(VietNamNet) - Sáng 1/7, tại Trung tâm khoa học và văn hóa Nga (501 Kim Mã - Hà Nội) đã diễn ra cuộc Hội thảo khoa học về truyện ngắn và kịch Sêkhốp, nhân kỷ niệm 100 năm ngày mất của ông (1860-2004)
|
Anton Sêkhốp (1860-1904). |
Tại cuộc hội thảo, 7 tham luận của các GS, TS, các nhà nghiên cứu, nhà văn đã đưa ra những cách tiếp cận khác nhau đối với sáng tác của Sêkhốp cũng như đóng góp thêm những tiếng nói trong việc tôn vinh ông là nhà cách tân nền văn học hiện thực cổ điển thế kỷ XIX, mở con đường mới cho văn học, nghệ thuật thế kỷ XX.
Để lý giải vấn đề trên, TS. Đào Tuấn Ảnh đã chọn cho mình một cách tiếp cận mới: xem xét sáng tác của Sêkhốp trong mối liên hệ với những thành tựu của văn hoá, nghệ thuật Nga giai đoạn cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX (tức thời kỳ diễn ra quá trình sáng tác của nhà văn). PGS-TS. Phạm Vĩnh Cư lại chọn cho mình một con đường khác, để chứng minh Sêkhốp là nhà văn xuôi tự sự, nhà viết kịch giàu tính cách tân, ông chia quá trình sáng tác của Sêkhốp làm 5 phần. Phần 1: Thể tài và thể loại trong truyện ngắn Sêkhốp; phần 2: Cảm thức cuộc sống trong truyện và kịch Sêkhốp; phần 3: Cái hài và cái nghiêm; phần 4: Chủ đề và cốt truyện; phần 5: Tác giả, nhân vật và người thưởng thức truyện Sêkhốp.
TS. Đỗ Hải Phong lại có những nhận định khi nói về "lớp nghĩa hàm ẩn", "độ sâu văn bản", "chủ nghĩa tâm lý mạch ngầm", "sự mỉa mai nội tại", "mạch ngầm trữ tình" trong các truyện ngắn và truyện vừa của Sêkhốp. Theo ông Phong mạch ngầm văn bản ẩn hiện dưới điều được kể không chỉ làm tăng dung lượng thông tin, xúc cảm thích ứng với nguyên tắc "kiệm ngôn" cho những tác phẩm văn xuôi "thể loại nhỏ" của nhà văn, nó còn góp phần làm nên diện mạo riêng của Sêkhốp trên văn đàn. Khai thác được mạch ngầm văn bản của Sêkhốp thực chất mới là tìm đến được điều quan trọng nhất trong sáng tác của ông.
Đặc biệt, bài tham luận của PGS-TS. Lê Nguyên Cẩn về vấn đề đưa truyện ngắn "Người trong bao" vào chương trình Văn học nước ngoài lớp 11, sách cải cách có thích hợp hay không? Vì theo ông đây chưa phải là truyện ngắn thuộc loại hay nhất và độc đáo, thể hiện nhiều phong cách truyện ngắn Sêkhốp. Ưu điểm của truyện là dễ đọc, dễ đáp ứng yêu cầu giảm tải đối với học sinh PTTH, song cũng rất khó dạy bởi tác phẩm không được trích trọn vẹn mà chỉ trích một vài đoạn phù hợp với số tiết được giảng. Như vậy sẽ là mất đi ý nghĩa thẩm mỹ của câu chuyện và chủ thể tiếp nhận chính là học sinh. Đây đang là vấn đề bức xúc không chỉ đối với đội ngũ giáo viên mà còn với các nhà nghiên cứu khoa học.
Ngoài ra, một số tham luận của GS. Phong Lê, TS. Lê Huy Bắc, nhà văn Vương Trí Nhàn... đã cho chúng ta thấy một giai đoạn tiếp nhận sáng tác văn học Sêkhốp ở nước ngoài cũng như ở Việt Nam.
Cũng trong buổi hội thảo này, lần đầu tiên 20 truyện ngắn, truyện vừa trong số 1.000 tác phẩm của Sêkhốp như: "Cuộc đấu súng; Cây đàn cho Rosidn; Dọc đường; Một câu chuyện vặt vãnh..." (do TS. Đào Tuấn Ảnh dịch) sẽ được giới thiệu, bổ sung vào những tập truyện ngắn đã từng được dịch trước đây của ông.
Một vài nét tiểu sử về Antôn Sêkhốp |
Antôn Sêkhốp sinh ra và lớn lên trong một gia đình thương nhân cấp thấp tại Thành phố Taganrog, nơi tận cùng của một vùng thảo nguyên trên bờ biển Azốp. Năm 1879, ông tốt nghiệp trường ĐH Tổng hợp khoa Y. Năm 1980, ông bắt đầu tham gia viết báo cho các tờ như: Con chuồn chuồn; Đồng hồ báo thức; Khán giả; Chuyện vặt... với những bút danh nghe rất kỳ dị: Người bẩn tính, Ban-đa-xtốp, Anh của em anh ta, Bác sĩ không có bệnh nhân, An-tôn-xôn, Người không nước mắt...
Tháng 3/1880, lần đầu tiên ông được in hai truyện ngắn trên tờ Con chuồn chuồn: "Bức thư của điền chủ miền sông Đông"; "Người thường gặp nhất trong các truyện ngắn, tiểu thuyết". Bắt đầu từ đây, sự nghiệp sáng tác của ông trở nên lẫy lừng với những tác phẩm sau này quen thuộc với hàng triệu độc giả trên toàn thế giới: "Người đàn bà và con chó nhỏ; Phòng số 6; Người trong bao; Con kỳ nhông; Lão quản Prisưbeep; Một chuyện đùa; Hai kẻ thù; Người đàn bà có căn gác nhỏ...".
Ông mất vào ngày 15/7/1904, hưởng 44 tuổi. |
|