(VietNamNet) - Chưa bao giờ ở Việt Nam các tác phẩm văn học dịch lại xuất hiện tràn lan và mắc nhiều lỗi đến thế. Đây chính là nguyên nhân của sự lo lắng, thậm chí là bực tức, xấu hổ của không ít các dịch giả và bạn đọc nghiêm túc. VietNamNet đã có cuộc trao đổi với dịch giả Đoàn Tử Huyến, PGĐ Trung tâm Ngôn ngữ Đông Tây, Chủ tịch Hội đồng khoa học về vấn đề này.
|
Dịch giả Đoàn Tử Huyến. | |
|
- Trong thời gian qua không chỉ người đọc mà ngay cả trong giới dịch thuật cũng "chau mày" trước nạn "đạo văn dịch" cùng vô số những sai sót không có đáng có. Theo ông những lỗi đó do đâu: người dịch, biên tập hay xuất bản?
- Do cả ba nhưng quan trọng hơn cả vẫn là khâu tổ chức, một xã hội xấu hay tốt phụ thuộc nhiều vào tổ chức. Tình hình văn học dịch hiện nay cũng vậy thôi, vì không có một tổ chức nào đứng ra quản lý nên thiếu định hướng và đường lối văn hóa để có được nhiều sách hay, sách tốt phục vụ người đọc. Một lỗi nữa khiến tình hình văn học dịch hiện nay tùy tiện, bát nháo do không có kinh phí. Theo tôi được biết, chưa có bất kỳ một NXB nào được Nhà nước đầu tư kinh phí cho văn học dịch, có thể do quan niệm sách dịch không thể bằng sách trong nước chăng? (trong khi một số tác phẩm trong nước đã từng được Nhà nước tài trợ như tuyển tập Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng...). Song có một thực tế nếu sách dịch không được tài trợ sẽ không có những tác phẩm lớn, tác phẩm hay và được dịch một cách chuẩn xác. Đáng lẽ, Nhà nước phải có kế hoạch, phải có quỹ nhất định nào đấy để tài trợ cho văn học dịch cũng như phải lập ra một tổ chức để thực hiện nó. Vì vai trò của các NXB hiện nay là in ra sách thì việc xuất bản rất yếu, không những thế còn yếu cả đội ngũ biên tập, nhiều người không hề biết ngoại ngữ nhưng vẫn biên tập sách dịch. Trước đây, chúng tôi biên tập sách dịch rất kỹ lưỡng, phải đếm từng chữ một, nên một năm chỉ được vài ba cuốn, còn bây giờ một năm họ có thể biên tập mấy chục cuốn. Và những chủ trương, đường lối, cách thức để có được sách dịch.
|
Sách mới xuất bản của Trung tâm. |
- Chính kinh phí và người dịch là hai nguyên nhân dẫn đến tình trạng văn học dịch tùy tiện và ẩu như hiện nay, thưa ông?
- Đấy là hai nguyên nhân trực tiếp, còn sâu xa chính là những quan điểm xã hội. Tôi đưa ra một ví dụ nếu mức thù lao trả cho người dịch thỏa đáng thì không có lý do gì khiến họ dịch ẩu được. Tính "ẩu" sẽ nổi lên nếu một cuốn sách được dịch công phu năm bảy lần mà thù lao được trả cũng chỉ bằng một lần.
Thêm một nguyên nhân liên quan đến kinh phí chính là bản quyền. Việt Nam đã ký bản quyền với một số nước như Mỹ, Thụy Sĩ... nghĩa là bây giờ phải có bản quyền thì mới được dịch và in, nhưng vấn đề đặt ra là người dịch làm sao biết được bản quyền đó nằm ở đâu, tác giả như thế nào, và làm thế nào để liên hệ được với người ta rồi viết một lá thư đúng cung cách cho người nước ngoài, tạo dựng mối quan hệ... Do đó, chúng tôi cần có một tổ chức, một cơ quan Nhà nước đứng ra liên hệ mua, xin rồi bán hoặc phân phát cho các NXB, nếu không đến một lúc nào đấy, Việt Nam sẽ không có sách dịch hay để đọc, và đấy sẽ là một thiệt thòi rất lớn. Nói vậy không có nghĩa là không có dịch giả nào mua được bản quyền, nhưng đấy là những người có điều kiện, có quan hệ và khi ấy khó có thể cấm họ chạy theo thị trường dịch những tác phẩm bán chạy để có lãi được.
- Vừa qua, một số tác phẩm dịch ẩu của Vũ Công Hoan và Ông Văn Tùng như: Phế đô (Giả Bình Ao); Người đẹp tặng ta thuốc bùa mê (Vương Sóc-Lão Hiệp)... đã gây lên không ít "bức xúc" đối với giới dịch thuật. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
|
Một cuốn sách vừa ra mắt bạn đọc của Trung tâm Ngôn ngữ Đông Tây. |
- Đây chính là "con sâu bỏ rầu nồi canh" và việc một số người dịch đã ẩu nhưng ngày càng ẩu hơn còn có sự góp phần của chính báo chí, vì nhiều khi báo chí cứ lên tiếng ca ngợi những tác phẩm dịch của họ ví dụ như một năm ra nhiều đầu sách... nhưng đồng nghĩa với nhiều chính là ẩu và tệ hại hơn nữa là tạo ra thói quen làm ẩu. Đã có trường hợp nhiều dịch giả đáng lẽ không được giải thưởng do dịch ẩu nhưng BCH vẫn trao giải cho họ (trong khi Hội đồng Văn học dịch không đề nghị trao giải!). Theo tôi, các NXB nên tinh tường trong việc chọn lựa các tác phẩm hay, có chất lượng cũng như một số báo chí hãy chỉ trích đích danh những tác phẩm làm ẩu để bản thân người dịch ẩu cảm thấy xấu hổ. Còn chuyện kết nạp hội viên nữa chứ, nhiều người đáng được kết nạp thì lại không được kết nạp (như dịch giả Ngô Đức Thọ, Hoàng Hữu Đản...), còn nhiều người không đáng được kết nạp thì được kết nạp (như Đào Kim Hoa...), Hội đồng Văn học dịch chúng tôi chỉ được nêu ý kiến còn quyết định là do Ban chấp hành.
- Xin cám ơn ông!
|