Khoái khẩu… chuột đồng
11:32' 23/04/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Thị trường TP.HCM có khá nhiều quán bán món thịt chuột đồng, và nguồn cung cấp chủ yếu từ Đồng Tháp – nhất là vào những mùa lúa…

 

Chuột đồng về phố

 

Bắt chuột...

Bắt được con chuột không khó lắm ở các ruộng đồng ngoại ô thành phố hay những vùng đồng bằng. Nhưng cái chính là phải bắt sống, chuyển về thành phố, nuôi và chế biến món ăn.

 

Bắt chuột đồng thường có 3 cách: đặt bẫy lồng lúc lúa đang trổ, chọn lối chuột hay đi để đặt bẫy. Dùng mồi thực vật lạ so với lúa như khoai mì, khoai lang, v.v… nướng lên cho tỏa mùi thơm, rồi đặt mồi trong bẫy lồng nằm trên mặt nước (nếu ruộng còn nước). Không đặt mồi những động vật lạ, vì chuột đồng khá “tinh khôn”, thấy mồi ngon mà không quen thuộc là chúng không “đớp”! (Bằng không thì dùng mồi là những con ếch hoặc nhái chết, đặt nằm ngang mặt nước). Chiều tối đi bẫy thì mờ sáng có thể “thu hoạch”. Đặt bẫy cách này thường bắt được chuột lớn cỡ một cân 3 – 4 con.

 

Với cách “bẫy sinh học” thì công phu hơn: trước ngày sạ lúa, chọn vài khoảnh đất trống chừng 5mx5m, làm đất kỹ, cấy loại lúa nếp thơm xuống; chung quanh những khoảnh đất đó rào lại bằng mành mành. Bốn góc trổ 4 cửa và phía trong đặt 4 cái lồng làm hom ngược, chuột vào không thể chạy ra được. Đến khi lúa trổ thì nếp thơm đã chín trước, chuột nghe mùi lúa thơm quyến rũ tìm vào các cửa rào và mắc bẫy. Bắt cách này sẽ được cả “gia đình” nhà chuột, cũng như bảo vệ được lúa. Nhưng phải thu gom ngay, bởi nếu để qua ngày sau, thiếu thức ăn và chuột cắn lẫn nhau, “sứt mẻ”, mất ngon…

 

“Món” chuột

 

... "món" chuột sau khi chế biến

Thường các loài động vật “hoang dã” như con dông, thằn lằn núi, chim hay chuột thì người chế biến không bao giờ dùng nước để rửa, (nếu có thì chỉ rửa con vật trước khi làm thịt, cạo lông). Ban đầu thui cho sạch lông, cạo và mổ loại bỏ toàn bộ lòng, đầu, những bộ phận nhỏ, rồi ướp. Do vậy người chế biến phải thật khéo tay, nhất là ở khâu… mổ.

 

Thịt chuột đồng có thể chế biến thành 4 món khác nhau: nướng, rô-ti, xào với củ hành và bằm xúc bánh tráng. Riêng món nướng, có nơi nướng ngũ vị, có nơi chỉ thuần ướp với muối ớt rồi đem nướng; mùi thơm khi nướng xông lên, chẳng thua kém gì các loại thịt khác.

 

Có những quán trương bảng “Chuột đồng Đồng Tháp”, phía dưới là cái lò than lớn, những vỉ kẹp hoặc cái xiên xâu thịt chuột, quay trên ngọn lửa hồng trông thật hấp dẫn và bắt mắt. Thịt chuột có thể ăn với sà lách xoong, cà chua hay hành tây, hành lá với giá từ 10.000 – 20.000 đồng/con, tùy món.

 

“Thử” chuột

 

Có 3 loại “thử” chính là: “thử” đồng, “thử” đất“thử” đũi. Trong 3 loại này thì “thử” đũi cho thịt ngon nhất. Mỗi con to gấp 2 lần “thử” đất và gấp 4 – 5 lần “thử” đồng, gần bằng con mèo choai.

 

Xiên chuột chuẩn bị... thui

“Thử” xương mềm, thịt trắng, thơm như thịt gà. Để làm thịt được một chú “thử” cũng là công đoạn đòi hỏi kỹ thuật chế biến cao. Trước tiên, phải chuẩn bị một nồi nước sôi có hòa lẫn với vôi (loài nhỏ như “thử” đồng thì đập chết, loài đất hoặc đũi to hơn, phải cắt tiết thì thịt mới trắng và thơm). Sau đó cho “thử” vào nước nóng cạo sạch lông, mổ bụng vứt bỏ “lục phủ ngũ tạng”, rửa sạch và chế biến.

 

Thịt “thử” được chế biến thành nhiều món khác nhau, nhưng phổ biến nhất vẫn là… “thử” luộc. Thịt luộc xong phải ướp bằng lá chanh khoảng vài tiếng đồng hồ. Khi ăn thì chặt bỏ thủ, bỏ cẳng rồi chấm với muối tiêu, chanh ớt. Muốn cầu kỳ và ngon hơn nữa thì có thể đặt lá chuối lên tấm ván cho “thử” vào ép chặt (giống như ép bánh chưng) khoảng một buổi. Lúc đó thịt sẽ chắc lại và ăn ngon hơn.

 

Món “thử” nấu giả cầy cũng rất hay, được nhiều người thưởng thức, vì nó dễ làm, dễ ăn. Công đoạn chế biến chẳng khác gì so với làm bằng thịt lợn, thịt cầy. Chả “thử” là món mà giới bợm nhậu cũng rất thích. Thịt “thử” được làm sạch và nhúng qua nước sôi, sau đó băm nhỏ cả xương (vì xương “thử” rất mềm). Trước khi cho vào vỉ nướng hoặc rán, thịt phải được ướp đẫm gia vị, chanh, răm, ớt, nghệ, mì chính.

 

Đặc biệt, bên cạnh đó, còn có 2 món thịt “thử”, có thể làm để ăn dần. Thứ nhất là món giò “thử”. Thịt được làm sạch, bỏ thủ, cẳng, ướp gia vị, lá chanh, tiêu muối, rồi thái hạt lựu trộn với mộc nhĩ, nấm hương bó chặt vào ống tre luộc lên và để ăn dần. Thứ hai là món “thử” nấu đông. Do thịt “thử” béo nên nấu đông rất nhanh đặc, lúc ăn lại giòn. Thịt thái miếng vừa phải, nên thêm gia vị và nấu kỹ cùng với bì lợn, mộc nhĩ, nấm hương…

  • Bài và ảnh: S.Nguyễn – T.Phong – D.Đức
Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Cùng hưởng ứng "Ngày đọc sách thế giới" (23/04/2004)
Hội Âm nhạc TP.HCM kỷ niệm 30/4 bằng hai album mới (23/04/2004)
Hoa loa kèn - Tháng 4 Hà Nội! (21/04/2004)
"X-Men 2" khởi chiếu từ 23/4 tại TP.HCM (20/04/2004)
Tết Hàn thực - "nhớ" bánh trôi bánh chay! (20/04/2004)
Tháng ẩm thực châu Âu tại TP.HCM (16/04/2004)
Điện Biên Phủ - chương trình nghệ thuật hoành tráng (16/04/2004)
Khi đồ vật lên tiếng... (15/04/2004)
Bản thảo Hamlet của Shakespeare "ế khách" (15/04/2004)
Món Huế giữa Sài Gòn (15/04/2004)
"Tìm được" cá Nemo tại Việt Nam! (14/04/2004)
Giọt cà phê và tiếng chim ríu rít! (13/04/2004)
Quách Tấn và hồi ức về những người một thời vang bóng (12/04/2004)
"Chuyến bay sinh tử": Kẻ bắt bão! (12/04/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang