(VietNamNet) - Khi đời văn - đời nguời của một văn nghệ sĩ tạm hoàn thành và giã từ “cõi tạm” thì những kỷ niệm về họ mới được bộc lộ và thể hiện. Nay nhà văn Đoàn Minh Tuấn đã có thể vui vì có cuốn sách đáng đọc này bằng những bài viết điếu văn “sống”.
Đoàn Minh Tuấn – Đời văn đời người là cuốn sách do hai người con ông: Đoàn Tuấn Việt và Đoàn Thị Tuấn Minh thực hiện dày 170 trang, NXB Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh ấn hành tháng 5/2004 bao gồm 24 bài viết nhận định về con người và tác phẩm về nhà văn Đoàn Minh Tuấn. Cuộc đời và tác phẩm của ông có sức ảnh hưởng lớn đến đời văn của nhà thơ Trần Nhật Thu qua Ngòi bút chiến sĩ dắt tôi vào đời: “Tuổi thơ tôi không có mùa hè… Trong lúc bạn bè cùng lứa tuổi vui chơi, về quê nội, quê ngoại, đi thả diều, câu cá… thì tôi phải lao động cật lực, phải đổ mồ hôi…để kiếm tiền. Và lén lút mua cho bằng được ba tập Núi sông hùng vĩ của nhà văn Đoàn Minh Tuấn… Cảm ơn nhà văn Đoàn Minh Tuấn đã dẫn dắt tôi vào đời bằng trang viết của mình”. Cùng những khoảng kỷ niệm đẹp của văn nghệ sĩ đã dành tình cảm trân trọng đối với ông như Đoàn Minh Tuấn – Chơi và viết; Đời người – đời văn; Đi và viết… Và những sáng tác của ông được Giáo sư – Nhà giáo Nhân dân Hoàng Như Mai nhận định: “Đoàn Minh Tuấn đã bắc một nhịp cầu từ quá khứ sang hiện tại, trình bày được mối liên quan mang tính quy luật giữa truyền thống với cách mạng và cho ta thấy được con đường tiến hóa chứa chan hi vọng của dân tộc ta”.
|
Bìa sách: "Đoàn Minh Tuấn - Đời văn đời người. |
Đoàn Minh Tuấn – đời Văn – đời người qua những trang viết và những cây bút tên tuổi nhận định về ông như nhà văn Tô Hoài đề bút về sự “điếu đóm” của nhà văn qua cuốn sách: “Với bác Nguyễn” về bậc thầy Nguyễn Tuân: “Bởi vì cùng với tác dụng giáo dục và thẩm mỹ, giai thoại văn học có giá trị tra cứu, đối chiếu, tìm hiểu vấn đề và con người ấy. Nếu không phân biệt được sáng tác với giai thoại thì nhiệm vụ cực kỳ quan trọng của ký và sự, của giai thoại bị lạc mất hết ý nghĩa. Những giai thoại của Đoàn Minh Tuấn viết về Nguyễn Tuân cho thấy đươc cách viết giai thoại chân thực, tình cảm đẹp của nhà văn với người bạn vong niên tiền bối thân quý”. Riêng nhà thơ quá cố Bế Kiến Quốc thì: “Nhà văn Đoàn Minh Tuấn đã sử dụng lối văn thuật chuyện giản dị, trung thực. Đồng thời nhà văn đã sử chịn lọc những chi tiết sinh động, xác thực trong khi thuật chuyện. Chính nhờ vậy, có những có những chuyện lạ ta đã nghe, đã biết, nhưng khi đọc trong sách vẫn cuốn hút lạ thường”. Cùng những kỷ niệm về nhà văn Đoàn Minh Tuấn còn có những bài viết của nhà văn Phạm Tường Hạnh, Lê Thành Chơn, Phan Quang… cùng các nhà báo, nhà nghiên cứu văn học Trần Đình Việt, Tảo Trang, Nguyễn Thành, Nguyễn Tý, Lưu Ý Nhi… Trong đó có “Bài phát biểu tại buổi mừng sinh nhật 15/6” của hai người con ông là Đoàn Tuấn Việt và Đoàn Tuấn Anh: “Cả một đời ba chúng tôi say mê viết lách, nhưng chiến tranh ái quốc, ba phải cầm súng xếp bút nghiên… Ba đi, đọc và viết… Ba làm việc như con sư tử - có thể cùng lúc nghe đài, xem tivi, và viết… 70 mùa hè chói lọi của một đời, chưa ngày nào ba tôi được hạnh phúc và vui như hôm nay. Hai lần trong một đời người gãy gánh, chúng tôi thương ba vô vàn, mong những ngày cuối ba được mạnh khỏe, yên vui, chúng tôi dù đi làm ăn xa, vẫn hướng về ba và gia đình với niềm vui đất nước được thanh bình, gia đình đoàn tụ… Học tập ba, chúng tôi nguyện làm tốt nhiệm vụ công dân để ba yên lòng (15/6/2003)”. Hiểu rõ ông hơn qua lời cảm nhận của nhà văn Nguyễn Gia Nùng: “Bước chân của anh ngoài hai lần vượt Trường Sơn, đã từng in dấu vết hết 61 tỉnh, thành trong cả nước và hơn 20 quốc gia trên thế giới. Sau những chuyến đi như vậy, anh thường có những bài bút ký, ghi chép đầy hấp dẫn có giá trị văn học sử”.
“Thất thập cổ lai hy” với 72 tuổi đời làm điều văn “sống” cho mình - có lẽ còn sớm chăng nhưng những chân tình qua cuốn sách này cũng đủ để nói lên thiên chức nhà văn mà ông tạm hoàn thành.
|