nhất là một ông già tên Phúc năm nay khoảng 70 tuổi. Từ ngày tôi mở cửa hàng, ông ấy mua rất ít, chỉ đến ngắm và nói chuyện mà thôi. Chính cụ là người chỉ ra cho tôi nhiều cách tìm hiểu những ký hiệu của bật lửa Zippo. Theo đó, người chơi Zippo sành điệu phải biết những ký hiệu trên đáy bật lửa bởi Zippo đổi mốt liên tục".
Hàng ngàn "tín đồ" mua đi bán lại tại bất cứ ngóc ngách nào trên thế giới từ năm 1933 khi chiếc Zippo đầu tiên ra đời đều biết, ban đầu Zippo dùng số series để phân biệt năm sản xuất. Từ năm 1958 dùng dấu chấm ở cả hai bên trái và phải để phân biệt. Năm 1966-1973, vạch thẳng được chọn để đánh dấu. Đến thời kỳ 1974-1981 dùng vạch nghiêng trái và giai đoạn 1982-1986 dùng vạch nghiêng phải để dị biệt. Thời gian từ 1986-2000, năm xuất xưởng được ký hiệu bằng số La Mã. Bước sang thiên niên kỷ mới, năm sản xuất được ký hiệu bằng số La Mã.
Zippo với thế giới "sao" và các chính trị gia
|
Bật lửa "cối". |
Vào một đêm năm 1933, tại chiếc garage ở Bradford, Pennsylvania (Mỹ), George Blaisdell đã chế thành công một chiếc bật lửa mà sau này nó trở thành chiếc Zippo đầu tiên trên thế giới. Để ghi dấu "mốc lịch sử" này, hiện nó được trưng bày tại trung tâm Zippo/Case Visitors với chữ ký của ông Blaisdell. Đến giờ đã có trên 400 triệu chiếc Zippo ra lò và ông Blaisdell hẳn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng có hàng ngàn bộ sưu tập bật lửa Zippo trên toàn thế giới.
Sưu tầm loại bật lửa danh tiếng này tưởng chừng như một vật dụng quá bình thường nhưng lại là thú chơi của những người giàu có. Sưu tầm bật lửa không chỉ là một sở thích mà đối với không ít người nó lại là cả một nghề với những vụ làm ăn hốt bạc. Mỗi chiếc Zippo chứa đựng cả một câu chuyện, có những chiếc bật lửa lại vô giá. Sưu tầm Zippo thực sự là một sở thích thú vị. Zippo nổi tiếng đến nỗi có cả vài cuốn sách viết về nó cũng như những bộ sưu tập đáng chú ý.
Cũng có những chiếc bật lửa chỉ còn trong ký ức của người miền Bắc. Đó là chiếc bật lửa “cối” do Trung Quốc sản xuất.
Những chiếc bật lửa này đã theo chân anh bộ đội vượt Trường Sơn vào Nam đánh Mỹ. Rồi sau này lại gắn với cuộc sống mưu sinh thời bao cấp. Khi đó người ta truyền miệng nhau câu nói: "Bật lửa Tàu không dầu cũng cháy. Bật một phát cháy ngay, để bàn thì mất ngay". Những lúc khó khăn không có xăng dùng cho bật lửa, nhiều người dành dùng dầu hỏa thay thế. Bây giờ chỉ còn những những cựu chiến binh là còn lưu giữ bật lửa “cối”, những người mà đối với họ bật lửa “cối” là kỷ vật thiêng liêng của một thời máu lửa. |
Ngày nay, Zippo có một bề dày lịch sử với 3/4 thế kỷ tạo dựng tên tuổi. Những chiếc bật lửa đầu tiên được thiết kế với các góc vuông với hình dáng khá đơn giản. Năm 1939, Thế chiến II khai hỏa nhưng cũng là năm chiếc bật lửa vàng 14 karat ra lò và trở thành mốt thời thượng cho những tay chơi lắm tiền. Zippo trở thành thứ bật lửa độc tôn dành cho quân đội Mỹ vì có độ bền cao. Ernie Pyle, phóng viên chiến trường nổi tiếng từng viết: "Chiếc bật lửa Zippo là thứ quý giá và được dùng nhiều nhất trong các vùng chiến sự. Không ai có thể nói nhiều về những chiếc Zippo hơn người có nó".
Sau 3 thập kỷ "liên tục phát triển", năm 1982, kỷ niệm sinh nhật lần thứ 50 năm, Zippo đưa ra khẩu hiệu "50 năm và sự lớn mạnh không ngừng" với bộ sưu tập Scrimshaw. 10 năm sau, cụm từ này được thay thế bằng "Collectible of the Year" cùng sự xuất hiện của những chiếc Zippo dành cho phái yếu. Ngoài những bộ sưu tập về các đời Tổng thống Mỹ, 1000 nghệ sĩ nổi tiếng thế giới như: Frank Sinatra, Elvis Presley Lucille Ball, John Wayne, Bruce Willis, Sharon Stone, Nicole Kidman, những ngôi sao được lưu tên trên Đại lộ danh vọng ở Hollywood... Đến nay với 71 năm hình thành và phát triển, thương hiệu Zippo đáng giá hàng tỷ USD.
|
|
|
Bộ phận đánh lửa của Zippo có độ bền cao. | |
|
Đáy bật lửa có ký hiệu theo quy ước của nhà sản xuất. | |
|